Dưới vẻ ngoài có phần bất cần, ngang tàng, Wowy là một người đàn ông ấm áp, sâu sắc và nhiều suy tư về xã hội, con người, nghệ thuật…
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo ở quận 5, thành phố Hồ Chí Minh, Wowy được mệnh danh là “Lão Đại” của giới rap Việt. Anh cũng là một trong những nghệ sĩ tiên phong cho dòng nhạc rap ở miền Nam. Anh đã chia sẻ với Men&life nhiều suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống, sự nghiệp và dự án trong tương lai.
Là một huấn luyện viên của Rap Việt, anh đánh giá các rapper trẻ trong chương trình như thế nào?
Trong quá trình tham gia Rap Việt, tôi có một nhận định là các bạn rapper trẻ cần phải tiếp nạp thêm kiến thức. Bởi vì các bạn đang làm nghệ thuật, kiến thức đối với các bạn rất là quan trọng và chúng ta phải hiểu được vấn đề mình đang làm. Chẳng hạn khi tôi có đề cập về vấn đề bảo vệ môi trường, hầu hết tất cả các bạn rapper đều cho rằng chuyện này không bức bách, không cần thiết. Nếu vấn đề này không gay gắt thì vấn đề nào gay gắt? Rồi sau đó các bạn lại khóc thương cho một miền Trung bão lũ. Các bạn có biết nguyên nhân của bão lũ từ đâu ra? Các bạn có biết cái sự nguy cấp của vấn đề này không?
Cũng như chuyện đấu tranh cho nữ quyền. Tại sao không đấu tranh cho nữ quyền? Tôi nhìn thấy ngoài đường phố có rất nhiều chị phụ nữ phải chạy xe máy dưới cái nắng đi làm mỗi ngày. Là đàn ông, bản thân tôi còn cảm thấy mệt mỏi nữa, huống chi là những người phụ nữ. Thậm chí, có những người đang mang bầu, họ vẫn phải đi làm buổi sáng, tới buổi chiều về nhà họ vẫn phải làm việc nhà. Mọi người không thấy đó là vấn đề đang xảy ra ở hiện tại sao? Cho nên, tôi nghĩ là các bạn trẻ phải thu nạp thêm kiến thức để mình biết mình đang nói cái gì, để biết là những vấn đề này nghiêm trọng như thế nào và để mình có thể cùng nhau giải quyết.
Có khi nào anh cảm thấy chán ghét hay chán nản trước thực tế này?
Tôi cho rằng các bạn có thể học hỏi thêm nếu như các bạn mong muốn. Và tôi cũng hy vọng là qua chương trình, các bạn có thể thấy được những điểm lạ và tìm hiểu tại sao có những vấn đề như vậy. Sự học hỏi rất quan trọng. Khi bạn ở tầm tuổi mười mấy, hai mấy, việc học hỏi rất mãnh liệt nhưng khi càng lớn tuổi, con người ta dường như bằng lòng với tất cả những gì mình đang có mà không học hỏi nữa. Đó là một điều đáng tiếc. Thật sự tôi cũng không chán ghét các bạn đâu, bởi vì các bạn là thành viên của Rap Việt, các bạn đang chơi cái “game” mà tôi cũng đang chơi. Nếu tôi chán ghét các bạn, lúc nào cũng phải nhìn mặt người ghét, như vậy mình cũng đáng ghét lắm. (cười)
Wowy quan niệm thế nào về tiền bạc?
Thực sự tiền luôn luôn ở vị trí số 1. Các bạn sinh viên từng hỏi vì sao tôi tham gia Rap Việt, tôi cũng trả lời thắng thắn luôn là vì tiền. Tiền ở vị trí số 1, sau đó mới nói đến đam mê, giữ lửa. Vì trước tiên phải có tiền, chúng ta mới có thể trang trải cho cuộc sống của mình. Khi cơ thể và tinh thần bản thân thoải mái, sự thoải mái của mình mới lan tỏa đến người khác, mình mới có thể chia sẻ yêu thương đến người khác. Tương lai, tôi vẫn muốn có cho bản thân và gia đình một mái ấm an toàn. Tôi không có suy nghĩ sẽ ngừng nghỉ mà vẫn phải tiếp tục chạy. Đó nguồn động lực cho tất cả đàn ông và phụ nữ trên thế giới này. Tôi sẽ làm mọi thứ để trả hóa đơn, mua váy cho vợ, mua bánh cho con...
Thế còn sự nổi tiếng. Nó có ý nghĩa gì đối với anh?
Tôi từng trả lời phóng viên rằng thời điểm này là lúc nhân vật Wowy được ban phước. Nó phục vụ rất tốt cho công việc của tôi. Nó giúp cho tôi không nhất thiết phải chứng minh nhiều với khách hàng Wowy là ai, Wowy có thể làm được gì. Bởi vì họ cũng đã biết khả năng của tôi...
Nghĩa là profile của anh đầy đặn hơn?
Thực sự là profile của tôi đã đầy đặn từ trước rồi. Ở Việt Nam, tôi thấy mọi người khá quan tâm đến vấn đề cuộc sống của ngôi sao, hành vi ứng xử của họ, chứ những yếu tố khoa học kỹ thuật, nghệ thuật vẫn còn xa lạ và mới mẻ, không được quan tâm lắm. Nếu tôi nói tôi làm nghệ thuật, có lẽ mọi người cũng không biết tôi làm gì, có đáng quan tâm hay không. Từ năm 2006, tôi đã bắt đầu thực hiện những tác phẩm nghệ thuật mang tính quốc tế, kết hợp với nghệ sĩ đương đại thế giới là Tuấn Andrew. Tác phẩm của tôi được đặt tại những bảo tàng lớn ở Pháp, Nhật, Trung Quốc…
Và thực sự, Wowy đã nổi tiếng từ năm 2010. Khi mà internet còn chưa phổ biến, các bạn trẻ khắp nơi, từ Bắc chí Nam, đều biết đến tên của tôi. Tôi cảm thấy sự nổi tiếng giống như mặt trăng, lên rồi xuống, hay cũng như đóa hoa, mọc rồi lại tàn thôi. Nếu như mình cứ bám víu vào danh tiếng đó, lúc nào cũng muốn được nổi tiếng, điều đó sẽ vô hình chung tạo một phiên bản Wowy sống rất bề ngoài và không thật với bản thân mình. Con đường đó là sai với những người nghệ sĩ ở Việt Nam vì nó sẽ dẫn theo một cái thế hệ trẻ - những người chỉ biết làm hết tất cả những gì trong khả năng của họ - chỉ để được nổi tiếng. Một người nghệ sĩ cần phải có những sản phẩm mang giá trị cao hơn. Tóm lại, tôi nghĩ rằng sự nổi tiếng chỉ là thời điểm thôi. Và tôi rất biết ơn khi vào thời điểm đó, tôi có được sự nổi tiếng và tôi cũng biết là nó sẽ đi xuống.
Sự nổi tiếng giống như mặt trăng, lên rồi xuống, hay cũng như đóa hoa, mọc rồi lại tàn thôi. Nếu như mình cứ bám víu vào danh tiếng đó, vô hình trung tạo một phiên bản Wowy sống rất bề ngoài và không thật với bản thân mình.
Ngôn từ trong rap của Wowy được nhận xét là gần gũi, đời thường và được giới lao động yêu thích. Điều này là chủ ý của anh?
Nhạc rap, đó là cảm xúc của mình đưa ra. Phù hợp hay không phù hợp với người nghe, điều đó là khả năng sinh tồn của bài nhạc. Tôi không làm nhạc để giải trí hay là để thu hút một lượng fan đông đảo. Nó không phải là mục đích của tôi. Tôi làm nhạc để cho những người cần nhạc của tôi nghe.
Có một thời điểm, người ta nói nhạc của tôi làm ra là những người mà khi tôi đi tới bất kỳ chỗ nào, người chào tôi, người biết tôi, người thích tôi là anh bảo vệ, là người mở cửa khách sạn, là nhân viên phục vụ nhà hàng, là người quét rác trên đường phố, là nhân viên bán hàng... Nói chung là tầng lớp lao động. Còn những người chủ, người quản lý trở lên... họ không biết. Bạn tôi hỏi tại sao như vậy, tôi nghĩ là có thể nhạc tôi làm ra để phục vụ cho những người này vì họ cần sự động viên, cần một người cùng họ chạy trên quãng đường. Điều này rất là quan trọng đó. Vì vậy, bản thân tôi cũng cần phải cố gắng, vẫn còn phải chạy, vẫn còn phải học.
Bài hát “Người số một” rất ấn tượng với những câu từ như “Sống chưa bao giờ biết nghĩ cho riêng bản thân mình / Một tay làm tất cả việc nặng nhẹ trong gia đình / Luôn chịu đựng mọi sức ép trong buồn tủi, lặng thinh”. “Người số một” đó có phải là mẹ của anh?
Tôi viết bài đó cho mẹ của tôi. Mẹ nghe bài đó xong, mẹ khóc. Từ ngày hôm đó trở đi, tôi nói với bản thân là sẽ không biểu diễn bài đó một lần nào nữa.
Mẹ anh là người phụ nữ như thế nào?
Mẹ tôi là phụ nữ nhưng bà rất là mạnh mẽ, luôn nhún nhường và chăm chỉ làm việc. Dù hoàn cảnh có khó khăn nhưng mẹ tôi vẫn luôn giữ vững tinh thần. Mẹ thường nói là cho dù trong bất cứ trường hợp nào hãy cố gắng giữ tinh thần, cố gắng thay đổi cuộc sống của mình, không được buông xuôi. Mẹ tôi rất nghị lực, bà luôn luôn dặn tôi như vậy. Mẹ nói khi lớn tuổi, mẹ cũng muốn đi làm để không lệ thuộc vào ai. Trước đây, bà hay lo lắng không biết con mình lớn lên làm gì. Giờ bà đã thấy tôi mua xe hơi. Tôi nói với mẹ: “Giờ dù con làm gì, con cũng không thể nào chết đói được, bởi vì con biết lái xe hơi, nên con có thể chạy taxi.”
Ở điểm thành công không có kẻ nào sợ, hay ghét mà chỉ có kẻ mạnh thôi. Mình phải mạnh ở bên trong để không sợ hay ghét những gì đến với cuộc đời mình.
Anh thấy được điều gì từ hoàn cảnh gia đình mình và thực tế xã hội?
Tôi thấy nhiều đàn ông Việt Nam có một đặc điểm là cái tôi của họ rất cao, nhưng họ lại không hiểu rằng người phụ nữ mới là người nắm giữ quyền lực. Người phụ nữ rất thông minh và họ rất tỉnh táo trong mọi tình huống. Đàn ông hơi “ngu” hơn một chút, họ có thể vướng vào những rắc rối mà nó có thể hủy hoại bản thân. Đàn ông cũng có rất là nhiều điểm yếu. Họ thích chiếc xe này, thích đôi giày kia, chơi cái này, chơi cái kia và dễ bị rơi vô tay người phụ nữ khác... Điều này ảnh hưởng đến cả quá trình mà hai người đã gầy dựng nên. Không chỉ có cái tôi rất cao, thậm chí, tôi còn thấy trong các video clip, người đàn ông sẵn sàng bay đá vô mặt vợ của mình, mặc dù cô ấy đang ẵm con. Chuyện đó rất tệ và tôi không muốn những trường hợp đó tiếp tục xảy ra.
Anh nghĩ rằng chúng ta cần làm gì để thay đổi những suy nghĩ cũ, những thành kiến đã ăn sâu trong suy nghĩ nhiều người?
Chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi thứ ập tới nhanh quá, người ta sẽ không kịp thích nghi. Tôi nghĩ ở thời điểm này, chúng ta phải tập tính kiên nhẫn, biết học hỏi, tiếp thu kiến thức và tích lũy cho mình một số vốn kha khá để có thể cởi mở trái tim của mình mà không bận tâm lo lắng nhiều thứ. Vì khi càng lo lắng, mình càng phải gồng. Gồng càng cứng, càng khó mở ra.
Trước đây, khi còn nhỏ, tôi rất có thành kiến với những người giàu vì mình nghèo mà. Sau đó, tôi quen với một người bạn nhà giàu. Tôi nói với anh ấy là trước đây tôi có thành kiến với anh, nhưng qua tiếp xúc tôi thấy anh rất là hay, rất là tuyệt vời. Sau khi tôi tâm sự, anh ấy bảo tôi đừng có thành kiến với người nhà giàu, bởi vì tôi ghét cái gì, cái đó sẽ không có tới; tôi phải thích, nó mới tới. Bởi lẽ, khi bạn không thích nó, bạn không bao giờ nhìn nó, không bao giờ chọn nó, không bao giờ có suy nghĩ về nó trong đầu. Từ đó trở đi, cái nào tôi cũng thích. Tôi thích thể thao, tôi thích xe cộ, tôi thích thời trang. Tôi thấy nó đến với mình, tôi cảm thấy rất vui, hào sảng và cởi mở. Khi cuộc sống tôi hào sảng hơn, tôi mới có tiền để giúp những người nghèo khổ. Chứ nếu họ khổ, mình cũng khổ, rồi mình ngồi than khổ với nhau, hai người sẽ nghèo luôn.
Có vẻ anh đã nhận ra một chân lý?
Kể từ cái thời điểm đó trở đi, suy nghĩ của tôi mở rộng ra, không có kẻ thù địch ở xung quanh, không có người mà tôi cảm thấy đáng ghét. Tôi đâu có ghét ai nữa đâu mà người ta ghét mình! Biết được điều đó xong, tôi như ngộ ra một chân lý rất là lớn. Điều gì cảm thấy không được, mình không tham gia, cái nào cảm thấy lạ quá muốn học thì học tiếp.
Tôi đi ra thế giới, ở đó cũng toàn những người muốn học hỏi. Khi mình có cơ hội gặp gỡ và có đủ tự tin, đủ tham vọng để tiếp xúc với họ, mình được lan truyền năng lượng tốt đẹp và tích cực. Tôi học hỏi rất nhiều điều, và tôi mới biết là ở điểm thành công không hề có kẻ nào sợ, hay ghét mà chỉ có kẻ mạnh thôi. Mình muốn được ở đó, mình phải mạnh ở bên trong để không có sợ hay ghét những gì đến với cuộc đời mình. Có rất nhiều tiêu cực có thể sẽ xảy ra, nhưng mà thôi, tiêu cực tôi không chơi. Nhờ vậy, cuộc sống tôi thay đổi từ từ. Đây là điều tôi rất muốn nói cho các bạn trẻ đang gặp những cảnh khó khăn, chật vật ở ngoài kia.
Vậy hành trình hiện thời của anh là gì?
Tôi muốn giúp những đứa trẻ đường phố. Tôi cố giải thích cho tụi nó hiểu, mua sắm cho tụi nó, dắt tụi nó đi ăn rồi nói: “Ê, có tổ chức này nè, tụi em đang sống ngoài đường, làm nghề phun lửa, hãy vô đây học nghề đi. Có rất nhiều người học ở đây trở thành chủ nhà hàng, chủ khách sạn… mà những bạn đó đều xuất thân từ đường phố. Em vô học đi, đừng có lo chuyện không vô được, bạn của anh là chủ tịch của tổ chức đó.” Nhưng không phải ai cũng muốn thay đổi cuộc sống. Điều đó rất là khó, nhưng mà tôi vẫn phải cố làm. Và đó là hành trình hiện thời của tôi.
Tôi đang mưu cầu một cuộc sống an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Nếu tôi may mắn, tôi có thể phát triển được sự nghiệp của mình. Nếu may mắn hơn nữa, tôi hy vọng mình có thể giúp được những người khác.
Anh có kế hoạch cụ thể hơn?
Tôi chỉ có thể chia sẻ là tôi tham gia show truyền hình, làm nhạc, làm album vậy thôi. Đó là chuyện gần nhất mà tôi có thể làm được và mọi người có thể thấy được. Tôi vừa tham gia chương trình Siêu Trí Tuệ. Tôi nhìn thấy một thực tế là những người chơi có trí tuệ cực kỳ siêu phàm nhưng họ không khoe khoang, họ cũng vẫn phải tiếp tục mưu sinh mỗi ngày ở bên ngoài và không có fan tới trường quay. Tôi cũng thấy được cái mà mọi người quan tâm là những thứ mang tính giải trí như âm nhạc. Cho nên, tôi nghĩ là điều gần nhất là mình có thể làm lồng ghép vào âm nhạc những thông điệp.
Ví dụ như bài hát “Chim sẻ và Dâu tây”, đó là về sự tự hào, về sự cố gắng để được bay: “Dâu có biết gì không khi mà con chim bay qua / Đó là niềm kiêu hãnh, hoặc là rơi hoặc là bay xa / Quá điên khi Sẻ tin vào điều đó / Phó thác cuộc đời chim vào chiều gió / Lông lung lay như chiếc lá, rìa thân cây rơi xuống / Và lòng tự tôn đã vỡ nát, như con voi mất chiếc ngà.” Bài hát là về môi trường, về con chim, về cái cây. Con voi mất chiếc ngà là sự đau khổ, sự thất vọng. Những điều tốt đẹp đã chết đi giống như một thiên sứ rơi từ trên trời xuống. Nhưng mọi người không nhìn thấy điều đó mà chỉ thấy quỷ satan ở địa ngục.
Tôi nghĩ là mọi người nên bắt đầu quan tâm đến xã hội mình đang sống. Tôi cũng đang tập và trong quá trình thực hiện nó. Tôi đã lồng ghép thông điệp vào “Chim sẻ và Dâu tây” và hy vọng là người nghe nếu để ý, họ sẽ hiểu điều mà tôi suy nghĩ, điều tôi muốn làm. Còn nếu không, tôi hy vọng trong quá trình cố gắng này, sự thành công sẽ đền đáp bằng cách tôi có kinh phí để tôi tự mình làm chuyện đó
Còn với những bạn trẻ yêu rap nhưng hoàn cảnh không thuận lợi, anh có thể hỗ trợ họ bằng cách nào?
Với rap, tôi có cái để nói với các bạn và hỗ trợ bằng cách giúp các bạn có thể phát triển. Khi các bạn phát triển, tỷ lệ thanh niên nghèo khổ rơi vào đường cùng hay những vấn đề của xã hội cũng giảm. Khi các bạn thành công, đó cũng là nguồn cảm hứng cho những bạn thanh niên khác. Khi thấy các bạn từ những bàn tay trắng đi lên có thể làm được, họ cũng sẽ quyết tâm làm. Cũng giống như với Dế Choắt, một người từng đi bụi, bốc vác... có thể làm được, tại sao tôi lại không làm được? Thà là ngồi trong phòng viết nhạc còn đỡ hơn là ngồi trong tù viết thư.
Cảm ơn Wowy và chúc anh sẽ gặp nhiều may mắn và thực hiện được những gì anh mong mỏi!
Thực hiện: Thanh Quân
Men&life
Bình Luận