20 năm làm việc trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ, Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Viết Trí đã tạo nên diện mạo mới cho hàng ngàn khách hàng. Ông sẽ chia sẻ quan điểm về công việc và những hoạt động vì cộng đồng của mình.
Là một trong những chuyên gia uy tín trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) với 20 năm kinh nghiệm, ThS. - BS. Lê Viết Trí đã sống, theo đuổi nghề nghiệp bằng niềm đam mê và cả trái tim giàu lòng yêu thương. Ông chia sẻ vui rằng: “Từ khi làm bác sĩ thẩm mỹ, tôi có nhiều đêm mất ngủ lắm. Mất ngủ vì suy nghĩ phương án phẫu thuật sao cho tốt nhất khi tiếp nhận một ca khó. Mất ngủ vì vui sau một ca phẫu thuật nhìn thấy giọt nước mắt hạnh phúc của khách hàng”. Với ông, niềm vui của một bác sĩ thẩm mỹ đơn giản lắm, đó là nhìn thấy khách hàng của mình hài lòng và hạnh phúc sau phẫu thuật. Bác sĩ hào hứng chia sẻ nhiều khía cạnh khác trong công việc của ông.
Bàn tay tài hoa & y đức làm nghề
Là một người dày dặn kinh nghiệm trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ, theo ông, một bác sĩ thẩm mỹ cần có những tố chất gì?
Bác sĩ vốn là người có năng lực, được tuyển chọn và đào tạo riêng biệt trong một thời gian dài nhưng bác sĩ thẩm mỹ còn cần phải có năng khiếu. Theo cá nhân tôi, PTTM là sự kết hợp giữa khoa học y khoa và nghệ thuật. Một bác sĩ thẩm mỹ cần cảm nhận được cái đẹp, có đôi bàn tay tài hoa để đem đến vẻ đẹp mới hoàn mỹ cho khách hàng.
Giỏi, tài hoa là chưa đủ, bác sĩ thẩm mỹ còn cần phải có “tâm”. Bởi “sản phẩm” mà họ làm ra ảnh hưởng trực tiếp trên thân xác, tinh thần của cả một con người. Nếu đã theo nghề cần học hành đàng hoàng để có kỹ năng tốt, cần trung thực trong khi hành nghề và nhất là đừng đánh mất cái tâm, y đức của người làm nghề y.
Phẫu thuật thẩm mỹ được xem là một trong những nghề “hot” nhất hiện nay, bác sĩ nghĩ gì về điều này?
Ngành PTTM Việt Nam những năm gần đây phát triển rất nhanh. Nhưng chuyên ngành này rất kén bác sĩ, không phải ai cũng có thể làm được. Xu hướng, kỹ thuật thẩm mỹ thay đổi theo từng năm và khác nhau từng khách hàng, không thể có một công thức chung đem áp dụng cho tất cả các trường hợp. Bác sĩ thẩm mỹ phải không ngừng học hỏi, đổi mới, nâng cao kiến thức.
Được biết bản thân bác sĩ và viện thẩm mỹ JK Nhật Hàn - nơi ông làm việc, đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp mũi thẩm mỹ hỏng, bác sĩ có thể chia sẻ một số nguyên nhân đã gây nên tình trạng này không?
Thực tế, nhiều chị em trước khi đi phẫu thuật thẩm mỹ thường không tìm hiểu kỹ, bị đánh lừa bởi những lời quảng cáo, lời chào hoa mỹ... Một số trường hợp lại ham rẻ, chạy theo trào lưu nên đã lựa chọn những địa chỉ kém chất lượng, thậm chí bác sĩ thực hiện không có chứng chỉ hành nghề hay giấy phép hoạt động. Điều này dẫn đến việc họ phải gánh chịu những hậu quả hậu phẫu đáng tiếc.
Vậy chúng ta phải làm gì để tránh được rủi ro khi PTTM thưa bác sĩ?
Theo tôi, trước khi can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ, bản thân những người có nhu cầu phải hiểu được bản thân mình có khiếm khuyết gì, muốn thay đổi như thế nào. Họ có thể nhờ bác sĩ chuyên khoa tư vấn để được rõ hơn. Ngoài ra, cần phải tỉnh táo tìm hiểu phương pháp, địa chỉ uy tín trước khi thực hiện.Bản thân tôi, trước khi tiến hành một ca làm đẹp, dù lớn hay nhỏ tôi luôn đích thân tư vấn cho khách hàng thay đổi như thế nào mới phù hợp, hài hòa và đẹp nhất. Tôi thường khuyên những khách hàng của mình nên làm cái gì và không nên làm cái gì, phẫu thuật những gì cần thiết chứ không quá lạm dụng.
Có khi nào bác sĩ đã từ chối thẩm mỹ cho một ai chưa?
Có chứ, nhiều lại đằng khác (cười). Nhiều khách chạy theo xu hướng nên bảo tôi làm giống người này, người kia... Tôi phải phân tích, tư vấn cho khách hiểu nên làm gì, không nên lạm dụng. Nhiều người bảo tôi có vấn đề, nhưng lương tâm tôi không cho phép điều đó. Cho dù tôi có nhận được khoản tiền lớn sau phẫu thuật nhưng nếu không vui vẻ thì những đồng tiền đó cũng vô nghĩa.
Ông được đánh giá là “bàn tay vàng” sửa mũi hỏng, ông có ấn tượng đặc biệt với ca nào mà mình đã cứu chữa thành công không?
20 năm làm nghề, tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp mũi hỏng, thậm chí biến dạng nặng, nhưng vì tính chất khó và phức tạp nên nhiều nơi từ chối phẫu thuật. Khách hàng khi tìm đến tôi, họ thường trong tâm trạng gần như tuyệt vọng, tự ti đến mức không dám soi gương khi mang một chiếc mũi hỏng.
Trường hợp tôi nhớ nhất là một bệnh nhân đã ngoài 60, sửa mũi từ năm 30 tuổi. Trước khi tìm đến tôi, cô ấy đã sửa tổng cộng 6 lần, mũi hỏng nặng biến dạng, đầu mũi co rút, sóng mũi vẹo. Sau hơn 3 tiếng phẫu thuật, chỉnh sửa toàn diện cấu trúc mũi, mũi của cô đã đẹp trở lại. Cô ấy nói một câu khiến tôi nhớ mãi: “Tôi chỉ mong có cái mũi đẹp để lúc chết còn mãn nguyện, giờ thì được rồi”.
Trái tim yêu thương cho những số phận không may
Được biết chương trình “Vì sống là sẻ chia” do bác sĩ cùng viện thẩm mỹ JK Nhật Hàn tổ chức đã hỗ trợ chi phí phẫu thuật mũi - môi cho người dị tật sứt môi hở hàm ếch (SMHHE). Bác sĩ có thể chia sẻ thêm về hoạt động này được không?
Tôi luôn tâm niệm là một bác sĩ ngoài chuyên môn và cống hiến cho nghề, thì cần cống hiến cho xã hội. Khi tiếp xúc, thực hiện phẫu thuật chỉnh sửa mũi - môi cho người dị tật SMHHE bẩm sinh, tôi biết được những khó khăn, mặc cảm, sự tự ti mà các bạn phải gánh chịu. Điều đó khiến tôi trăn trở, suy nghĩ mỗi ngày mình phải làm điều gì đó để giúp cho những số phận này.
Hiện tại, những đứa trẻ sinh ra bị dị tật SMHHE sẽ được các tổ chức y tế vá môi, chỉnh hình dị tật lúc nhỏ. Nhưng những di chứng do dị tật để lại trên khuôn mặt khi trưởng thành không có nơi nào hỗ trợ phẫu thuật. Chính vì vậy, với mong muốn chia sẻ gánh nặng kinh tế, giúp những số phận không may dị tật sớm được phẫu thuật, tôi quyết định thực hiện chương trình “Vì sống là sẻ chia” hỗ trợ hơn 50% chi phí phẫu thuật chỉnh sửa mũi - môi cho người SMHHE ở tuổi trưởng thành trên khắp cả nước. Điều này sẽ giúp họ thay đổi cuộc đời, quên đi những ánh nhìn không thiện cảm trước đây, và có cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
Chương trình “Vì sống là sẻ chia” đến nay đã giúp được bao nhiêu số phận không may thay đổi cuộc đời, thưa bác sĩ?
Tôi không nhớ chính xác lắm, nhưng có lẽ cũng hơn 1.000 trường hợp rồi đấy. Nhiều người thắc mắc tại sao tôi lại hỗ trợ một số tiền lớn như vậy, hơn nữa một ca phẫu thuật mũi dị tật khá phức tạp, thời gian trung bình 4-5 tiếng rất mệt mỏi. Nhưng mà tôi nghĩ nếu mình dùng tay nghề và khối óc trong vài tiếng phẫu thuật, hỗ trợ hơn 50% chi phí nhưng có thể thay đổi được cả tương lai cho một người thì điều đó thực sự xứng đáng. Tôi có thể hỗ trợ, hoặc tặng cho họ 50 triệu, nhưng tiền một thời gian tiêu cũng hết. Cái tôi muốn là giúp họ thay đổi số phận, viết tiếp tương lai. Đời người dài lắm, nếu sống mãi trong tự ti, mặc cảm thì thật không đáng chút nào.
Cảm ơn bác sĩ về buổi trò chuyện thú vị này!
Thực hiện: Trinh Ngô
Theo Men&life
Bình Luận