Phi vụ mua bán và sáp nhập này dự kiến sẽ định giá thương hiệu Tom Ford ở mức hàng tỉ đô-la Mỹ, nhưng chưa có con số rõ ràng được đưa ra
Thương hiệu Tom Ford sản xuất thời trang nam và nữ và phụ kiện da thuộc. Các dòng phụ kiện (kính mát và đồng hồ) và mỹ phẩm đều được ông license thương hiệu. Ước tính thương hiệu Tom Ford sẽ đạt giá trị tỉ đô nếu được bán đi. Ảnh: Tom Ford
Tom Ford đang chuẩn bị “bán mình”. Chính xác là nhà thiết kế đang lên kế hoạch để rao bán thương hiệu mang tên riêng của mình.
Theo Wall Street Journal đưa tin, Tom Ford đang nhận được sự quan tâm từ tập đoàn mỹ phẩm Estée Lauder. Con số ước tính cho thương hiệu Tom Ford là khoảng 3 tỷ đô-la Mỹ. Đến nay, đại diện Tom Ford, Estée Lauder và Goldman Sachs vẫn im hơi lặng tiếng về vụ việc.
Nếu thành công mua lại Tom Ford, đây sẽ là lần đầu tiên Estée Lauder tiến vào ngành công nghiệp thời trang. Hãng hiện tại đang sở hữu nhượng quyền của Tom Ford ở lĩnh vực mỹ phẩm và nước hoa. Theo báo cáo tài chính của Estée Lauder, các sản phẩm làm đẹp mang tên tuổi Tom Ford vẫn tăng đều đặn trong những quý trở lại đây, giúp duy trì doanh số tập đoàn khi các thương hiệu đại chúng (mass market) có phần sụt giảm.
Bên cạnh đó, cũng còn quá sớm để kết luận liệu Tom Ford có bán thương hiệu hay không. Một nguồn tin chia sẻ cùng Bloomberg rằng ông có thể sẽ vẫn nán lại trong vài năm hậu vụ mua bán và sáp nhập này. Tất nhiên, cũng có khả năng Tom Ford sẽ quyết định không bán thương hiệu – nhưng khả năng này là thấp nhất, vì nếu không sẵn sàng thì ông sẽ không đặt dịch vụ thẩm định từ Goldman Sachs, ngân hàng đầu tư lớn thứ nhì toàn cầu.
Sự thành công của thương hiệu Tom Ford: Chỉ mất 17 năm để quyến rũ thị trường
Tom Ford chào tạm biệt khán giả trong buổi diễn cuối cùng tại Gucci. Ảnh: Patrick Hertzog/AFP/Getty Images
Nhà thiết kế đến từ Texas được biết đến là người đã gầy dựng lại thanh thế cho Gucci vào thập niên 1990. Sau khi Gucci xuống dốc vì scandal gia tộc, Tom Ford mang lại luồn gió mới cho thương hiệu với các thiết kế gợi cảm mà vẫn tối giản.
Sau đó, Gucci và Yves Saint Laurent được sáp nhập tạo vào tập đoàn PPR (Kering ngày nay). Tuy nhiên, Tom Ford không tìm được tiếng nói chung với ban quản trị và rời đi năm 2004. Năm 2005, Tom Ford thành lập thương hiệu riêng cùng cộng sự là Domenico De Sole, người từng nắm chức vụ chủ tịch Gucci trước khi thương hiệu được bán cho PPR.
Thương hiệu non trẻ tìm thấy thành công nhanh chóng với ngành hàng thời trang nam và kín mát. Năm 2010, Tom Ford tung ra dòng thời trang nữ. Các thiết kế của ông được mặc bởi những ngôi sao lớn nhất toàn cầu như Beyoncé, Gwyneth Paltrow và Jennifer Lopez.
Tuy nhiên, ngành làm đẹp mới là địa hạt “hái ra tiền” cho Tom Ford. Thông qua màn hợp tác cùng Estée Lauder, Tom Ford license thương hiệu cá nhân của mình cho nước hoa và mỹ phẩm làm đẹp. Theo báo cáo tài chính từ Estée Lauder, dòng mỹ phẩm và nước hoa của Tom Ford luôn có sức tăng trưởng đáng ngạc nhiên kể từ khi ra mắt năm 2006. Hiện nay, doanh thu của dòng mỹ phẩm Tom Ford xấp xỉ 1 tỉ đô/năm.
Chỉ trong 17 năm, Tom Ford đã thành công định danh là một thương hiệu xa xỉ lão làng. Nhà thiết kế cũng đượctrọng vọng khi được trao cương vị Chủ tịch Hội đồng Các nhà thiết kế thời trang Hoa Kỳ (CFDA) năm 2011.
Vì sao Tom Ford quyết định bán thương hiệu?
Nhà thiết kế Tom Ford và Domenico De Sole, hai nhà đồng sáng lập thương hiệu Tom Ford. Ảnh: Stephane Feugere/WWD
Dù Tom Ford và Goldman Sachs vẫn đang im hơi lặng tiếng về thương vụ, giới chuyên môn cho rằng có ba nguyên nhân chính khiến nhà thiết kế sẵn sàng rao bán thương hiệu cá nhân.
Đầu tiên, đây là thời điểm tốt để bán thương hiệu
Trong các năm đại dịch, ngành thời trang xa xỉ đã phát triển mạnh mẽ. Người tiêu dùng mang ngân sách vốn dùng để đi du lịch và ăn uống chuyển sang cho việc mua sắm.
Theo thông lệ, một công ty sẽ được định giá dựa trên doanh thu quảng cáo/bán hàng trong vòng 3-5 năm trở lại. Do đó, doanh thu tốt trong hai năm đại dịch sẽ giúp đẩy mạnh trị giá thương hiệu.
Tình trạng lạm phát tăng cao trong 2022 và tình trạng suy thoái kinh tế cũng được cho là không ảnh hưởng mấy đến việc kinh doanh của các thương hiệu xa xỉ. Theo Morningstar Research, một công ty nghiên cứu và phân tích thị trường, vật phẩm xa xỉ thường không bị tác động trong thời gian ngắn bởi suy thoái kinh tế, “trừ phi tình hình kéo dài làm ảnh hưởng nặng đến ví tiền của giới siêu giàu”. Đại diện Morningstar Research, nhà nghiên cứu David Swartz nhấn mạnh rằng các nhà đầu tư vẫn rất tự tin về khả năng phát triển của ngành xa xỉ phẩm.
Do đó, việc bán đi thương hiệu trong giai đoạn mới chớm suy thoái kinh tế là một bước đi khôn ngoan từ Tom Ford.
Có thể Tom Ford muốn dành thời gian những dự án ngoài thời trang
Ảnh: Tom Ford Plastic Innovation Prize
Bên cạnh thiết kế thời trang, Tom Ford còn là nhà làm phim. Có thể ông muốn bán đi thương hiệu để giảm tải công việc hàng ngày để dễ dàng theo đuổi các dự án nghệ thuật.
Thời gian qua, Tom Ford cũng thông báo đầu tư cho việc đi tìm chất liệu thay thế nhựa sử dụng một lần trong bao bì sản phẩm. Cuộc thi treo giải thưởng 1,2 triệu đô-la Mỹ đã tìm ra 8 đơn vị vào chung kết. Liệu Tom Ford có muốn tạm nghỉ thiết kế thời trang để đầu tư vào chất liệu sẽ thay đổi thế giới?
Cũng có khả năng nhà thiết kế muốn nghỉ hưu
Cặp đôi chung thủy Tom Ford và Richard Buckley. Ảnh: Instagram @tomford
Nhà thiết kế Tom Ford sinh năm 1961, đến nay đã 60 tuổi. Ông không phải là nhà thiết kế quá lớn tuổi (Giorgio Armani, Tommy Hilfiger và Ralph Lauren đều đang làm việc dù đã chạm ngưỡng U80).
Tuy nhiên, trong năm qua, bạn đời Tom Ford là Richard Buckley qua đời. Nhà báo người Mỹ là mối tình đầu và cuối của nhà thiết kế Tom Ford. Cặp đôi có chung một con trai, ra đời năm 2012. Việc Richard Buckley rời đi khi con trai của họ mới 9 tuổi là nỗi đau quá lớn cho Tom Ford. Hậu cái chết của người chồng, nhà thiết kế hiếm khi xuất hiện trước đám đông. Có lẽ, Tom Ford muốn bán đi thương hiệu để dành thời gian hồi phục và nuôi dạy bên con trai.
Theo Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam
Bình Luận