Làm sao biết được chai nước hoa bạn vừa mua xứng đáng với giá tiền? Nếu nó chứa 1 trong 6 nguyên liệu làm nước hoa đắt đỏ nhất thế giới này!
Bạn từng băn khoăn vì sao một số loại nước hoa lại đắt đỏ đến như thế? Đấy hoàn toàn vì nguyên liệu làm nên chúng.
Nhìn chung, nguyên liệu càng quý hiếm thì giá thành nước hoa càng cao.
Có một số nguyên liệu đắt vì chúng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên. Ví dụ như cánh hoa. Cần hàng tấn cánh hoa chỉ để cho ra một ít hương liệu. Một số loài hoa thơm chỉ nở đúng một mùa trong năm. Một số khác lại phải được thu hoạch trước khi mặt trời mọc. Và chúng đều phải được ép lấy tinh dầu khi còn tươi nguyên. Chính vì vậy, tinh dầu từ hoa tươi luôn đắt đỏ.
Sau khi đọc bài viết này, Harper’s Bazaar hy vọng bạn sẽ cảm nhận được công sức của nghệ nhân làm nước hoa mỗi khi sử dụng chai nước thơm này. Và hy vọng bạn cũng sẽ biết cách bảo vệ bản thân trước hàng nước hoa dỏm.
Tinh dầu hoa nhài
Hương hoa nhài rất phổ biến trong các loại nước hoa floral. Nhưng bạn có biết: 80% các loại nước hoa hương hoa nhài trên thị trường thực chất sử dụng hương hoa nhân tạo?
Đây là vì tinh dầu hoa nhài vô cùng khó chiết xuất. Cần khoảng 900kg cánh hoa nhài tươi để làm nên vỏn vẹn 500g tinh dầu hoa nhài! Ngoài ra, nếu cánh hoa bị dập thì chất lượng tinh dầu sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, hoa nhài phải được hái tay và lập tức được chiết xuất sau khi hái.
Vì tiêu tốn quá nhiều hoa tươi như vậy nên tinh dầu hoa nhài thiên nhiên luôn đắt đỏ. Bạn sẽ phải bỏ ra 2 triệu đồng để mua 5 gram tinh dầu hoa nhài thiên nhiên. Trong khi đó, tinh dầu hoa oải hương thì chỉ khoảng 50,000 đồng cho trọng lượng tương tự.
Nếu cảm thấy tinh dầu hoa nhài quá đắt, bạn sẽ phải sững sờ trước cái giá của tinh dầu hoa hồng.
Để chiết xuất nên 500g tinh dầu hoa hồng, nhà sản xuất phải tiêu tốn 4500kg cánh hoa hồng tươi. Gần gấp 5 lần so với lượng cánh hoa nhài.
Khu vực nuôi trồng và chiết xuất tinh dầu hoa hồng nổi tiếng nhất là thung lũng hoa hồng ở Bulgari. Nơi đây sản xuất 70% lượng tinh dầu hoa hồng toàn cầu.
Khối lượng nghe có vẻ khổng lồ, nhưng thực chất việc thu hoạch bị gói gọn trong chỉ 2 tháng chớm hè – tháng 5 và tháng 6 hàng năm. Đây là mùa hoa hồng nở rộ ở Bulgari. Bông hoa phải được cắt bằng tay, trong bóng tối trước khi mặt trời mọc, để mang lại tinh dầu hoa hồng thiên nhiên thơm nhất.
Một cảnh thu hoạch hoa hồng tại Thung lũng Hoa hồng ở Bulgari
Cũng vì quy trình sản xuất khó khăn như vậy nên tinh dầu hoa hồng thiên nhiên cũng có cái giá trên trời. 5 triệu đồng cho chỉ vỏn vẹn 5 gram tinh dầu!
Chính vì giá cả này mà tinh dầu hoa hồng thiên nhiên luôn bị pha loãng trong các dòng nước hoa bình dân. Một số thì sử dụng hương hoa hồng nhân tạo. Một số khác thì pha lẫn tinh dầu hoa hồng với tinh dầu hoa phong lữ. Nếu nhìn trong bảng thành phần của các chai nước hoa hương hồng, bạn sẽ để ý cái tên geranium hoặc palmarosa, tên khoa học của loài hoa phong lữ. Đây là bởi vì tinh dầu hoa phong lữ có mùi hương và kết cấu hóa học na ná hoa hồng.
Tinh dầu Orris luôn là một trong top 3 tinh dầu hoa thiên nhiên khan hiếm nhất thế giới. Đây là vì nó được ép từ loài hoa diên vỹ mỏng manh, sớm nở chóng tàn.
Công đoạn làm nên tinh dầu Orris cũng rất phức tạp. Khác với hoa nhài và hoa hồng, tinh dầu Orris được chiết xuất từ phần thân củ chứ không phải cánh hoa. Và nó cũng không được ép từ củ tươi, mà phải sử dụng củ đã lên men từ 2 đến 5 năm. Trung bình, cần 1 tấn củ hoa để làm nên 2kg tinh dầu.
Chi diên vỹ và củ hoa dùng để chiết xuất tinh dầu Orris.
Loại tinh dầu này được chiết xuất từ gỗ trầm hương (agarwood). Tuy nhiên, để làm nên oud không chỉ đơn giản là ép gỗ như cách chiết xuất tinh dầu từ cánh hoa.
Để làm nên oud, cây trầm hương phải bị nhiễm loại nấm gọi là Phialophora parasitica. Sau khi nhiễm nấm, thân gỗ sẽ sản xuất lên loại nhựa toả hương – đây chính là oud. Trung bình, chỉ khoảng 2% tất cả các cây trầm hương có thể sản xuất nên oud. Nên thứ tinh dầu này vô cùng khan hiếm.
Từ trái sang phải, từ trên xuống dưới: (1) cây trầm hương, (2) phần thân gỗ bị mọc nấm, (3) gỗ được chẻ ra để lấy nhựa, (4) oud sau khi được tinh lọc. Ảnh: Frontiersin.org
Có một giai đoạn, tinh dầu oud còn đắt hơn cả vàng. Nên nó cũng được gọi là vàng lỏng (liquid gold). Giá thị trường của 500g tinh dầu oud vào khoảng 120 triệu đồng.
Xạ hương thường được dùng trong các hương nước hoa quyến rũ, tông đất. Tuy nhiên, đa phần các hương nước hoa hiện đại chỉ dùng xạ hương nhân tạo. Điều này hoàn toàn được giới làm nước hoa chấp nhận. Vì thứ toả hương thiên nhiên này vốn được lấy từ dịch tuyến của hươu xạ đực, một động vật bị liệt kê vào danh sách cấm săn bắn – và cách duy nhất là phải giết chết nó trước khi chiết xuất được xạ hương.
Hươu xạ (musk deer) bị săn bắn để lấy xạ hương trước khi phiên bản tổng hợp được sáng chế. Ảnh: 10tv.com
Đến cuối thế kỷ thứ 19, xạ hương thiên nhiên vẫn được khai thác theo cách truyền thống qua việc săn bắn hươu xạ đực. Tuy nhiên, loài động vật này quý hiếm và chỉ sinh sống trong một phạm vi nhỏ quanh khu vực Nepal. Chính vì vậy, xạ hương nhân tạo đã được sáng chế để ngăn chặn nạn săn bắn vô tội vạ.
Trong ngôn ngữ của nhà làm nước hoa, xạ hương nhân tạo còn thường được gọi là xạ hương trắng (white musk).
Long diên hương cũng là một thành phần thường thấy trong họ nước hoa quyến rũ. Tương tự như xạ hương, nó được chiết xuất từ động vật. Nếu xạ hương được lấy từ hươu, thì long diên hương được khai thác từ hệ tiêu hóa của cá nhà táng.
Nhìn bề ngoài, long diên hương có màu xám nhợt nhạt, khi chạm vào có cảm giác như sáp. Vì được sản xuất trong hệ tiêu hóa của cá nhà táng nên thực chất, long diên hương tươi đậm mùi của biển pha lẫn mùi phân cá! Chỉ đến khi được xử lý và lên men, nó mới tạo ra hương ngọt ngào tông đất quen thuộc.
Long diên hương thiên nhiên có hình dáng như một cục đá. Có thể nói là một chất thải từ loài cá nhà táng. Ảnh: National Geographic
Trong thị trường nước hoa, long diên hương tự nhiên là một trong 3 nguyên liệu làm nước hoa đắt tiền nhất. Các dòng nước hoa giá mềm bắt buộc phải sử dụng long diên hương tổng hợp. Chỉ còn một số những nước hoa đắt tiền nhất, cao cấp nhất mới chứa long diên hương tự nhiên.
-Theo Harper Bazaar Vietnam-
Bình Luận