Đều là tác phẩm hay, nổi tiếng thế giới, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, những cuốn sách dưới đây gây tranh cãi ở một số nước.
Lolita (Vladimir Nabokov) phải hứng chịu nhiều chỉ trích vì đề cập trực diện yếu tố nhạy cảm. Đây là tác phẩm được giới phê bình đánh giá cao, mang nét châm biếm cay đắng về các giá trị của văn hóa Mỹ vào giữa thế kỷ 20. Nhưng nó không ngăn được những tranh cãi về nội dung cuốn sách cũng như lo ngại về vấn đề đạo đức. Ảnh: Nhã Nam.
Thế giới mới tươi đẹp (Brave New World - Aldous Huxley) lại khác, nó đi ngược lại suy nghĩ thông thường của mọi người về thế giới. Ở đó, con người được tạo ra từ công nghệ, xếp hạng từ cao xuống thấp, nhằm xây dựng “một thế giới mới tươi đẹp”. Cuốn sách gây ra mâu thuẫn giữa nhiều luồng ý kiến vì những yếu tố được cho là chống lại tôn giáo và gia đình truyền thống. Ảnh: Artstation.
Ulysses của James Joyce được đánh giá là một trong những kiệt tác văn chương của thế giới thế kỷ 20, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn để đến với công chúng. Tác phẩm này từng bị chỉ trích nặng nề vì đề cập những hành động nhạy cảm giới, đặc biệt là trong khoảng những năm 1930. Ảnh: TheGuardian.
Phía Tây không có gì lạ do Erich Maria Remarque - cựu binh Đức viết năm 1928 - phê phán nước Đức thời chiến. Ngay lập tức, nó bị chỉ trích là tác phẩm không thể hiện tinh thần yêu nước. Tuy vậy, những gì bị cho là “không yêu nước” của cuốn sách lại phản ánh chân thực bức tranh u ám của chiến tranh và tinh thần phản chiến cần có. Ảnh: Thuquan.
Bắt trẻ đồng xanh (J.D. Salinger) đã quá quen thuộc với độc giả Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá khứ, nó từng là đề tài gây tranh cãi, xôn xao lớn. Những người coi trọng giá trị của Bắt trẻ đồng xanh cho rằng nó có được cái nhìn dứt khoát về sự thất vọng của đời sống thanh niên, trong khi phe phản đối nhận định cuốn sách truyền bá tư tưởng không tốt về tự tử ở Mỹ. Ảnh: Nhã Nam.
John Steinbeck là tác gia lớn người Mỹ, từng đoạt giải Nobel Văn chương (1962) với các tác phẩm đấu tranh cho tầng lớp nông dân quyết bám trụ trên mảnh đất của mình. Có lẽ bởi vậy mà các tác phẩm của ông, nhất là Chùm nho nổi (The Grapes of Wrath), từng là ngòi nổ cho những trận khẩu chiến không hồi kết. Thậm chí, có nơi người ta còn thuyết phục công nhân đốt cuốn sách này. Ảnh: Independent.
Khi độc giả phải trải qua hàng trăm trang giấy mô tả quá nhiều những hành động bạo lực, không lạ khi American Psycho (Bret Easton Ellis) trở thành tâm điểm của sự chỉ trích. Cuốn sách từng bị ngăn cấm rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sau đó, American Psycho được phép phát hành, nhưng phải được dán nhãn giới hạn độ tuổi cụ thể. Ảnh: BookmarksReviews.
Với yếu tố giới tính tràn ngập trong cuốn sách, Người tình của phu nhân Chatterley (Lady Chatterley’s Lover - D.H. Lawrence) từng gặp sóng gió tại nhiều nơi khác nhau. Được xuất bản lần đầu năm 1928 ở Italy, Pháp và Australia, cuốn sách là chủ đề của những tranh cãi không hồi kết, giữa hai phe ủng hộ và phản đối. Ảnh: TheGuardian.
Theo Zing News
Bình Luận