Quỳnh Dao cầm bút viết văn từ sớm. Vốn sống phong phú cộng với đam mê văn chương giúp bà hoàn thành "Dòng sông ly biệt" ở tuổi còn rất trẻ.
Hơn 50 năm kể từ lần đầu tiên tác phẩm Dòng sông ly biệt của Quỳnh Dao được xuất bản, bao thế hệ bạn đọc vẫn thổn thức khi nhắc về giá trị của một tiểu thuyết diễm tình mang vẻ đẹp bất chấp niên đại, bất chấp tháng năm.
Với nhiều người, Dòng sông ly biệt đã trở thành một phần của thanh xuân, hồi ức đẹp của quá khứ.
Đây là một trong những tiểu thuyết tiêu biểu nhất của Quỳnh Dao - nhà văn, nhà biên kịch nổi tiếng của Đài Loan, Trung Quốc. Tác phẩm có tên gốc là Yên vũ mông mông, tên tiếng Anh là Love in Mist được sáng tác khi nữ văn sĩ chỉ mới tròn 25 tuổi.
Dòng sông ly biệt được Huy Hoàng Books mua bản quyền và phát hành đến độc giả vào đầu tháng 10 vừa qua.
Được viết bằng tất cả trải nghiệm và nhiệt huyết của thanh xuân, Dòng sông ly biệt mang đậm dấu ấn của Quỳnh Dao tuổi trẻ, khác hẳn với ấn tượng lãng mạn, buồn dịu dàng của bộ phim chuyển thể Tân dòng sông ly biệt sau này.
Đó là câu chuyện tình của những người trẻ mang trái tim nồng nhiệt đến gai góc, có thừa nhiệt huyết để cuồng si, có thừa bồng bột để thù hận, có thừa cao ngạo để sai lầm, có thừa thời gian để tiếc nuối.
Câu chuyện hệt như màn mưa bụi mịt mờ, xóa nhòa mọi ranh giới khiến người đọc lạc lối giữa yêu và ghét, giữa đúng và sai, tốt xấu, nhân quả, chỉ lưu lại những mảnh ký ức đẹp buồn vụn vỡ.
Khác với bối cảnh Thượng Hải hoa lệ những năm 1930-1940 của Tân dòng sông ly biệt, nguyên tác truyện Quỳnh Dao chấp bút là thời điểm Đài Bắc những năm 1960.
Lục Y Bình là con gái của Lục Chấn Hoa - một thiếu tướng lẫy lừng không ai không biết tới. Ấy thế mà cuộc đời của cô và mẹ đẻ lại đầy những trắc trở đau thương.
Triệu Vy và Cổ Cự Cơ trong bộ phim chuyển thể Tân dòng sông ly biệt (2001). Ảnh: Sina.
Suốt những năm thơ ấu, Y Bình phải sống trong khó khăn, vất vả. Chị mất, mẹ đau ốm triền miên, để có đủ tiền trang trải, cô phải cắn răng đến nhà cha ruột xin tiền. Y Bình cứ thế lớn lên trong sự vô tâm của cha, sự sỉ nhục của dì Tuyết, và mối hận mỗi một ngày lại càng lớn lên.
Nghệ thuật xây dựng diễn biến tâm lý nhân vật của Quỳnh Dao khiến người đọc không khỏi ngạc nhiên, bởi sự tinh tế từ ngòi bút của bà. Ở đó, người đọc vẫn tìm thấy một Lục Y Bình thẳng thắn bộc trực, dám yêu dám hận; một Lục Như Bình nhu mỳ, yếu đuối, giàu lòng vị tha và nhân ái.
Ở đó còn có một Hà Thư Hoàn học thức, thư sinh, yêu cuồng si nhưng lại nhập nhằng, không biết nói lời dứt khoát. Mỗi người trong số họ đều mang trong mình những bi kịch đáng thương, đầy bồng bột âu lo nhưng cũng đầy cuồng nhiệt và chân thành.
Dòng sông ly biệt đã mang đến một góc nhìn mới về tình yêu - những góc nhìn rất chân thực nhưng bị chúng ta né tránh và không dám nhìn thẳng vào bản ngã sâu kín trong tâm hồn. Hơn thế nữa, cuốn tiểu thuyết còn dạy cho chúng ta nhiều bài học ý nghĩa về tình thân, tình gia đình ruột thịt và cách để xóa bỏ lòng thù hận.
Rằng không phải lúc nào, cuộc sống giàu sang vinh giả cũng mang đến cho người ta niềm vui và hạnh phúc, như cái cách Lục Chấn Hoa lúc nằm trên giường bệnh kịp nhận ra cả đời này, ông đã dùng tiền để mua lấy những thứ không mua được bằng tiền.
Không phải lúc nào sự trả thù có thể đổi lấy cho người ta sự thanh thản và bình yên. Như cái cách Y Bình đã nhận ra rằng mối thù mà cô đang ôm trong người, thực chất chính là chiếc gai nhọn mà cô tự dùng nó để đâm lấy chính mình.
Dòng sông ly biệt là câu chuyện thấm đẫm thanh xuân, lãng mạn, huyền diệu, chân tình và được viết bằng tất cả tâm huyết của nữ sĩ Quỳnh Dao.
50 năm đọc lại, người đọc vẫn thấy được những ký ức còn nguyên vẹn, đầy ý họa tình thơ, đẹp mênh mang một nỗi buồn khó tả. Đây xứng đáng là một trong những tiểu thuyết diễm tình sống với thời gian.
Nhà văn, nhà biên kịch Quỳnh Dao. Ảnh: Tuchong Creative.
Trong ấn bản sách Dòng sông ly biệt phát hành năm 2020 tại Việt Nam có kèm theo lời đề từ của Quỳnh Dao. Bài viết được ký vào năm 2017 khi Quỳnh Dao đã 79 tuổi.
Tại đây, bà kể lại một thời quá khứ cơ cực khi sinh ra và lớn lên giữa lúc chiến tranh loạn lạc. Ở lứa tuổi lẽ ra phải được học tập, nô đùa, bà đã chân trần chạy nạn khắp các tuyến đường sắt, chứng kiến những cảnh chen lấn xô đẩy, nhìn thấu được cả vẻ lương thiện và đen tối của con người.
Điều đó khiến bà sớm chín chắn cũng sớm nhạy cảm, kiên cường hơn mà cũng yếu đuối hơn.
Sách Dòng sông ly biệt bản tiếng Việt. Ảnh: Huy Hoàng.
Khi chiến tranh kết thúc, Quỳnh Dao cùng gia đình sang Đài Loan sống cuộc đời nghèo khổ. Bà bắt đầu nuôi dưỡng tình yêu với văn chương, từ các tác phẩm Đường thi cho đến tiểu thuyết nước ngoài.
Bởi mê đọc sách, yêu văn chương, nên bà đã cầm bút từ rất sớm. Ngay từ khi 14 tuổi, Quỳnh Dao đã có những tác phẩm đầu tiên được đăng báo và tạp chí, trở thành đứa trẻ duy nhất trong nhà có "thu nhập".
Bởi vậy, khi viết Dòng sông ly biệt ở tuổi 25, vốn từ và trải nghiệm của bà đã lớn hơn những người đồng trang lứa. Đó là lý do một cô gái dù tuổi đời còn trẻ lại có thể viết được một tác phẩm diễm tình đầy sức nặng đến thế.
Quỳnh Dao viết không chỉ bằng niềm say mê mà còn bằng tâm tư, trải nghiệm, những cảm xúc chân thật nhất thoát thai từ chính những lận đận tình cảm của mình, thế nên truyện cũng đầy những dằn vặt, bi thương và chứa đựng những nỗi buồn mênh mang như sóng gợn.
Quỳnh Dao là nhà văn bút lực dồi dào hiếm gặp. Bà viết tới 65 cuốn sách, 15 kịch bản phim điện ảnh, 25 kịch bản phim truyền hình. Số tập phim truyền hình lên đến 1.000 tập, kịch bản mỗi tập khoảng 13.000 chữ.
Nhưng những tác phẩm của bà khi xuất bản tại Trung Quốc cũng như các nước châu Á khác được đăng tải tràn lan trên mạng, các bản sách tuyệt bản, hoặc bị in lậu không đăng ký giấy phép.
Trước tình hình ấy, Quỳnh Dao đã tập hợp và chỉnh lý 65 tác phẩm của mình để bạn đọc ở các quốc gia khác có cơ hội được đọc lại sách của Quỳnh Dao một cách chính thống.
Sau hơn 50 năm từ khi xuất bản lần đầu, Dòng sông ly biệt một lần nữa đến với bạn đọc Việt Nam trong ấn bản đầy đủ và hoàn chỉnh nhất từ trước đến nay.
Theo Zing News
Bình Luận