Bằng lối văn chương giản dị và gần như không biểu hiện cảm xúc gì đặc biệt, chính vì thế lại tạo được hiệu ứng hài hước rất rõ rệt, cuốn sách hay này đã khắc họa thành công đời sống của nước Nhật đương đại với những sức ép cả vô hình lẫn hữu hình.
Năm 2016, tựa sách hay Cô nàng cửa hàng tiện ích của Murata Sayaka được trao giải thưởng văn chương Akutagawa danh giá, tập trung vào một phụ nữ độc thân bất chấp mọi áp lực của xã hội Nhật, phấn đấu hết sức chỉ để được coi là một người bình thường.
Vậy, thế nào là một phụ nữ bình thường, theo những quy ước của xã hội Nhật Bản? Các tiêu chuẩn thật ra cũng phổ biến như ở các nước khác: sau khi học hành và tốt nghiệp đàng hoàng thì tìm được công việc ổn định và có cơ hội thăng tiến, có quan hệ tình ái nhất định, sau đó kết hôn và sinh con. Thế nhưng, nữ nhân vật chính Keiko Furakura lại hoàn toàn không đáp ứng được các tiêu chuẩn đơn giản trên. Cô 36 tuổi, làm việc trong cửa hàng tiện ích ở Tokyo đã 18 năm. Keiko chưa từng yêu ai, vẫn còn là một trinh nữ. Keiko không có ý định yêu đương, không có ý định kết hôn, không có ý định đổi việc. Cô cực kỳ hạnh phúc với bản thân và muốn duy trì cuộc sống ấy mãi mãi.
Ngay từ lúc bé Keiko đã có những biểu hiện khác thường. Chính vì thế, cô luôn gặp trục trặc để khớp vào những chuẩn mực của xã hội thông thường. Cô tìm thấy một vị cứu tinh của đời mình năm 18 tuổi: cửa hàng tiện ích Smile Mart ở gần ga tàu Hiromachi. Nơi đây, cô được là một bánh răng trong vòng quay của thế giới, và chỉ điều này mới khiến Keiko cảm thấy mình được là một người bình thường.
Với Keiko, cửa hàng đã biến thành một utopia của cô, nơi cô học cách nói năng của các đồng nghiệp, học cách chọn trang phục giày dép, học cả nét mặt, những điều cô chưa được chỉ dạy bao giờ. Tai cô luôn nghe thấy những tiếng động lao xao ở cửa hàng, người cô như tiếp được thêm năng lượng từ nó. Cô được nuôi dưỡng bằng thực phẩm của cửa hàng về mặt vật chất lẫn tinh thần, đến mức cô tâm sự rằng: “Tôi lại thấy mình giống như cái kệ để đồ tạp hóa hay máy pha cà phê, cũng là một phần của cửa hàng này”.
Có lẽ hai câu hỏi xâm phạm riêng tư bậc nhất mà phụ nữ ở các nước châu Á phải thường xuyên nghe và buộc trả lời chính là: bao giờ lấy chồng, và bao giờ sinh con? Về thực chất, những ai không phù hợp với vai trò được giao sẵn của giới thì bị khinh rẻ và bị đẩy ra ngoài rìa xã hội.
Sau 18 năm sống yên ổn và tuyệt đối hài lòng với lựa chọn của mình, ở tuổi trung niên, Keiko bắt đầu đối mặt với những cái nhướng mày, những câu hỏi thọc mạch, những lời giục giã từ người thân và bạn bè. Việc cô chưa bao giờ có quan hệ tình ái lẫn thể xác khiến họ thất kinh.
Những tưởng xã hội hiện đại sẽ đem lại cho con người nhiều tự do hơn, nhưng trên thực tế, tự do của những phụ nữ như Keiko lại bị hạn chế đến eo hẹp. Bằng những chuẩn mực của cái gọi là “bình thường”, văn hóa và xã hội Nhật ép con người từ bỏ những lựa chọn mang tính cá nhân, để buộc phải khuôn mình vào những quy chuẩn và kỳ vọng của xã hội, hoàn thành những vai trò được phân bố sẵn. Với sự xuất hiện của một anh chàng nhân viên mới, ít nhiều có hoàn cảnh giống với Keiko, cuộc đời của cô đã có những va chạm và thay đổi đáng kể, khiến cô phải nhìn nhận lại hệ giá trị mà mình đã lựa chọn.
Được coi là “tiếng nói văn chương mới quyết liệt nhất của Nhật Bản trong việc nhằm vào những cấm kỵ của đất nước mình”, Murata cho biết cô muốn viết cuốn sách hay này “từ góc nhìn của một người chống lại lối suy nghĩ thông thường, trong một xã hội đòi hỏi ai cũng phải tuân thủ quy ước”. Không chỉ phơi bày những áp lực, cuốn sách hay còn vạch trần sự bất bình thường ở những con người răm rắp tuân theo mọi quy ước mà không hề chất vấn. Keiko trở thành một trong những nữ chính mang tính cách mạng và được yêu mến có lẽ là vì thế: Cô chống lại toàn bộ nguyện vọng xã hội để đi theo sự lựa chọn cá nhân của mình, dẫu có bị coi là bất bình thường, là không chuẩn.
Theo Elle.vn
Bình Luận