“Đàn ông đi nước ngoài ông nào chẳng thử 'dâu ngô' một tí...”, lời chia sẻ tỉnh bơ của một nữ diễn viên về lùm xùm không mấy hay ho của một đồng nghiệp nam khiến cộng đồng mạng sửng sốt, và sau đó là phẫn nộ. Trước đó một nữ nghệ sĩ khác cũng có những chia sẻ tương tự trên trang cá nhân và ngây thơ cho rằng… văn hóa đàn ông là phải thế (?!). Không bàn đến khía cạnh quan điểm cá nhân đúng sai trong một vụ việc liên quan đến pháp luật của người Việt ở trời Tây. Câu hỏi tôi muốn đặt ra là: Liệu đàn ông chúng tôi có cái “văn hóa” giống như chị nghệ sĩ này khẳng định hay không?
“Đau đớn thay phận đàn bà/Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” là hai câu thơ nổi tiếng trong truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Nhưng nếu hỏi nguồn gốc của hai câu thơ này thì không nhiều người có thể kể ra. Câu chuyện diễn ra vào tiết thanh minh, Thúy Kiều, Thúy Vân và Vương Quan đi tảo mộ, bên đường có một ngôi mộ vắng tanh, cỏ nửa xanh, nửa vàng, đấy là mộ Đạm Tiên - một ca nữ tài sắc, sống thì làm vợ khắp người, chết làm ma không chồng. Nghe xong câu chuyện, Kiều khóc cho Đạm Tiên, và khóc luôn cho phận đàn bà.
208 năm trôi qua từ những câu thơ ấy, thân phận người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại đã hoàn toàn đổi thay. Người phụ nữ của thời đại này đã vươn lên làm chủ, thậm chí còn nắm giữ những vị trí quan trọng của một quốc gia. Cá biệt như bà Angela Merkel, một trong những chính trị gia quan trọng nhất của lịch sử hiện đại. Vào năm 2015, nhà báo Chris Patten viết một bài báo có tựa đề “Điều gì làm nên các lãnh đạo vĩ đại?” Ông liệt kê ra một loạt lãnh đạo từ Âu sang Á, từ Winston Churchill, tướng de Gaulle đến cả Đặng Tiểu Bình, Lý Quang Diệu. Sau đó kết luận: người lãnh đạo duy nhất xứng đáng với chữ “Great” còn sống chính là Angela Merkel. Bà không chỉ đứng đầu nước Đức, mà còn đứng đầu EU, đối mặt với bao nhiêu thứ, từ nợ công Hy Lạp qua khủng hoảng nhập cư, đến Brexit của Anh và đồng tiền Euro chao đảo. Vậy mà người phụ nữ này vẫn lì lợm và uyển chuyển, đưa nước Đức đến thịnh vượng và giữ cho EU không sụp đổ.
Với những con người ở chế độ phong kiến thì phụ nữ chỉ đơn giản là “tam tòng tứ đức”, là không có quyền lực trong xã hội, là bất bình đẳng và bị đối xử như nô lệ. Tuy nhiên, phản ứng trước việc phái nam “đi tìm của lạ” đã phản ánh suy nghĩ của một số người đến giờ vẫn nằm ở 208 năm trước. Dù họ không than vãn rằng “Đau đớn thay phận đàn bà/Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” như Thúy Kiều, nhưng với họ thì đã thành “Đơn giản thôi phận đàn ông/Đi xa kiếm gái cũng là thường thôi”. Bằng cách nói như thế, họ gián tiếp cổ súy lối sống tha hóa của đàn ông và hạ thấp thân phận của người phụ nữ; và người viết lưu ý thêm khi chính họ là phụ nữ. Phát ngôn của nữ diễn viên có câu “làm sai tôi cũng bênh”. Thực tế, chính chị là người đặt ra giả thiết các nam nhân bị “gài” trong vụ án cưỡng dâm này.
Chúng ta tạm bỏ qua các thuyết âm mưu khác, mà nhấn mạnh ở câu nói “làm sai tôi cũng bênh”. Điều đó có nghĩa rằng nếu như khi nghi án cưỡng dâm này có phán quyết chính thức, rằng những nhân vật kia có tội, thì cô vẫn bênh họ dù họ đã cưỡng dâm một người con gái 17 tuổi ư? Vậy thì còn gì là luân thường đạo lý, còn gì là con người với con người nữa? Nhìn theo hướng này thì cô coi những cô gái kia đều là nô lệ tình dục cả ư? Phẩm giá ở đâu, lương tri ở đâu cho những sai lệch được bảo vệ một cách công khai như thế này?
Tóm lại, như tiêu đề của bài viết. Hay nói chính xác hơn là phẩm giá của phụ nữ qua đánh giá của hai người phụ nữ có sức ảnh hưởng, là nghệ sĩ công chúng tại Việt Nam đó đơn giản là chà đạp, coi thường và thuộc về thời phong kiến. Người Việt Nam dễ giận, dễ quên. Nhưng có những thứ độc hại nếu như dễ dàng dung túng như câu chuyện phẩm giá phụ nữ thì quốc gia ấy sẽ bị ảnh hưởng trong vấn đề phát triển dân tộc.
Cựu tổng thống Singapore Lý Quang Diệu trong cuốn hồi ký “Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất” đã dành một sự tôn trọng tuyệt đối cho người phụ nữ. Và ông đã viết ra một câu để tất cả chúng ta hôm nay cần suy ngẫm và nhìn lại: “Một đất nước sẽ không phát triển nếu phụ nữ chưa được giải phóng”. Sự giải phóng đó còn là giải phóng trong suy nghĩ.
Men&life
Bình Luận