Bản chất của tư duy trắng đen không xấu, nhưng nếu bạn quá lạm dụng và để lối tư duy này xâm chiếm thì sức khỏe tinh thần của bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tư duy trắng đen được xem là một bệnh lý về sức khỏe tinh thần thường gặp phải ở con người, đặc biệt là phái mạnh - người thường sống về lý trí hơn cảm xúc.
Người sở hữu lối tư duy này có thiên hướng đánh giá một sự vật, sự việc, con người một cách quá tốt hoặc quá xấu, hoàn toàn đúng hoặc hoàn toàn sai, có thể là tất cả hoặc không là gì cả. Nếu bạn quá lạm dụng tư duy trắng đen thì suy nghĩ của bạn cũng sẽ bị chi phối bởi những quyết định mang tính tuyệt đối.
Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA), thói quen này còn được gọi là suy nghĩ phân cực, tâm lý người bị mắc hội chứng này sẽ chia đôi suy nghĩ về các cực đối lập mà không dễ dàng chấp nhận bất kỳ quan điểm nào khác.
Anisha Patel-Dunn, bác sĩ tâm thần và giám đốc Y tế tại LifeStance Health (Ohio, Mỹ), giải thích: “Cách mà chúng ta suy nghĩ về sự đúng sai đều mang tính cá nhân, được hình thành bởi những trải nghiệm sống độc đáo của chúng ta. Tuy nhiên, dạng suy nghĩ phân cực thường có tác động lớn đối với nhận thức về thế giới quan và dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của bạn”. Vậy nên, có thể nói tư duy trắng đen cũng là một triệu chứng của hội chứng rối loạn nhân cách, rối loạn lo âu hay trầm cảm.
Nguyên nhân khiến tư duy trắng đen “phát triển” mạnh trong tâm lý con người
Chưa có nghiên cứu nào khẳng định tư duy trắng đen liên quan đến di truyền. Tuy nhiên, có thể lối suy nghĩ phân cực này bị ảnh hưởng bởi tiềm thức của một người trong quá khứ hoặc trong quá trình trưởng thành. Bất cứ ai cũng có khả năng sở hữu tư duy trắng đen, đặc biệt là những người thường có suy nghĩ cực đoan hoặc có nhiều chấn thương tâm lý và sức khỏe tinh thần không ổn định.
Những trải nghiệm đó đã hình thành tư duy phân định tốt xấu rạch ròi, điều này không hẳn xấu nhưng những người sở hữu tư duy này thường không dành nhiều thời gian để tìm hiểu sự việc sự vật đó như thế nào. Họ thẳng thắn nhận định cái mà họ thấy được và vội vàng đi đến kết luận theo cách mà mình hiểu, thậm chí có tư duy đánh đồng. Họ chỉ có đúng - sai, trắng - đen, tốt - xấu... mà không có tư duy đa chiều, không có khả năng nhìn thấy các sắc thái khác trong cuộc sống, tiếp nhận thụ động và chỉ nhìn vào bề ngoài mà đánh giá. Điều này sẽ dần tạo nên lối mòn trong tư duy, làm hạn chế suy nghĩ và sẽ trở thành điểm hạn chế của bạn trong tương lai.
Tư duy trắng đen ảnh hưởng đến các mối quan hệ như thế nào?
Theo các chuyên gia tâm lý, tư duy trắng đen là một biểu hiện không lành mạnh, điều này tương tự như việc lạm dụng chất gây nghiện, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn mà còn gây ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống, bao gồm những mối quan hệ xung quanh bạn.
Đó là dễ tạo mâu thuẫn và gây căng thẳng. Người có tâm lý trắng đen có khả năng chuyển hóa một câu chuyện đơn giản trở nên phức tạp hơn vì họ khó thỏa hiệp với những quan điểm khác. Họ sẽ ra sức bảo vệ quan điểm “trắng-đen”, đôi khi hơi bảo thủ vì khăng khăng giữ vững nhận định của mình về một sự vật, sự việc hoàn toàn đúng hoặc hoàn toàn sai.
Điều này dễ dẫn đến xung đột giữa các mối quan hệ, có thể là người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hay bất cứ một ai. Không chỉ tự mình cản trở khả năng nhìn nhận mà còn khiến cho đối phương hạn chế khả năng đánh giá tình huống khách quan trong cùng một sự việc. Đây sẽ là điểm hạn chế của bạn, nó cũng ảnh hưởng đến tầm nhìn và định hướng trong tương lai khiến bạn khó đạt được mục tiêu như mong đợi. Giống như các mối quan hệ trong gia đình hay ngoài xã hội, đối với những người có tư duy phân cực trong công việc cũng nhìn nhận khả năng làm việc của mình một cách cứng nhắc. Họ không phải là người có tinh thần đồng đội cao và hầu như không có chí cầu tiến, thậm chí họ nghĩ rằng mình chỉ giỏi hoặc dở về một công việc nhất định.
Làm thế nào để thoát khỏi lối suy nghĩ độc hại này?
Có thể bạn còn không nhận ra mình là người có tư duy trắng đen. Đôi khi bạn nhận thấy rằng bản thân đang thường xuyên gặp phải những cảm xúc đau khổ do những kỳ vọng viễn vông hay vô số suy nghĩ cứng nhắc của mình. Rất khó để bạn có thể “khởi động lại” tâm trí vì bạn đã “lập trình” tư duy này từ rất lâu. Hãy từ từ học cách nhìn nhận mọi điều xung quanh theo nhiều chiều hướng khác nhau, có thể là tích cực hoặc tiêu cực, nhưng điều này sẽ giúp bạn chuyển hướng suy nghĩ và tái lập nhiều quan điểm mới mẻ hơn.
Các nhà nghiên cứu và trị liệu tâm lý khuyến khích bạn nên thử thách bản thân thay thế những từ như “luôn luôn”, “không bao giờ” bằng “đôi khi”, “có thể” và xem xét quan điểm khách quan về sự vật, sự việc hoặc con người. Từ những hành động nhỏ sẽ giúp bạn nhận thức hành vi phân cực rõ ràng hơn, từ đó tìm cách tiết chế lại và có cái nhìn tích cực hơn trong mọi tình huống.
Ban đầu, có thể bạn sẽ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh tâm lý, nhưng liệu pháp nhận thức hành vi này sẽ giúp bạn thực hành những thói quen mới trong suy nghĩ. Bạn sẽ học được cách thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng những suy nghĩ thực tế và lành mạnh hơn. Cuối cùng, cách suy nghĩ mới sẽ trở thành chuẩn mực của bạn.
Men&life
Bình Luận