Phóng viên Tim Padgett của tạp chí Time từng nhận xét "Nếu chỉ nhìn vào Carlos Slim, bạn sẽ không bao giờ nghĩ ông ấy là một tỷ phú".
Các tỷ phú thường được biết đến với lối sống xa hoa và những thú vui xa xỉ. Tuy nhiên, vẫn có những người tuy giàu nhưng vẫn duy trì cuộc sống giản dị, không phô trương. Carlos Slim là một trong số đó.
Ông là người giàu nhất tại Mexico với tài sản ước tính 43,6 tỷ USD, xếp thứ 24 trong danh sách người giàu nhất thế giới của Bloomberg Billionaires Index. Trong khi đó, tạp chí Forbes ước tính tài sản của ông có thể lên tới 51 tỷ USD.
Carlos Slim là chủ sở hữu America Movil - hãng viễn thông di động lớn nhất Mỹ Latinh với doanh thu năm ngoái đạt 52 tỷ USD. Tỷ phú 80 tuổi cũng nắm cổ phần tại nhiều công ty trong lĩnh vực khai khoáng, ngân hàng, xây dựng và năng lượng tại Mexico; và nhiều công ty niêm yết nước ngoài như CaixaBank và New York Times. Ông cũng sở hữu Sears Mexico - chuỗi cửa hàng bán lẻ vẫn ăn nên làm ra bất chấp công ty mẹ ở Mỹ đệ đơn phá sản. Bloomberg ước tính Slim đã bỏ túi gần 10 tỷ USD lợi nhuận từ các khoản đầu tư trên.
Slim sinh ra trong một gia đình nhập cư người Lebanon tại thủ đô Mexico vào năm 1940. Ông bắt đầu học cách đọc báo cáo tài chính và đầu tư từ cha ngay khi còn nhỏ. Ông được thừa kế cơ nghiệp từ cha, một doanh nhân thành đạt trong cả lĩnh vực bán lẻ lẫn bất động sản, sau khi cha qua đời vào năm 1953.
Slim tốt nghiệp Đại học Tự trị Quốc gia Mexico ngành kỹ sư dân dụng năm 1961. Không lâu sau đó, ông thành lập công ty đầu tiên Inversora Bursatil, một công ty bảo hiểm. Phần lớn những năm 1960-1980, ông xây dựng danh mục đầu tư đa ngành và hiện thống trị nền kinh tế Mexico.
Khi bạn sống theo ý kiến của người khác thì bạn chẳng còn tồn tại. Tôi không muốn phải sống mà bận tâm về việc mọi người nghĩ về mình thế nào. --- Carlos Slim
Tỷ phú giàu nhất Mexico có chiến lược rõ ràng trong kinh doanh: Thâu tóm những công ty gặp khó khăn và biến chúng trở thành những doanh nghiệp tỷ USD trước bán đi để kiếm lợi nhuận. Đặc biệt, ông tận dụng cuộc khủng hoảng nợ Mexico năm 1982 để thâu tóm hàng loạt công ty vỡ nợ với giá rẻ bèo. Ông cũng sử dụng chiến lược tương tự trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009, điển hình là thương vụ cho tờ báo New York Times của Mỹ vay 250 triệu USD với lãi suất 14%. Tới năm 2017, ông tuyên bố sẽ bán gần một nửa cổ phần tại New York Times vào năm 2020. Chỉ trong năm 2018, ông đã bán số cổ phần trị giá ít nhất 86 triệu USD của tờ báo nổi tiếng của Mỹ.
Dù tung hoành khắp thương trường Mexico, phải tới năm 1991, Slim mới nhận được sự chú ý của quốc tế khi lọt vào danh sách tỷ phú của tạp chí Forbes với tài sản 1,7 tỷ USD. Gần một thập kỷ sau, vào năm 2010, Slim vượt qua Bill Gates trở thành người giàu nhất thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên trong 16 năm tỷ phú giàu nhất thế giới không phải là người Mỹ.
Dù giàu có, Carlos Slim duy trì thói quen sống tiết kiệm và giản dị, nói không với sự xa hoa. Không giống nhiều tỷ phú khác, ông không mua du thuyền hay máy bay riêng. Phần lớn tiền bạc của ông được dùng để tái đầu tư hoặc làm từ thiện.
Theo Business Insider, Slim chưa từng đổi nhà trong suốt 40 năm qua. Ông chỉ sống tại căn nhà 6 phòng ngủ ở thành phố Mexico. Năm 2010, Slim mua một dinh thự tại Fifth Avenue, New York (Mỹ) với giá 44 triệu USD để đầu tư, chứ không phải để ở. Hai thú vui xa xỉ nhất của ông là xì gà Cuba và sưu tầm nghệ thuật.
Phóng viên Tim Padgett của tạp chí Time, người từng phỏng vấn tỷ phú Mexico, cho biết: "Nếu chỉ nhìn vào Carlos Slim, bạn sẽ không bao giờ nghĩ ông ấy là một tỷ phú".
Tỷ phú Carlos Slim và các con, cháu. Ảnh: Forbes.
Ông có cuộc hôn nhân 32 năm với bà Soumaya trước khi bà qua đời vì suy thận. Hai người có 6 con chung và đây sẽ là những người sẽ thừa kế đế chế kinh doanh của ông.
Năm 1994, Slim mở bảo tàng nghệ thuật phi lợi nhuận Museo Soumaya tại thành phố Mexico, miễn phí vé vào cửa cho khách tham quan. Bảo tàng được đặt tên theo người vợ quá cố của ông. Từ năm 2004 đến nay, ông rút khỏi hội đồng quản trị 3 công ty lớn nhất của mình để tập trung cho gia đình, làm từ thiện và vì sức khỏe bản thân.
Trong một cuộc phỏng vấn với Forbes năm 2012, Slim cho biết vào mỗi thứ hai, ông dùng bữa tối với các con và thảo luận về công việc kinh doanh, và dành mỗi thứ Tư để ăn trưa cùng các cháu.
Nếu chỉ nhìn vào Carlos Slim, bạn sẽ không bao giờ nghĩ ông ấy là một tỷ phú.Tim Padgett - Phóng viên tạp chí Time
Hiện tại, dù vẫn là người kiểm soát các công ty, nhưng ông đã chuyển giao phần lớn công việc điều hành và ra quyết định cho 3 con trai: Carlos, Marco Antonio, Patrick và con rể Arturo Elías Ayub. Hai cháu nội của ông hiện cũng nằm trong hội đồng quản trị của các công ty này. Còn các con gái của ông, Johanna, Vanessa và Soumaya, đều tham gia công tác từ thiện và sưu tầm nghệ thuật của gia đình.
Giàu có và có sức ảnh hưởng trên khắp Mexico, nhưng Slim cũng vấp phải chỉ trích là “độc tài”, đẩy giá cả leo thang và tỷ lệ thất nghiệp lên cao. Tuy nhiên, tỷ phú này dường như không mấy bận tâm về điều này. “Khi bạn sống theo ý kiến của người khác thì bạn chẳng còn tồn tại”, ông nói. “Tôi không muốn phải sống mà bận tâm về việc mọi người nghĩ về mình thế nào”.
Thay vì bận tâm về những điều đó, tỷ phú 80 tuổi tuyên bố một trong những mục tiêu lớn nhất của ông là xóa đói giảm nghèo tại Mexico và việc này cần phải được thúc đẩy ở cấp độ tổ chức.
"Nghèo đói không thể được giải quyết bằng các khoản quyên góp”, Slim nói với Forbes vào năm 2012. “Việc xây dựng các doanh nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội hơn là chỉ vây quanh ông già Noel”.
Vài năm gần đây, tài sản của Carlos Slim sụt giảm mạnh, đặc biệt sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2016. Thời điểm đó, chứng khoán toàn cầu sụt giảm mạnh và đồng peso của Mexico mất giá kỷ lục khiến tài sản của Slim bay hơi hơn 9%, theo tạp chí Money. Tới tháng 3/2017, thống kê của Bloomberg cho thấy ông là người mất nhiều tiền nhất trong số các tỷ phú trên thế giới sau khi ông Trump trở thành chủ Nhà Trắng.
Năm nay, tỷ phú Mexico lại hứng cú sốc mới từ đại dịch Covid-19. Vào đầu tháng 5, tài sản của Slim bay hơi 5 tỷ USD chỉ trong một ngày - còn gọi là “Ngày thứ Hai đen tối” khi thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh nhất trong bối cảnh nỗi lo về đại dịch gia tăng trên toàn cầu.
Theo Nhịp sống Doanh nghiệp
Bình Luận