Sau mỗi ngày làm việc, tôi thường đặt ra và trả lời 3 câu hỏi. Thói quen này giúp tôi điều chỉnh được hành vi của mình, từ đó cải thiện được năng suất và hiệu quả làm việc.
Ảnh: Minh Nhựt.
Đó là chia sẻ của ông Phạm Duy Hiếu - Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), đồng thời là Phó Chủ tịch Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam (SVF).
Từ năm 2012 đến 2015, ông Hiếu từng giữ vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng ABBank. Hồi ấy, ở tuổi 34, ông là CEO trẻ nhất giới ngân hàng. Sau 3 năm, trở lại ABBank, ông Phạm Duy Hiếu vẫn tràn đầy sức trẻ với nhiều chiến lược sáng tạo, mạnh mẽ và nhiều đổi mới hơn không chỉ cho ABBank mà cho cả cộng đồng khởi nghiệp.
* Việc cấp có thẩm quyền bổ nhiệm ông vào vị trí Tổng giám đốc ABBank lần thứ 2 chứng tỏ sự ghi nhận những đóng góp của ông trong nhiệm kỳ đã qua, cũng như kỳ vọng vào các chiến lược kinh doanh sắp tới. Ông có cảm thấy áp lực?
- Áp lực hay không là do cảm nhận và suy nghĩ của mỗi người. Khi bạn nghĩ mình đang bị áp lực nghĩa là bạn đang mất năng lượng, mất đi sự vui vẻ, bạn có thể đang là nạn nhân của ngoại cảnh. Theo quan điểm của tôi, lãnh đạo là người giải quyết vấn đề chứ không phải là nạn nhân của vấn đề. Hãy coi vấn đề như những thách thức, cơ hội. Khi bạn tràn đầy năng lượng, bạn sẽ ảnh hưởng tích cực sang đồng đội. Đội ngũ ABBank cũng đang đầy năng lượng và năng lượng này cần được chuyển hóa thành các hành động tạo ra giá trị.
Tại ABBank, chúng tôi đang hướng tới việc xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo mang đậm tinh thần khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ, sử dụng trí tuệ nhân tạo để mang đến các dịch vụ độc đáo cho khách hàng, xây dựng và huấn luyện đội ngũ nhân sự, tạo sự gắn kết trong tổ chức, phát triển hệ thống kinh doanh tập trung vào lĩnh vực bán lẻ.
Với những trải nghiệm quý giá trong lĩnh vực khởi nghiệp mà tôi được tham gia tại Startup Vietnam Foundation (SVF) - Quỹ xã hội hóa và phi lợi nhuận hỗ trợ khởi nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ cho hoạt động khởi nghiệp, chung tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
* Nhiều ý kiến cho rằng, khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa đúng thực chất như tinh thần khởi nghiệp ở các nước, ông nhận định thế nào?
- Khởi nghiệp là xu hướng của cả thế giới nhưng hiện nay tại Việt Nam, nhiều người đang lo lắng, khởi nghiệp có thể là một phong trào. Nhiều chuyên gia nhận định, chúng ta đang kêu gọi, cổ súy cho khởi nghiệp nhưng cách làm còn ở bề nổi, mới dừng ở các sự kiện, có thể rộng nhưng chưa đi vào chiều sâu, chưa đi vào thực chất.
Một trong những bất cập được bàn luận nhiều nhất, đó là việc cổ súy, kêu gọi khởi nghiệp nhưng lại không đề cập đến quá trình học tập, trau dồi, trải nghiệm để một startup có được nền tảng cần thiết để kinh doanh thành công. Chính vì phong trào mà các startup lao vào khởi nghiệp một cách vội vã, chông chênh, thay vì dành thời gian lắng nghe, học hỏi và rút kinh nghiệm.
Một điều đáng ngại nữa là từ phong trào khởi nghiệp, cũng đã xuất hiện nhiều cuộc thi, giải thưởng sáng tạo, nhưng sau các cuộc thi, giải thưởng này các startup chưa được hỗ trợ để có thể đi tiếp. Số lượng các dự án sau khi đoạt giải thưởng được ứng dụng trong cuộc sống, tạo ra giá trị cho xã hội rất ít ỏi. Không ít bạn trẻ tham gia các cuộc thi chỉ để giành giải thưởng.
* Ông có kế hoạch gì để góp phần giúp các startup Việt Nam thực sự phát triển đúng xu hướng và có chiều sâu?
- Khởi nghiệp cần song hành với việc xây dựng các yếu tố nền tảng. Gốc rễ của khởi nghiệp phải là giải quyết vấn đề xã hội và đáp ứng nhu cầu xã hội đang cần chứ không phải chỉ là kiếm tiền.
Hiện nay, tôi đang kết hợp với nhiều đơn vị, tổ chức để hỗ trợ startup tại Việt Nam phát triển đúng xu hướng và có chiều sâu, làm sao để mỗi dự án, giải thưởng khởi nghiệp được tôn vinh sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm; làm sao để các dự án được phát triển, đóng góp giá trị cho xã hội. Muốn vậy, phải bắt đầu từ việc đào tạo, trong đó chuỗi đào tạo cho nhà lãnh đạo được quan tâm nhất. Bởi, trong khởi nghiệp, yếu tố quan trọng nhất là con người và đằng sau thành công của doanh nghiệp đó chính là vai trò người lãnh đạo. Đó cũng là tiêu chí đầu tiên để các nhà đầu tư tiếp cận với các startup.
Khi trao đổi về nền tảng khởi nghiệp, các chuyên gia nước ngoài đều khẳng định, trong ba yếu tố con người, công nghệ và mô hình kinh doanh, con người là quan trọng nhất. Bởi, có công nghệ tuyệt vời, mô hình kinh doanh tuyệt vời mà không có người giỏi dẫn dắt thì cơ hội đó sớm hay muộn cũng bị vuột mất. Không có nhà lãnh đạo giỏi thì doanh nghiệp không thể đi xa được.
* Người lãnh đạo tuyệt vời trong khái niệm của ông là người cần có những tố chất nào?
- Người lãnh đạo xuất sắc là người phải cần hội đủ 3 yếu tố: Trí (trí tuệ), thân (năng lượng, sức khỏe) và tâm (tâm thái) để dẫn dắt được đội ngũ hướng đến thành tích xuất sắc. Họ phải là người có tư duy mở, dám thử nghiệm những ý tưởng mới, dám chấp nhận thất bại, biết lắng nghe, sẵn sàng thay đổi vì mục đích phát triển của doanh nghiệp.
Không có tư duy mở thì không thể có đổi mới sáng tạo. Tất cả điều này nói thì dễ nhưng thực hiện không hề dễ dàng. Bởi, người lãnh đạo có kinh nghiệm thường mâu thuẫn giữa kinh nghiệm - những cái đã xảy ra, với sự sáng tạo - những cái chưa xảy ra.
* Trong các buổi nói chuyện với sinh viên, các bạn trẻ khởi nghiệp, ông thường nói: "Bạn không thể lãnh đạo người khác nếu không lãnh đạo được bản thân mình". Ý của ông là...
- Một người lãnh đạo thấu hiểu bản thân và công việc phải làm thì khi hoạch định chiến lược kinh doanh, họ sẽ có những bước đi đúng đắn. Con người thường chỉ đánh giá người khác và ít khi tự đánh giá bản thân và khó chấp nhận được điểm yếu của mình. Khi thực hiện một việc nào đó, ta dễ dàng đưa ra các lý do trì hoãn, thiếu nghiêm khắc, kỷ luật với bản thân mình. Đó là những lý do mà chúng ta không thể lãnh đạo được bản thân.
Hãy nhìn xem, ta khó khăn như thế nào trong việc lãnh đạo bản thân tập thể dục buổi sáng, trong kiềm chế những cơn giận dữ, nổi nóng, tiêu cực? Bạn như vậy, người khác cũng như vậy. Muốn lãnh đạo người khác, bạn phải làm được với chính bạn trước.
Sau mỗi ngày làm việc, tôi thường đặt ra và trả lời 3 câu hỏi: Hôm nay mình đã làm được gì? Mình đã học được điều gì? Mình có thể tốt hơn không? Thói quen này giúp tôi điều chỉnh được hành vi của mình. Từ đó cải thiện được năng suất và hiệu quả làm việc, làm thay đổi kết quả của tổ chức nơi tôi đang làm việc.
* Nếu tự đánh giá về bản thân, ông thấy mình là người như thế nào?
- Đơn giản là một người ham học hỏi, yêu thích khám phá và trải nghiệm. Mọi người gọi tôi là người truyền cảm hứng. Sự thật là, tôi chỉ chia sẻ những gì mình đã học và đã trải nghiệm thôi.
Tôi vô cùng hạnh phúc khi thấy những bài học đó giúp ích được cho người khác, thấy các bạn ABBanker yêu ngân hàng hơn, yêu công việc mình làm hơn và mọi người thay đổi thái độ, tự tin vào chính mình và hào hứng bước ra thị trường. Nhiều bạn đã chia sẻ, họ rất bất ngờ về những kết quả mà chính họ đã đạt được chỉ trong một thời gian ngắn khi thay đổi thái độ sống, thái độ làm việc.
* Nhiều bạn trẻ có ý tưởng mới mẻ, độc đáo, nhưng không phải tất cả đều tìm được thị trường và mang lại giá trị cho xã hội. Theo ông, nguyên nhân nằm ở đâu?
- Một điểm chung mà các startup dễ mắc phải khi giới thiệu sản phẩm của mình là thuyết phục người khác mua sản phẩm mà không xác định được khách hàng đang cần gì. Bản thân tôi khi mới khởi nghiệp cũng mắc phải sai lầm này.
Trong 3 tháng đầu tự đi chào bán sản phẩm, tôi không có một khách hàng nào, năng lượng giảm sút, bi quan, chán nản. Sau đó, tôi thay đổi cách tiếp cận. Tôi tìm đến từng khách hàng và hỏi họ gặp khó khăn gì và mình có thể giúp đỡ được gì. Cách tiếp cận này đã giúp tôi điều chỉnh và xây dựng được sản phẩm phù hợp, từ đó có được những khách hàng đầu tiên.
* Từ thất bại của bản thân, ông bài học gì để chia sẻ với các bạn trẻ, giúp họ tránh được vấp váp tương tự?
- Tôi cũng đã trải qua nhiều năm nếm trải sự chông chênh, vấp ngã, có lúc tưởng chừng không vượt qua nổi thử thách và chính mình. Nhưng từ đó, tôi cũng ngộ ra rất nhiều bài học, trưởng thành hơn trong suy nghĩ, bao dung hơn với những thị phi. Tôi nhận ra, điều quan trọng nhất không phải là những gì đến với mình mà là thái độ của mình trước những điều xảy đến. Chỉ cần thay đổi cách suy nghĩ, mọi vấn đề trong cuộc sống đều có phương án giải quyết, có khi hết sức đơn giản và nhẹ nhàng.
Không có công thức phù hợp cho tất cả, điều mà tất cả mọi người nên làm là biết lắng nghe trái tim hơn lý trí. Bởi biết lắng nghe tiếng nói của trái tim, mình sẽ biết ý nghĩa cuộc sống của mình ở đâu và xác định được đích đến.
Trong hành trình đến đích, hãy quan tâm đến sự trưởng thành của mình hơn là thành công, tiền bạc. Con người không thể thành công nếu không có sự trưởng thành của chính mình.
* Cơ duyên nào khiến ông dành nhiều thời gian và tâm huyết cho khởi nghiệp?
- Trước khi đến với SVF, tôi có cơ hội gặp các doanh nhân - những người đã thành công và có nhiều đóng góp, cống hiến cho xã hội. Tôi rất trân quý và được truyền cảm hứng từ những công việc có ý nghĩa của họ, cảm thấy hạnh phúc khi mình cũng được làm những việc có ý nghĩa.
Cũng nhờ SVF, tôi có cơ hội tiếp xúc, giao lưu và hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp và chính các bạn cũng cho tôi tiếp cận với rất nhiều ý tưởng mới, sáng tạo mới.
Trước đây, người ta nghĩ một doanh nghiệp có đội ngũ nhân viên giỏi, sáng tạo là đủ, nhưng ngày nay, một doanh nghiệp muốn thành công phải biết hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp có những ý tưởng đổi mới sáng tạo. ABBank cũng là ngân hàng khao khát sự sáng tạo nên mối quan hệ với các bạn trẻ khởi nghiệp giúp tôi rất nhiều trong công việc. Chúng tôi luôn mở cửa để đón các bạn, hỗ trợ cho họ trên tinh thần cùng win-win.
* Nói vậy, việc thành lập SVF là ý tưởng được ông ấp ủ từ lâu?
- Sau khi rời ABBank, tôi bắt đầu bước vào trang đời mới với một lĩnh vực hoàn toàn không biết gì trước đó. Cuộc gặp gỡ với người thầy Ipalawatte ở Singapore (một trong 52 người huấn luyện xuất sắc nhất thế giới) đã tác động mạnh mẽ đến cuộc đời tôi, đánh thức bản thân tôi và tôi bắt đầu theo học khóa đào tạo về Giá trị cuộc sống và sau đó quyết định thành lập SVF.
Hơn 2 năm dành hết tâm huyết cho mục tiêu phát triển con người, SVF đã bắc cầu cho các dự án khởi nghiệp phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ. Với những nhận thức mới mẻ, tôi nghĩ, nếu có dịp trở lại, tôi sẽ đóng góp cho ABBank theo một cách hoàn toàn khác.
* Một trong những cái "khác" mà ông tâm đắc...
- Đó là làm cho nhân viên khám phá được bản thân và tin vào chính mình. Tôi rất thích câu nói của John C. Maxwell: "Người lãnh đạo bình thường thì chỉ mong muốn nhân viên ca ngợi mình, còn người lãnh đạo xuất sắc thì làm cho nhân viên tin tưởng vào chính bản thân họ”.
* Được làm công việc yêu thích, chắc hẳn ông đang rất hạnh phúc. Theo ông, hạnh phúc sẽ mang lại thành công hay ngược lại?
- Hạnh phúc là điều cảm nhận trên hành trình đến thành công nên hạnh phúc là chìa khóa để mở ra thành công chứ không phải chiều ngược lại.
* Năm 2019, ngành ngân hàng được dự báo sẽ chịu nhiều áp lực, đặc biệt vẫn phải giải quyết hàng loạt vấn đề như nợ xấu, tăng vốn và minh bạch thông tin. ABBank sẽ giải quyết các vấn đề này ra sao, thưa ông?
- Năm 2019, ABBank sẽ hướng đến những thành tích xuất sắc bằng việc tạo ra năng lượng, dẫn truyền năng lượng và chuyển hóa năng lượng thành các hành động tạo giá trị. Trong đó, đổi mới sáng tạo sẽ là yếu tố trọng tâm. Thay đổi để bứt phá, không chỉ là đáp ứng những yêu cầu, những quy định của Ngân hàng Nhà nước mà còn hướng tới những thành tích xuất sắc.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ!
Theo Doanh nhân Sài Gòn
Bình Luận