Mười ba năm qua, nếu không dành hết đam mê cho món cháo ếch Singapore thì tôi chỉ là người nấu ăn đơn thuần chứ không phải một chuyên gia trong ngành ẩm thực, không thể đưa Lion City lên chuỗi 7 cửa hàng tại Hà Nội, Cần Thơ, TP.HCM và Malaysia” - ông Harry Ang chia sẻ.
Nổi tiếng tại Singapore với nghề xây dựng, thiết kế nhà hàng, ông Harry Ang lại có mối duyên với Việt Nam khi được mời thi công showroom cho thương hiệu loa JBL khi hãng này mở 4 chi nhánh ở TP.HCM và Hà Nội. Sau đó, nhiều thương hiệu đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam cũng mời Harry Ang như Loreal, Nokia... thiết kế và thi công phòng trưng bày sản phẩm. Cho đến ngày, gặp một cô gái Việt, Harry Ang xác định: “Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi”.
Làm việc tại Việt Nam, đôi lúc cũng vẫn nhớ món ăn quê nhà. Thế nhưng lúc đó, các món ăn Singapore được nấu đúng hương vị tại Việt Nam hầu như không có. Harry Ang nói: “Từ nhỏ, tôi đã thích làm bếp. Do nhà nghèo nên hằng ngày tôi đi chợ, nấu ăn cho một bà hàng xóm lớn tuổi. Nhờ vậy, tôi được bà tận tình chỉ bí quyết nấu các món ăn truyền thống của Singapore. Có bí quyết, lại được bạn bè, nhất là “bà xã” tấm tắc khen mỗi khi thưởng thức món ăn do tôi nấu, có người còn gợi ý tôi mở nhà hàng nên tôi quyết định mang ẩm thực của đảo quốc “sư tử” về Việt Nam”.
Với niềm đam mê ẩm thực và dành hết tâm huyết cho công việc mới, chỉ sau một năm, nhà hàng Lion City đầu tiên tại trung tâm quận 1, TP.HCM đã phát triển đến 70 chỗ ngồi.
* Tại sao ông không tiếp tục lĩnh vực thiết kế khi đã có quá nhiều kinh nghiệm và tại Việt Nam cũng có không ít cơ hội?
- Kinh doanh lĩnh vực thiết kế, xây dựng tại Việt Nam không ít rủi ro và thời điểm đó cũng chưa nhiều cơ hội. Khi nhận một dự án, tôi dành hết tâm huyết, sự đam mê cho nó nhưng khi làm xong, khách hàng nghiệm thu rồi vẫn rất khó thu tiền, nhiều lúc có cảm giác như đi xin, nên dần dần tôi không còn mặn mà với ngành này nữa.
* Theo ông, bí quyết thành công ban đầu của Lion City là nhờ món ăn ngon hay thị trường ẩm thực Việt Nam nhiều cơ hội?
- Năm 2006, khi tôi quyết định mở nhà hàng, thị trường ẩm thực Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện các thương hiệu ẩm thực nước ngoài như Thái, Nhật, Hàn... và được người dân đón nhận rất nồng nhiệt, nhưng nhà hàng đậm chất Singapore tại Việt Nam hầu như chưa có nên cơ hội rất lớn.
Tuy nhiên, kinh doanh ẩm thực không bắt đầu từ cơ hội hay thị trường mà phải bắt đầu từ đam mê và công thức chế biến món ăn khác biệt. Khác biệt lớn nhất của Lion City là các món ăn được nấu đúng theo hương vị và bí quyết truyền thống của Singapore.
Có nhiều người bảo tôi cớ gì lại chọn cách làm cầu kỳ, lợi nhuận lại cao hơn, tôi nói, tâm huyết lớn nhất của tôi là muốn gìn giữ và truyền bá các món ăn của Singapore ra thế giới và cho thế hệ sau biết được giá trị món ăn truyền thống quê nhà. Thực hiện được điều này là niềm hạnh phúc của tôi.
Nếu chỉ nhắm đến lợi nhuận thì tôi đâu phải mất nhiều công sức, thời gian, đâu phải cặm cụi hằng ngày trong bếp để chế biến, nếm, thử món ăn. Chưa kể, rất nhiều loại nguyên liệu như ớt bột, nghệ, nước tương, bột cà ri, dầu hào, bào ngư Úc, cua Alaska, cua nhện Nhật, tôm hùm Canada, bò Hida Nhật Bản đều nhập khẩu với giá rất đắc, nhưng nếu sử dụng nguồn nguyên liệu thay thế tại Việt Nam sẽ không mang đến đúng hương vị tôi mong muốn.
Ví dụ, nếu sử dụng ớt khô Việt Nam cho món cháo ếch Singapore sẽ phá vỡ mùi vị truyền thống vì ớt Việt Nam rất cay, còn ớt Singapore có vị cay nhưng giữ được vị thanh.
* Và ông đã “chạm” đến hạnh phúc chưa?
- Mười ba năm để có Lion City hôm nay là một chặng đường không ít khó khăn nhưng tôi đã “chạm” đến nhiều niềm vui, hạnh phúc. Còn nhớ, khi tôi tham dự lễ hội ẩm thực quốc tế tại Singapore, nhiều người cho rằng tôi “chở củi về rừng”, nhưng lúc đó động lực của tôi là được thực hiện món ăn Singapore cho chính người dân bản xứ.
Và mãi mãi tôi không quên, đó là sau khi thưởng thức món mì hải sản Malaysia, cua sốt ớt Singapore, mực xào Sambal, rất nhiều người lớn tuổi đến gặp tôi, có người rơi nước mắt. Lúc đầu, tưởng món ăn bị cay nhưng họ nói, họ cảm động vì món ăn của tôi khiến họ nhớ lại món ăn ngày xưa bà và mẹ đã nấu mà lâu lắm không còn được thưởng thức.
Nhiều bạn trẻ cũng chia sẻ, mấy chục năm ở Singapore nhưng chưa được ăn món ngon như vậy. Lúc đó, tôi thấy con đường mình đi đang đến gần mục tiêu và mang giá trị tinh thần rất lớn. Mới đây, Lion City còn được trang điện tử Lonely Planet bình chọn là top 10 nhà hàng Singapore tốt nhất tại Việt Nam.
* Không học thiết kế, xây dựng, không xuất thân từ ngành ẩm thực, điều gì khiến một người “tay ngang” như ông luôn thành công trong các lĩnh vực này, thưa ông?
- Không có bí quyết nào ngoài việc phải trung thực, đam mê, yêu những gì mình làm, mình ăn và đặt hết tâm huyết vào nó. Bạn có thể không học qua trường lớp nhưng thực tế cộng với sự yêu thích, đam mê công việc vẫn có thể thành công.
Vấn đề là phải không ngừng học hỏi, không giấu dốt. Ngoài năng khiếu, tôi dành nhiều thời gian để đọc sách nên cập nhật được những xu hướng mà cách nay 20 năm chưa có công ty nào có những thiết kế độc đáo như vậy, thậm chí có nhiều dự án khó không ai nhận hoặc nếu nhận phải mất thời gian rất lâu, nhưng tôi làm được và thời gian hoàn thành cũng sớm nhất nên Công ty OQ International của tôi luôn nằm trong top đầu công ty uy tín.
* Gần 20 năm gắn bó với Việt Nam, so với ngày đầu, tình cảm của ông với quê hương thứ hai của mình có khác?
- Năm 2004, lần đầu tiên đến Viêt Nam, tôi bắt gặp cuộc sống ở đây không khác ở Singapore thời kỳ những năm 1980. Ký ức những năm đó với tôi đã trở thành thân quen và tôi yêu thích Việt Nam, muốn trải nghiệm những hoài niệm đã qua ở mảnh đất này.
Tuy nhiên, càng sống tại Việt Nam, tôi càng thấy thú vị và cảm nhận sự khác biệt. Ở Singapore, kinh doanh khó lắm, cái gì cũng đắt đỏ, nhất là mặt bằng và chi phí vận hành một công ty cũng rất cao.
Trong khi cuộc sống ở Việt Nam không nhiều lo toan, áp lực và bản tính của người Việt rất thân thiện. Phụ nữ Singapore khi lấy chồng, đa số không đi làm mà người chồng phải lo hết, còn phụ nữ Việt Nam chịu cực, chịu khó, sẵn sàng san sẻ công việc với chồng.
Đặc biệt, văn hóa gia đình là giá trị đáng quý nhất của người Việt mà tôi trân trọng. Ví dụ, ở Singapore, con rể và con dâu không được đối xử như con ruột nhưng ở Việt Nam thì con rể, con dâu cũng được xem như con ruột.
* Những năm gần đây, kinh doanh nhà hàng tại Việt Nam cạnh tranh rất gay gắt, ông có cảm thấy áp lực?
- Ngày càng nhiều nhà hàng xuất hiện nên cũng thấy áp lực nhưng áp lực lớn nhất đối với tôi vẫn là làm sao giữ được bản sắc nhà hàng của mình cũng như dịch vụ mỗi ngày phải thêm tinh tế, chu đáo.
Để cạnh tranh, nhiều thương hiệu nước ngoài khi vào Việt Nam phải thay đổi công thức phù hợp với người Việt nhưng tôi thì không, nguyên tắc của tôi là vẫn phải giữ nguyên khẩu vị đặc trưng của nhà hàng y như ngày đầu tiên.
Lại có nhà hàng còn sử dụng hình ảnh của chúng tôi đã dùng 11 năm trước nhưng tôi thấy vui , bởi càng nhiều món ăn Singapore được bán thì ẩm thực Singapore càng phổ biến và trong bảng danh sách đó, Lion City vẫn được xem là “anh cả”, trong đó có bốn món đặc trưng không thể lẫn là cháo ếch, cua sốt ớt, các món cà ri và các món làm từ Sambal. Với 13 năm gầy dựng, không có lý do gì để tôi chuyển hướng mà vẫn luôn dành tình yêu cho con đường mình đi.
* Quản lý theo kiểu trao quyền cho nhân viên, ông có ngại nhân viên học lóm công thức?
- Khi đã trao quyền cho nhân viên thì không ngại, bởi nhân viên học được công thức này thì tôi đã có công thức khác cho món ăn cao cấp hơn. Đã có một bếp trưởng đem công thức học được ra mở nhà hàng và cũng có nhiều nhân viên “ra riêng” nhưng kinh doanh nhà hàng không dễ, khi có bạn đạt cấp độ 5 thì tôi đã ở cấp độ xa hơn rồi, đó là lý do rất nhiều nhân viên sau khi ra riêng lại quay về làm với tôi đến bây giờ.
* Ông có thể tiết lộ chìa khóa để mở “cái khó”?
- Cái khó của kinh doanh nhà hàng là ngoài giá trị cốt lõi của công thức nấu món ăn bí truyền còn là con người. Bạn có thể mở được nhà hàng nhưng “linh hồn” nhà hàng không phải người chủ nào cũng có. Hơn nữa, để có được đội ngũ nhân viên tận tâm với công việc cũng là một nghệ thuật.
Nghệ thuật đó phải được xuất phát từ tâm của người lãnh đạo. Ở Lion City, tất cả mọi người có giá trị như nhau và mọi người đều cảm nhận được giá trị riêng. Giá trị đó chính là tình cảm, sự chia sẻ công việc từ chính ngôi nhà thứ hai này.
Tôi được biết ở nhiều nhà hàng, ông bà chủ chỉ quản lý, nhưng tôi thì khác, vẫn vào bếp nấu món ăn, vẫn ra phục vụ bàn, thậm chí bưng bê hoặc cùng nhân viên sắp đặt những bữa tiệc cho khách. Có những lúc đêm khuya ở Hà Nội, nhiệt độ xuống 5 độ C nhưng tôi vẫn cùng nhân viên khiêng vác hàng thay vì chỉ tay 5 ngón.
* So với nhiều lĩnh vực khác, kinh doanh nhà hàng vẫn là một ngành dịch vụ phục vụ, ông có thấy bị... thấp đi?
- Người làm kinh doanh ẩm thực luôn phải xác định việc phục vụ khách hàng là tiêu chí quan trọng nhất. Cũng có nhiều người cho rằng, phải phục vụ ai đó là hạ thấp bản thân nhưng đó là suy nghĩ chưa đúng.
Khi tôi phục vụ tốt cho ai đó thì tôi nhận được sự cảm phục, khi đó tôi thấy vui vì không phải ai cũng làm được việc phục vụ. Nó là nghề giúp mình rèn luyện bản thân, luôn đòi hỏi điềm tĩnh và khéo kéo, tinh tế trong từng hành động nhỏ, trong thái độ ứng xử.
* Dưới góc độ là chuyên gia ẩm thực, ông cảm nhận thế nào về giá trị ẩm thực Việt Nam?
- Việt Nam có rất nhiều món ăn ngon, ẩm thực phong phú trải rộng khắp các vùng miền. Tôi từng đưa nhiều bạn bè nước ngoài thưởng thức ẩm thực Việt Nam, họ nói món ăn Việt Nam có nhiều rau củ và chế biến đa dạng, ngon.
Bản thân tôi cũng rất thích món ăn Việt Nam, đặc biệt là món phở. Nhưng thế mạnh đó chưa được chú trọng đầu tư. Tôi nghĩ, Việt Nam có thể làm tốt hơn và phải có chiến lược bài bản để nâng tầm giá trị ẩm thực thành du lịch ẩm thực.
* Ông cho phép mình hưởng thụ thế nào với thành quả mình làm ra?
- Làm ra của cải, dĩ nhiên tôi có quyền được hưởng thụ nhưng hưởng thụ vẫn phải nằm trong mức cho phép. Tôi không thích phô trương, không cần quá giàu, chỉ cần có lợi nhuận đủ cho mình thực hiện nhiều mong muốn, đủ đưa vợ con đi du lịch, nhân viên có thu nhập tốt để họ yên tâm làm việc. Tôi dành hết thời gian cho công ty, mở thêm nhà hàng cũng là cách tôi hưởng thụ, thỏa niềm đam mê.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ!
Theo Doanh Nhân Sài Gòn
Bình Luận