Medtronic Việt Nam vừa qua đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong “Chương trình tăng cường chất lượng nguồn nhân lực tại các khoa, trung tâm hồi sức tích cực”. Lễ ký kết diễn ra với sự tham gia của PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (QLKCB), Bộ Y tế cùng các cán bộ Cục QLKCB và Ông Paul Verhulst, Tổng Giám đốc Medtronic Indochina cùng Ban giám đốc Medtronic Việt Nam.
Trong khuôn khổ chương trình, Medtronic Việt Nam và Cục QLKCB sẽ hợp tác xây dựng và triển khai các chương trình tập huấn nâng cao năng lực sử dụng máy thở cho hơn 4.000 bác sĩ, nhân viên y tế chuyên ngành hồi sức đang trực tiếp chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại nhiều bệnh viện trên cả nước. Trong số đó, có nhiều bệnh viện ở vùng sâu vùng xa như Cao Bằng, Bắc Cạn, Sơn La, Đắc Lắc, Cà Mau và Bạc Liêu. Trong thời gian một năm, chương trình tập huấn sẽ được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, trực tiếp hoặc kết hợp cả hai hình thức tại hơn 12 trung tâm đào tạo ở hơn 40 tỉnh thành khắp Việt Nam.
“Máy thở được xem là thiết bị y tế cứu mạng cho bệnh nhân COVID-19. Vì vậy, việc đào tạo và hướng dẫn sử dụng máy thở đúng cách cho lực lượng tuyến đầu, cũng như tăng cường năng lực cho các nhân viên y tế, các bác sỹ chuyên ngành hồi sức tích cực đang điều trị bệnh nhân là rất cần thiết trong cuộc chiến chống lại đại dịch,” ông Paul Verhulst, Tổng Giám đốc Medtronic Indochina cho biết. “Trong hơn 60 năm, sứ mệnh của Medtronic vẫn không thay đổi: giảm đau, phục hồi sức khỏe và kéo dài tuổi thọ cho con người trên khắp thế giới. Thông qua chương trình hợp tác lần này, chúng tôi rất vui mừng vì các chương trình đào tạo sẽ được tổ chức khắp Việt Nam bao gồm ở khu vực vùng sâu vùng xa; điều này sẽ giúp tăng cường chất lượng nguồn nhân lực ngành y tế và góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam.”
Trước đó, khi Việt Nam đối mặt với các làn sóng đại dịch lớn nhất, Medtronic đã tổ chức các lớp huấn luyện trực tuyến về máy thở cho bác sĩ công tác tại bệnh viện dã chiến. Lớp học do các chuyên gia hồi sức tích cực hướng dẫn, thu hút gần 10.000 lượt bác sĩ và cán bộ y tế tuyến đầu tham gia học hỏi và chia sẻ kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tế. Công ty cũng tổ chức các diễn đàn bác sĩ trực tuyến và chương trình đào tạo y khoa để giúp bác sĩ thuộc các chuyên khoa khác nhau vượt qua những thách thức trong điều trị COVID-19. Ngoài ra, Học viện Máy thở của Medtronic (www.ventilators.com) cũng tổ chức đào tạo theo yêu cầu về cấu tạo và cách vận hành máy thở. Từ khi ra mắt hơn một năm trước, khoảng 20.000 bác sĩ trên khắp thế giới đã hưởng lợi từ chương trình giảng dạy trực tuyến này.
Theo Men&life
Bình Luận