Vậy là đại hội thể thao Đông Nam Á đã bước đến tuổi 60. Và cũng như câu nói “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”, SEA Games giờ như cô gái già chẳng ai còn chú ý và háo hức “tranh giành” như 20 năm trước nữa.
Là do thời thế thay đổi, hay do cơn bão truyền thông cũng như mật độ thể thao đỉnh cao dày đặc trên truyền hình đã khiến người nghe và người xem thờ ơ với SEA Games? Hay bởi vì chính SEA Games đã tịnh tiến về một “Hội khỏe Phù Đổng” toàn khu vực? Câu trả lời có lẽ là ở cả hai. Rõ ràng so với 20, 30 năm trước, khi mà truyền hình trả tiền chưa phát triển như bây giờ, việc có một đại hội thể thao tầm cỡ như SEA Games chiếu trên truyền hình sẽ khiến tất cả người Việt Nam phải theo dõi. Đồng thời với đó là mỗi sáng ngủ dậy lật tờ tin nhanh xem “Hôm nay Việt Nam có bao nhiêu chiếc huy chương vàng rồi”. Nhưng giờ đây, ta có quá nhiều mối quan tâm từ Champions League đến Ngoại hạng Anh, từ ATP World Tour, đến Olympic, Euro, World Cup. SEA Games vì vậy lạc lõng giữa thế giới thể thao thay đổi điên cuồng. Đã lạc lõng, mà còn chẳng có gì chuyển biến.
SEA Games 31 mà chúng ta đang được xem là một điển hình của sự già cỗi và mang tính “ao làng” như thế. Bạn có tin nổi không? Nếu Olympic 2016 tổ chức tại Rio de Janeiro với 207 nước tham dự mà chỉ có 28 môn thi, 41 nội dung thi đấu và 306 bộ huy chương, thì ở một nhóm 11 nước Đông Nam Á, lại có tới 56 môn với 529 nội dung thi đấu. Đây là điều cực kỳ vô lý, nhưng lại rất thuyết phục tại các quốc gia Đông Nam Á này. Tại sao? Quan trọng là nước chủ nhà muốn quảng bá các môn mới (năm nay có môn “thể thao điện tử”), muốn giành vị trí nhất toàn đoàn. Nhưng cũng vì thế đã dẫn đến tình trạng “lạm phát huy chương vàng”. Cùng với đó là chuyện các trưởng đoàn đi đêm với nhau để “xin” nhau: “Anh cho tôi cái huy chương ấy. Tôi nhường anh cái huy chương này”. Tất cả vì thế giống như một cuộc đua tranh hữu nghị, dàn xếp để ai cũng vui vẻ, để ai cũng có cái mà ra về, chứ càng ít chất cạnh tranh thi đấu, càng ít tinh thần thể thao mã thượng. Đương nhiên, chúng ta hết sức trân trọng nỗ lực của các vận động viên tranh tài. Nhưng rõ ràng cái chất thể thao ở các kỳ SEA Games đang thật sự bị phai nhạt đi nhiều, cũng là bởi cái suy nghĩ “Hội khỏe Phù Đổng” của những người tổ chức.
Vậy người hâm mộ, và đặc biệt là đàn ông nghĩ gì về SEA Games? Câu trả lời chỉ có một, đấy là bóng đá. Hóa ra những gì hấp dẫn và đáng quan tâm nhất của SEA Games lại vẫn chỉ là bóng đá, và phải là bóng đá nam. Với Việt Nam mà nói, vấn đề là vì giấc mộng huy chương vàng của chúng ta đến nay vẫn chưa thực hiện được. Điều này khiến khao khát trở nên cháy bỏng. Chúng ta lại đang may mắn được sở hữu lứa cầu thủ tài năng nhất. Chúng ta có đội trưởng Quang Hải, có Đình Trọng, có Văn Hậu, Tiến Linh, Bùi Tiến Dũng... Họ chính là hy vọng vàng cho một “giấc mơ con” của bóng đá Việt. Dẫu biết rằng không cần thiết, nhưng vì đó là cái mà ta chưa có được, nên thành ra phải giành giật.
Chính ở đó, hiện ra cái mâu thuẫn. Vậy tóm lại SEA Games là thế nào đây? Là “Hội khỏe Phù Đổng” cấp độ Đông Nam Á hay vẫn là cuộc đua tài thể thao đầy khát khao vì những điều chưa có được? Câu trả lời có lẽ thuộc về suy nghĩ của những người xây dựng nên đại hội thể thao này. Nếu họ muốn đây vẫn là đấu trường hữu nghị, quảng cáo những môn thể thao của đất nước, pha trộn vào đó một vài điểm nhấn khát vọng như “giấc mơ vàng” của người Việt Nam, thì hãy tiếp tục đi đúng con đường này. Còn nếu họ muốn nâng tầm Đại hội thể thao Đông Nam Á lên một mức cao hơn, để 11 quốc gia này có thể đường đường chính chính cạnh tranh huy chương ở Á vận hội, Thế vận hội, thì hãy thay đổi ngay từ bây giờ.
Nền thể thao Việt Nam có lẽ cũng cần hiểu, mục tiêu chúng ta nào phải là “ao làng”?
Thực hiện: Dũng Phan
Men&life
Bình Luận