Trong thư gửi cổ đông Amazon, Jeff Bezos đã hài hước viết rằng những người bán độc lập thuộc bên thứ ba “sắp sửa sút văng chúng ta” trong cuộc đua tăng trưởng. Tuy nhiên, 2 câu nói phía sau mới là điều đáng chú ý nhất.
Vừa qua, Jeff Bezos đã viết thư gửi đến các cổ đông Amazon. Điều đầu tiên ông nhắc đến là tốc độ tăng trưởng ngoạn mục trong vòng 20 năm qua của những người bán hàng độc lập thuộc bên thứ ba trên nền tảng Amazon.
Vào năm 1999 và 2000, Bezos cho biết chỉ có 3% số hàng hóa bán trên Amazon đến từ các bên thứ ba. Kể từ đó, con số đã này tăng một cách đều đặn, lên tới 58% trong năm ngoái, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 52%. Điều này có nghĩa là, một số lượng hàng hóa trị giá 160 tỷ USD đang được bán bởi bên thứ ba trên nền tảng Amazon.
Theo Jeff Bezos, thành công này hoàn toàn nhờ vào 2 tính năng mà người dùng vẫn thường xem nhẹ trên Amazon: "Fulfillment by Amazon" và chương trình thành viên Prime. Đây chính là lý do mà tỷ phú giàu nhất thế giới này đã viết trong thư 2 câu nhận xét mà bất cứ ai, dù làm kinh doanh hay không, cũng có thể học hỏi được nhiều điều:
"Giờ đây thành công là vậy, nhưng mọi người không biết được 2 chương trình này quan trọng đến thế nào vào thời điểm mà chúng tôi giới thiệu chúng.
Chúng tôi quyết định đầu tư cho 2 chương trình này sau nhiều buổi tranh luận nội bộ, bất chấp rủi ro tài chính có thể đối mặt."
Thành công không hề dễ dàng
Ngay từ lúc ấy, Jeff Bezos đã nhìn ra được sự cần thiết của 2 tính năng này. Mặc dù có thể thất bại, CEO Amazon vẫn cho ra mắt chúng. Vậy nên, thành công ấy đến từ tinh thần dám thất bại của ông.
Trong thời đại ngày nay, chúng ta liên tục được khuyến khích phô bày thành công của mình, nhất là trên Internet.
Chúng ta tối ưu hóa trang cá nhân trên LinkedIn. Mọi người xây dựng cuộc sống ảo trên Instagram. Thậm chí, có hẳn một ngành công nghiệp chuyên về dịch vụ cho thuê siêu xe và quần áo hàng hiệu để mọi người có thể giả vờ mình thành công, giàu có hơn so với thực tế.
Thế nhưng, chúng ta cần phải nhớ: Hầu hết mọi người chỉ có thể thành công sau khi đã trải qua vô số thất bại.
Họ mạo hiểm, rồi thất bại. Họ lại mạo hiểm, rồi lại thất bại lần nữa. Nếu may mắn, có thể cuối cùng họ sẽ thành công.
Thế mà ai cũng nghĩ thành công là một điều tất yếu và dễ dàng.
Khao khát được thất bại
Khi Amazon mới ra đời, chẳng ai tin doanh nghiệp này sẽ tạo ra lợi nhuận, chỉ có kẻ ngu ngốc mới đầu tư vào nó.
Khi Amazon mới ra đời, nó chỉ là một trang bán sách trực tuyến. Người ta hoài nghi liệu nó có thể cạnh tranh với hệ thống nhà sách Barnes and Noble hay Borders hay không.
Jeff Bezos luôn nhắc nhở mọi người về sự thật này: Những thứ mà ai cũng nghĩ sẽ nghiễm nhiên thành công, thật ra là kết quả của trực giác, tính tò mò và sức mạnh của những phút giây suy nghĩ lơ đễnh.
Dịch vụ điện toán đám mây Amazon Web Services (AWS) với hàng triệu khách hàng chính là một minh chứng. Nếu chỉ nghe những gì Jeff Bezos miêu tả về dịch vụ này, sẽ không ai cần tới nó. Chỉ mình Jeff Bezos biết "thế giới đã sẵn sàng và mong mỏi dịch vụ kiểu như AWS từ lâu rồi nhưng còn chẳng nhận ra."
Vì vậy, để thành công, bạn cần phải biết khao khát sự thất bại. Bạn phải dũng cảm thử nghiệm ý tưởng mới, cũng như sẵn sàng từ bỏ khi đi sai đường.
Muốn thành công, phải dám thất bại trước
Trong cuộc sống, một khi đã bắt đầu, chỉ có 2 kết cục: thành công hoặc thất bại. Tuy nhiên, có những cá nhân, doanh nghiệp chưa từng thua, nhưng cũng chẳng từng thắng.
Bởi lẽ, họ chưa từng thực sự dấn thân vào cuộc chơi.
Họ không đổi mới. Họ không tìm kiếm đam mê của mình. Họ không dám mạo hiểm và đứng trên sân khấu, không dám để người khác nhìn mình như kẻ khờ khạo.
Họ không đủ gan để mời chàng trai mình thích đi chơi. Họ không dám tỏ tình với cô gái trong mộng, để rồi chỉ biết nhìn lại quá khứ và nuối tiếc: "Tớ luôn yêu cậu, và chúng ta chẳng thể nào trẻ lại được nữa".
Thật lạ lùng khi chúng ta lại rút ra bài học cuộc sống từ lá thư gửi cổ đông của một doanh nghiệp. Giờ đây, khi Amazon đã là một trong những công ty lớn nhất thế giới, Jeff Bezos vẫn cảnh báo các nhà đầu tư: Ông mong rằng Amazon sẽ nếm trải thất bại to lớn nào đó trong tương lai, để học cách tồn tại mãi mãi.
Vì vậy, dù yêu hay ghét Amazon, dù bạn làm việc ở đó hay không, dù bạn đầu tư vào doanh nghiệp này khi đó hay không, xin hãy nhớ một điều quan trọng:
Thành công không tự nhiên mà đến. Và tương lai của bạn cũng như vậy.
Theo Trí thức trẻ
Bình Luận