Virus corona đã lây lan khắp các châu lục ngoại trừ Nam Cực. Khoảng 4.000 người sống tại khu vực lạnh giá này phản ứng với đại dịch như thế nào?
Nam Cực đang là ngôi nhà chung của các cơ sở nghiên cứu do 28 quốc gia trên thế giới điều hành. Trong khi phần còn lại của thế giới đang chứng kiến dịch Covid-19 lây lan theo cấp số nhân, cuộc sống tại Nam Cực vẫn diễn ra như lệ thường.
Trên mạng xã hội, người sống tại Nam Cực không ngại chia sẻ về tình hình hiện tại. Một nhà thầu Mỹ ở trạm Amundsen-Scottt đăng ảnh chụp nhiều thùng giấy vệ sinh với lời nhắn “Đừng lo lắng cho chúng tôi”. Ông Mike Brian, lãnh đạo trạm Rothera của Anh chia sẻ rằng: “Dù nhu cầu cho nước sát khuẩn tay có tăng nhưng mọi thứ vẫn vận hành bình thường”.
Theo ông Alberto Della Rovere, người dẫn đoàn thám hiểm của Italy, “Nam Cực hiện là nơi an toàn nhất thế giới. Chúng tôi không liên lạc với ai và cũng ở rất xa bất kỳ khu dân cư nào”.
Covid-19 vẫn còn xa nhưng các quốc gia có trạm nghiên cứu tại Nam Cực đều ưu tiên bảo vệ lục địa này khỏi tầm ảnh hưởng của đại dịch.
“Không có nơi nào miễn nhiễm với virus corona”. Jeff Ayton, giám đốc y tế Bộ phận Nam Cực của Australia cảnh báo. Cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy virus corona không lây lan tới nơi tận cùng của trái đất.
Trạm nghiên cứu Casey của Australia tại Nam Cực. Ảnh: Reuters.
Nếu virus corona lây lan tới Nam Cực, cư dân sinh sống nơi đây khó có thể ứng phó kịp. Hầu hết cơ sở y tế tại lục địa lạnh giá này chỉ đáp ứng được một ca bệnh hô hấp đơn lẻ. Tim Heitland, điều phối viên y tế của một trạm nghiên cứu do Đức vận hành cho biết các trạm nghiên cứu tại Nam Cực thường chỉ có một bác sĩ duy nhất.
“Một bác sĩ sẽ không thể ứng phó với ca bệnh truyền nhiễm nào trong điều kiện cơ sở y tế kém như thế này. Chúng tôi không có y tá hay các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ nào hỗ trợ”, theo ông Michelle Rogan-Finnermore, thư ký Hội đồng Quản lý Chương trình Quốc gia ở Nam Cực (COMNAP).
Ông này cũng chia sẻ thêm với The Washington Post: “Tôi tham gia các hoạt động ở Nam Cực từ 1988 nhưng chưa bao giờ chứng kiến toàn cầu phải đối mặt với một thách thức tự nhiên nào như Covid-19”.
COMNAP được thành lập vào năm 1988 để hỗ trợ, phối hợp chương trình nghiên cứu Nam Cực của các quốc gia. Tổ chức này đóng vai trò cố vấn quan trọng giúp các chính phủ chia sẻ kinh nghiệm về đại dịch toàn cầu và thúc đẩy ban hành bộ hướng dẫn mật hôm 16/3.
Đối phó với bệnh truyền nhiễm luôn là một vấn đề đáng quan tâm đối với các trạm nghiên cứu tại Nam Cực. “Cuộc sống sẽ thật tồi tệ và khó khăn nếu bạn nhiễm bất kỳ một loại virus nào ở đây”, ông Heitland chia sẻ.
Ông Ayton giải thích thêm: “Sống tại Nam Cực giống như sống trên Mặt Trăng ấy. Chúng tôi không thể lập tức đưa người về. Tại các trạm của Australia, chúng tôi phải chuẩn bị trước 9 tháng mới có thể tiến hành sơ tán y tế”.
Tại Nam Cực, cơ sở nghiên cứu McMurdo của Mỹ là đơn vị lớn nhất với quy mô lên tới 1.000 người. Trong khi nhiều trạm nghiên cứu đã đóng cửa nghỉ đông trước đợt bùng phát dịch, trạm McMurdo mới chỉ hoàn thành chương trình mùa hè. Hiện nay nhiều máy bay vẫn qua lại để vận chuyển người đi và đến trạm.
Ai muốn tới Nam Cực đều phải trải qua “một loạt giao thức kiểm tra và cách ly dưới sự giám sát của cố vấn y tế”. Tuy nhiên, những người mới đến không được xét nghiệm Covid-19, ông Mike England một quan chức truyền thông của Quỹ Khoa học Quốc gia cho hay.
Theo ông Ayton, các trạm vẫn chưa đảm bảo công tác kiểm dịch chặt chẽ đối với những người mới đến từ vùng có dịch như Mỹ, Italy, Pháp. Về điều kiện y tế chuẩn bị đối phó với dịch, Australia và Đức đã xác nhận có sẵn mặt nạ phòng độc tại trạm nghiên cứu trong khi Anh và Mỹ vẫn chưa hồi đáp câu hỏi về vấn đề này.
Trạm Zucchelli của Italy ở Nam Cực. Ảnh: Washington Post.
Ông Rogan-Finnermore cho hay COMNAP từng khuyến cáo các chính phủ phải đảm bảo đủ lượng oxy để điều trị chứng nhiễm trùng đường hô hấp tương tự những gì mà đại dịch Covid-19 gây ra.
Nam Cực đang trải qua mùa đông, giai đoạn mà hầu hết trạm nghiên cứu đều ngừng khai thác. Điều kiện khắc nghiệt gây khó khăn cho việc di chuyển bên ngoài nên các nhà nghiên cứu bị cô lập trong trạm. Tuy nhiên, đây lại là một điều tốt nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm virus corona.
Ông Brian miêu tả bầu không khí tại trạm Rothersa của Anh: “Mỗi người tôi gặp lại có một ý kiến khác nhau về đại dịch. Có người thì mong sớm được về nhà với gia đình và bạn bè nhưng cũng có người muốn ở lại đây cho an toàn".
Theo Zing.vn
Bình Luận