Người ta bảo “Bali chính là một ngôi đền nổi khổng lồ mà ở đó tất cả các ngôi nhà đều là đền thờ và tất cả các đền thờ đều là ngôi nhà của mọi người”, quả không sai!
Đền đài là phần quan trọng nhất ở trên đảo Bali (Indonesia) – thủ phủ của những người theo đạo Hindu ở quốc gia này – là trung tâm của các hoạt động tôn giáo, là nơi niềm tin của người dân được gửi gắm, nơi diễn ra các hoạt động đời sống, tín ngưỡng từ khi sinh ra đến khi chết đi, thậm chí cả sau khi đã chết.
Hòn đảo được mệnh danh là vùng đất của hàng vạn ngôi đền này, có lẽ thật khó mà thống kê chính xác con số hàng vạn ấy là bao nhiêu. Rải rác trên đảo, từ lớn đến nhỏ, từ đơn giản đến phức tạp, có mặt ở khắp mọi nơi, từ bên bờ các bãi biển trù phú hay mỏm đá chơi vơi ngoài khơi, đến những ngọn đồi hoang vắng hay đỉnh núi vời vợi, sâu trong hang động hay ẩn mình dưới chùm rễ cây ngàn năm, trong nhà, ngoài sân, giữa chợ, bên nghĩa trang, cửa rừng, hay các ngã tư giao lộ, bất cứ nơi nào, người dân Bali cảm thấy cần được bảo hộ và tránh rủi ro, sẽ có sự xuất hiện của các ngôi đền thờ rực rỡ, được trang hoàng bằng vải màu, hoa lá, các vật phẩm cúng dường hoan hỉ trong mùi hương trầm ngào ngạt.
Chuông gió.
Các đền thờ của người Bali không dành cho một vị thần cụ thể nào mà là một bộ sưu tập của tinh thần, cả tốt lẫn xấu, nhiều người cùng cư trú trong các đền thờ khác nhau. Và vì không biết linh hồn nào đang viếng thăm đền thờ nào, nên để đảm bảo các linh hồn đều được coi trọng, người Bali đặt lễ vật ở tất cả các đền thờ. Có rất nhiều vị thần được thờ phụng ở Bali như thần núi, thần biển, thần lửa, thần nước, hay một vị thần rất quan trọng đó là nữ thần gạo.
Hệ thống đền đài công cộng ở Bali rất cởi mở, thân thiện, với cộng đồng cư dân và với cả người xa lạ, thậm chí với cả chó, mèo. Không gian đền đài của Bali luôn hướng về cộng đồng, mặc dù không gian của đền thờ trong là thánh địa nhưng các đền thờ luôn mở ra dưới bầu trời với mục đích để dễ dàng tiếp cận với các vị thần.
Một ngôi đền ở đây thường bao gồm hai hoặc ba sân trong, được bao quanh và phân chia bởi các bức tường, trong đó sân ngoài cùng được sử dụng để dâng lễ vật, biểu diễn các điệu múa truyền thống và có tính chất thương mại, sân giữa được dành để chuẩn bị thực phẩm, cúng dường và nơi biểu diễn các điệu múa cổ điển, sân sâu nhất là nơi thờ phụng, nơi thực hiện các nghi lễ quan trọng và biểu diễn các điệu múa linh thiêng. Một hệ thống cổng đá phức đạp sẽ kết nối các sân trong và sân sau, các sân này đều được định hướng về phía những ngọn núi thiêng, sao cho người thờ phụng phải luôn đối mặt với sự thiêng liêng này khi cầu nguyện.
Các ngôi đền cũng được chia thành các lớp tâm linh theo chiều thẳng đứng, tháp càng cao càng chứng tỏ tầm quan trọng thiêng liêng của ngôi đền. Một trong những hình mẫu kiến trúc đền đài của Bali điển hình là ngôi đền đa tầng với nhiều tháp mái được phủ dầy dặn bằng lá cọ đen nhánh. Người Bali quan niệm, mái trên cùng là nơi cư ngụ của các vị thần, và số lớp mái đền sẽ chứng tỏ vai trò quan trọng của vị thần đó, số mái đền luôn là lẻ và ngôi đền 11 mái sẽ là ngôi đền linh thiêng nhất.
Một kiến trúc quen thuộc nữa và hầu như luôn có thể nhận biết ngay lập tức bởi cấu trúc thiêng liêng này luôn đóng vai trò như một cổng vào của khách sạn, các tòa nhà lớn hay văn phòng chính phủ, đó chính là cửa ngõ của các ngôi đên. Giống như một bức tường cao ngất được cắt xẻ chính xác từ trên đỉnh xuống rồi đẩy thành hai nửa với khoảng cách rộng lớn tượng trưng cho hai nửa của ngọn núi vũ trụ Meru thần thoại, nơi cư ngụ của các vị thần.
Các quy tắc truyền thống của người Bali luôn được coi trọng trong xây dựng, đặc biệt là trong việc xây dựng đền đài. Các nguyên vật liệu được sử dụng luôn phải đối phó với điều kiện thời tiết xích đạo nóng ẩm và mưa nhiều. Bằng cách sử dụng các vật liệu tự nhiên như tre, nứa, gỗ dừa, bùn và đá, sự hòa hợp giữa con người – thiên nhiên – các vị thần luôn được duy trì một cách hài hòa. Người Bali có rất nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng tre, nứa, lá cọ bởi đây chính là nguồn nguyên liệu được sử dụng hàng ngày để tạo ra các lễ vật cúng dường tinh tế và để trang hoàng cho các đền đài, bản làng trong các kỳ lễ hội.
Các cột trụ của đền thờ đều phải dùng các loại gỗ được trồng tại địa phương và khi dựng lên, phần gốc rễ phải đứng trên mặt đất không được đảo ngược, bởi cái cây phải kết thúc theo cách mà khi chúng đang sống. Điều này được thợ xác định bằng cách cân nặng bởi đầu gốc rễ luôn nặng hơn.
Mái của các công trình được kiến trúc mở, nhìn vào có thể thấy rõ các vỉ kèo, xà ngang hay xà gồ. Nhiều tổ hợp không có tường với không gian đa năng. Việc trang hoàng và chạm khắc trên cửa ra vào, trần nhà, cổng cột, tường bao dường như là nơi gửi gắm niềm tin và sự sáng tạo bất tận của dân cư đảo Bali. Người Bali luôn dành rất nhiều năng lượng và tiền bạc của họ cho các ngôi đền, bởi nhiệm vụ của họ là trả lại cho tổ tiên sự thịnh vượng của mình.
Hàng ngàn đền thờ tư nhân tồn tại trong các khu vườn của gia đình. Hàng ngàn ngôi đền cộng đồng hiện hữu quanh bản làng, là đền thờ của nguồn gốc, của người sáng lập, cũng là nơi để mọi người gặp nhau trong các bữa ăn công cộng và nghi lễ. Có những ngôi đền tạm được xây dựng cho các mục đích đặc biệt như cái chết của ai đó trong gia đình hay bắt đầu khởi công một dự án. Cũng có những ngôi đền vĩ đại dành cho các vị thần và nữ thần, được tôn thờ như là nguồn sinh, bảo hộ và che chở cho loài người như Pura Ulin Bratan trong Candikuning và Pura Luhurr trên Gunnung Batukau dành cho nữ thần hồ còn Pura Besakih là ngôi đền mẹ vĩ đại trên sườn núi Gunnung Agung.. Ngoài ra, cũng có những ngôi đền dành riêng cho những người thuộc dòng dõi cao quý, đền thờ hoàng gia, đền thờ dòng tộc như Pura Taman Ayun, hay Gunnung Kawi, Pura Penulisan là ngôi đền tưởng niệm cho một triều đại cai trị vàng son.
Cũng không thể không nhắc đến ngôi đền biển Uluwatu trên bán đảo Bukit ngự trị trên một vách đá chơi vơi ngoài bờ biển, Pura Tirta Empul ở Tampaksring với nguồn nước thánh tinh khiết gột rửa bao tai họa và bụi trần, Yeh Jeruk ở Gianyar hay Pura Batukau ở Tabanan. Và còn biết bao những đền đài khác, trong lớp áo nhiều màu bí ẩn của lịch sử, đang đợi chúng ta ở Bali.
Tôi cũng không biết nữa, trong nhiều giấc mơ tôi, Bali vẫn luôn là một giấc mộng hoang đường.
Theo Tạp chí nhà đẹp
Bình Luận