Đã hơn 200 năm kể từ ngày Jane Austen qua đời, những tác phẩm của bà vẫn tiếp tục trở thành nguồn cảm hứng cho các tác phẩm nghệ thuật khác. “Emma” bộ phim sắp sửa ra mắt dịp cuối tháng Hai này, tiếp tục là sự nối tiếp cho điều ấy, góp phần chứng tỏ những tư tưởng và sáng tạo của nữ tác giả người Anh chưa bao giờ lỗi thời.
Trong quãng thời gian sống ngắn ngủi của mình, Jane Austen đã kịp viết bảy cuốn tiểu thuyết, và tất cả đều đã trở nên quen thuộc với độc giả khắp thế giới, đặc biệt là Sense and Sensibility (Lý trí và cảm xúc) và Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến). Emma là cuốn tiểu thuyết thứ tư của bà, với nhân vật trung tâm cùng tên, được bà tự coi là nhân vật gần gũi nhất với chính bản thân mình. Tác phẩm đã từng được chuyển thể một lần vào năm 1996 với sự tham gia của diễn viên Gwyneth Paltrow, và sẽ một lần nữa được đưa lên màn ảnh lớn với hơi thở tươi mới và có lẽ là gần gũi hơn với phong cách văn chương của Jane Austen.
Bộ phim xoay quanh cuộc sống của Emma Woodhouse, cô gái xinh đẹp mới bước vào độ tuổi 20 nhưng đã đảm nhận nhiệm vụ của một nội tướng trông coi gia sản giàu có vì mẹ cô sớm qua đời và chị gái đã lập gia đình. Sống cùng người cha có phần dè chừng, khó tính, cô gái cho rằng mình chẳng bao giờ lập gia đình, nhưng sẽ là người mai mối cho những cặp đôi phù hợp. Tự tin, thông minh, quyết đoán và có phần nóng vội, bồng bột, Emma với tham vọng trở thành bà mai mát tay đã gây ra cả bi kịch lẫn những tình huống dở khóc dở cười, đặc biệt là khi cô quyết tâm tìm được một tấm chồng hoàn hảo cho Harriette, cô bạn gái bé nhỏ và tội nghiệp mới chuyển đến làng Highbury – nơi gia đình cô sinh sống.
Đi theo diễn biến của câu chuyện, người ta dễ dàng nhìn thấy quá trình trưởng thành của Emma, một thiếu nữ tưởng chừng như có tất cả mọi thứ: tiền bạc, nhan sắc, trí tuệ. Những rắc rối do chính cô gây ra, những tan vỡ của mộng tưởng tự cô chuốc lấy, đều là một phần của hành trình trở nên sâu sắc, chín chắn và hiểu rõ về bản thân mình. Tuy nhiên, thông điệp sâu sắc hơn trong câu chuyện của Jane Austen và của cả bộ phim là tiếng nói của phụ nữ trong một xã hội có rất nhiều giới hạn.
Emma tuy là ngôi sao của làng Highbury, nhưng nó cũng chính là giới hạn của cô. Đó là toàn bộ thế giới mà cô biết, vì cô hiếm khi rời khỏi ranh giới để đến với một thế giới rộng lớn hơn. Ngôi làng với những cánh đồng đẹp hoàn hảo, những ngôi nhà xinh xắn trong phim chắc chắn là niềm tự hào của nước Anh, nhưng đó cũng là tấm khung giữ Emma trong thế giới đã bị đóng chặt. Điều đó không có nghĩa là cô gái trẻ xinh đẹp này thiếu đi sự nổi loạn ẩn sâu trong vẻ ngoài chỉn chu của một nữ nhân trong giới tinh hoa.
Khác với hình mẫu phụ nữ thời đại của mình, Emma là người chủ động tìm kiếm con đường đi cho cuộc đời mình. Cô không tìm kiếm một người đàn ông hay hạnh phúc của việc được làm một người vợ hoàn hảo. Trái lại, cô khẳng định niềm vui trong việc được sống và tận hưởng những điều mình muốn làm, với sự tự do của cuộc đời độc thân. Dù mâu thuẫn với chính mình, cô vẫn mang nặng tư tưởng về giai cấp xã hội, phân chia ranh giới rõ ràng giữa những người có giáo dục, có phong cách trang nhã và những người nông dân thô lỗ, quê kệch. Emma không hề nhận ra bản thân mình cũng đang tìm cách bảo vệ cho phẩm giá của những người yếu thế.
Để miêu tả một người phụ nữ đấu tranh cho nữ quyền trong sự hồn nhiên như vậy, các nhà làm phim đã nỗ lực hết sức để tạo dựng nên bức chân dung phi thời đại của Emma. Bước đầu tiên của nỗ lực này là lựa chọn Anya Taylor-Joy – diễn viên từng được trao giải Trophée Chopard cho diễn viên mới triển vọng tại liên hoan phim Cannes năm 2017 – vào vai Emma. Anya sở hữu gương mặt sắc sảo và khả năng biến hóa linh hoạt qua nhiều vai diễn trong các phim kinh dị và hài hành động. Cô tận dụng lợi thế gương mặt thông minh, láu lỉnh của mình để biến Emma – một phụ nữ tinh hoa đầu thế kỷ 19 – thành một chân dung gần gũi với mọi cô gái trẻ của thời đại này.
Tạo hình của Emma cũng khác biệt với những nhân vật nữ xung quanh cô trong phim. Trang phục của Emma và ngôi nhà cô sinh sống được phủ rất nhiều sắc trắng và hồng pastel, sắc màu của sự sang trọng và nữ tính không thể chối cãi. Điều đó cho thấy một thế giới phụ nữ trị, trong sạch, ngây thơ nhưng lộng lẫy. Tuy nhiên, cô cũng trở nên đặc biệt nổi bật hơn khi diện những sắc màu mạnh mẽ như xanh da trời, đỏ sậm khi bước ra khỏi không gian xinh đẹp, an toàn ấy. Đặc biệt, không có gì thể hiện rõ ràng hơn cho sự mạnh mẽ và tham vọng làm chủ mọi thứ của Emma hơn chính poster của bộ phim. Cô đứng giữa khung hình trong trang phục màu vàng chói lọi, nổi bật trước hậu cảnh làng quê Anh yên bình.
Ở một mặt, Emma là chân dung nội tâm của Jane Austen – cô gái học thức, mạnh mẽ và quyết tâm sống tự tại trong độc lập. Bản thân Jane Austen cũng là một phụ nữ đam mê học tập, mang đầy khát khao thay đổi vị thế của phụ nữ, và cũng không hề kết hôn trong suốt cuộc đời. Mặt khác, cô chính là ước mơ của bà, vì cuộc đời Jane Austen hoàn toàn không có được những lợi thế mà Emma có – hậu thuẫn mạnh mẽ về tài chính và sự vững vàng trong vị thế xã hội. Bà tạo ra Emma như một cô gái vừa táo bạo, vừa bị giới hạn trong thế giới của mình, nhưng đồng thời cũng chẳng ngại ngần chỉ ra cho cô thấy giá trị thực sự của con người không bị co hẹp trong vấn đề giới hay giai cấp.
Các nhà làm phim đã biến những ước mơ bị chôn vùi của bà thành sự thật. Vào thời đại của Jane Austen, phụ nữ thậm chí còn chẳng được ký tên thật trong tác phẩm văn chương do mình sáng tác. Còn bây giờ, nhân vật nữ của bà được cất lên tiếng nói cá nhân, và cái tên của bà một lần nữa được vinh danh, tiếp tục đến với khán giả khắp thế giới theo một con đường mới.
Theo Elle.vn
Bình Luận