Để thành công trong thời đại kỹ thuật số, doanh nghiệp không chỉ cần biết áp dụng những công nghệ mới nhất, mà còn phải đi đầu trong việc xác định các xu hướng trước khi chúng trở nên phổ biến.
Theo định nghĩa từ Wikipedia, Internet vạn vật (tiếng Anh: Internet of Things, viết tắt: IoT) là mạng lưới vạn vật kết nối Internet, trong đó các thiết bị được tích hợp cảm biến và đi kèm phần mềm điều khiển, cùng với khả năng kết nối mạng giúp cho chúng có thể thu thập và truyền tải dữ liệu. IoT được phát triển dựa trên nền tảng của mạng Internet, công nghệ không dây và công nghệ vi cơ điện tử.
Như vậy, có thể tạm hiểu IoT là tất cả mọi thứ được kết nối với nhau qua mạng Internet, người dùng (chủ sở hữu) có thể kiểm soát mọi đồ vật của mình qua mạng chỉ bằng một thiết bị thông minh, chẳng hạn như smartphone, tablet, PC hay thậm chí bằng smartwatch. Mặc dù đã xuất hiện từ lâu nhưng kỷ nguyên IoT chỉ thực sự bùng nổ trong những năm gần đây, sau sự phát triển của smartphone, tablet và những thiết bị kết nối không dây. Với IoT, giờ đây mọi thứ đều trở nên “thông minh”, từ thành phố thông minh cho đến nhà thông minh, TV thông minh, bếp thông minh, tủ lạnh thông minh...
Hiện nay, IoT đã cho thấy tiềm năng với những số liệu đáng kinh ngạc. Theo dự đoán của trang Business Insider, trong vòng 5 năm nữa (tức là cho đến hết năm 2023), người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ nhiều nước trên thế giới sẽ cài đặt hơn 40 tỷ thiết bị IoT, tăng từ khoảng 9 tỷ vào năm 2017 và 10 tỷ của năm 2018. Dự kiến sẽ có hơn 64 tỷ thiết bị IoT vào năm 2025. Lúc đó, sẽ có nhiều thứ hơn được kết nối mạng mọi lúc mọi nơi, xuất hiện thêm nhiều thiết bị kết nối thông minh hơn chẳng hạn như loa thông minh, xe hơi thông minh...
Trong mảng IoT tiêu dùng, chỉ riêng ở Mỹ, số lượng thiết bị nhà thông minh ước tính sẽ vượt 1 tỷ vào năm 2023. Nếu ước đoán mỗi hộ gia đình chi khoảng 725 USD cho các thiết bị IoT trong nhà thì tổng cộng sẽ có hơn 90 tỷ USD được chi cho các giải pháp IoT tiêu dùng.
Đối với mảng IoT doanh nghiệp vốn được xem là phân khúc trưởng thành nhất của IoT, các công ty sẽ tiếp tục rót hàng tỷ USD vào các thiết bị được kết nối và tự động hóa. Đến năm 2023, tổng số hệ thống robot công nghiệp được lắp đặt sẽ đạt gần 6 triệu trên toàn thế giới, trong khi chi tiêu hàng năm cho sản xuất các giải pháp IoT doanh nghiệp sẽ đạt khoảng 450 tỷ USD.
Trong mảng IoT dành cho chính phủ, các nước trên toàn cầu đang triển khai các thiết bị IoT để thúc đẩy sự phát triển của thành phố thông minh, trang bị camera kết nối, đèn đường thông minh và đồng hồ kết nối để cung cấp hệ thống điều khiển giao thông theo thời gian thực, theo dõi các hành vi vi phạm và các yếu tố môi trường. Đầu tư hàng năm vào lĩnh vực này dự kiến sẽ đạt gần 900 tỷ USD vào năm 2023.
Rất nhiều công ty và tổ chức trên toàn thế giới đang chạy đua để áp dụng các giải pháp IoT mới nhất và hòa chung xu hướng trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ. IoT đang tạo ra sức mạnh chuyển đổi cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng và chính phủ. Các công cụ và công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (machine learning) và mạng di động 5G đang cho phép đạt được hiệu quả lớn trong việc áp dụng IoT ở mọi nơi. Sự phát triển liên tục của ngành công nghiệp IoT sẽ là một lực lượng biến đổi trong tất cả các tổ chức. Bằng cách tích hợp tất cả thiết bị hiện đại kết nối mạng Internet, thị trường IoT đang trên đà phát triển lên đến hàng nghìn tỷ USD mỗi năm tính cho đến năm 2026.
Các công ty được đề cập trong xu hướng này gồm Alibaba, Alphabet, Amazon, Apple, Around Analytics, Arm, AT&T, August Home, C3 IoT, China Mobile, Dallas Innovation Alliance, Dell, Ericsson, Filament, FogHorn, Google, Grubhub, Guardzilla, Huawei, ibex, Intel, Microsoft, Next, Nokia, Pandora, PsiKick, Qualcomm, SAM, Samsung, Sidewalk Labs, Spotify, STMicroelectronics, Verizon, Whirlpool và Xage.
Theo Doanh nhân Sài Gòn
Bình Luận