Sinh ra và lớn lên tại Pháp, tốt nghiệp đại học khoa giáo dục, từng có 9 năm làm nghề thầy giáo nhưng niềm đam mê của ông Vincent Floreani, Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM lại dành cho lĩnh vực ngoại giao.
Năm 2017, ông chính thức đảm nhiệm vai trò Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM và cùng với các cộng sự của mình, ông đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa 2 quốc gia Pháp -Việt.
Ông Vincent Floreani - Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM
Chào ông! Từng làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới, xin ông chia sẻ cảm nhận của mình khi về đảm nhiệm vai trò Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM?
Tôi nhận thấy, mỗi người Pháp chúng tôi đều "chứa đựng" trong tim một hình ảnh Việt Nam của riêng họ. Mặc dù trước khi đến đây tôi đã từng được nghe kể rất nhiều về đất nước xinh đẹp này, tôi cũng đã trao đổi với những vị tiền nhiệm của mình và với ngài Đại sứ, tôi cũng đã dành thời gian tìm đọc rất nhiều thông tin. Tuy nhiên, những gì tôi khám phá ra ngay tại Việt Nam vẫn vượt xa so với những gì mình đã tưởng tượng. Đó là sự năng động vượt bậc, sự quan tâm đặc biệt dành cho giáo dục, thiện chí thường trực trong việc tìm kiếm những giải pháp thực tiễn, khả thi; những chủ doanh nghiệp, doanh nhân đầy tài năng và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu v.v... Tất cả những điều này lý giải cho sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam, cũng như việc thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai nước.
Vậy những yếu tố nào mang lại nguồn cảm hứng làm việc cho ông tại Việt Nam?
Tôi đánh giá cao sự năng động của thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành miền Trung và miền Nam Việt Nam, sự nhiệt tình của người dân và tiềm năng to lớn trong việc tăng cường quan hệ song phương trong mọi lĩnh vực.
Bên cạnh đó, tôi cũng may mắn có được bên cạnh những đồng nghiệp xuất sắc, nhiệt huyết về tất cả các ngành, cũng như tìm được những đối tác Việt Nam tuyệt vời đang cùng chúng tôi thắt chặt từng ngày mối liên hệ với nước Pháp.
Vậy cuộc sống của ông ở Việt Nam có gì khác so với cuộc sống ở Pháp hay không?
Cuộc sống của tôi tại thành phố Hồ Chí Minh khá giống với cuộc sống trước đây tại các thành phố lớn khác trên thế giới. Ta có thể thấy mọi thứ tại thành phố Hồ Chí Minh. Mức độ an ninh ở đây rất cao. Người Việt Nam cũng như người Pháp đều yêu thích ẩm thực. Các loại hình giải trí và văn hoá tăng nhanh chóng, và giao thông công cộng cũng đang dần phát triển.
Mỗi lần có khách tới thăm và làm việc, tôi thường dẫn họ tới khu Quận 1, ngắm nhìn phố đi bộ và các con phố xung quanh, khách sạn Rex, Nhà hát lớn, Khách sạn Continental, đường Đồng Khởi (xưa vốn là đường Catina). Tôi cũng đưa họ đi xem triển lãm trong ngôi biệt thự bên cạnh Dinh Thống Nhất có tên “từ Dinh Norodom đến Dinh Thống Nhất”. Tôi cũng thích đến thăm Chợ Lớn với các ngôi đền, chùa rất đẹp; đi bộ dọc theo con sông và kênh rạch, ghé thăm Bảo tàng Y học Cổ truyền và khám phá các con hẻm nhỏ.
Tôi cũng thực sự thích Huế với Đại Nội và các lăng tẩm của triều Nguyễn. Tôi cũng rất yêu thích đồng bằng sông Cửu Long nữa. (Cười)
Người ta thường nói đàn ông Pháp là người lãng mạn, ông có phải tuýp người như vậy không? Chất lãng mạn đó có thể đưa vào trong công việc của ông?
Tôi thấy người Việt cũng rất lãng mạn đấy chứ! Hơn nữa, tôi nhận ra có nhiều điểm tương đồng giữa người dân 2 nước. Những điểm chung này chính là “cầu nối” giúp chúng ta tìm thấy sự đồng điệu và thấu hiểu lẫn nhau. Người Việt cũng rất nhiệt tình và hòa nhã, đó cũng là tính cách của tôi và điều này đã giúp cho cuộc sống của tôi ở đây càng trở nên thú vị và thoải mái hơn.
Được biết ông có 3 người con. Ông nói gì với các con mình về đất nước Việt Nam?
Con tôi có người là sinh viên, có người đang làm việc ở các nơi khác nhau trên thế giới. Chúng đã tới Việt Nam hai lần và rất yêu thích nơi đây. Lúc đầu, các con tôi tự khám phá Việt Nam qua những điểm du lịch và văn hoá, còn khi ở cùng nhau, tôi và các con trao đổi với nhau những ý tưởng mà chúng tôi đang triển khai nhằm củng cố quan hệ giữa hai nước.
Trong vai trò Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM, điều gì đã làm được khiến ông tự hào nhất? Điều ông còn trăn trở và muốn hoàn thành trong thời gian tới?
Tôi tự hào về những gì chúng tôi đã hoàn thành cùng đội ngũ của mình và các đối tác Việt Nam trong việc thắt chặt các mối liên hệ hữu nghị giữa Pháp và các tỉnh thành thuộc khu vực lãnh sự của tôi.
Một trong những hành động đầu tiên mà chúng tôi đã cùng làm, chỉ một vài ngày sau khi tôi đến Việt Nam, đó là mở cửa Tòa nhà lãnh sự Pháp để người dân TPHCM đến tham quan nhân dịp kỉ niệm Ngày Di sản. Năm đó chúng tôi đã đón tiếp 700 lượt, và chỉ một năm sau, vào 9 năm 2018, con số này đã đạt tới 1300 lượt. Mỗi lần như vậy, toàn bộ đội ngũ nhân viên ở Lãnh sự quán lại được huy động cả ngày để đón chào, đi cùng và hướng dẫn tất cả các nhóm du khách.
Một trong những sự kiện đáng nhớ khác phải nhắc đến là vở kịch « Sài Gòn », vì đó là câu chuyện Pháp-Việt đầy cảm động, được dàn dựng công phu với các nghệ sĩ Pháp và Việt Nam, và đã thu hút khoảng 2000 khán giả. Tương tự, Liên hoan múa đương đại « Krossing Over », một sự kết hợp nữa giữa nghệ sĩ Pháp và Việt Nam, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 4 năm 2019, cũng sẽ đạt được thành công vang dội. Tôi tin chắc chắn như vậy.
Bên cạnh đó, sự phát triển không ngừng của các mối liên hệ trong lĩnh vực giáo dục và đại học, sự tăng cường đáng kể của quan hệ chính trị song phương, những thành công trong lĩnh vực thương mại, những dự án đầu tư mới đều là những điều đáng tự hào.
Sứ mệnh của tôi là hỗ trợ và khuyến khích xu hướng tăng cường liên tục quan hệ song phương. Xu hướng này là kết quả của thiện chí không ngừng tăng từ lãnh đạo của cả hai nước. Các tỉnh thành và các vùng của Pháp và Việt Nam cũng đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy những mối liên hệ đó, như vùng Rhône Alpes và thành phố Lyon đã xây dựng quan hệ đối tác chặt chẽ với thành phố Hồ Chí Minh. Cuối cùng, giữa người dân hai nước cũng đã hình thành những mối quan hệ mạnh mẽ, như những người Pháp gốc Việt về thăm Việt Nam và đôi khi có người trong số họ đã ở lại đây, hoặc những bác sĩ chuyên khoa, các kỹ sư, giáo sư Việt Nam đã du học tại Pháp vẫn còn giữ được những mối liên hệ bạn bè bền chặt.
Còn sự tương đồng về văn hóa ẩm thực thì sao? Ông thích nhất món ăn nào của Việt Nam?
Người Pháp cũng như người Việt Nam có văn hóa ẩm thực tuyệt vời và đều rất gắn bó với điều đó. Tôi đã thực sự khám phá và bắt đầu yêu thích ẩm thực Việt Nam ngay tại đây, nhờ các nguyên liệu tươi ngon và đa dạng mà khó lòng có thể tìm thấy ở những nơi khác trên thế giới.
Trong ẩm thực miền Bắc, tôi đặc biệt thích bún chả và bánh cuốn. Riêng với ẩm thực miền Trung, tôi thích món mì Quảng và các món bánh làm từ bột gạo của Huế như bánh bèo, bánh nậm. Còn trong với ẩm thực miền Nam, tôi đặc biệt thích bánh xèo và cá kho.
Nhưng trái cây của Việt Nam mới thật sự khiến cho những người phương Tây như tôi phải kinh ngạc bởi từ màu sắc đến hình dáng và hương vị đều rất đa dạng. Và tất cả những loại trái cây của Việt Nam đều ngon tuyệt!
Tôi cũng đánh giá cao các loại rượu được làm từ gạo mà tôi đã nếm thử ở nhiều nơi khác nhau. Dĩ nhiên là tôi chỉ nếm với lượng vừa phải thôi. (Cười)
Và Lễ hội ẩm thực “Goût de France” được Tổng Lãnh sự quán Pháp tổ chức cuối tháng 3 vừa qua cũng nhằm tôn vinh nét tương đồng về văn hóa đó?
Goût de France/Good de France (Hương vị Pháp) được tổ chức tại 150 quốc gia trên thế giới để quảng bá và chia sẻ ẩm thực Pháp. Việt Nam là quốc gia thứ 7 trên thế giới, với 51 nhà hàng tham gia. Chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh để tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Pháp, mang lại sự an toàn tuyệt vời cho sức khỏe và tất nhiên là rất ngon.
Và chúng ta cũng biết, người dân Pháp và Việt Nam đều là những người sành ăn, nhiều món ăn xuất thân từ Pháp như bánh mì… Vì vậy, sự kiện cũng nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa Pháp-Việt thông qua hiểu biết và chia sẻ về văn hóa ẩm thực. Trong đó những người sành ăn sẽ là người kết nối hữu hiệu nhất.
Một số hoạt động nổi bật của sự kiện đó là một bữa ăn sáng để khám phá các nhà sản xuất Pháp đặt tại Việt Nam; một bài thuyết trình về các nghiên cứu của Pháp trong ngành nhà hàng – khách sạn cho các trường trung học ưu tú trong thành phố; một hội thảo khoa học về dinh dưỡng bền vững và cân bằng; những bộ phim liên quan đến ẩm thực và nông nghiệp và tất nhiên là các chương trình khuyến mãi của hàng chục nhà hàng với những thực đơn điển hình của nước Pháp được đề xuất đặc biệt cho sự kiện này.
Goût de France/Good de France được tổ chức tại 150 quốc gia trên toàn thế giới nhằm quảng bá và chia sẻ ẩm thực Pháp. Việt Nam xếp thứ 7 với 51 nhà hàng tham dự. Chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động nhân ngày này tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm Pháp với chuẩn mực an toàn vệ sinh thực phẩm cao và tất nhiên đều rất ngon miệng.
Trong số các hoạt động đó, phải kể đến một bữa sáng kiểu Pháp giúp khám phá các nhà cung cấp thực phẩm Pháp đang có mặt tại Việt Nam; một buổi giới thiệu các chương trình đào tạo Pháp trong lĩnh vực nhà hàng - khách sạn dành cho học sinh chương trình song ngữ của thành phố; một hội thảo chuyên đề về dinh dưỡng bền vững và cân đối; trình chiếu phim về ẩm thực, nông nghiệp, và chắc chắn không thể thiếu bữa tối được đồng loạt phục vụ vào ngày 21.3 vừa qua tại hơn 10 nhà hàng ở nhiều tỉnh thành trên đất nước Việt Nam với một thực đơn kiểu Pháp được thiết kế đặc biệt cho sự kiện này.
Ngoài những câu hỏi này ông có muốn chia sẻ thêm điều gì với độc giả Men&life?
Chúng tôi rất vui mừng được chia sẻ với bạn bè Việt Nam tất cả các sáng kiến mà chúng tôi đang thực hiện để củng cố mối quan hệ giữa 2 nước trong tất cả các lĩnh vực. Tôi xin mời tất cả các bạn theo dõi chúng tôi trên tài khoản Facebook của Tổng lãnh sự quán Pháp.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
NHỮNG VỊ TRÍ ÔNG VINCENT FLOREANI ĐÃ ĐẢM NHIỆM:
• 2017- nay : Tổng lãnh sự tại TP.HCM (phụ trách 22 tỉnh thành phía Trung và Nam Việt Nam)
• 2014-2017 : Tổng Lãnh sự tại Chicago
• 2012-2014 : Vụ phó truyền thông và phó cơ quan phát ngôn Bộ Ngoại giao
• 2011-2012 : Trưởng ban báo chí
• 2008-2011 : Tham tán thứ hai tại Dabi
• 2005-2008 : Bí thư thứ nhất, tham tán báo chí, biệt phái tại Bộ Phát triển Quốc tế (DFID) tại Luân Đôn
• 2002-2005 : Bí thư thứ nhất tại phái đoàn thường trực của Pháp tại Liên hiệp quốc tại New York
• 1999-2002 : Theo học tại trung tâm đào tạo cao cấp Học viện Ngoại giao
• 1999 : Báo cáo viên tại Bộ (Liên hiệp quốc và các Tổ chức quốc tế)
• 1993-1995 : công tác tại Bộ (Nhân sự, nhân lực)
• 1990-1993 : công tác tại Jakarta (Bộ phận Lãnh sự), tiếp đó Phó Lãnh sự (1993)
• 1989-1990 : Tùy viên bộ phận lãnh sự tại Bucares
Thực hiện: Đoàn Dung - Nhiếp ảnh: Phan Thành Cân
Theo Men&Life
Bình Luận