Có một chuyện nói nữa là thừa nhưng không thể không nói lại: Đó là chuyện doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam phát triển không bền vững, sau một năm thống kê cho thấy ra đời nhiều nhưng chết cũng nhiều, sống được thì chậm lớn.
PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa
Có thể chỉ ra nhiều nguyên nhân nhưng suy cho cùng nguyên nhân của mọi nguyên nhân là chuyện của thể chế. Không thể nói khác được, bởi thể chế là toàn bộ khung bao của một nền kinh tế. Một trong các điểm mấu chốt quan trọng nhất để cho doanh nghiệp lớn lên được là tinh thần “nhà nước / chính phủ kiến tạo”.
Tháng 11/2017, lần đầu tiên Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nói đến chính phủ kiến tạo tại nghị trường Quốc hội, nhưng tinh thần của Chính phủ kiến tạo chưa được tiếp tục triển khai mạnh mẽ. Có lẽ, hiện thực hoá nó còn vướng mắc rất nhiều nút nghẽn mà những nút nghẽn này lại tồn tại ngay trong chính bản thân thể chế.
Tinh thần chính phủ kiến tạo không phải là mới trên thế giới, nó đã được phổ thông rộng rãi ở các nước phát triển từ những năm 50 của thế kỷ trước và được du nhập vào Đông Nam Á từ trước 1980.
Một câu hỏi kinh điển là bộ máy cầm quyền quốc gia như nhà nước, chính phủ sinh ra để làm gì?
Cách nay một vài thập niên câu trả lời là nhà nước, chính phủ đóng vai trò thống trị, điều khiển, kiểm soát, dạy dỗ và trừng phạt còn bây giờ tình hình đã đổi khác. Chính phủ đóng vai trò là một tổ chức phục vụ còn các thành phần xã hội, trong đó có doanh nghiệp là công sự, cộng tác (partner).
Lúc này bộ máy nhà nước, chính phủ là người kiến tạo nên các luật chơi, gồm có luật, các văn bản dưới luật, và các nguyên tắc, qui định, định chế để cho các thành phần kinh tế - xã hội hoạt động.
Điều khác biệt lớn nhất so với thể chế bao cấp là chính phủ đóng vai trò không chỉ là đưa ra luật lệ và chế tài mà còn hỗ trợ về pháp lý, vật chất, tinh thần để cho các doanh nghiệp lớn nhỏ thể hiện năng lực của mình một cách bình đẳng trong quá trình sản xuất - phân phối - trao đổi - tiêu dùng.
Thêm vào nữa, chính phủ chỉ đóng vai trò là cơ quan quản lý nhà nước dựa trên pháp luật, không tham gia sâu vào quá trình vận hành của doanh nghiệp và không chỉ có vậy, chính phủ không được có doanh nghiệp, không sản xuất, không làm kinh tế.
Điều đó có nghĩa là từ cây kim, cọng rác đến sản xuất máy bay phản lực, tầu ngầm nguyên tử là chuyện của các doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ cần thì đấu thầu, đặt hàng doanh nghiệp theo yêu cầu.
Bởi nếu chính phủ mà đại diện là các bộ có doanh nghiệp sân sau thì không bao giờ có chuyện bình đẳng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra bốn đặc điểm cốt lõi của chính phủ kiến tạo, gồm có:
Thứ nhất, đó phải là một chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật, những chính sách, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển.
Thứ hai, nhà nước không làm thay thị trường, những khu vực nào thị trường, doanh nghiệp tư nhân có thể làm được thì nhà nước không can thiệp mà thay vào đó là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm.
Thứ ba, chính phủ kiến thiết nên môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng
Thứ tư, chính phủ cũng phải thực hiện nói đi đôi với làm, siết chặt kỷ cương, áp dụng chính phủ điện tử vào vận hành bộ máy.
Như vậy, nhận thức của người đứng đầu đã rõ, đường hướng đã rõ nhưng cho đến nay môi trường chưa thuận lợi cho nên doanh nghiệp vẫn gặp muôn vàn khó khăn.
Làm sao có thể minh bạch, bình đẳng được khi mà các bộ được giao quyền xây dựng luật và các văn bản dưới luật, trong khi bộ nào cũng có các doanh nghiệp riêng của mình.
Đến như Bộ Giáo dục và đào tạo cũng có nhà xuất bản, công ty xây dựng trường học. Bộ Y tế có các doanh nghiệp dược, sản xuất thiết bị y tế. Như thế lợi ích nhóm và chuyện đưa ra các giấy phép con làm rào cản các doanh nghiệp không phải là người nhà là chuyện hiển nhiên.
Hàng năm Chính phủ nhận vốn ODA rất lớn nhưng vốn này không tới được tay doanh nghiệp tư nhân mà được giao cho các tập doàn kinh tế nhà nước, các công ty, doanh nghiệp của nhà nước được coi là đáng tin cậy hơn.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương có nhận định rằng: 98% doanh nghiệp ở Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa nhưng theo thứ tự ưu tiên tiếp cận nguồn lực, các doanh nghiệp này xếp ở cuối bảng, sau doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và các tập đoàn tư nhân lớn.
Chính vì kiểu kinh tế thị trường một nửa và thể chế kinh tế vận hành chưa thoát ra khỏi bao cấp, vẫn còn nặng xin cho, mới đưa đến hệ quả là doanh nghiệp tư nhân nào tranh thủ được khe hở, chỗ dựa để cầu cạnh thì lớn lên một cách bất thường.
Chuyện một doanh nghiệp tư nhân bằng cách nào đó được cấp không cho một mảnh đất vàng giữa trung tâm TP. HCM, Đà Nẵng hay được chỉ định thầu một dự án lớn thì coi như cầm chắc thắng lớn mà không phải làm gì ngoài chuyện tích cực... ngoại giao.
Chính kiểu này làm cho một số ít doanh nghiệp lớn lên quá nhanh, tạo ra khoảng cách phát triển bất bình đẳng so với đa số các doanh nghiệp làm ăn chân chính khác.
Chuyện “Vũ nhôm” một tay che cả bầu trời, lôi được hàng chục cán bộ lãnh đạo vào cuộc chơi phục vụ cho mình là một ví dụ.
Sẽ là thiếu sót khi nói đến lòng tin! Đã khi nào chúng ta đặt câu hỏi, có bao nhiêu chủ doanh nghiệp tư nhân dốc toàn bộ vốn liếng, tài sản, nhân lực, vật lực ra đầu tư ở đất nước này? Chắc không nhiều đâu, ai cũng vừa làm vừa nghe ngóng, ngó trước ngó sau.
Tương tự như vậy, tại sao vốn trong dân rất lớn nhưng người dân chẳng thà mua vàng, mua đô la cất đi hơn là mang ra đưa vào dòng chảy sản xuất.
Nguyên nhân chính là lòng tin chưa đủ lớn. Chính sách thay đổi quá nhanh, chuẩn mực đúng sai không rõ ràng, nhất là khi phán quyết đúng sai lại phụ thuộc vào cá nhân của một vài lãnh đạo cấp tỉnh, thành, môi trường đầu tư không ổn định, khi xảy ra sự cố không được ai đứng ra bảo vệ,… tất cả những chuyện đó tác động đến niềm tin.
Các nhà doanh nghiệp vừa làm vừa thủ, vừa làm vừa tìm đường lui; như thế làm sao doanh nghiệp lớn mạnh, ngang tầm với bạn bè trong khu vực được.
Khi nhà nước, chính phủ chỉ làm công việc quản lý nhà nước thì tự khắc bộ máy chức năng sẽ nhỏ gọn, không cồng kềnh, từ hơn 2 triệu người xuống còn vài trăm ngàn, khi đó tiền thuế của dân sẽ đủ nuôi bộ máy mà không phải có doanh nghiệp sân sau.
Khi nhà nước không ôm đồm quá nhiều chức năng không phải của mình, trả lại cho xã hội thì mọi chuyện sẽ minh bạch hơn và bộ máy chuyển động trơn chu hơn. Chẳng hạn, việc xây dựng gia đình yên ấm, hình thành nhân cách, đạo đức cho công dân, vui chơi giải trí được coi là chuyện của các tổ chức nhân dân, phi chính phủ, tổ chức tôn giáo thì ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển sẽ nhiều hơn là nuôi quá nhiều tổ chức chính trị - xã hội cồng kềnh, tốn kém mà không hiệu quả.
Xu hướng phát triển hiện nay đang diễn ra ở các quốc gia phát triển cao là: Kinh tế thị trường, nhà nước tam quyền phân lập, xã hội dân sự là ba trụ cột chính đảm bảo cho một quốc gia phát triển.
Theo Theleader
Bình Luận