Tháp Mjösa ở Brumunddal (Na Uy) vừa trở thành tòa nhà gỗ cao nhất thế giới với 18 tầng, tổng chiều cao 85,4 mét.
Tháng 3/2019, Tháp Mjösa do hãng Voll Arkitekter thiết kế đã vượt qua tòa HoHo Wien ở Áo (cao 84 mét) để trở thành tòa nhà gỗ cao nhất thế giới. Gỗ có rất nhiều lợi thế so với thép và bê tông thường dùng trong xây dựng.
Thời gian xây dựng một công trình bằng gỗ có thể giảm một nửa vì vật liệu nhẹ hơn và đã được đúc sẵn. Một lợi thế đáng kinh ngạc của gỗ khi được dùng để xây dựng một tòa nhà cao chính là khả năng chịu hỏa hoạn cao hơn thép. Tổng thầu Erik Tveit của dự án cho biết: “Quy định an toàn cháy nổ yêu cầu tòa nhà chịu được lửa ít nhất 2 tiếng mà không sập. Khi tòa nhà của bạn xây bằng thép và bê tông, thép sẽ chảy và tòa nhà sẽ đổ sập”.
Ngoài ra, mỗi tầng của tòa nhà được thiết kế như một ngăn riêng. Sàn nhà làm bằng vật liệu Kerto LVL và glucam. Gỗ Kerto LVL là một loại gỗ veneer nhiều lớp, được làm bằng gỗ mềm có vỏ mỏng được dán lại với nhau để tạo thành một khối liên tục. Nó siêu mạnh, bền và không cong vênh, vậy nên nó là vật liệu lý tưởng để tăng thêm sức mạnh cho sàn và dầm. Ngoài ra, khi tiếp xúc với lửa, gỗ tự nhiên sẽ cháy lớp bên ngoài và tạo thành một bề mặt chống cháy, ngăn lửa cháy vào bên trong vật liệu hay lan ra các tầng khác. Tòa tháp cũng có hệ thống phun nước ở mỗi tầng để đảm bảo an toàn.
Một trong những đề xuất lớn nhất của việc dùng gỗ để xây dựng là kiến trúc sư Vancouver Michael Green. Trong nhiều năm, Green đã giới thiệu những bài thuyết giảng đầy cảm xúc và trở thành một diễn giả của TEDTalk, chỉ ra các lợi ích thân thiện với môi trường của tòa tháp bằng gỗ. Xây dựng công trình bằng gỗ không phải là một điều mới; đó là điều cần thiết, nếu chúng ta nghiêm túc trong việc giảm khí thải carbon. Tháp Mjösa là 1 trong 7 tòa tháp gỗ đã được xây dựng trên thế giới. Phương pháp thiết kế của tòa tháp bắt nguồn từ truyền thống của Na Uy, sử dụng gỗ trong kiến trúc để nhà đứng vững trước thử thành của thời gian.
Tuy nhiên tòa nhà không được làm hoàn toàn bằng gỗ. Để giữ cho tòa tháp đứng vững trong gió, bê tông được sử dụng để xây dựng những tầng trên. Nhà thầu của công trình cho biết: “Bê tông được sử dụng ở bảy tầng trên cùng của tòa nhà. Sử dụng bê tông không phải để tăng khả năng chịu tải. Trọng lượng bê tông ở tầng trên giúp cho tòa nhà đứng vững và hầu như không lắc lư.” 10 tầng dưới cùng của tòa nhà sử dụng gỗ Kerto LVL và được dùng làm văn phòng, khách sạn.
Vật liệu gỗ sử dụng cho tòa tháp được cung cấp bởi công ty Metsä Wood của Phần Lan. Sau quá trình xây dựng, những vật liệu gỗ dư lại được chuyển về đây để sản xuất bột giấy hoặc năng lượng sinh học vận hành nhà máy. Thậm chí, có một nhà máy sưởi ấm sinh học bên cạnh Metsä Wood để cung cấp năng lượng cho sản xuất gỗ, và cung cấp năng lượng cho thị trấn Lohja lân cận. Công ty Metsä Wood chắc chắn là người đóng góp lớn cho mục tiêu của Phần Lan nhằm giảm 80% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030.
Tháp Mjösa là biểu tượng của sự thay đổi xu hướng trong cộng đồng xây dựng. Nó chứng minh rằng các cấu trúc lớn có thể được xây dựng bằng vật liệu bền vững mà không ảnh hưởng đến chất lượng. Các nhà thiết kế của tòa nhà tại Voll Arkitekter hy vọng tòa tháp sẽ truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư khác xây dựng bằng vật liệu bền vững như gỗ.
Theo VietNamNet
Bình Luận