Cuốn “Billion Dollar Loser” của Reeves Wiedeman đã hé lộ sự vươn lên nhanh chóng của WeWork và cá tính của người đồng sáng lập Adam Neumann.
Nhiều CEO bất động sản vẫn nghi ngại về công ty cho thuê văn phòng WeWork nhưng họ không muốn mạo hiểm bỏ lỡ sự vượt trội của startup này.
Chính họ là những người đã đưa WeWork nhanh chóng lên đỉnh cao thành công và cũng vội vàng góp tay hạ gục gã khổng lồ khởi nghiệp này ngay khi họ biết sự thất bại của nó.
Nhà báo Reeves Wiedeman, tác giả cuốn Billion Dollar Loser (tạm dịch Kẻ thất bại tỷ đô) viết: “Họ không thể giải thích được mức định giá của WeWork, nhưng họ sợ rằng Adam (Neumann) có thể đạt được tham vọng của mình. Cho đến nay chưa có gì ngăn cản anh ta tiếp tục tiến xa và trở nên mạnh mẽ hơn. Không ai muốn trở thành đối thủ với anh ấy".
Cuốn sách ra mắt ngày 20/10. Ảnh: Amazon.
Cuốn Billion Dollar Loser giúp độc giả có được hình dung tổng thể về cách WeWork phát triển từ một kế hoạch kinh doanh được tổng hợp lại trong một đêm thành một công ty chia sẻ văn phòng trị giá 47 tỷ USD.
Cuốn sách cũng vẽ nên một bức tranh đầy đủ hơn về "công và tội" của cựu CEO Adam Neumann.
Tác giả Wiedeman đã mô tả một cách sống động từ những ý tưởng khởi nghiệp ban đầu đến tầm nhìn và những khát vọng lớn lao của người đồng sáng lập WeWork, bao gồm giải quyết nạn đói trên thế giới, giải cứu trẻ mồ côi và trẻ em bị lạm dụng cũng như giúp đỡ các nhóm thiểu số.
Người đọc cũng sẽ được thoả mãn trí tưởng tượng về thế giới nhiều màu sắc bên trong We Work: Các giao dịch được hoàn tất với những ly rượu tequila, một khoản đầu tư đáng ngờ vào một công ty bể tạo sóng hay các buổi nghỉ dưỡng của công ty với những khẩu súng nước chứa đầy rượu vodka.
Tác giả Wiedeman cũng khắc họa chi tiết các chính sách của công ty với những nhân viên trẻ tuổi, lúc đầu phấn khích trước năng lượng của WeWork nhưng dần dần vỡ mộng vì văn hóa làm việc nơi đây, không hoàn toàn đa dạng và không cân bằng được giữa cuộc sống và công việc.
Wiedeman viết: “Nhiều người trong số những người nghỉ việc mô tả sự ra đi của họ như thể họ trốn thoát khỏi những nơi kinh hoàng như Jonestown hay Waco”.
Khung cảnh trại hè quy tụ sáu nghìn nhân viên của WeWork ở London năm 2018, sau khi công ty này nhận được khoản đầu tư một tỷ USD từ SoftBank. Ảnh: WeWork.
Trên thực tế, đã có rất nhiều dấu hiệu cảnh báo dẫn tới việc WeWork thất bại với tham vọng phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) tại sàn giao dịch chứng khoán tháng 10/ 2019: Tăng trưởng nhanh, chi phí tăng, thiếu các công nghệ quan trọng và không có kế hoạch rõ ràng cho lợi nhuận trong tương lai.
Nhưng sau đó vẫn còn nhiều nhà đầu tư tiếp tục ném tiền vào công ty này, mong muốn thu lời. Ngay cả Fidelity và SoftBank, những đế chế đầu tư ban đầu không quan tâm tới WeWork, cũng đã quay lại sau khi thấy những người khác đặt cược vào công ty này vì những con số giá trị quá lớn và sự tự tin của Neumann.
Adam Neumann đã có ảnh hưởng không nhỏ tới sự thành công và suy sụp của WeWork. Ảnh: Getty Images.
Cho đến tháng 5 năm nay, CEO SoftBank Masayoshi Son cuối cùng cũng đã phải thừa nhận sự “dại dột” khi đầu tư hàng tỷ USD vào WeWork.
Hiện tại, khoảng một năm sau khi WeWork tuyên bố rút lui IPO và Neumann xin từ chức CEO, công ty này đang tiến vào một thời kỳ mới. Tầm nhìn của Neumann tại WeWork đã không thành công và vì vậy các nhà lãnh đạo mới đã quyết định tập trung vào việc tăng gấp đôi hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình là cho thuê văn phòng.
Dù đã dần vượt qua cuộc khủng hoảng nội bộ, WeWork đang tiếp tục chịu thêm thử thách từ suy giảm kinh tế toàn cầu, điều khiến mảng kinh doanh cốt lõi của họ càng trở nên không chắc chắn.
Còn Neumann, sau khi rời WeWork, đã đổ 30 triệu USD đầu tư vào một công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ trong các tòa nhà chung cư. Về nhân vật gây nhiều tranh cãi này, Wiedman viết rằng “trừ khi các thế lực sắt đá của chủ nghĩa tư bản thực sự bị phá vỡ”, vẫn còn ai đó có thể sẵn sàng đặt cược vào Neumann một lần nữa.
Theo Zing News
Bình Luận