Tiến sĩ Wolfgang Manig, Trưởng Phòng Kinh tế, Phó đại sứ Đức khuyến nghị Việt Nam cần một đề án lâu dài nâng cao nhận thức cộng đồng về việc chứng chỉ đào tạo nghề cũng có giá trị ngang như một tấm bằng đại học.
Theo khảo sát thường niên AHK World Business Outlook của Hệ thống các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức trên toàn thế giới (AHKs), có tới 54% doanh nghiệp Đức muốn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong vòng 12 tháng tới và 52% muốn tuyển thêm nhân sự tại nhà máy của mình.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được nhận định là một quốc gia được hưởng lợi từ tranh chấp thương mại Mỹ - Trung khi nhiều doanh nghiệp có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia lân cận nhằm tránh những biện pháp tăng thuế đang được áp dụng.
TS. Wolfgang Manig, phó Đại sứ, Trưởng phòng kinh tế Đại sứ quán Đức Hà Nội
Nằm trong đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Liên minh châu Âu (EU), Đức cũng là quốc gia có mối quan hệ thương mại – đầu tư chặt chẽ với Việt Nam. Việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU được ký kết và có hiệu lực sẽ là đòn bẩy giúp quan hệ hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Trong không khí đầu năm mới 2019, TheLEADER đã có trao đổi với TS. Wolfgang Manig, Phó Đại sứ, Trưởng phòng kinh tế Đại sứ quán Đức tại Hà Nội về triển vọng hợp tác song phương giữa hai nước nói chung và cộng đồng doanh nghiệp hai nước nói riêng.
Ông đánh giá thế nào về những phản hồi tích cực của cộng đồng doanh nhân Đức đối với cơ hội kinh doanh tại Việt Nam?
TS. Wolfgang Manig: Giống như các doanh nghiệp nước ngoài khác, các công ty Đức nhận thấy Việt Nam là một vùng đất đầu tư tuyệt vời. Mặc dù vẫn khá khiêm tốn khi so với các nhà đầu tư lớn của châu Á về quy mô, các nhà đầu tư Đức vẫn nổi bật khi xét về mức độ chuyển giao công nghệ, tạo ra việc làm trình độ cao cũng như hướng nghiệp đào tạo nghề.
Nhà đầu tư Đức luôn đánh giá rất cao khả năng nhẫn nại và bền chí của nhân viên Việt Nam cũng như quyết tâm ứng dụng công nghệ mới.
Năm 2019 đã bắt đầu, ông có thể tiết lộ những điểm nổi bật trong năm nay mà Chính phủ Đức sẽ tập trung nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế, văn hoá, xã hội của hai quốc gia nói chung và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng?
TS. Wolfgang Manig: Chính phủ hai nước sẽ xác định những lợi ích chung trong hợp tác chiến lược trên tất cả các lĩnh vực. Chúng ta sẽ chứng kiến khoảnh khắc khai trương chính thức “Ngôi nhà Đức” tại thành phố Hồ Chí Minh, các công ty Đức sẽ có mặt tại những hội chợ thương mại quan trọng của Việt Nam như triển lãm Dược và Chăm sóc y tế vào tháng 9 năm 2019 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình cho việc thành lập phòng thương mại, nơi các doanh nghiệp hai nước cùng nhau hợp tác đại diện.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong đợi Việt Nam sẽ có những cải thiện nổi trội về tính minh bạch trong quá trình đưa ra quyết định, hạn chế cơ chế bảo hộ (như trong ngành công nghiệp xe hơi) và lưu tâm đến những hoạt động văn hoá thúc đẩy hợp tác song phương.
Theo ông, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút nhà đầu tư Đức giữa bối cảnh căng thẳng thương mại Trung – Mỹ như thế nào?
TS. Wolfgang Manig: Có thể quan sát thấy rằng nhiều doanh nghiệp Đức đã đầu tư tại Trung Quốc đang xem xét mở rộng hoạt động sang Việt Nam do không gian ngày càng thu hẹp tại Trung Quốc, xuất phát từ những quy định hạn chế cũng như thị trường hẹp lại.
Để chuẩn bị sẵn sàng cho những doanh nghiệp Đức có ý định đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi hiện đang thảo luận với Chính phủ Việt Nam về việc không nên sao chép một số cơ chế pháp luật giống Trung Quốc như an ninh mạng mà thay vào đó, nên tìm ra phương thức cân bằng, phù hợp giữa chống tội phạm mạng và duy trì dòng dữ liệu tự do giữa những người sử dụng.
Ông dự báo như thế nào về lợi ích của các nhà đầu tư Đức cũng như quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại song phương giữa hai quốc gia sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) ký kết và đi vào thực thi?
TS. Wolfgang Manig: Châu Âu là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam và trong các nước thành viên, Đức là đối tác quan trọng nhất. EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy thương mại Việt Nam – châu Âu và Hiệp định Bảo vệ Đầu tư (IPA) sẽ thúc đẩy đầu tư từ châu Âu sang Việt Nam cũng như ngược lại.
Việc thực hiện sớm và đầy đủ lộ trình cũng như kế hoạch hành động cụ thể rất quan trọng để tận dụng trọn vẹn những lợi thế của EVFTA cũng như IPA.
Khảo sát do mạng lưới các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại nước ngoài cho thấy khuôn khổ pháp lý đầu tư và kinh doanh và việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn là thách thức chính đối với các nhà đầu tư Đức tại Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào và theo ông, Việt Nam nên giải quyết ra sao?
TS. Wolfgang Manig: Việc thiếu nguồn nhân lực lành nghề và chất lượng được xác định là một trong những cản trở chính đối với việc gia nhập tốt hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Thực tế cũng cho thấy, mức tăng trưởng của các doanh nghiệp Đức bị hạn chế do thiếu người lao động địa phương lành nghề và có kỹ năng. Do đó, Đức và Việt Nam cần xác định cải cách đào tạo nghề là một trong những hoạt động hợp tác song phương cốt lõi.
Để tiến trình cải cách thành công, các công ty Việt Nam cần đầu tư vào đào tạo nghề, bao gồm hoạt động đào tạo cho những người huấn luyện tại các nhà máy. Ngoài ra, cần có một đề án lâu dài nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng xã hội về việc chứng chỉ đào tạo nghề cũng có giá trị ngang như một tấm bằng đại học.
Cám ơn ông!
Theo TheLEADER
Bình Luận