Ngày 16/4, Triển lãm thường niên World Press Photo 2020 đã được diễn ra với sự quy tụ của 73.996 bức ảnh đã được chụp bởi 2.282 nhiếp ảnh gia trong năm 2019. Cùng nhìn lại những bức ảnh ấn tượng nhất đã giành chiến thắng trong cuộc bình chọn vừa qua.
Tổ chức Ảnh Báo chí Thế giới (World Press Photo Foundation) đã công bố những cái tên chiến thắng trong cuộc thi Triển lãm ảnh thường niên World Press Photo lần thứ 63 của họ. Kể từ khi được tổ chức vào năm 1955, cuộc thi đã quy tụ ngày càng nhiều ứng viên tham gia tranh tài. Vừa qua, có đến 4.282 nhiếp ảnh gia đến từ 125 quốc gia được vinh dự gọi tên trong Triển lãm Ảnh Báo chí Thế giới 2020.
Chung cuộc, triển lãm đã chọn ra 44 người thắng cuộc ở 8 hạng mục thuộc những chủ đề bao gồm: Vấn đề đương đại, Môi trường, Tin tức tổng hợp, Tự nhiên, Chân dung, Thể thao, Sự kiện tâm điểm, và Dự án tài liệu dài hạn.
Nhìn chung, chủ đề ảnh báo chí được quan tâm nhất trong năm nay chính là những cuộc biểu tình của người trẻ, biến đổi khí hậu và vấn đề người nhập cư. Trong tổng số 44 người giành chiến thắng, có đến 10 nhiếp ảnh gia đã chọn những chủ đề kể trên. Điều đó cho thấy sự quan tâm của công chúng đối với những vấn đề trên của Thế giới là rất có ý nghĩa.
Cùng điểm qua những bức ảnh và loạt ảnh đã giành giải nhất trong từng hạng mục của Triển lãm ảnh báo chí 2020.
Tác phẩm Straight Voice của nhà báo, nhiếp ảnh gia tự do Yasuyoshi Chiba của hãng thông tấn AFP đã xuất sắc giành giải cao nhất cuộc thi năm nay. Trước đó, tác phẩm này nhận được các đề cử như Bức ảnh báo chí của năm, Ảnh tổng thể. Trong ảnh, một nam thanh niên người Sudan đứng đọc lớn một bài thơ và những người biểu tình xung quanh phấn khích, liên tục rọi ánh đèn từ điện thoại vào anh do lúc đó bị mất điện. Cuộc biểu tình diễn ra ở thủ đô Khartoum, Sudan ngày 19.7.2019 nhằm yêu cầu thiết lập chế độ dân sự tại nơi này. Có mặt tại buổi biểu tình hôm đó, tay máy người Nhật Bản đã không giấu nổi sự kinh ngạc trước những người biểu tình và ông đã sục vào trong đám đông để đứng trước cậu thanh niên nọ, chộp lấy khoảnh khắc hiếm hoi.
Người thắng cuộc Giải ảnh báo chí thế giới lần thứ 63 chia sẻ: "Mọi thứ hoàn toàn tăm tối. Ngay lập tức sau đó, mọi người vỗ tay trong bóng đêm. Họ giơ điện thoại lên và rọi ánh đèn vào cậu ấy. Cậu ấy đọc một bài thơ phản kháng nổi tiếng. Giữa hơi thở của chàng trai trẻ, mọi người xung quanh đã hô vang 'thawra', có nghĩa ‘cách mạng’ trong tiếng Ả Rập. Biểu cảm gương mặt và giọng của cậu ấy khiến tôi kinh ngạc, do đó tôi không thể ngừng tập trung vào chàng trai này và bắt lấy khoảnh khắc quý hiếm". Mặc dù được chụp hồi tháng 7.2019 nhưng bức ảnh đến nay vẫn được đánh giá cao vì tính thời sự và "năng lượng" được toát ra trong nó. Theo tiết lộ từ Diyphotography, những người thắng giải trong Giải ảnh báo chí thế giới 2020 sẽ nhận được số tiền mặt trị giá 10.000 euro (trên 253,8 triệu đồng).
“Nothing Personal – The Back Office of War” - Ảnh: Nikita Teryoshin, Nga
Bức ảnh đoạt giải nhất ở hạng mục Vấn đề đương đại thuộc về Nikita Teryoshin, nhiếp ảnh gia người Nga. Ông đã chụp khoảnh khắc một doanh nhân giấu đi cặp súng phóng lựu chống tăng vào những ngày cuối trong Triển lãm và Hội nghị Quốc phòng Quốc tế được tổ chức tại Abu Dhabi, ngày 18/2/2019.
“The Longest War” - Ảnh: Lorenzo Tugnoli, Italy
Một binh lính người Taliban ngồi trong chiếc ô tô tại chiến sự Khogyani, Afghanistan. Bức ảnh này nằm trong loạt ảnh mang tên “The Longest War” (Cuộc chiến dài nhất) của nhiếp ảnh gia Lorenzo Tugnoli. Đây cũng là loạt ảnh đã đạt giải nhất trong hạng mục.
“Polar Bear and her Cub” - Ảnh: Esther Horvath, Hungary
Gấu mẹ Bắc cực và đàn con đến gần thiết bị nghiên cứu được đặt bởi các nhà khoa học trên con tàu phá băng Polarstern trong nhiệm vụ điều tra biến đổi khí hậu tại Bắc Băng Dương, ngày 10 tháng 10 năm 2019.
“The End of Trash – Circular Economy Solutions” - Ảnh: Luca Locatelli, Italy
Nhà máy than đốt Amager Bakke được tái xây dựng thành nhà máy chất thải năng lượng gần Copenhagen, Đan Mạch. Khi đi vào hoạt động, nó dự kiến sẽ sản xuất nguồn điện đủ để cung cấp cho ít nhất 60.000 hộ dân. Với công nghệ lọc tiên tiến, nhà máy sẽ giúp giảm lượng khí thải nitơ oxit độc hại xuống mức tuyệt đối. Bức ảnh được Luca Locatelli chụp vào ngày 4/10/2019 và nằm trong loạt ảnh “The End of Trash – Circular Economy Solutions” (Ngày tàn của Chất thải – Giải pháp kinh tế tuần hoàn)
“Straight Voice” - Ảnh: Yasuyoshi Chiba, Nhật Bản
Một thanh niên, được nhóm người biểu tình hô hào và chiếu sáng bằng điện thoại di động trong lúc anh đọc bài thơ cách mạng nhằm đòi quyền lợi dân chủ tại Sudan, ngày 19/6/2019. Đây đồng thời cũng chính là tác phẩm đã giành được danh hiệu Bức Ảnh của năm (Photo Of The Year) sau khi vượt qua 5 ứng viên khác cũng không kém phần ấn tượng.
“Hong Kong Unrest” - Ảnh: Nicolas Asfouri, Đan Mạch
Đây là bức ảnh nằm trong loạt ảnh “Hong Kong Unrest” (Một Hồng Kông bất ổn) của nhiếp ảnh gia Nicolas Asfouri. Một người phụ nữ cầm ô (biểu tượng của sự phản kháng) trong cuộc biểu tình ở Vịnh Đồng La (Causeway Bay) của Hồng Kông, vào ngày 1/10/2019 – cũng là ngày đầu tiên cảnh sát được phép sử dụng đạn dược để chống lại người biểu tình.
“Final Farewell” - Ảnh: Alain Schroeder, Bỉ
Thi thể của một con đười ươi một tháng tuổi gần thị trấn Subulussalam, đảo Sumatra, Indonesia. Nó được cho là đã chết ngay sau khi được Đội cứu hộ động vật tìm thấy trong một đồn điền dầu cọ, ngày 10/3/2019
“Saving Orangutans” - Ảnh: Alain Schroeder, Bỉ
Nhiếp ảnh gia Alain Schroeder đã mang về “cú đúp” giải thưởng ở hạng mục nàyvới loạt ảnh “Saving Orangutans” (Giải cứu Đười ươi). Bức ảnh mô tả cảnh những con đười ươi mồ côi được mang về Trung tâm Kiểm dịch Động Vật SOCP ở Sibolangit, Bắc Sumatra, Indonesia, vào ngày 22/1/2019. Được biết, những con đười ươi tại đây bị đe dọa bởi vấn nạn săn bắn trái phép.
“Awakening” - Ảnh: Tomek Kaczor, Ba Lan
Ewa, một cô gái 15 tuổi người Armenia, vừa mới tỉnh dậy từ trạng thái căng trương lực do ảnh hưởng từ hội chứng “resignation”. Cô phải ngồi trên xe lăn, bên cạnh là cha và mẹ trong một trung tâm tiếp nhận người tị nạn ở thị trấn Podkowa Leśna, Ba Lan, ngày 1 tháng 6 năm 2019.
“The Haunted” - Ảnh: Adam Ferguson, Úc
Noora Ali Abbas ngồi bên cạnh cháu trai của mình, Harreth trong căn lều của họ ở Salamiyah IDP, Nineveh, Iraq, vào ngày 22/4/2019. Noora kể rằng cha của Harreth đã bị Isis bắt vào năm 2015 nên đang bị xem là hoạt động cho ISIS. Nhiếp ảnh gia Ferguson đã chụp loạt ảnh “The Haunted” (Ám Ảnh) để mô tả hoàn cảnh của những người Yazidi cùng những người thiểu số khác phải chịu cảnh di tản và mất nhà cửa do hậu quả của các cuộc chiến tranh chống khủng bố Hồi giáo gây ra.
“Kawhi Leonard’s Game 7 Buzzer Beater” - Ảnh: Mark Blinch, Canada
Biểu cảm của Kawhi Leonard (số áo 2), tuyển thủ bóng rổ của đội Toronto Raptors sau khi anh ghi được điểm quan trọng trong game 7 của trận bán kết nhánh Đông, giải đấu NBA 2019. Qua đó, giúp đội nhà giành chiến thắng trước Philadelphia 76ers, ngày 12 tháng 5 năm 2019.
“Rise from the Ashes” - Ảnh: Wally Skalij, Mĩ
Emmie Morgan ăn mừng trong trận đấu bóng bầu dục đầu tiên kể từ trận hỏa hoạn tại thị trấn Paradise, California vào tháng 11/2018. Sau khi những thiệt hại từ trận hỏa hoạn tồi tệ nhất lịch sử, Paradise bắt đầu phục hồi kinh tế và các hoạt động thể thao cũng bắt đầu quay trở lại trong sự phấn khích của người dân nơi đây. Bức ảnh nằm trong loạt ảnh “Rise from the Ashes” (Trỗi dậy từ Tro tàn) được chụp bởi Wally Skalij.
“Clash with the Police” - Ảnh: Farouk Batiche, Algeria
Một nhóm học sinh, sinh viên xô xát với lực lượng cảnh sát chống bạo động trong một cuộc biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Algiers, Algeria, vào ngày 21/5/2019.
“Ethiopian Airlines Flight 302 Crash” - Ảnh: Mulugeta Ayene, Ethiopia
Một phụ nữ tại hiện trường vụ tai nạn máy bay ET302 của hãng hàng không Etopian tự ném bụi bẩn vào mặt vì quá đau buồn sau khi hay tin người thân của cô không qua khỏi, ngày 14/3/2019. Bức ảnh nằm trong loạt ảnh báo chí mang tên “Ethiopian Airlines Flight 302 Crash” của nhiếp ảnh gia Mulugeta Ayene.
“Kho, the Genesis of a Revolt” - Ảnh: Romain Laurendeau, Pháp
Một chàng trai thử sức trổ tài với cây kèn trumpet và nhận được sự quan tâm bới một nhóm thanh niên khác. Điều đáng nói ở đây là tất cả đều không biết chơi loại nhạc cụ này nhưng họ vẫn tỏ ra cực kì thích thú. Bức ảnh nằm trong loạt ảnh tài liệu mang tên “Kho, the Genesis of a Revolt” (Sự khởi đầu của một cuộc nổi dậy), kể về những câu chuyện đã tác động lên suy nghĩ của thế hệ người trẻ ở Algeria, điều đã khiến họ tạo nên phong trào phản kháng mạnh mẽ nhất tại quốc gia này trong nhiều thập kỉ. Đây cũng là loạt ảnh đã giúp Romain Laurendeau giành được danh hiệu Loạt ảnh của năm sau khi vượt qua 3 đề cử khác trong danh sách kể trên.
Và đó là toàn bộ những cái tên đoạt giải cao nhất trong Triển lãm Ảnh Báo chí Thế giới 2020. Vẫn còn rất nhiều những bức ảnh không kém phần ấn tượng khác trong danh sách 44 cái tên đã đoạt giải. Nếu bạn quan tâm, có thế ghé vào website World Press Photo để biết thêm chi tiết.
Theo Thanh Niên và ELLE Man
Nguồn ảnh: World Press Photo
Bình Luận