“Work-life balance,” hiểu nôm na là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, là một trong những cụm từ thông dụng nhất trong văn hóa doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là đối với các công ty đang cố gắng giành, và giữ chân những nhân tài hàng đầu trên thị trường lao động. Tuy nhiên, thật không may rằng hầu hết mọi người đều chưa có cách hiểu đúng về thuật ngữ này.
Cách đây vài thập kỷ, các thuật ngữ như “cân bằng cuộc sống” hay “kiệt sức khi làm việc” gần như không tồn tại. Vào thời điểm đó, nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, thì có khả năng cao bạn sẽ được khuyên rằng nên làm một tách cà phê. Nhưng khi thuật ngữ “cân bằng cuộc sống – công việc” bắt đầu trở nên phổ biến trong văn hóa công sở, các công ty bắt đầu cạnh tranh với nhau bằng cách cung cấp hàng loạt các đặc quyền như thẻ thành viên tại phòng tập thể hình, hay các lựa chọn (tốt hơn) cho kỳ nghỉ phép.
Ảnh: Unsplash
Ngày nay, các doanh nghiệp lại có những suy nghĩ mới về về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Airbnb cấp cho nhân viên một khoản tiền để ở tại Airbnb bất cứ nơi nào trên thế giới. Nhân viên của Burton thì được thẻ trượt tuyết miễn phí. Nền tảng truyền thông đám mây Twilio cấp cho nhân viên của mình khoản trợ cấp hàng tháng trị giá $30 cho việc mua sách (và một chiếc máy Kindle).
Liệu “sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc” này có đơn giản là thực sự giúp mình cải thiện cuộc sống, hay là một cách khiến minh, nhân viên của họ, làm thêm giờ? Điều gì sẽ xảy ra nếu ý nghĩ trên là thứ mà nhân viên của bạn mang bên họ mỗi ngày khi đến nơi làm việc? Do đó, hãy cùng khám phá ba lời khuyên dành cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhằm cải thiện sự cân bằng trong công việc và đời sống cho nhân viên.
Khi con người tập trung vào những gì mình có thể kiểm soát (như thái độ và hành vi), thì bằng một cách nào đó, chúng ta sẽ trở nên năng suất hơn. Đó là một trong những lý do tại sao chúng ta nên dành một chút thời gian để viết về hình mẫu mà chúng ta mong muốn trở thành, và những điểm nào của bản thân cần phải được rèn luyện. Chính vì vậy, các công ty nên tạo điều kiện cho các nhân viên của mình có thời gian thực hiện “bài tập” trên, đồng thời tạo ra một môi trường nơi nhân viên có thể nuôi dưỡng sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc của chính họ vào mỗi phút giây trong ngày chứ không đơn thuần thực hiện việc đó sau giờ tan làm.
Ngoài việc mang lại cho nhân viên nhiều đặc quyền hơn, các nhà lãnh đạo nên giúp nhân viên kết hợp khái niệm cân bằng vào trong công việc của họ. Rốt cuộc thì có ích lợi gì khi có thẻ thành viên câu lạc bộ thể hình nhưng lại không còn sức để đi khi làm việc quá nhiều? Và thể nào là lựa chọn kỳ nghỉ “tốt” khi mà bạn phải liên tục kiểm tra email công việc trong suốt chuyến đi?
Ảnh: Unsplash
Các nhà lãnh đạo nên cho nhân viên thấy rằng cuộc sống của họ không chỉ toàn xoay quanh công việc. Mỗi ngày nên là một ngày có ý nghĩa, chứ không phải “lại là một ngày khác tại văn phòng”. Điều này có nghĩa là không tách rời sự phát triển cá nhân ra khỏi sự phát triển về chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp.
Thêm vào đó, nhân viên theo đuổi lối sống lành mạnh thường có thể duy trì mức năng lượng cao hơn trong suốt cả ngày. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người lao động khỏe mạnh thường có năng suất cao hơn. Các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Riverside; UCLA; và Đại học Washington phát hiện ra rằng việc tham gia vào chương trình chăm sóc sức khỏe đã phần nào giúp tăng năng suất lao động trung bình lên hơn 5%. Điều đó gần như tương đương với việc tăng thêm một ngày làm việc năng suất vào mỗi tháng của một nhân viên bình thường.
Cung cấp các chương trình như tư vấn chế độ dinh dưỡng, yoga và thiền định mà nhân viên có thể lựa chọn để tham gia vào ban ngày – hoặc vào giờ nghỉ ăn trưa – cũng có thể là bước quan trọng để hướng đến lối sống lành mạnh, tích cực hơn.
Ảnh: Unsplash
Cũng giống như việc mọi người thường có những tài khoản riêng cho các mục tiêu tài chính khác nhau – cho dù đó là nghỉ hưu, học đại học, mua một chiếc xe hơi mới, hay kỳ nghỉ phép – họ cũng có “sự đầu tư” cho sự phát triển cá nhân – giáo dục, thể dục thể hình, tình bạn, hay tinh thần. Khi mọi người đầu tư vào các khoản này mỗi tháng, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc, và có cảm giác đạt được thành tựu nào đó.
Ảnh: Unsplash
Các công ty đang tìm ra những cách sáng tạo để tạo ra môi trường làm việc có thể bao gồm những khoản đầu tư này. Pinterest là một ví dụ; họ cung cấp cho những nhân viên mới sinh hai buổi tư vấn sau khi quay trở lại làm việc (tất nhiên là bên cạnh chính sách nghỉ thai sản). Hay Southwest cung cấp cho nhân viên của mình các dịch vụ tư vấn pháp lý thông qua chương trình hỗ trợ nhân viên.
Mỗi người trong chúng ta đều có những nhu cầu, mong muốn và hành động riêng biệt nhằm xây dựng hạnh phúc cho chính mình. Do đó, khi nhân viên cảm thấy họ có thời gian để tham gia vào các hoạt động tạo ra năng lượng hạnh phúc, họ sẽ cảm thấy cân bằng hơn trong công việc và cuộc sống cá nhân.
Điều quan trọng nữa đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ngày nay chính là cân nhắc đến sức khỏe tổng quát của nhân viên; sức khỏe tốt hơn thì đồng nghĩa với việc năng suất lao động sẽ tăng cao. Sau tất cả thì bạn sẽ không xây dựng được một công ty thành công với toàn những nhân viên không hạnh phúc và kiệt sức.
Theo ELLE Man
Nguồn: Fast Company
Bình Luận