Trong buổi chiều ngày 18.10.2024 vừa qua tại không gian S.pace (TP. Hồ Chí Minh) sẽ diễn ra sự kiện đầu tiên của dự án do Liên minh châu Âu khởi xướng – ‘Giải thưởng Thiết kế Bền vững EU-Việt Nam’.
Với chủ đề ‘Thiết kế Bền vững cho Không gian Cư ngụ Hiện đại’, workshop có sự tham gia của bốn kiến trúc sư đến từ châu Âu và Việt Nam: KTS người Pháp Sophie Valla (Sophie Valla Architects) và KTS Thụy Điển Anders Tväråna (White Arkitekter) – đại diện cho hai văn phòng kiến trúc hàng đầu châu Âu với nhiều dự án gắn bó thiết thực và chặt chẽ với mục tiêu phát triển bền vững, kết hợp các sáng kiến đột phá về kỹ thuật, chất liệu, hình thái không gian, đưa ra những đề xuất về các khả năng mới. Về phía Việt Nam, KTS Trung Mai (Hanoi Ad Hoc & Ad hoc practice) và KTS Vũ Linh Quang (ARDOR Architects) mang đến góc nhìn về những đặc thù của các đô thị lớn tại Việt Nam, những vận động tích cực mà họ đã và đang thực hiện để góp phần vào bối cảnh nhiều tiềm năng của ngành kiến trúc và xây dựng trong nước.
Kiến trúc hiện đại được xem là có mối liên hệ trực tiếp với các vấn đề về môi trường sinh thái, các hình thái tổ chức hoạt động xã hội ở nhiều cấp độ khác nhau, đem tới những tác động trực tiếp lên các chiều kích khác nhau của trải nghiệm sống hiện đại, đặc biệt trong các khung cảnh đô thị. Những diễn ngôn kiến trúc cũng đóng các vai trò ngày càng lớn trong những nỗ lực phát triển bền vững của các quốc gia.
Chia sẻ các kiến thức, ý tưởng và tầm nhìn của các chuyên gia – cũng như các ví dụ tiêu biểu từ châu Âu và Việt Nam – workshop cũng là một dịp để mở rộng các trao đổi, giao lưu trò chuyện, giúp tìm kiếm các cơ hội kết nối và hợp tác, qua hai phiên thảo luận và một tiệc networking sẽ diễn ra sau đó. Cùng tham dự sự kiện có Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier, đại diện các cơ quan ngoại giao các Quốc gia Thành viên EU; cộng đồng các văn phòng thiết kế kiến trúc, nội thất, các trường đại học đào tạo về thiết kế, các đối tác trong lĩnh vực vật liệu, thiết bị, cộng đồng những người thực hành sáng tạo, v.v.. Ngoài ra, phần thiết kế sắp đặt dành riêng cho không gian sự kiện được thực hiện bởi hai văn phòng thiết kế kiến trúc Lam Weaving Spaces và atelier tho.A cũng hứa hẹn đem lại những trải nghiệm không gian độc đáo, giàu tính thẩm mỹ, diễn giải ý nghĩa về những giải pháp xử lý chất liệu, không gian với mối quan tâm sâu sắc đến môi trường.
Tiệc networking của sự kiện cũng được tổ chức nhân dịp ra mắt số báo Earth Craft – chuyên đề về môi trường của ELLE Decoration Vietnam. Sự kiện diễn ra với sự đồng hành của: VINFAST, FGF, Annam Gourmet, WAREHOUSE, Cocoon.
Về các diễn giả
SOPHIE VALLA là Người sáng lập kiêm Giám đốc của Sophie Valla Architects (SVA) có trụ sở tại Amsterdam. SVA chuyên thiết kế công trình dân dụng, dự án không gian cộng đồng tại các đô thị. Studio có nhiều kinh nghiệm hợp tác với các nhóm chuyên gia đa ngành cũng như các dự án nhà chung cư.
SVA tập trung chuyên sâu vào các dự án kiến trúc định hướng tiết kiệm năng lượng, cung cấp giải pháp sáng tạo, chiến lược phát triển bền vững, nghiên cứu vật liệu sinh học, quản lý nước Studio ưu tiên sử dụng các cấu trúc sáng tạo và khám phá nhiều lựa chọn vật liệu khác nhau vật liệu cách nhiệt sinh học, cửa sổ tái sử dụng và gạch tái chế, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn.
https://www.sophievalla.nl/
TRUNG MAI là Kiến trúc sư HMONP, người khởi xướng Hanoi Ad Hoc và Ad hoc practice. Tốt nghiệp cử nhân và thạc sỹ chuyên ngành kiến trúc từ ENSA Paris Malaquais (Pháp) và thạc sỹ về quy hoạch và cảnh quan tại Leibniz Universitat Hannover (CHLB Đức). Trung là người Việt đầu tiên 3 lần chiến thắng Europan (Pháp, Ý, Tây Ban Nha), giải thưởng dành cho kiến trúc sư dưới 40 tuổi tại châu Âu và nhiều giải thưởng uy tín khác. Trung luôn bị cuốn hút bởi các rối loạn và tính chất tùy biến trong môi trường đô thị, mà anh coi là bản sắc vô hình của cảnh quan đô thị, một phương pháp phổ quát để phi thực dân hóa, và là yếu tố cần thiết để kích thích những thay đổi cơ bản trong đô thị. Công việc của anh tập trung vào việc xây dựng các chiến lược đổi mới đô thị cho các bối cảnh hậu công nghiệp, tích hợp nông nghiệp vào các môi trường đô thị, và khám phá chủ nghĩa critical regionalism, khả năng phục hồi, tính đảo ngược, cũng như sự sắp xếp lại trong kiến trúc trong bối cảnh của Kỷ Nhân Sinh (Anthropocene).
https://www.adhocpractice.com/
ANDERS TVÄRÅNA là cộng sự và kiến trúc sư trưởng tại White Arkitekter (Uppsala, Thụy Điển). Bên cạnh một số dự án văn phòng có giải pháp đột phá trong giảm thiểu tác động đến môi trường, Anders đặc biệt nghiên cứu và đề xuất việc sử dụng gỗ khối ở các quy mô khác nhau. Anh cũng đã tham gia trong các dự án kiến trúc cảnh quan được đánh giá cao tại Vườn quốc gia của Thụy Điển. Năm 2022, dự án tòa nhà văn phòng bằng gỗ khối Magasin X của Anders được Giải thưởng ‘Rethinking the Future’ vinh danh là tòa nhà văn phòng tốt thứ ba trên thế giới. Các dự án của Anders đặc trưng với kiến thức sâu rộng về kỹ thuật xây dựng hiện đại và truyền thống, thể hiện rõ nét vai trò của người kiến trúc sư trong hoạch định tổng thể và đưa ra các giải pháp sáng tạo, mới mẻ.
https://whitearkitekter.com/
VŨ LINH QUANG là Giám đốc điều hành của ARDOR Architects, chuyên về thiết kế các công trình dự án bền vững. Anh tích cực tham gia vào nghiên cứu và giáo dục trong lĩnh vực Kiến trúc và Công trình Xanh. Quá trình đào tạo chuyên sâu tại Đan Mạch, Úc và New Zealand đã mang lại cho anh những hiểu biết sâu sắc và kinh nghiệm thực tế có giá trị. Các dự án anh tham gia liên quan bao gồm nhiều loại hình khác nhau tại Việt Nam, bao gồm thiết kế kiến trúc bền vững cho các không gian thương mại và dân cư, các khu phức hợp cao tầng, và quy hoạch tổng thể. Anh cũng là thành viên Ban Giám đốc Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam và là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Kiến trúc Xanh Thành phố Hồ Chí Minh, cùng nhiều tổ chức chuyên môn khác. Ngoài ra, Quang còn đóng góp cho học thuật bằng cách giảng dạy về thiết kế bền vững tại nhiều trường đại học.
https://ardorarch.com/
Về dự án EVSDA
Được khởi xướng bởi Phái đoàn EU, dự án EVSDA được thực hiện với sự hợp tác và tài trợ của Quỹ Giao lưu Văn hóa của Liên minh châu Âu.
Mục tiêu của dự án nhằm thúc đẩy và phát triển các hoạt động và cộng đồng thiết kế bền vững tại Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển toàn diện và mang tính bền vững của Việt Nam - đây cũng là một trong những ưu tiên trong quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam.
Đồng triển khai cùng tạp chí ELLE Decoration Vietnam, giai đoạn đầu tiên của dự án EVSDA sẽ bao gồm chuỗi sự kiện và hoạt động diễn ra từ tháng Chín năm 2024 đến mùa xuân năm 2025, hướng đến Sự kiện Ra mắt Giải thưởng EVSDA vào giữa năm 2025. Trong giai đoạn sau của dự án, Giải thưởng này sẽ được tổ chức thường niên.
Dự án EVSDA gồm bốn cột trụ nội dung chính, tương đương với bốn Hạng mục của Giải thưởng: Kiến trúc, Thiết kế Sản phẩm, Thiết kế Truyền thông và Giải pháp Đột phá. Thông qua các chiều hướng văn hóa và sáng tạo được giới thiệu qua những trụ cột này, dự án mong muốn giới thiệu các thực hành thiết kế sáng tạo và bền vững giúp mang tới các trải nghiệm cụ thể mang tính tích cực trong cuộc sống hàng ngày.
Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier chia sẻ về mục tiêu của dự án EVSDA: “Dự án thể hiện tham vọng của chúng tôi trong việc phát triển một khung đổi mới nhằm hỗ trợ quá trình đem tới những đổi thay tích cực và mang tính sáng tạo cho cuộc sống. Với dự án này, tôi rất mong đợi được kết nối với các kiến trúc sư, nhà thiết kế, nghệ sĩ, kỹ sư, người làm nghệ thuật và người thực hành hướng đến đổi mới của Việt Nam, những người sẽ tạo ra một cây cầu kết nối thế giới của nghệ thuật và văn hóa với thế giới của khoa học và công nghệ, mang tới những ý tưởng cảm hứng kết hợp tính bền vững, thực tiễn và thẩm mỹ, mang lại lợi ích lớn.”
Men&life
Bình Luận