Những triết lý kinh doanh rất thú vị của người doanh chủ và bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình của một quý ông thành đạt sẽ được ông Francesco Trần Văn Liêng – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Vinacacao chia sẻ trong cuộc trò chuyện với Men&life lần này.
TỰ DO TRONG SÁNG TẠO
Nhìn lại sự nghiệp kinh doanh của mình, điều gì khiến ông hài lòng nhất?
Sau nhiều năm đi làm công ăn lương và trải nghiệm ở những môi trường làm việc khác nhau, từ công ty của nhà nước đến tập đoàn nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia, tôi nhận thấy, tất cả những gì mình đạt được vẫn chưa thỏa mãn được sở nguyện cuối cùng là đạt đến sự tự do, để đi đến cùng các cung bậc sáng tạo của một đời người. Vì vậy, tôi bước ra tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình và hình thành cho mình tư tưởng con đường của một doanh chủ là tới được sự tự do trong sự sáng tạo.
Theo ông, sự tự do ở đây có thể hiểu như thế nào?
Cốt lõi của tự do là sự viên mãn trong tư duy và hành động. Trong kinh doanh tự do là quyền tiên lượng (judgement), một kiểu “không gian” quyền lực cao nhất cho phép bạn quyết định các dịch vụ sản phẩm, kế hoạch kinh doanh, tài chính, thị trường … của mình. Bạn cũng có quyền tự do tiên lượng, tất nhiên, theo đó là trách nhiệm đi kèm. Đây là những điều mà bạn khó hoặc không thể có được nếu làm việc trong môi trường kinh doanh khác. Chính sự tự do này cũng sẽ giúp cho doanh chủ phát huy được tiềm năng cũng như sự sáng tạo của bản thân.
Còn điều gì ông cảm thấy chưa hài lòng?
Đó là chưa truyền đạt được ý niệm về sự tự do tuyệt vời này cho thế hệ tiếp theo. Hiện nay, khi nói về tinh thần khởi nghiệp, mọi người thường chỉ dừng lại ở một con số, để thỏa mãn một giá trị nào đó, ví dụ như để được làm giám đốc chẳng hạn, chứ chưa ai khởi nghiệp để đạt được sự tự do cả.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng hiện nay nhiều người đang nhầm lẫn giữa tự do với hoang dã. Tự do đối với họ là thích làm gì thì làm mà không quan tâm đến việc những việc mình làm có ảnh hưởng đến ai khác hay không…
Theo tôi, tự do và hoang dã nhìn chung thì có vẻ giống nhau. Tuy nhiên, có một sự khác biệt cơ bản, tự do mà tôi đề cập nó phải tạo ra những giá trị mới, có ý nghĩa nhất định, bền vững và để lại muôn đời sau. Còn cái sự hoang dã ngoài kia thì nó có tính chất phô trương tính cách cá nhân với giá trị thì rỗng tếch, vì vậy nó tàn phai rất nhanh.
Ông đã bao giờ gặp những trường hợp nhân viên thể hiện sự tự do và làm khác ý sếp chưa?
Gặp thường xuyên (cười). Trước tiên, bạn phải phân biệt rõ ai là ngưởi lãnh đạo và ai là người đi theo. Trong một tổ chức, bạn phải đạt được giá trị mà người lãnh đạo mong muốn trước khi muốn có tự do. Nói một cách khác, khi bạn là người thuộc cấp, bạn phải chấp nhận chia sẻ mục tiêu chung với tổ chức, còn ở trường hợp bạn không thể chia sẻ với mục tiêu chung đó thì bạn nên tìm con đường tự do riêng là bước ra khởi nghiệp.
Thực tế thì ở các công ty càng lớn, con người làm việc trong đó sẽ càng cảm thấy mất tự do và giống như một con ốc vít trong bộ máy. Chẳng hạn, đối với một công ty toàn cầu, họ cần có một sự thống nhất về chính sách ở tất cả các nước, điều này đồng nghĩa với việc các CEO ở mỗi quốc gia đều phải tuân thủ theo chính sách này, nếu bạn đi sai đường thì những thiệt hại hay tổn thất công ty sẽ phải gánh chịu. Người Việt mình đi đâu cũng muốn có sự sáng tạo, muốn làm riêng, muốn đóng góp ý kiến, muốn khẳng định cái tôi và tính cách cá nhân nên khi làm ở những tập đoàn lớn như vậy sẽ càng cảm thấy rất mất tự do. Họ không hiểu sự “tự do” này có thể phá vỡ cấu trúc, bộ máy của một tổ chức và mang lại những thiệt hại lớn.
Được biết Vinacacao sẵn sàng tuyển sinh viên mới ra trường hoặc không bằng cấp. Ông sẽ quản lý các bạn như thế nào bởi những bạn này thường rất thích sự “tự do”?
Đối với sinh viên mới ra trường, đúng là có một số bạn đi làm nhưng vẫn thích tự do, có bạn trốn việc, lãn công để có điều đó. Tôi phải áp dụng nhiều hình thức quản lý con người và các cung bậc lãnh đạo khác nhau từ “cầm tay chỉ việc” cho tới “giao việc có hướng dẫn”, đôi lúc tôi cũng phải áp dụng cách quản lý như quân đội. Tức là tôi cho bạn ý kiến mọi thứ nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn ở chổ người lãnh đạo. Cái mà tôi cần nhất là những người thuyết phục mình bằng số liệu chứ không phải là “em nghĩ vậy đó”, “em thấy vậy đó”, “em tin vào điều đó” hay “em bảo đảm chuyện đó”… Những điều này không có một giá trị nào hết.
Nhìn chung cách lãnh đạo cần phải linh hoạt cho mỗi cấp độ. Do đó, công ty chúng tôi cũng sẵn sàng tuyển dụng những người mới toanh, thậm chí là không biết gì, chỉ cần thái độ tốt thôi, mọi thứ khác sẽ có cách .
Ngoài ra công ty còn tuyển những người khiếm thị vào làm việc?
Đúng vậy! Hơn nữa, ở Vinacacao còn nâng trách nhiệm xã hội và chúng tôi đang tuyển dụng nhân sự là những người khiếm thị để tái đào tạo trở thành nhân viên chăm sóc khách hàng. Chúng tôi đã làm điều này 5 năm rồi, các bạn được tuyển dụng vào làm ở những vị trí chăm sóc khách hàng. Trước khi vào làm chính thức các bạn sẽ được đào tạo khoảng 3 tháng tại Trung tâm Sao Mai và sau đó được nhận vào làm việc chính thức ở Vinacacao. Thực tế thì hiệu quả làm việc của các bạn ấy vượt mức mong đợi của công ty, đồng thời các bạn cũng có công việc ổn định, có lương, thưởng đều đặn hàng tháng.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn thực hiện trách nhiệm xã hội bằng cách dành một phần ngân sách của mình để chuyển giao những bí quyết cho giới trẻ qua chương trình Doanh chủ trẻ, Rookie Entrepreneurs cho sinh viên. Chúng tôi vẫn miệt mài tổ chức sân chơi và tìm ra những những người thắng cuộc để đưa đi Hàn Quốc để học hỏi trên nền tảng ngân sách hoàn toàn từ Vinacacao.
DÙNG HÀNG HIỆU KHÔNG PHẢI ĐỂ THỂ HIỆN ĐẲNG CẤP MÀ ĐỂ TỰ TIN
Đó là về cách quản lý, còn về phẩm chất lớn nhất của người lãnh đạo cần có theo ông đó là gì?
Đó là người lãnh đạo có tầm nhìn đủ lớn hay không và ảnh hưởng đến người khác như thế nào để họ cùng đi theo tầm nhìn đó. Điều này sẽ quyết định việc doanh nghiệp của anh đi về đâu. Đây cũng là lý do vì sao ở Vinacacao sẵn sàng tuyển dụng một sinh viên mới ra trường, không cần có quá nhiều kỹ năng hoặc kinh nghiệm, miễn là người đó chia sẻ được hướng đi của mình phù hợp với tổ chức.
Còn về việc xây dựng phong cách bề ngoài của một lãnh đạo thì sao, thưa ông?
Tôi cho rằng, khi người lãnh đạo đi theo những chuẩn mực hay giá trị nào đó thì toàn bộ các hoạt động về lý tính cũng sẽ làm theo và theo đó mà biểu hiện. Bạn sẽ không chịu nổi nếu đi ra đường mà không chải đầu. Não lập trình để nhắc tóc bạn không thẳng là không được. Chính điều đó sẽ tạo cảm giác cho người đối diện rằng bạn là một người trật tự, chỉn chu. Mình phải cho người khác nhìn thấy một thông điệp gì đó về con người của mình thông qua vẻ bề ngoài, phải thể hiện được phẩm chất, tầm nhìn và tính cách bên trong. Hay nói cách khác ngoại hàm phản ánh nội diên.
Ông đã sử dụng trang phục, phụ kiện như thế nào để toát lên được cái nội diên của mình?
Trước kia mỗi lần đi công tác nước ngoài, tôi đều mặc quần áo thương hiệu Việt Nam và tôi rất hãnh diện về điều đó. Tuy nhiên, có lần giữa một hội nghị rất lớn thì một cái cúc áo bị rớt ra và khiến tôi rất lúng túng. Từ đó tôi có cái nhìn khác về sản phẩm mình khoác lên người. Sau này tôi thường hay mua những đồ hàng hiệu và sử dụng có khi đến 12, 13 năm mà vẫn còn tốt trong khi những sản phẩm thương hiệu khác chỉ dùng được vài năm. Dùng đồ hiệu không phải để mình phô trương mà để mình có được cảm giác yên tâm khi sử dụng bởi chất lượng tốt, sự tinh tế trong các kiểu dáng, đường may, tiết kiệm chi phí. Hơn nữa, nó còn cho mình toát lên vẻ chỉn chu trong con mắt của người khác. Hàng hiệu cũng không phải để bạn thể hiện đẳng cấp mà để cho bạn một sự tự tin.
Còn đối với nước hoa, đó là thứ rất là cá nhân. Đàn ông cũng nên sử dụng nước hoa, nó cực kỳ quan trọng trong những lúc đi thang máy, lúc bắt tay, thương lượng làm việc với đối tác, khách hàng, nhân viên... Tuy nhiên, có những người dùng nước hoa nhưng lại khiến người khác nhức đầu suốt cả buổi. Sử dụng nước hoa tốt nhất là làm sao khi cách mình khoảng 10cm thì người khác mới bắt được mùi.
Khi tham gia với vai trò là mentor và hội đồng thẩm định hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, ông thường nhắc đến công thức L.I.F.E. Nội hàm của công thức này là gì?
Đó là sự cân bằng. Có một thời kỳ nhiều người cho rằng việc đi sớm về trễ, làm việc cật lực, miệt mài thì sẽ thắng nhưng lại dễ khiến người ta dễ bị mất cân bằng. LIFE khuyến khích bạn đầu tiên phải nhìn trường đoạn.
Chữ “L” đầu tiên nghĩa là “Long term” nó cho bạn một cái nhìn xa. Các bạn hay bước vào làm ở một công ty với một cái nhìn ngắn hạn, chỉ nhìn thấy tiền lương bao nhiêu để sống qua ngày mà quên là công việc đó sẽ đưa bạn đến đâu. Và chính công thức này sẽ giúp bạn vượt qua được những bước khó khăn trong cuộc sống hằng ngày để có thể tiếp tục.
Thứ hai là chữ I, đó là “Income” . Nhiều người nói là mình đi làm không vì tiền, không vì thứ gì khác. Nhưng bạn phải chú ý xem giá trị của bản thân mình là bao nhiêu, đừng tham lam về giá trị. Ai cũng nghĩ 10 triệu sẽ là đủ cho một người độc thân sống ở Sài Gòn này, chắc chắn. Nhưng nên nhớ thu nhập của bạn nó được tính bằng giá trị bạn tạo ra cho người sử dụng lao động, mọi thứ bắt đầu từ giá trị của mình.
Trụ thứ 3 của cuộc sống là chữ F, tức là “Family”, về gia đình. Ai cũng nghĩ gia đình là một yếu tố quan trọng nhưng chưa bao giờ đưa nó vào yếu tố quyết định trong cuộc sống của mình. Nên nhớ rằng, từ khi văn minh loài người ra đời thì cũng đã có những lễ nghĩa trong việc thiết lập gia đình. Trong hai cái lễ quan trọng của người Trung Hoa cổ thì có lễ cưới và lễ chết, tức là đám cưới và đám tang. Đám cưới cho người ta một cái lợi thế về mở rộng gia đình và duy trì thế hệ tiếp theo, còn đám tang cho người ta biết về cuộc sống của thế giới thứ hai. Người ta hay nghĩ mình sẽ phấn đấu vì sự nghiệp và chuyện gia đình tính sau, kết hôn trễ chẳng hạn. Nhưng theo tôi, giới trẻ bây giờ nên đặt nặng chuyện lập gia đình. Vì khi có gia đình bạn sẽ nhanh chóng tìm cách ổn định sự nghiệp và cuộc sống. Còn khi độc thân họ sẽ tận hưởng một sự tự do nhất định nhưng bạn cứ phải lập một kế hoạch cho cuộc đời của mình. Có một sự thật là khi bạn có gia đình, tự nhiên bạn không túng thiếu nữa. Ngày xưa khi mà tôi lãnh lương, chưa kịp bỏ tiền vào bóp đã hết, và sau này thì gia đình đã cho mình những trật tự đó.
Cuối cùng là chữ E tức là “Entertainment”. Là con người thì không thể không có vui chơi được, giải trí và công việc phải cân bằng. Vui chơi sẽ giúp bạn vượt qua nhiều áp lực, ví dụ tôi thích đá banh, mỗi lần đội mà mình thích thắng thì mình vui suốt tuần, đó là “Entertainment”. Và mỗi người nên cho mình một “Entertainment” để cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Nếu giới trẻ mà học được công thức LIFE này thì sẽ rất có ích, giúp cho họ có một cái nhìn rất nhanh và có một trật tự trong cái kế hoạch cuộc đời của họ.
GIA ĐÌNH LÀ 1 CÔNG TY TRÁCH NHIỆM VÔ HẠN 2 THÀNH VIÊN
Ông vừa nhắc đến chuyện lập gia đình của các bạn trẻ, tuy nhiên, có một số bạn cho rằng khi họ khởi nghiệp thì chuyện yêu đương không những chẳng giúp được gì mà còn là yếu tố cản trở. Ông có chia sẻ gì về điều này và có bí quyết nào trong việc chọn bạn đời cũng như giữ gìn hạnh phúc hôn nhân và gia đình?
Thứ nhất, phải loại đầu tiên là những người bài bạc, cá độ, có khuynh hướng không tin vào lao động. Còn lại những yếu tố khác như về nhan sắc chẳng hạn sẽ giải quyết được theo thời gian. Một hôn nhân bền vững nằm ở nghĩa tào khang. Tào khang theo tiếng Hán tức là bã rượu và cám gạo. Đó là những thứ đồ bỏ đi. Nghĩa tào khang tức là lúc bạn rơi vào tình huống tệ hại nhất, bạn gặp người đó và người đó đi theo bạn. Hôn nhân là lúc khốn khó, lúc tuyệt vọng, đau yếu, thất thế, thì người đó còn hay không chứ không phải là lúc hào nhoáng và có mọi thứ trong tay. Hãy chọn người bạn đời của mình theo nghĩa tào khang, tức là lúc khốn khó nhất.
Nhưng hôn nhân hay gia đình hạnh phúc thì còn phải xây dựng và vun vén hằng ngày, tin tưởng lẫn nhau . Gia đình còn là kinh tế. Từ gốc “Economy” là gia đình và bàn tay. Thời xa xưa theo định chế thì gia đình phải đóng thuế cho vua chúa nhiều nhất, lúc đó gia đình là kinh tế. Sau này tuy người ta nhìn gia đình là tình yêu nhưng bản chất kinh tế của nó vẫn không thay đổi. Do đó, gia đình là một công ty trách nhiệm vô hạn 2 thành viên và tạo ra được thế hệ mới.
Còn việc nuôi dạy con của ông thì sao?
Đầu tiên là phải tôn trọng những suy nghĩ, quyết định và chọn lựa của con cái, thứ hai là nên khuyến khích con chứ không nên áp đặt ý kiến của mình. Hiện nay con gái tôi đang theo học ngành chính trị ở nước ngoài, không liên quan đến ngành thực phẩm, nhưng nó sẽ bổ trợ rất nhiều cho mọi lĩnh vực, kể cả kinh doanh. Đích đến cuối cùng của kinh doanh cũng là làm sao cho một con người hài lòng, chạm được bên trong họ để họ đồng ý mua sản phẩm.
Ông có ý định chuyển giao quyền lực lãnh đạo ở Vinacacao cho cô con gái của mình?
Tuy nói điều này còn hơi sớm nhưng tôi nghĩ mình sẽ công khai. Đây là một công ty công chúng và do công chúng sở hữu. Đến một thời điểm thích hợp tôi sẽ chia sẻ quyền lực lãnh đạo. Nếu khi chuyển giao quyền lực lãnh đạo và người ta chỉ nhìn về góc độ họ chuyển giao vì đó là con của mình thì nó rất hạn hẹp và một sai lầm vô cùng lớn. Quan trọng nhất là đứa con của mình có thể chia sẻ tầm nhìn với mình không. Tôi vẫn luôn sẵn sàng chào đón người bên ngoài, những người mà có thể chia sẻ, liên kết được tầm nhìn của công ty và điều quan trọng nhất là tiếp tục phát triển Vinacacao là một công ty của công chúng.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Men&life
Bình Luận