Ngày 29/11/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chính thức ra mắt hệ thống BIDV Open API (Application Programming Interface) – hệ sinh thái mở giúp tích hợp các dịch vụ ngân hàng vào các ứng dụng, phần mềm, nền tảng số của khách hàng, qua đó cung cấp những giải pháp tài chính ưu việt và trải nghiệm dịch vụ liền mạch trên không gian số.
Tham dự chương trình có ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Lê Ngọc Lâm – Tổng Giám đốc BIDV, bà Phạm Thị Thu Diệp – Tổng giám đốc IBM Việt Nam, ông Trần Đăng Hoà – Chủ tịch Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS), đại diện lãnh đạo của BIDV, IBM, FPT cùng gần 100 đại diện các doanh nghiệp là trung gian thanh toán, công nghệ tài chính (fintech) và các công ty nền tảng công nghệ hàng đầu Việt Nam.
Một trong những xu thế phát triển hệ sinh thái số trên thế giới trong thời gian tới là ngân hàng nhúng - các dịch vụ ngân hàng được tích hợp vào các ứng dụng, phần mềm, nền tảng mới. Theo đó, dịch vụ ngân hàng sẽ không chỉ được thực hiện tại các kênh thuộc sở hữu của ngân hàng mà tại bất kỳ điểm chạm hay bối cảnh nào phát sinh nhu cầu tài chính của người dùng.
Theo ông Lê Ngọc Lâm – Tổng giám đốc BIDV, nắm bắt được xu thế này, BIDV và Công ty IBM Việt Nam đã nghiên cứu, xây dựng và phát triển hệ thống BIDV Open API – hệ sinh thái dẫn đầu xu thế ngân hàng mở của tương lai. Ông chia sẻ “Xác định chuyển đổi số là một hành trình không ngừng nghỉ để sáng tạo nên những giá trị mới, trải nghiệm mới cho khách hàng, ngày hôm nay BIDV ra mắt hệ thống BIDV Open API với mong muốn sẽ tiếp tục mở rộng và lan tỏa hệ sinh thái số trên các nền tảng mới, đón đầu xu thế thị trường và định hình dịch vụ tài chính trong tương lai”.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, – Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, sự ra mắt hệ thống BIDV Open API đã thể hiện quyết tâm đẩy mạnh một hệ sinh thái số mang lại giá trị cho cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng của BIDV. Trong thời gian tới, NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh hợp tác ngân hàng, fintech và các công ty cung cấp giải pháp số cho người dùng cuối.
Hệ thống BIDV Open API bao gồm 04 Module chính: API Manager (quản trị các API); API Gateway (xử lý tích hợp); API Analytics (xử lý dữ liệu hệ thống phục vụ báo cáo thống kê thời gian thực); và trang BIDV Open API Portal trực tuyến cho các Nhà lập trình tìm hiểu và trải nghiệm API. Tại sự kiện, BIDV công bố 15 gói API với các tính năng được sử dụng phổ biến, được được nhiều khách hàng lựa chọn bao gồm truy vấn thông tin ngân hàng, BIDV QR, eKYC khách hàng cá nhân, chuyển tiền, thanh toán hoá đơn, ví điện tử,… Đối tác có thể dễ dàng tìm hiểu, sáng tạo và tích hợp sản phẩm ngân hàng trên ứng dụng, nền tảng của mình. Trong thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục bổ sung các sản phẩm API mới như dịch vụ tài trợ thương mại, tín dụng, bảo lãnh,… để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Theo bà Phạm Thị Thu Diệp – Tổng giám đốc IBM Việt Nam, sự kết hợp của IBM và BIDV để ra mắt hệ thống BIDV Open API sẽ đem đến các tiện ích vượt trội cho khách hàng. Bà chia sẻ: “IBM cảm ơn BIDV đã tin tưởng và lựa chọn giải pháp của IBM và phối hợp cùng IBM đối tác FPT IS trong việc triển khai dự án này trong thời gian qua. Sự kiện go-live ngày hôm nay là bước phát triển mạnh mẽ các sản phẩm số theo mô hình Open Banking tới các đối tác trong hệ sinh thái số của BIDV”.
Để hiểu rõ hơn về vai trò của Open API trong việc thúc đẩy hợp tác phát triển và sáng tạo các dịch vụ mới, tại sự kiện đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề “BIDV Open API - Định hình dịch vụ tài chính tương lai”. Các doanh nghiệp tham gia chương trình đã có cơ hội trao đổi về tiện ích của BIDV Open API cũng như các cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà Nước trong giao dịch điện tử và chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ trên kênh số.
Cũng tại sự kiện, BIDV đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện giữa BIDV với Công ty Cổ phần MISA, Công ty TNHH EzCloud toàn cầu, MOMO và Công ty Cổ phần Dịch vụ EPAY nhằm tăng cường hợp tác trong việc tích hợp các dịch vụ tài chính ngân hàng trên các nền tảng của đối tác, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới tối ưu tiện ích cho người dùng cuối và tăng cường giá trị thương hiệu của hai bên. Hợp tác với các các doanh nghiệp Fintech, Bigtech và các trung gian thanh toán sẽ là một trong những chiến lược kinh doanh, phát triển thị trường của BIDV trong thời gian tới.
Với lịch sử hơn 66 năm hình thành và phát triển, BIDV là ngân hàng thương mại lâu đời và lớn nhất Việt Nam xét theo quy mô tổng tài sản. Trong nhiều năm liên tiếp BIDV nằm trong Top 2.000 công ty lớn và quyền lực nhất thế giới (Forbes bình chọn); Top 300 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất toàn cầu (Brand Finance). BIDV cũng là ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số, khẳng định vị thế của một ngân hàng thương mại có chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) hàng đầu tại Việt Nam. Năm 2023, BIDV đã được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế vinh danh trong lĩnh vực chuyển đổi số như “Ngân hàng cung cấp giải pháp số hàng đầu Việt Nam” (Tạp chí Asiamoney), Đơn vị chuyển đổi số xuất sắc (Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á, châu Đại Dương - ASOCIO); Giải thưởng Sao Khuê 2023 cho sản phẩm BIDV iConnect….
IBM là nhà cung cấp dịch vụ kinh doanh, công nghệ đám mây lai và trí tuệ nhân tạo hàng đầu trên toàn cầu, giúp khách hàng ở hơn 175 quốc gia tận dụng thông tin từ dữ liệu của họ, tối ưu hóa quy trình kinh doanh, giảm chi phí và tăng cường lợi thế cạnh tranh trong ngành của mình. Hơn 4.000 tổ chức chính phủ và doanh nghiệp trong các lĩnh vực hạ tầng quan trọng như dịch vụ tài chính, viễn thông và chăm sóc sức khỏe tin tưởng vào nền tảng công nghệ đám mây lai của IBM và Red Hat OpenShift để hiện thực hóa các quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của họ một cách nhanh chóng, hiệu quả và an toàn. Những đột phá đáng chú ý của IBM trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, các giải pháp đám mây cụ thể cho từng ngành và dịch vụ doanh nghiệp mang lại các tùy chọn mở và linh hoạt cho khách hàng của chúng tôi. Tất cả điều này được đảm bảo bởi cam kết vững chắc của IBM về sự tín nhiệm, tính minh bạch, trách nhiệm, tính toàn vẹn và dịch vụ.
Men&life
Bình Luận