Đã từng ngất ngây trước cảnh sắc mùa thu đẹp quyến rũ tại Nhật, New Zealand, Úc, Canada và Thụy Sĩ nhưng chúng tôi vẫn còn một vài địa chỉ phải tìm đến ngắm lá xanh, lá vàng, lá đỏ. Và trung tuần tháng 10/2019, chúng tôi đã bay sang Boston, thủ phủ bang Massachusetts cùng đoàn 30 khách của Du lịch Hoàn Mỹ để thực hiện hành trình ngoạn cảnh thu miền Đông Bắc nước Mỹ. Ghi chép này được viết theo từng ngày lăn bánh...
NGÀY 1: NÀNG THU CHƯA XUẤT HIỆN
Ngày lăn bánh chính thức của hành trình du ngoạn tìm ngắm dáng thu ở vùng New England (Tân Anh, gồm các bang Massachusetts, Maine, New Hampshire, Connecticut, Vermont, Rhode Island) đã xong mà chưa được như ý. “Nàng Thu” còn e thẹn che dấu dung nhan, Mẹ Thiên nhiên mới chỉ miễn cưỡng cho lộ diện “em út” của Thu chút chút mà thôi.
Những vạt rừng dọc đường từ Boston đến Manchester, bang New Hampshire chỉ thoáng lá vàng khiêm tốn giữa muôn vàn lá xanh. Lá đỏ còn ít hơn nữa. Chắc 10 ngày nữa cảnh sắc sẽ khác hẳn.
Những vạt rừng dọc đường từ Boston đến Manchester, bang New Hampshire chỉ thoáng lá vàng khiêm tốn giữa muôn vàn lá xanh
Không vì thế mà ngày đầu tiên thiếu những khoảnh khắc thú vị. Nào là hơn hai tiếng trên du thuyền Motor ship Mount Washington vòng quanh Lake Winnipesaukee, một cái hồ lớn, nước trong vắt tạo nên từ sự tan chảy của những sông băng từ hàng triệu năm trước. Du thuyền có thể đón cùng lúc đến 1.100 khách. Chị lớn của tàu này là chiếc steam ship (tàu hơi nước) cùng tên hoạt động từ năm 1872 và từng là tàu thủy bưu tín đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Mỹ.
Từ tàu du lịch, đoàn khách của du lịch Hoàn Mỹ chuyển sang một công cụ vận chuyển rất hấp dẫn: xe lửa trên đường ray răng cưa để leo núi đá cheo leo lên đỉnh núi Washington. Không ngờ 2019 cũng là năm đánh dấu lịch sử 150 năm của hệ thống Mt. Washington Cog Railway, được giới thiệu là đường xe lửa leo núi cao đầu tiên trên thế giới. Thật tuyệt vời cho những du khách nào tình cờ có vé được mời lên toa tàu đẩy bằng đầu máy hơi nước thuộc loại bách niên giai lão này.
Tòa nhà văn phòng công ty Glen & Mount Washington Stage trên đỉnh núi Washington
Và trên đỉnh núi, chúng tôi lại có 60 phút thử thách cao độ: sống ở địa điểm có thời tiết khắc nghiệt nhất thế giới, nơi mà sức gió đạt đến 370 km/h, nơi mà băng đá quyện trắng như pha lê vào những bức tường sắt thép, những tảng đá đen, nơi mà nước mưa đóng băng theo chiều ngang vì gió tạt. Hy vọng ngày mai sẽ gặp được “nàng Thu” của Đông Bắc Mỹ.
Đỉnh núi Washington, nơi mà băng đá quyện trắng như pha lê vào những bức tường sắt thép, những tảng đá đen
NGÀY 2: LÁ XANH, LÁ VÀNG, LÁ NÂU, LÁ ĐỎ
Đoàn chúng tôi rời khỏi khách sạn lúc 8g sáng, mọi người đều chọn trang phục sao cho thật hài hòa với màu sắc mùa thu, trong lòng phập phồng niềm hy vọng được diện kiến “nàng Thu” vùng New England mà lâu nay nghe đồn thuộc hàng tuyệt tác của thiên nhiên.
Mùa thu ở New England
Chiếc xe ca to 45 chỗ ra khỏi xa lộ liên tiểu bang interstate 93 và rẽ vào đường Kancamagus được biết là 60 km (nối hai thị trấn Lincoln và Conway, bang New Hampshire) với rất nhiều cảnh tuyệt đẹp vào mùa thu. Tuy trời không thực sự nắng đẹp lý tưởng đúng chuẩn yêu cầu (và mong ước) của các nhiếp ảnh gia, tuy trần mây thấp lại toàn máu xám lợt nhưng cuối cùng chúng tôi cũng được toại nguyện.
Con đường Kancamagus quyến rũ với rừng cây biến thành những bức tranh màu vĩ đại
Mới ngoạn cảnh đá vàng đá đỏ ở các bang miền Viễn Tây hồi trung tuần tháng 8 năm 2019, nay chúng tôi lại được ngắm lá vàng lá đỏ ở miền Tân Anh. Thế mới thấy bàn tay tạo hóa thật kỳ diệu. Những hàng cây thẳng tắp, vươn cao đều đều nhau, mà sao có cây còn phủ kín lá xanh, nhưng có cây đã mặc áo vàng và cây khác thì áo nâu đậm, áo đỏ. Có những đoạn đường rất quyến rũ, rừng cây biến thành những bức tranh màu vĩ đại nhưng chúng tôi không được phép ngừng xe, tự do nhào xuống chụp ảnh. Như mọi khách ngoạn cảnh khác, chúng tôi chỉ được ngoạn cảnh ở những khu vực được chỉ định, có bãi đậu rộng lớn cho rất nhiều xe. Không chỉ có du khách ngoại quốc mà rất nhiều người Mỹ đến từ các bang miền Nam, miền Trung và miền Viễn Tây.
Thế là đã mãn nhãn, thêm một điểm đến được gạch ra khỏi bucket list. Viết ngắn gọn vì ảnh chụp dư thừa từ ngữ mỹ miều để mô tả sắc thu có lực hút mạnh cỡ nào.
NGÀY 3: ĐẶC SẢN BANG MAINE: TÔM HÙM
Một buổi sáng lành lạnh, gió hơi mạnh, tạo chút thử thách cho một cuộc đi chơi thật sống động, hào hứng mà đoàn 30 khách chúng tôi được tận hưởng. Lên thuyền ra biển câu tôm hùm, chúng tôi được nghe thuyền trưởng Brian giải thích về nghề đánh bắt tôm hùm và những quy định của pháp luật bang Maine về việc bảo tồn hải sản cho các thế hệ mai sau. Không hề có kiểu đánh bắt tận thu, tận diệt, càn quét sạch biển và đáy biển.
Du khách lên thuyền ra biển câu tôm hùm và được nghe thuyền trưởng Brian giải thích về nghề đánh bắt tôm hùm
Ai vi phạm bị phạt tiền nhiều lắm, 1.000 USD (hơn 23 triệu đồng) nếu bị bắt vì tội không trả lại biển con tôm hùm cái đang có mang nhiều trứng trong bụng. Và còn nhiều mức phạt tiền khác nữa... lên đến trên 10.000 USD (hơn 230 triệu đồng) Nhờ thế mà tôm hùm Maine sẽ còn mãi cho các con, cháu, chắt, chít... của những du khách hôm nay đến Portland thử một lần đi tìm bắt tôm hùm và sau đó thưởng thức thịt tôm hùm hấp chấm muối tiêu chanh, ăn kèm với trái bắp hạt vàng ươm và củ khoai tây to bằng cả nắm tay kết hợp với ly vang sủi Chandon của California, dù cho hiện nay các nhà đánh bắt tôm hùm ở Maine đang đẩy xuống biển không dưới 3 triệu cái lồng sắt có gắn mồi (cá thúi) để bẫy tôm hùm.
Thuyền trưởng Brian chỉ dẫn cách nhận biết con tôm hùm đực và tôm hùm cái
Thuyền trưởng Brian chỉ dẫn cách nhận biết con tôm hùm đực banh càng dưới bụng, tôm hùm cái khép càng không tiếp vì lo sản xuất trứng. Nàng đẻ kinh khủng lắm từ 6.000 đến 100.000 trứng bám kín khắp các vây đuôi. Chưa qua 6-7 năm lò mò với sóng biển, con tôm hùm mới chỉ là trẻ vị thành niên chưa biết yêu, chưa nếm mùi đời nhưng khi đạt tuổi trưởng thành rồi thì nó có thể sống đến 100-150 năm, một kỳ tác của tạo hóa.
Nhớ đừng giỡn mặt với hai cái càng tôm hùm, chúng kẹp mạnh lắm, tiêu đời ngón tay bạn đấy. “Hãy tưởng tượng như cánh cửa sắt nặng đập mạnh vào tay bạn.” - thuyền trưởng Brian nói.
Ngọn hải đăng ở Porland
NGÀY 4: BOSTON, TRÀ, CÀ PHÊ VÀ BIA
Sau khi đã đi lên núi cao Mount Washington với thời tiết khắc nghiệt ở bang New Hampshire, ra biển đánh bắt tôm hùm ở ngoài khơi thành Portland, bang Maine, tôi cùng đoàn khách và nhiếp ảnh gia Minh Hòa di chuyển đến thành phố Boston.
Thành phố này chính là cái nôi của cuộc cách mạng Mỹ dẫn đến cuộc chiến giành độc lập của người Mỹ thoát khỏi sự thống trị của Anh quốc. Boston, nay là thủ phủ bang Massachusetts, bên bờ Đại Tây Dương. Cú hích mạnh dẫn đến cuộc chiến ấy lại được lưu sử với cái tên khơi gợi sự vui tươi hưởng nhàn, Boston tea party. Đêm 16/12/1773, khoảng 60 người di dân lập nghiệp thuộc nhóm cách mạng Sons of Liberty giả trang thành thổ dân bộ lạc Mohawk đã chèo thuyền ra ba con tàu chở hàng từ Anh đến cảng, rồi ném xuống biển 342 thùng chất đầy trà của công ty Đông Ấn.
Số trà này trị giá 1,7 triệu USD (thời giá hiện tại), tức khoảng 40 tỷ đồng và đủ pha 18.523.000 tách trà. Theo các sổ sách xưa thì thời ấy, người di dân lập nghiệp tại Mỹ mỗi năm uống hết 700.000 tấn trà, tăng thuế nhập khẩu lên trà giúp hoàng gia Anh có thêm tiền.
Và thế là đã có một chuỗi những sự kiện dẫn đến chiến tranh và rồi là sự ra đời của nước Mỹ. Bữa tiệc trà Boston cũng dẫn đến việc ngày nay người Mỹ chỉ thích uống cà phê chứ không mê trà nhiều như người Anh. Và tại sao bia Samuel Adams là bia của Boston? Ông ta làm bia nhưng quan trọng hơn, ông là một trong các nhân vật chỉ huy tổ chức kháng chiến Sons of Liberty bày ra cuộc tấn công ba tàu chở trà. Ngày nay, trên chai bia Samuel Adams có chân dung ông và hai từ Brewer (người làm bia), Patriot (Người yêu nước).
NGÀY 5: BOSTON, PHỐ NHÀ GIÀU
Như tên gọi của nó, Beacon Hill tọa lạc trên sườn đồi cao. Đó chính là khu sinh sống của giới nhà giàu ở Boston. Và khi đến Boston, ít nhất một lần bạn nên ghé đến đây và rồi lại muốn quay lại. Con đường Acorn là nơi phải đến ở Beacon Hill, nơi tạo nên niềm cảm hứng bất tận cho những người mê chụp ảnh. Con đường hẻm nhỏ lát những viên sỏi to, hai vách tường lát gạch đỏ lâu ngày ngả sang màu nâu nhìn đơn giản nhưng mang lại cảm giác cổ cổ, hay hay. Bờ tường làm nền cho nhiếp ảnh gia và người mẫu với những tông màu gạch cũ màu đỏ nâu cổ điển. Phải đến ngắm tận mắt thì mới hiểu tại sao con đường hẻm nhỏ xíu chỉ vừa một chiếc xe chạy lại thu hút đến như vậy.
Du khách đến Acorn Street chụp ảnh nhiều đến nỗi gây ồn ào cho hàng xóm và họ phải để bảng cấm đi sâu vào hẻm chụp ảnh. Đoàn chúng tôi chỉ dám đứng mé mé bên ngoài đầu hẻm chụp dưới sự giám sát của một cư dân lớn tuổi khó tính đi ngang đó. Ông ấy đứng đấy cho đến lúc đoàn bỏ đi thì ông ấy mới đi, mặc dù chúng tôi chụp ảnh trong sự im lặng chỉ dám sử dụng ngôn ngữ hình thể.
Gần đến ngày Halloween rồi Thanksgiving (lễ Tạ ơn, rất quan trọng trong cuộc sống người Mỹ) nên trước cửa nhiều ngôi nhà có trang trí trái bí đỏ, vài cây bắp, rổ trái cây và giỏ hoa. Trông rất hay. Nhớ rằng hồi tháng 11 năm 1621, trong nghi lễ cảm tạ ơn lành Thiên Chúa đã ban cho vụ mùa tươi tốt, những gia đình Anh di cư khai phá vùng Massachusetts cũng chỉ có rau quả để ăn. À, gà lôi nữa, mà họ gọi là “Turkey”, trùng với tên đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng đây là chuyện khác sẽ kể khi khác.
NGÀY 6: ÔNG HARVARD CÓ NHỘT KHÔNG?
Sáng một ngày đẹp trời, gió nhè nhẹ báo hiệu mùa thu đang đến rất gần, chiếc xe ca chở chúng tôi vượt sông Charles tiến sang Cambridge tọa lạc sát thành phố Boston để đi thăm một địa chỉ lừng danh thế giới là trường đại học Harvard. Nghe kể rằng du khách nào đến Boston đều làm một vòng tham quan đại học này, biến nó thành một tiểu thị trấn khá tấp nập. Du khách đông gấp hai, ba lần số cư dân chính là giảng viên, nhân viên, sinh viên... và còn là cả một đơn vị cảnh sát chuyên trách bảo vệ sự trật tự và cuộc sống an toàn cho toàn thể cộng đồng sinh viên.
Mà đã qua cổng vào trường thì khách nào cũng thực hiện bằng được “nghi thức” vuốt bàn chân trái của tượng nhân vật John Harvard, mà ít ai biết rằng ông không phải là người sáng lập ra trường và thậm chí còn có tin đồn rằng tượng ấy không thực sự là tượng ông Harvard vì không có tranh chân dung thật của ông. Tuy nhiên nếu đã không có bộ sưu tập sách quý và 50% tổng tài sản (khoảng 1.600 bảng Anh thời xa xưa rất có giá trị) của ông ta tặng cho ngôi trường buổi ban đầu thì chưa chắc đã có một đại học Harvard trứ danh ngày nay.
Nhưng chẳng sao, bạn cứ đưa bàn tay đặt lên bàn chân trái, tạo dáng chụp ảnh kỷ niệm cái đã. Mỗi năm có khoảng trên 40.000 khách thăm trường, vuốt chân tượng nên sau bao nhiêu năm tháng được vuốt, bàn chân tượng nay bóng láng, nhẵn thín. Làm nhớ đến bàn chân tượng đồng đen Thánh Phêro trong Đền thờ Thánh Phêro ở Rome, cũng láng bóng, nhẵn nhụi vì được vuốt quá nhiều lần trong suốt mấy thế kỷ qua.
Không biết ông John Harvard có nhột, khó chịu vì cứ mãi bị sờ soạng? Có điều chắc chắn các sinh viên có phần bị sao nhãng khi đoàn lũ du khách không ngừng nói chuyện ồn ào khi rảo qua các lớp học, phòng nghiên cứu, thư viện, sân trường... Vậy nếu có dịp thăm trường Harvard, bạn nhớ giảm âm thanh phát ra từ miệng mình và thay bằng nụ cười vui đậm chất ngoại giao với các chàng, nàng sinh viên đi qua minh. Rất có thể họ sẽ trở thành những nhân vật tài danh sau này, thậm chí có cả những bộ trưởng, thủ tướng, tổng thống hay bậc vĩ nhân, nhà khoa học tài hoa nào đó.
Bằng chứng là trong số ba giáo sư người Mỹ cùng được vinh danh với giải Nobel Kinh tế 2019 thì có một vị từng là sinh viên Harvard, hai người kia học Massachusetts Institue of Technology. Yêu ca khúc Massachusetts của anh em nhà Bee Gees từ thập niên 60, mà 50 năm sau tôi mới đến được đây, lòng rạo rực bồi hồi. Thú vị thật và ngân nga như Bee Gees từng hát “Think I'm going back to Massachusetts!”. Chắc chắn chúng tôi sẽ phải trở lại Boston, thăm các địa chỉ du lịch khác của bang Massachusetts này!
Bài: P. Nguyễn Dũng
Ảnh: Minh Hòa
Men&life
Bình Luận