Nhiều đệ nhất phu nhân xứ cờ hoa từng cảm thấy áp lực khi phải trở thành hình tượng mà người dân và truyền thông kỳ vọng.
Đệ nhất phu nhân Mỹ là một trong những vị trí chính trị nhận được sự quan tâm đặc biệt. Kể từ thời điểm nhậm chức, thậm chí là trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng, nhất cử nhất động của vợ các ứng viên tổng thống luôn được chú ý và đánh giá bởi công chúng, giới truyền thông.
Tuy nhiên, nhiều đệ nhất phu nhân xứ cờ hoa cảm thấy áp lực khi phải trở thành hình tượng mà người dân và giới truyền thông kỳ vọng.
"Các đệ nhất phu nhân là đại diện cho phiên bản tốt đẹp hơn của người Mỹ", giáo sư Leah Wright Riguer tại Đại học Havard Kennedy bình luận sau khi xem tập phim về bà Michelle Obama - đệ nhất phu nhân da màu đầu tiên của nước Mỹ.
Khi ông Barack Obama nhậm chức tổng thống vào năm 2008, vợ của ông là bà Michelle Obama trở thành đệ nhất phu nhân da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.
Với những người ủng hộ, bà Michelle đại diện cho hy vọng và niềm tin vào tương lai tươi sáng của công dân xứ cờ hoa, đặc biệt là cộng đồng người da màu. Phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu đều bày tỏ sự ngưỡng mộ người phụ nữ gốc Phi thông minh, quyết đoán đến từ Chicago này.
Tuy nhiên, phe phản đối chỉ trích bà vì cá tính mạnh mẽ và tư tưởng khác biệt so với những đời đệ nhất phu nhân tiền nhiệm. Xuyên suốt chiến dịch tranh cử của chồng, bà Michelle Obama luôn bị công chúng nghi ngờ và gán nhãn "người phụ nữ tức giận".
Đặc biệt, vài tháng đầu sau khi nhậm chức, sở thích mặc áo không tay của bà còn vô tình tạo ra nhiều tranh cãi. "Công chúng để ý đến điều này vì đệ nhất phu nhân không có cánh tay mảnh dẻ giống phụ nữ da trắng", Robin Givhan, nhà báo thời trang từng đoạt giải Pulitzer, nói.
Givhan chia sẻ trong tập phim "First Ladies" về bà Michelle Obama: "Người da màu vẫn chấp nhận những phụ nữ da trắng giữ cương vị đệ nhất phu nhân, nhưng người da trắng lại không. Họ coi bà Michelle như người ngoài hành tinh".
"Là phụ nữ da màu, tôi biết mình sẽ bị chỉ trích nếu tỏ ra phô trương và sành điệu. Đồng thời, tôi cũng mất đi sự ủng hộ của công chúng nếu thể hiện hình ảnh quá tầm thường", bà Michelle Obama chia sẻ. Ảnh: Nation of Change.
Trái ngược với Michelle Obama, bà Jackie Kennedy, phu nhân của cố Tổng thống John F. Kennedy lại được lòng đông đảo người dân Mỹ vì vẻ đẹp cổ điển và phong thái sang trọng. Bà được mệnh danh là "biểu tượng thời trang kinh điển trên chính trường".
Tuy nhiên, nhà báo Evan Thomas bật mí gia đình Kennedy lại chỉ coi bà Jackie là "bình hoa di động". "Jackie Kennedy từng chia sẻ rằng họ chỉ coi bà như 'một chiến lợi phẩm, giống đảo Rhode vậy'", Thomas kể lại.
Bất hạnh ập đến với bà Jackie khi cố Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát. Không lâu sau khi chứng kiến chồng bị bắn hạ, bà Kennedy quyết định xuất hiện trước công chúng trong bộ váy hồng dính đầy máu và tuyên bố: “Tôi muốn mọi người thấy những kẻ tấn công đã làm gì với Jack”.
Đối với các đệ nhất phu nhân, hình ảnh trước công chúng của họ có ý nghĩa chính trị quan trọng. Hình ảnh bà Jackie lúc ấy đã gửi gắm thông điệp đến người dân Mỹ, giúp họ đoàn kết để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Hình ảnh bà Jackie Kennedy trong bộ váy hồng dính máu đã gửi gắm thông điệp đến người dân Mỹ, giúp họ đoàn kết để vượt qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: Getty.
Bản thân bà Michelle cũng từng trải lòng về những thách thức khi trở thành đệ nhất phu nhân người Mỹ gốc Phi đầu tiên của nước Mỹ. Bà nhận ra rằng bản thân phải thay đổi để trở thành con người mà xã hội kỳ vọng.
"Là phụ nữ da màu, tôi biết mình sẽ bị chỉ trích nếu tỏ ra phô trương và sành điệu. Đồng thời, tôi cũng mất đi sự ủng hộ của công chúng nếu thể hiện hình ảnh quá tầm thường", bà viết trong cuốn hồi ký Becoming.
Trước khi trở thành nữ chủ nhân mới của Nhà Trắng, bà Nancy Reagan, vợ cựu Tổng thống Ronald Reagan, được xem là biểu tượng của ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ thời vàng son.
Ban đầu, phe phản đối từng chỉ trích Nancy vì hình tượng nữ tính của bà. "Quá ủy mị, quá xưa cũ" là những lời phê phán nhắm đến đệ nhất phu nhân lúc bấy giờ.
Dẫu vậy, sau 8 năm ông Donald Reagan tại chức, bà Nancy đã khẳng định được giá trị của bản thân. Theo lời của người con trai Ron Reagan, cựu Tổng thống Reagan luôn là người ở tiền tuyến, trong khi bà Nancy "muốn trở thành hậu phương vững chắc" của chồng.
Cựu Đệ nhất Phu nhân Hilary Clinton lại không chiếm được cảm tình của số đông vì "thiếu dịu dàng". Ảnh: CNN.
Trái với trường hợp của bà Nancy Reagan, cựu Đệ nhất Phu nhân Hilary Clinton lại không chiếm được cảm tình của số đông vì "thiếu dịu dàng". Những người phản đối cho rằng bà Hilary quá mạnh mẽ, lất át vị thế của ông Clinton trên chính trường.
Những lời chê trách trên không khiến bà Hilary chùn bước trên hành trình chinh phục người dân Mỹ của mình. Đến nay, hình ảnh của bà vẫn luôn gắn liền với những bộ trang phục đơn sắc, thể hiện rõ bản tính thông thái, độc lập và vững chắc.
"Là một phụ nữ ứng cử chức tổng thống Mỹ, tôi muốn đem đến hình ảnh gần gũi với công chúng nhưng không kém phần khác lạ - một người phụ nữ trong bộ vest đứng đắn, mạnh mẽ", bà Hilary Clinton chia sẻ về quá trình xây dựng hình ảnh công chúng cho chiến dịch tranh cử của mình vào năm 2016 trong cuốn hồi ký What Happened.
Theo Zing News
Nguồn: Zing trích dịch bài đăng trên CNN, đề cập đến "First Ladies",
loạt phim tài liệu khắc họa cuộc sống đầy áp lực mà 6 đệ nhất phu nhân Mỹ phải gánh vác.
Bình Luận