Microsoft, HP, General Motors và nhiều công ty lớn từng được thành lập trong những cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ.
Đại gia xe hơi General Motors - niềm tự hào của ngành công nghiệp ôtô Mỹ - được thành lập vào năm 1908 trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Kinh tế Mỹ bất ổn bắt nguồn từ trận động đất ở San Francisco năm 1906 cùng với việc hai công ty môi giới lớn nhất nước Mỹ thời đó phá sản. General Motors được thành lập bởi William Durant và Charles Stewart Mott vào tháng 9/1908. General Motors hiện được định giá gần 32 tỷ USD. Ảnh: Getty Images.
Cuộc khủng hoảng cuối những năm 1930 được đánh giá là giai đoạn suy thoái kinh tế tồi tệ thứ ba trong thế kỷ 20. William Hewlett và David Packard chính thức khai trương Hewlett-Packard (HP) vào ngày 1/1/1939. Hiện HP trở thành một trong những tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất thế giới. Công ty hiện được định giá khoảng 22 tỷ USD. Ảnh: Reuters.
Theo Business Insider, nhà hàng Burger King đầu tiên được khai trương năm 1953 tại Jacksonville, Florida, trong bối cảnh kinh tế Mỹ suy thoái sau Chiến tranh Triều Tiên. Chuỗi nhà hàng ban đầu có tên là Insta-Burger King, được thành lập bởi Keith Kramer và Matthew Burns. Năm 1954, công ty được David Edgerton và James McLamore tiếp quản và mở rộng. Theo CNBC, cuộc suy thoái năm 1953-1954 khiến GDP của Mỹ giảm 2,2% và tỷ thất nghiệp tăng lên 6%. Ảnh: AP.
Thời kỳ suy thoái năm 1957-1958 khiến GDP nước Mỹ giảm 3,7% và thất nghiệp chạm 7,4%. Khách sạn Hyatt đầu tiên được thành lập vào năm 1957 tại Los Angeles, dần dần phát triển trở thành tập đoàn quản lý khách sạn danh tiếng hàng đầu thế giới. Hyatt đứng trong top 10 thương hiệu khách sạn lớn nhất thế giới và được định giá 5,6 tỷ USD. Tính đến năm 2019, Hyatt có tổng cộng 913 khách sạn. Ảnh: Shutterstock.
Joe Coulombe mở cửa hàng tiện lợi đầu tiên vào năm 1958 dưới tên Pronto Market ở California. Sau một thập kỷ, Pronto Market trở thành một trong những siêu thị hàng đầu nước Mỹ với cái tên Trader Joe's. Theo Business Insider, gia đình Albrecht sở hữu Trader Joe's sở hữu khối tài sản 53,5 tỷ USD. Ảnh: Getty.
Microsoft được thành lập trong cuộc suy thoái 1973-1975. Giá dầu tăng vọt và thị trường chứng khoán sụp đổ vào năm 1973 khiến GDP Mỹ giảm 3,4% và thất nghiệp tăng lên 9%. Tháng 4/1975, Bill Gates và Paul Allen ra mắt Microsoft. Đến năm 1987, Gates, 31 tuổi, trở thành tỷ phú trẻ nhất thế giới. Microsoft hiện được định giá 1.300 tỷ USD. Ảnh: Reuters.
CNN, kênh tin tức nổi tiếng, ra đời trong cuộc suy thoái đầu thập niên 1980. Cuộc khủng hoảng khiến nền kinh tế Mỹ lao dốc, GDP giảm hơn 2%, tỷ lệ thất nghiệp đạt 7,8%. Theo Deadline, CNN đạt trung bình khoảng 1 triệu người xem vào năm 2019. Ảnh: Reuters.
Electronic Arts (EA) - công ty trò chơi điện tử số một của Mỹ - nổi lên từ cuộc suy thoái năm 1981-1982. Công ty phát hành loạt game nổi tiếng và trở thành một trong gương mặt hàng đầu trong ngành công nghiệp máy tính và game. EA hiện trị giá 33 tỷ USD và có 9.700 nhân viên toàn thời gian. Ảnh: Reuters.
Cuộc đại suy thoái năm 2007-2009 đã chứng kiến sự ra đời của một số công ty khởi nghiệp như Uber. Cuộc suy thoái kéo dài trong 18 tháng khiến thị trường nhà đất và một số tổ chức tài chính lớn sụp đổ. Uber ra mắt vào tháng 3/2009 và đến tháng 6/2018 cho biết đã phục vụ 10 tỷ chuyến đi. Ảnh: Reuters.
Công ty thanh toán di động Square được thành lập vào năm 2009 bởi CEO Jack Dorsey (người đồng sáng lập và là CEO của Twitter) và Jim McKelvey. Công ty bắt đầu với một đầu đọc thẻ nhựa cho phép các doanh nghiệp chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng. Công ty hiện trị giá 26 tỷ USD. Ảnh: Getty Media.
Theo CNBC, Venmo được hình thành tại một buổi hòa nhạc funk năm 2009 khi người sáng lập Andrew Kortina và Iqram Magdon-Ismail thảo luận về việc gửi tiền qua điện thoại. Năm 2012, hãng thanh toán trực tuyến Braintree mua lại Venmo với giá khoảng 26 triệu USD, sau đó được PayPal mua lại với giá 800 triệu USD. Năm 2019, Venmo có 40 triệu người dùng. Ảnh: Shutterstock.
Theo Zing
Bình Luận