Xây dựng công trình xanh không chỉ đem đến những lợi ích thiết thực cho người sử dụng mà còn có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó, số lượng các công trình xanh được nhận chứng chỉ quốc tế tại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, tiêu chuẩn kỹ thuật về lĩnh vực này vẫn chưa đầy đủ. Mặc dù vậy, một số chuyên gia quốc tế vẫn bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng rằng trong một tương lai không xa, giấc mơ về những ngôi nhà xanh của Việt Nam sẽ trở thành hiện thực.
Một trong những công trình xanh hiếm hoi đầu tiên tại Việt Nam được Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) cấp Chứng chỉ LOTUS hạng Bạch kim - hạng cao nhất trong hệ thống đánh giá dành cho công trình xây dựng Xanh là Ngôi nhà Xanh của Liên Hợp quốc (GOUNH) tại Việt Nam.
Ngôi nhà xanh của LHQ-công trình được cấp chứng chỉ hạng Bạch kim - hạng cao nhất trong hệ thống đánh giá dành cho công trình xây dựng Xanh.
Theo ông Kamal Malhotra - Điều phối viên Thường trú LHQ và Chủ tịch Hội đồng Quản trị của GOUNH thì môi trường và sức khỏe cho người sử dụng là yếu tố được LHQ quan tâm nhất khi xây dựng công trình này. Trong tòa nhà có rất nhiều phòng hỗ trợ cho nhân viên như phòng tập yoga, phòng vui chơi cho trẻ em. Các văn phòng đều có đầy đủ ánh sáng, cửa sổ để nhân viên cảm thấy thoải mái trong quá trình làm việc. Các nhân viên LHQ đều đánh giá, không khí trong tòa này nhà sạch hơn rất nhiều so với bên ngoài.
Để làm được điều đó, GOUNH được xây dựng bằng các vật liệu thân thiện với môi trường như sơn không chì và đồ gỗ có hàm lượng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi thấp. Hiệu suất của hệ thống sưởi ấm, làm mát và năng lượng được tối đa hóa thông qua các tấm pin quang điện khai thác năng lượng mặt trời và tạo ra ít nhất 10% điện năng tiêu thụ hàng năm của tòa nhà. Ngoài ra, thông qua việc áp dụng Cẩm nang Văn phòng Xanh sáng tạo, nhân viên LHQ đã áp dụng các hành vi thân thiện với môi trường như giảm sử dụng giấy, sử dụng chất dẻo và năng lượng cũng như tham gia giao thông không có carbon.
“Đây là tòa nhà mang tính phát triển bền vững nhất tại Việt Nam hiện nay. Điều này không chỉ có ý nghĩa với Việt Nam mà các cơ quan LHQ ở các nước khác cũng có thể tham khảo, học tập. Chứng chỉ này là sự ghi nhận việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực thông qua thiết kế sinh thái thông minh và quản lý vận hành Xanh của tòa nhà”, ông Kamal Malhotra khẳng định.
Ở một góc nhìn khác, KTS Võ Trọng Nghĩa - người nổi tiếng với các thiết kế về công trình xanh dẫn chứng, với những dự án chung cư cao tầng trong các khu đô thị hiện nay, việc áp dụng giải pháp “xanh hóa” là hoàn toàn có thể. Thí dụ, bản thân chung cư cao tầng có 1.000m2 sàn/tầng thì mái công trình phải đảm bảo có 1.000m2 diện tích cây xanh. Như vậy, bố cục tòa nhà nhìn trên góc độ thẳng vẫn là khoảng không gian xanh. Ngoài ra, nếu các cơ quan chức năng có quy định thì một số tầng, nhà đầu tư cần thiết kế lùi vào để tăng diện tích cây xanh trên mặt đứng. Thực tế, quy định này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công với hàng loạt công trình xanh ở mọi khu vực.
Tuy nhiên, điều đáng nói là ngoài GOUNH là công trình đầu tiên đạt thứ hạng cao như vậy về công trình xanh, thì số lượng các công trình xanh khác tại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Theo các nhà khoa học về môi trường, việc sử dụng các vật liệu không thân thiện môi trường trong lĩnh vực xây dựng là một trong những nguyên nhân dẫn đến t́nh trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, Việt Nam chậm hơn các nước khác về số lượng công trình xanh, cũng như trong đào tạo, nhận thức.
Ông Đỗ Thanh Tùng - Viện trưởng Viện kiến trúc Quốc gia cho rằng, lợi ích thiết thực của công trình xanh đối với cư dân là rất rõ rệt như: Tăng 3 - 5% năng suất lao động của người sử dụng công trình; giảm nguy cơ bệnh tật và nâng cao sức khỏe người sử dụng; giảm 30 - 50% tài nguyên nước và năng lượng nhân tạo, qua đó giảm phát thải khí nhà kính; giảm 10 - 15% chi phí vận hành và bảo dưỡng; tăng giá trị, sự bền vững và tuổi thọ công trình.
Mặc dù hiệu quả của việc xây dựng công trình xanh đối với sức khỏe và sự phát triển bền vững là rất rõ rệt, xong quá trình phát triển các công trình xanh tại Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Trước hết, khái niệm về công trình xanh tại Việt Nam vẫn còn mới, nên nhiều người chưa nhận thức đầy đủ về công trình xanh và lợi ích của nó. Tại Việt Nam, nói đến công trình xanh, người ta thường liên tưởng đến các công trình có quy mô lớn mà chưa quan tâm nhiều tới ngay chính nơi chốn ăn ở và làm việc của chính mình. Việt Nam cũng chưa có nhiều giải pháp kỹ thuật đồng bộ về công trình xanh, còn hạn chế trong việc cung cấp sản phẩm vật liệu xanh, hệ thống công nghệ vận hành còn yếu. Hơn thế, chi phí đầu tư xây dựng ban đầu công trình xanh thường cao hơn so với bình thường.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển công trình xanh của Việt Nam còn chưa đầy đủ; chưa có các cơ chế khuyến khích, ưu đãi thích đáng hoặc bắt buộc đối với việc phát triển công trình xanh. Ngoài ra, sự tham gia của các quỹ tài chính, quỹ tiết kiệm năng lượng nhằm khuyến khích phát triển công trình xanh còn hạn chế.
Mặc dù vậy, ông Kamal Malhotra vẫn bày tỏ sự lạc quan khi so sánh các tiêu chuẩn của Việt Nam với GOUNH: “Các tiêu chuẩn ở Việt Nam hiện nay chưa tương thích ngay lập tức với các tiêu chuẩn của tòa nhà này, nhưng đây là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Các bạn cần một quá trình để có thể hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho tương thích với thực tế. Và nếu các bên cam kết thì dần dần người ta sẽ biến giấc mơ về một ngôi nhà xanh thành hiện thực, như chúng tôi đã làm GOUNH”!
Theo Ashui.com
Bình Luận