Hai con người xa lạ tình cờ được kết nối qua thư. Họ san sẻ với nhau hy vọng, niềm tin và những dự định tốt đẹp cho tương lai. Và thế rồi, tình yêu đến như một điều tất yếu.
Gádos Péter được biết đến ở Hungary với vai trò là một đạo diễn nổi tiếng. Ông đã cho ra đời nhiều bộ phim đặc sắc, mang đậm dấu án cá nhân như: Uramisten (1985), The Porcelain Doll (2005) hay The Last Blues (2002)…
Với lối làm phim duy mỹ, Gádos Péter đã thành công khi khắc họa những vẻ đẹp nội tâm của con người trong các bộ phim chính kịch mang yếu tố lãng mạn.
Năm 2008, ông quyết định thử sức với văn chương và cho ra đời tiểu thuyết đầu tay Cơn sốt lúc bình minh. Ngay từ khi xuất bản tại Hungary tác phẩm này đã được sự đón nhận nồng nhiệt của đông đảo độc giả.
Đến nay, nó đã được phát hành ở hơn 30 quốc gia trên thế giới. Sóng gió ập đến để chúng ta nhận ra rằng tình yêu không chỉ là rung động và đam mê. Vượt lên trên tất thảy mọi khó khăn nó biến thành nguồn sức mạnh để ta tiếp tục sống.
Cơn sốt lúc bình minh là câu chuyện cảm động về tình yêu của chàng trai trẻ người Hungary, Miklós. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, người thanh niên ấy may mắn thoát khỏi lò thiêu của phát xít Đức. Nhưng thần chết vẫn chưa chịu buông tha cho Miklós. Hai lá phổi của anh đã bị hủy hoại gần như toàn bộ. Theo tiên lượng của các bác sĩ, anh chàng Do Thái quả cảm chỉ còn sống được 6 tháng nữa, nếu may mắn có thể kéo dài sự sống của anh sáng tháng thứ bảy.
Tiểu thuyết Cơn sốt lúc bình minh.
Khi nghe những lời chí mạng ấy từ chính vị bác sĩ điều trị cho mình, Miklós vẫn rất bình thản. Anh nói rằng sẽ dùng hết những tháng cuối đời để kết bạn, và để yêu, nếu may mắn anh chàng còn có thể kết hôn nữa. Tất cả mọi người đều ngạc nhiên trước những biểu hiện có phần lạc quan thái quá ấy. Phải chăng, Miklós quá đau buồn nên loạn trí?
Nhưng chàng trai ấy vẫn không từ bỏ hy vọng! Dù chỉ còn 6 tháng ngắn ngủi, anh vẫn sẽ sống những ngày đầy ắp niềm vui và tình yêu. Miklós đã viết 117 lá thư, gửi đến 117 cô gái Hungary không quen biết đang điều trị bệnh trên khắp đất nước Thụy Điển. Nếu không tìm thấy tình yêu, thì chí ít, chàng trai ấy cũng mang tới cho những người đồng hương chút ánh sáng ấm áp của hy vọng.
May mắn thay, đã có những cánh thư hồi đáp đến được tay Miklós. Trong đó, anh rất ấn tượng với Lili, một cô diễn viên múa đang phải điều trị bệnh thận. Chàng trai trẻ nói với người bạn thân Harry rằng từ nay sẽ không phải tìm ý trung nhân ở đâu nữa. Người con gái ấy đã xuất hiện, đó chính là Lili.
Họ trao nhau những lá thư, kể cho nhau nghe những câu chuyện vụn vặt hàng ngày hay vài sở thích cá nhân chẳng giống ai. Xen giữa nụ cười là những phút giây bồn chồn đầy sợ hãi. Chiến tranh vừa kết thúc, gia đình của họ ở Hungary hiện giờ không biết sống chết ra sao. Liệu bình an có đến với tất cả những người mà ta thương quý.
Nhà văn Gádos Péter và mẹ, nguyên mẫu của nhân vật Lili trong tiểu thuyết.
Và có một nỗi sợ hãi lớn hơn tất cả vẫn đang rình rập Miklós, đó là cái chết. Liệu tình yêu có đem đến cho anh điều diệu kỳ để chiến thắng căn bệnh phổi quái ác.
Mỗi khi bình minh đến Miklós lại lên cơn sốt. Nó như lời cảnh bảo đầy tang tóc và đau thương. Có thể, ngày mai sẽ không bao giờ đến thêm một lần nữa? Liệu người ta có nên mạo hiểm để trao nhau tình yêu trước lưỡi hái của tử thần…
Cơn sốt lúc bình minh là câu chuyện tình lãng mạn theo khuynh hướng cổ điển. Hai nhân vật chính đã yêu nhau say đắm ngay cả khi không biết mặt đối phương. Tình yêu với Miklós và Lili là sự hòa trộn giữa hai tâm hồn đồng điệu: trẻ trung, mãnh liệt và tha thiết được yêu. Một anh chàng 25 tuổi hơi ngờ nghệch và một cô gái 18 tuổi đầy ngây thơ. Dường như họ sinh ra là để dành cho nhau.
Tình yêu là gì? Với Cơn sốt lúc bình minh thì ái tình chính là sự thăng hoa của cảm xúc. Một chàng trai luôn bồn chồn mỗi lúc đêm về để viết thư cho người mình yêu. Sự âu yếm hay hờn ghen đều được gửi gắm trọn vẹn trong từng con chữ. Khi ở cách xa nhau cả ngàn cây số, họ luôn mường tượng về hình dáng của đối phương. Những hình dung ấy cho con người ta sức mạnh để chiến thắng cái chết!
Tình cảm mà Miklós và Lili dành cho nhau không chỉ có tình yêu đôi lứa. Trong những câu chuyện họ kể với nhau còn có cả hình bóng của quê hương Hungary xinh đẹp. Chiến tranh và bệnh tật đã buộc cả hai phải rời xa tổ quốc. Và khát khao cháy bỏng của hai trái tim đang yêu chính là được hưởng hạnh phúc lứa đôi trên chính quê hương mình.
Một cảnh trong phim Fever at Dawn chuyển thể từ tiểu thuyết Cơn sốt lúc bình minh.
Tiểu thuyết Cơn sốt lúc bình minh được lấy cảm hứng từ chính câu chuyện tình của cha mẹ nhà văn Gádos Péter. Cha của ông là nhà báo Miklós Péter và vợ là bà Ágnes Gárdos đã viết thư cho nhau từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 2 năm 1946, trước khi làm lễ cưới tại Stockholm (Thụy Điển). Họ vẫn giữ những bức thư tình này cho đến cuối đời.
Điều đáng nói là: con trai của hai người, đạo diễn Gádos Péter không biết về sự tồn tại của những lá thư này trong suốt 50 năm. Mãi tới năm 1998, bà Ágnes Gárdos mới giao lại chúng cho con trai sau khi chồng qua đời. Chỉ trong một đêm, Gádos Péter đã đọc hết toàn bộ thư tình của cha mẹ. Những mãi 10 năm sau, cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ cuộc tình thơ mộng ấy mới ra đời.
Cơn sốt lúc bình minh đã được đạo diễn Gádos Péter dựng thành phim và chính ông cũng đảm nhận vai trò chuyển thể kịch bản. Bộ phim này đã được công chiếu tại Hungary vào tháng 12/2015.
Theo Zing.vn
Bình Luận