Có nhiều định nghĩa khác nhau về “sung sướng”. Tùy hoàn cảnh, tùy tính cách, tùy quan điểm sẽ có những kiểu “sung sướng” khác nhau. Nhưng với tôi, không đâu mang lại bạn sự sung sướng kỳ lạ như khi đến với hố sụt Kong. Một sự “sung sướng” tột đỉnh về cả thể xác lẫn tinh thần mà không phải bất kỳ ai cũng dám đón nhận.
96 GIỜ HẠNH PHÚC
Nơi tôi nói đến không phải là các trung tâm trị liệu massage hay những resort hạng sang với cung cách phục vụ mang bạn lên tận thiên đường; mà đó chính là ngôi nhà của mẹ thiên nhiên, nơi tất cả trong một - hố sụt Kong thuộc vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình.
Để tìm về nguồn gốc của cái tên vừa là vừa quen này thì chắc có lẽ chúng ta nên quay về năm 1997, thời điểm mà Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (British Caving Research Association - BCRA) với sự trợ giúp của người dân địa phương đã khám phá một hệ thống hang động với 3 hang kề cận nhau là hang Hổ, hang Over và hang Pygmy. Lúc này đây các chuyên gia hang động có phát hiện ra bên trên hệ thống hang này có một hố sụt khá lớn tạo nên một cảnh tượng vô cùng kỳ vỹ. Tuy nhiên phải đến tận năm 2020 thì hố sụt này mới chính thức được mang ra “ánh sáng” khi các chuyên gia hang động quốc tế và bản địa đã phải sử dụng những trang thiết bị hiện đại, chuyên dụng và an toàn nhất để tìm được đúng lối vào lẫn lối ra. Với tổng chiều cao lên đến 450m, hố sụt này được xem là một trong những hố sụt sâu nhất thế giới với cả một hệ sinh thái nguyên sinh bí ẩn bên trong. Nếu nhìn từ trên cao hố sụt có hình dáng như chiếc đầu khổng lồ của khỉ King Kong trong bộ phim cùng tên, vậy nên cái tên hố sụt Kong chính thức ra đời.
Có hai cách để tiến vào hố sụt Kong. Một là bơi xuyên qua hang Đại Ả (hay còn gọi là hang Hổ, một hang động thuộc vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng), hai là đu dây từ miệng hố sụt xuống với tổng chiều dài là 100 m, tương đương chiều cao của một toà nhà khoảng 30 tầng.
Khi đọc dòng giới thiệu đầy mạo hiểm và bí ẩn về hố sụt Kong, nhóm chúng tôi quyết định ngay lập tức phải tham gia. Một phần vì đây là một tour du lịch mạo hiểm còn khá mới mẻ và chưa nhiều người biết đến. Bên cạnh đó, những lời mời gọi đầy kích thích như “hố sụt sâu nhất thế giới”, “đu dây 100 m chưa từng có ở Việt Nam”, “bơi trong hang tối dưới 20 độ”… có lẽ khiến những ai đam mê xê dịch và khám phá như chúng tôi không thể chối từ.
Sau tất cả, nhóm chúng tôi gồm 10 người quyết định sẽ có 4 ngày 3 đêm tách biệt với thế giới văn minh loài người khi không sử dụng điện, không nước ngọt, không sóng điện thoại, không internet. Cuối cùng, 96 giờ đồng hồ ấy hóa không khổ ải như chúng tôi nghĩ mà lại vô cùng sung sướng và hạnh phúc bất tận!
DETOX CƠ THỂ - VỖ VỀ TINH THẦN
Hạnh phúc và sung sướng đầu tiên phải kể đến là cơ thể của chúng tôi được vận động triệt để hầu như mỗi ngày. Trong 4 ngày tổng đoạn đường đi bộ dài 23 km, cộng thêm 7 km đi trong hang động, bơi thêm 300 m và đu dây 100 m. Nhẩm tính trung bình một ngày nếu không đốt hơn 3.000 - 4.000 calo thì quả thật vô cùng có lỗi với hành trình “hardcore” này. Phải thừa nhận là lâu lắm rồi chúng tôi mới có cơ hội được… đi chơi theo kiểu không giống ai như thế này khi kết hợp quá nhiều hoạt động trong nhiều ngày liên tiếp - điều gần như không thể với đối với các “cổ cồn trắng” đô thị như chúng tôi. Nhóm đã có sự chuẩn bị khá tốt khi mỗi thành viên đều cố gắng tập leo cầu thang, đạp xe hoặc chạy bộ 30 ngày trước chuyến đi. Vậy nên mọi người nhập cuộc và về đích (thật may mắn) trọn vẹn từ trong ra ngoài.
Nói như vậy không có nghĩa đây là một hành trình đơn giản. Bởi tuy chỉ đi bộ tầm 30 km nhưng là 30 cây số của đủ mọi địa hình. Ví như ngày đầu tiên hầu như chỉ có… xuống dốc. Càng xuống dốc, địa hình càng khó khăn hơn bởi những khúc cua ngoằn nghèo, trơn trợt, thậm chí vượt cả chục con suối cạn có, nông có. Đã xuống thì phải có lên. Đoạn đường gian nan ngày đầu như chỉ mới là màn khởi động giãn gân giãn cốt với những ai ưa vận động nhưng với chúng tôi thì hơi có phần thách thức. Càng thách thức hơn khi đoạn đường leo dốc tiếp tục được thăng cấp cả về độ khó lẫn độ cao lúc chúng tôi tiếp cận khu vực Dốc Lươn sau khi dùng bữa trưa tại đỉnh Dốc Gió. Lúc này khóa học cấp tốc hướng dẫn sử dụng “thiết bị” dây rừng và cây rừng để leo dốc nhanh chóng được triển khai bởi “thầy giáo” là hướng dẫn viên cùng các trợ lý an toàn theo đoàn. Những lớp học dã chiến đa dạng chủ đề như thế này cũng được mở ngẫu nhiên liên tục trong suốt chuyến đi tùy theo nhu cầu của các học viên. Chẳng hạn như “khóa học” nhập môn thực vật học về các loài cây trong vườn quốc gia, “khóa học” làm bạn cùng vắt - “nhân vật” chẳng ai mong muốn nhưng luôn có mặt mọi lúc mọi nơi, hay “khóa học” 7749 mẹo vặt sinh tồn trong rừng… Những “workshop” như thế này tin chắc sẽ chẳng thể nào tìm thấy nơi phố phường đô thị nhộn nhịp cả.
Bởi phải liên tục di chuyển ở nhiều địa hình khác nhau, kết hợp với đủ các hoạt động nên hầu như mỗi ngày nên khi về đến điểm cắm trại ai nấy trong chúng tôi đều rã rời tay chân nhưng giấc ngủ lại ngon vô cùng giúp lấy lại năng lượng cho ngày hôm sau. Chẳng thế mà dù tour thám hiểm chinh phục hố sụt Kong được xếp vào cấp độ cực kỳ khó nhưng chúng tôi vẫn cố gắng hoàn thành chuyến đi một cách trọn vẹn nhất. Đáng nhớ nhất có lẽ là ngày thứ 2 - vốn được xem là ngày khó nhất khi cả đoàn chính thức thực hiện hoạt động đu dây 100 m từ miệng hố sụt Kong xuống cửa sau hang Hổ.
Dù đã có một ngày được dành riêng để học về kỹ năng sử dụng các thao tác kỹ thuật với dây đơn (SRT), tập huấn cách sử dụng các thiết bị đu dây an toàn và thực hành đu dây ngay tại khu đào tạo kỹ năng tại khu đào tạo kỹ năng của công ty du lịch. Thế nhưng, thực tế khi đứng trên miệng hố sụt nhìn xuống bên dưới khung cảnh kỳ vĩ của thiên nhiên hiện ra với rừng cây trùng điệp vách đá sâu hun hút khiến chúng tôi… lạnh sống lưng. Dẫu vậy cả nhóm vẫn bình tĩnh thực hiện thử thách đu dây dài nhất lần đầu tiên trong đời. Ngày hôm ấy trời lại mưa liên tục cả ngày khiến “trò chơi” đu dây của chúng tôi càng khó khăn hơn khi các vách đá trở nên trơn trợt khó bám chắc. Việc giữ thăng bằng cơ thể vì vậy cũng đòi hỏi mỗi người phải tập trung hơn. Thế nhưng, cuối cùng thì mọi người cũng đã vượt qua cửa ải thách thức nhất. Khó có thể diễn tả hết sự kích thích khi lần đầu tiên bản thân chơi vơi giữa trời không và cảm nhận rõ nét sự kỳ vĩ của mẹ thiên nhiên cùng vẻ đẹp nghẹt thở của hố sụt Kong. Khoảnh khắc ấy cả nhóm chúng tôi đều ngầm thừa nhận rằng quyết định vứt bỏ mọi ràng buộc công nghệ, ảnh hưởng phố thị để đằm mình vào núi rừng trong 4 ngày 3 đêm là một quyết định sáng suốt. Tất cả ở đây ngay lúc này thời điểm này là một điều kỳ diệu mà tạo hoá dành tặng cho chúng ta.
Ngày thứ 3 được chúng tôi đùa là ngày ba môn phối hợp Iron Man - phiên bản hố sụt khi chúng tôi phải đi bộ (trong hang Hang Over dài 3,5 km) - bơi lội (300 m trong hang Hổ) - đu dây (15 m từ đoạn sống lưng khủng long trong hang Pygmy). Nếu không giới thiệu chắc hẳn nhiều người sẽ nhầm tưởng đây là một chuyến huấn luyện quân sự với cường độ cao!
Những tưởng ngày cuối cùng hành trình sẽ dễ thở hơn sau bao ngày “hành xác” nhưng tất cả đã lầm. Bởi chờ đón cả nhóm là những con dốc cao vời vợi với đủ “xì tai” từ dốc đá dựng đứng cho đến các con dốc cao gần như 90 độ. Bù lại liều dopping cho mọi người vượt qua chặng đường gian nan cuối cùng ấy chính là những hình ảnh xanh ngát của núi rừng, của đại ngàn. Cứ mỗi khi vượt qua một con dốc chúng tôi lại nín thở đứng nhìn khung cảnh rộng lớn trước mắt mà không khỏi xuýt xoa. Mấy ai đủ dũng khí vượt qua giới hạn bản thân để đứng tại nơi đây. Mấy ai đủ tin tưởng vào bản thân để vượt quãng đường dài xa tít tắp để đứng đây. Và mấy ai đủ can đảm để bước ra khỏi vùng lười biếng chịu cho cơ thể một chuyến detox toàn vẹn như thế này.
Sau tất cả, mọi thứ đều kết thúc, cuộc gặp gỡ nào rồi cũng phải tạm biệt. Chuyến viếng thăm xứ sở “sung sướng” của chúng tôi cũng đột ngột đến hồi kết dù chẳng ai mong muốn. Những khoảnh khắc đẹp đẽ hạnh phúc ấy tuy ngắn ngủi nhưng chắc chắn sẽ lưu lại một ký ức bền chặt trong 10 con người này. Để nếu có duyên chúng ta sẽ hội ngộ ở nơi diệu kỳ ấy.
Men&life
Bình Luận