Và tôi đã rất vui khi đặt chắn đến thành phố văn hóa cổ nhất Canada: Montreal.
Ngày hôm sau, anh bạn tôi hẹn sẽ đến đón tôi vào 9 giờ sáng để đi cầu nguyện. "Ở Montreal có một nhà thờ thiêng lắm và rất nổi tiếng. Ai cần cầu điều gì đến đây cầu nguyện hầu như đều thoả mãn. Nhiều người tật nguyền đến cầu rồi khỏi bệnh. Nạng họ mang tới, lúc về không còn dùng nữa còn chất đầy trong một phòng chứa. Rất nhiều người mộ đạo ở khắp nơi trên thế giới đã về đây cầu xin đấy. Anh cần cầu điều gì, về suy nghĩ, mai tôi sẽ qua đưa anh đi." Anh nói như thế tôi có nhiều điều cần cầu lắm nên phải dặn trước và nhắc tôi cầu thứ gì thiết thực nhất vậy.
Cả đêm đó tôi thức trắng. Phần vì jetlag, phần vì chưa nghĩ được điều cần cầu và phần lớn phân vân chúa có sẵn sàng xá tội và ban phước cho những đứa không tín ngưỡng như tôi? "Thôi thì cứ đi, cứ xưng tội, cứ cầu và xem đó như chút lòng thành vậy." Tôi tự nhủ rồi lật đật ngồi dậy xem, đọc những thông tin về việc khai quật ngôi mộ của chúa Jesus.
Canada rất chú trọng về tự do tôn giáo. Họ có văn phòng Tự Do Tôn Giáo để thúc đẩy và bảo vệ tự do tôn giáo và tín ngưỡng, như để khẳng định những giá trị cốt lõi của Canada: quốc gia tự do, dân chủ, nhân quyền, và pháp quyền. Nói chung, điều này chỉ khẳng định Canada thực sự là một xã hội tự do đúng nghĩa. Đơn giản là thế nhưng mấy quốc gia làm được điều này!?
Đúng 9:00 am, anh có mặt, vẫn luôn đúng giờ đến nghẹt thở. Biết là thói quen nhưng tôi vẫn có cảm giác dường như anh không có mối quan tâm nào khác ngoài việc "đúng giờ." Rồi chúng tôi chạy xe lên đỉnh núi Mont Royal. Mont Royal tiền thân là một núi lửa nhưng từ lâu đã không còn nham thạch để phun, giờ tuyệt đối an toàn và như điểm du lịch tín ngưỡng hay picnic của Montreal. Nơi đây có nghĩa trang đẹp, có nhà thờ thiêng, có khu nhà giàu, có công viên và có cả trường đại học Bách Khoa nổi tiếng. Từ trên núi nhìn xuống thấy nguyên ốc đảo Montreal hình củ ấu được con sông Saint Lawrence bao bọc. Từ đây, chúng tôi ngắm thành phố Montreal còn ngái ngủ, yên ắng và thanh bình. Toàn thành phố một màu nâu xám, màu của kiến trúc nơi đây.
Trên đường chạy qua nhà thờ Saint Joseph's, chúng tôi ghé vào nghĩa trang Mont Royal. Việc này không nằm trong kế hoạch nhưng vì tôi thấy đẹp và ấn tượng quá nên nhờ anh chạy xe vào. Nếu trước đây, tôi chỉ nhìn thấy những nghĩa trang ngoại trên phim thì giờ tôi đang đi trong đó. Nghĩa trang cũng được quy hoạch nghiêm túc. Các ngôi mộ được xây chìm dưới mặt đất. Trên mặt đất, ngay chỗ ngôi mộ chỉ là những tấm bia được đặt đứng hay nằm thôi.
- "Anh thấy không, nghĩa trang không khác gì công viên, và không có cảm giác của sự chết chóc. Ngày xưa tôi học ở trường Bách Khoa phía bên kia, buổi chiều tôi vẫn thường mượn sách trong thư viện trường rồi qua đây ngồi đọc." Vừa nói anh vừa chỉ vào toà nhà phía xa nơi anh đã từng học và dạy các thạc sĩ hay tiến sĩ tương lai.
- "Vậy bên dưới mộ chỉ chôn tro, chứ không phải xác chết đúng không anh?"
- "Không, chôn xác chết đấy. Tro được để tại nhà mồ phía bên kia." Theo hướng anh chỉ, tôi nhìn thấy một toà nhà 5-6 tầng cũ kỹ nằm ngay cổng chính của nghĩa trang.
- "Vậy thì vẫn đáng sợ như thường chứ anh!?" Tôi vừa nói vừa nghĩ tới cảnh cả trăm ngàn con ma đang theo dõi chúng tôi mà lạnh cả sống lưng. Hôm nay lại đúng ngày halloween nữa chứ!? Nhưng khi nhìn thấy phong thuỷ của nghĩa trang quá đẹp, tôi không nghĩ là có thể dễ dàng dựng được tấm bia ở đây. Tôi đưa thắc mắc này hỏi anh bạn: "Chắc được chôn ở đây không rẻ anh nhỉ!?"
- "Bình thường thì 30 ngàn đô, khu lăng tẩm thì khoảng 200 ngàn, và phí bảo trì tu sửa hàng năm vào khoảng 300 đô hoặc 3.000 đô."
Kể ra cũng không quá đắt so với thu nhập của dân Canada, nhất là một địa thế tuyệt đẹp và thích hợp cho việc đến thăm và phù hộ cho người sống. Khu lăng tẩm tưởng sầm uất thế nào hoá ra cũng chỉ là những cái tháp nhỏ thôi. Nói thật, dân Canada kể cả nhà giàu mà nhìn thấy những ngôi mộ của nông dân quê tôi chắc sẽ khóc thét. Thật đấy.
Ra khỏi nghĩa trang, xe rẽ phải, chạy thêm một đoạn nữa thì rẽ trái rồi đi thẳng vào khuôn viên nhà thờ. Anh bảo vệ dừng xe lại, thu 05 đô rồi cho chúng tôi vào. Lúc đó, chúng tôi còn chưa hiểu anh thu tiền gửi xe hay từ thiện. Mãi khi anh thối lại 5 đô thì chúng tôi mới hiểu.
Nhà thờ Saint Joseph's nằm uy nghi trên đỉnh núi. Chỉ nhìn thôi mà kẻ ngoại đạo như tôi cũng hơi run, huống hồ những người sùng đạo!? Tôi cũng ái ngại khi nhìn thấy những bậc thang dẫn lên đỉnh tháp, có thể chúng sẽ lấy hết năng lượng buổi sáng của tôi. Leo không thôi cũng mỏi chân, vậy mà nhiều tín đồ còn quỳ gối và leo bằng hai đầu gối từ cổng lên tới đỉnh tháp. Tôi khâm phục họ, khâm phục đức tin của họ.
- "Có hai chỗ anh cần cầu nguyện và rất thiêng là trong nhà thờ và chỗ trái tim thánh Andre. Andre là người xây dựng nhà thờ này từ năm 1904, và khi ông mất, đến cả trăm năm sau đào mộ ông lên vẫn còn trái tim. Khoa học không thể giải thích được. Ông được phong thánh sau đó và trái tim của ông còn được giữ cho đến ngày hôm nay. Trái tim đó cũng chỉ đựng trong hộp và trưng bày bình thường chứ không sử dụng biện pháp khoa học nào cả." Anh bạn chia sẻ thông tin khi tôi đang thở hổn hển, và chúng tôi đang leo lên tới đỉnh để cầu nguyện.
Lần đầu tiên quỳ gối cầu nguyện, tôi lúng túng chẳng biết nói gì. Chẳng biết những người theo đạo cầu kiểu gì và cầu thế nào. Tôi nghĩ cứ thành tâm sám hối và cầu theo những gì tôi nhớ được từ phim. Cầu xong, tôi làm dấu thánh theo tưởng tượng rồi quay ra đốt đèn. Đốt đèn là một hành động dễ đúng không? Nhưng chúng lại khiến tôi loay hoay mất vài phút. Cầm thanh khò trên tay mà tôi tìm hoài cái công tắc để bật lên, cho nó ra lửa để đốt đèn. Đó là tôi hiểu nó phải thế và cần làm như thế. Vậy là tôi cứ đi tìm công tắc thôi. Hahaha... Sau khi thất bại, tôi định bỏ qua khâu đốt đèn mà chỉ bỏ đồng 1 đô vào và định đi ra. Khi chuẩn bị tra thanh khò vào chỗ cũ, tôi dí đầu khò vào cái đèn và ngọn lửa bùng lên. "Hoá ra là như vậy." Tôi hơi giật mình nhưng buồn cười vì thấy mình quê quê.
Tôi đi ra phòng có bày trái tim của thánh Andre. Vừa đi tôi vùa thắc mắc: "Chết cha, mình vừa cầu bằng tiếng Việt, nếu thánh nghe không hiểu thì sao?" Tôi đúng kiểu là chưa cầu nguyện bao giờ nên rất hay nghĩ ngợi, nhất là ước nguyện tôi cầu rất quan trọng với tôi. "Thánh hay chúa ở Việt Nam còn biết tiếng Việt, chứ ở xứ Montreal này chắc chỉ biết tiếng Anh hay Pháp thôi." Nghĩ vậy, tôi lật đật quay lại và cầu lại từ đầu. Tất nhiên, tôi cầu bằng tiếng Anh. Và cả khi đứng trước trái tim của thánh Andre tôi cũng cầu bằng tiếng Anh. Tôi lo xa thế thôi chứ tôi thừa hiểu rằng chúa hay thánh có thể hiểu được mọi ngôn ngữ, miễn là người cầu có lòng thành.
Xong việc cầu nguyện, ra khỏi nhà thờ, tôi cũng không hiểu sao hôm nay tôi đối xử với thánh, chúa lạ thế!? Trước giờ tôi không tin vào những điều vô lý, những thứ mà tôi không giải thích một cách logic được. Vậy mà hôm nay, tôi lại có niềm tin tuyệt đối mà mãnh liệt thế!? Có chăng vì lời cầu nguyện quá rẻ? Tôi gắng xoá đi cái suy nghĩ cực đoan có phần đúng đó. Thay vào đó, tôi nghĩ rằng chúa hay thánh giúp dân sống tốt, có nơi nương tựa về tinh thần, có niềm tin vào cuộc sống để họ có cuộc sống tốt hơn là điều tuyệt vời rồi. Và tôi tin vào chúa, vào thánh, và cả vào lời cầu nguyện của tôi sẽ sớm trở thành hiện thực nữa.
Và rất có thể, đức tin của tôi sẽ thay đổi trong tương lai gần.
Vũ Minh Dương
Bình Luận