Nắm trong tay hàng chục tỷ đô nhưng Michael Bloomberg chỉ đi 2 đôi giày trong suốt 10 năm, uống cà phê khi khát và luôn mua size cốc nhỏ nhất.
Michael Bloomberg sinh năm 1942 trong một gia đình trung lưu tại Medford, bang Massachusetts. Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện tử đại học Johns Hopkins, ông tiếp tục học tập để có được tấm bằng MBA tại Harvard Business School. Ra trường, ông làm việc cho hãng dịch vụ tài chính Salomon Brothers tại bộ phận két sắt với mức lương khởi điểm 9.000 USD/năm.
Tại đây, ông đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về cổ phiếu và trái phiếu. Năm 1972, ông trở thành nhân viên giao dịch trái phiếu, còn có cổ phần trong công ty. Nhờ cố gắng nỗ lực, cuối thập niên 70, ông trở thành trưởng bộ phận giao dịch cổ phiếu.
Bloomberg (trái) và John Gutfreund, CEO Salomon Brothers vào năm 1975. Ảnh: NYT
Năm 1979, John Gutfreund, CEO của Salomon Brothers, bổ nhiệm ông vào vị trí quản lý hệ thống máy tính mới được thành lập. Đây thực chất là một sự giáng chức đối với Bloomberg.
Năm 1981, Salomon Brothers trở thành công ty đại chúng sau khi sáp nhập với hãng giao dịch hàng hóa đã niêm yết - Phibro Corporation. Rất nhiều người nắm giữ cổ phiếu của Salomon Brothers giàu lên nhanh chóng sau thương vụ này. Tuy nhiên, Bloomberg lại bị yêu cầu rời đi với 10 triệu USD.
Ông trùm truyền thông Michael Bloomberg.
Không để lãng phí thời gian, ông ngay lập tức dùng số tiền này đầu tư vào đế chế tài chính truyền thông của mình. Cùng với 3 người bạn Charles Zegar, Thomas Secunda và Duncan MacMillan, Bloomberg lập nên Innovative Market Systems. Ông thành lập công ty với mong muốn cải thiện hiệu suất và sự minh bạch trên thị trường tài chính cho cả bên mua lẫn bên bán.
Một năm sau, ông tiếp tục tạo ra Bloomberg Terminal (dịch vụ theo dõi thông tin tài chính). Đây là hệ thống phần mềm giúp thực hiện việc giao dịch cổ phiếu trực tuyến và truy cập vào dữ liệu thị trường luôn được cập nhật.
Truyền thông Mỹ nhận định, phố Wall ngày nay không thể tồn tại mà không nhờ những đổi mới mang tính cách mạng từ Bloomberg. Bloomberg Terminal nhanh chóng trở thành công cụ phổ biến được các ngân hàng đầu tư sử dụng, là đối thủ đáng gớm của Thomson Reuters Eikon, FactSet và S&P Capital IQ.
Năm 1986, Innovative Market Systems được đổi tên thành Bloomberg L.P. Sau đó công ty tiếp tục tung ra nhiều dịch vụ mới trước khi ra mắt hãng thông tấn chuyên cung cấp thông tin tài chính mang tên Bloomberg News vào năm 1993. Ngày nay, Bloomberg L.P là công ty dẫn đầu trong mảng dịch vụ tài chính và là một đế chế truyền thông với 20.000 nhân viên tại 167 văn phòng trên khắp thế giới.
Theo Forbes, ước tính năm 2019, Michael Bloomberg có trong tay 52,4 tỷ USD. Số tiền này không chỉ lớn gấp 17 lần tổng tài sản của ông Donald Trump (3,1 tỷ USD), mà còn lớn hơn tài sản của các ông trùm trong giới truyền thông Rupert Murdoch, Ted Turner và Sumner Redstone gộp lại. Thời điểm đó Bloomberg là người giàu thứ 17 thế giới trên bảng xếp hạng của Forbes và giàu nhất giới truyền thông.
Ngoài kinh doanh, Bloomberg cũng rất quan tâm đến lĩnh vực chính trị.Năm 2001, ông đứng ra tranh cử chức Thị trưởng thành phố New York và nhậm chức năm 2002, đúng thời điểm thành phố này phải vực dậy từ những tàn dư của vụ khủng bố 11/9. Song, trong nhiệm kỳ của Bloomberg chất lượng sống của New York được cải thiện đáng kể khi tỷ lệ tội phạm giảm, tỷ lệ tốt nghiệp tại các trường tăng. Kết thúc 12 năm giữ vị trí lãnh đạo thành phố, ông dành nhiều thời gian cho hoạt động từ thiện.
Đáng chú ý, cuối năm 2019 Bloomberg thông báo chính thức tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng 2020 với tư cách ứng cử viên đảng Dân chủ, trở thành đối thủ của ông Donald Trump. Tuy nhiên đầu tháng 3/2019, tỷ phú truyền thông quyết định ngừng tranh cử đồng thời tuyên bố ủng hộ cựu phó tổng thống Joe Biden.
Đôi giày hơn 10 năm tuổi của tỷ phú Bloomberg.
Giàu có nhưng Michael Bloomberg vẫn giữ lối sống vô cùng giản dị và tiết kiệm. Suốt thời gian làm việc tại văn phòng thị trưởng ông chỉ nhận mức lương tượng trưng 1 USD/năm. Ông không dùng biệt thự được cấp mà ở nhà riêng ở Manhattan và thường xuyên ngồi tàu điện ngầm đến nơi làm việc.
Theo tờ New York Post, trong hơn 10 năm, Bloomberg chỉ thay phiên sử dụng 2 đôi giày công sở. Hai đôi giày này đều có màu đen cổ điển, chỉ khác nhau chút ít về kiểu dáng. Tuy rất giữ gìn nhưng những đôi giày đều cũ đi ít nhiều, thậm chí không nhìn rõ nhãn hiệu. “Thị trưởng cho biết giày chỉ cần đi thoải mái và tiện dụng là được, ông không có nhu cầu mua giày mới", người phát ngôn của Bloomberg tiết lộ. Theo một chuyên gia, một trong hai đôi thuộc về một hãng giày của Italy, có giá 328 USD.
Lối sống tiết kiệm của Bloomberg còn được thể hiện cả trong đời tư lẫn công việc. Khi đi mua cà phê, ông luôn chọn size cốc nhỏ nhất đủ dùng, không lãng phí và chỉ mua khi khát. Quần áo cũng vậy, ông chỉ sắm mới khi có nhu cầu. "Tôi muốn dành dụm tiền cho những thứ khác xứng đáng hơn thay vì tiêu xài hoang phí vào những thứ không cần thiết", ông trùm truyền thông quan niệm.
Hà tiện với bản thân nhưng tỷ phú Bloomberg rất hào phóng trong việc làm từ thiện. Ông đã quyên góp 8 tỷ USD cho các hoạt động từ thiện và nhiều hoạt động xã hội khác như tặng 1,8 tỷ USD cho đại học Johns Hopkins cũng như đóng góp nhằm nỗ lực kiểm soát súng đạn. Chia sẻ về việc ủng hộ số tiền lớn cho trường cũ, Bloomberg nói: "Tôi muốn đảm bảo rằng ngôi trường từng cho tôi một cơ hội có thể mở ra cánh cửa cơ hội đó cho những người khác!”.
Theo Người đưa tin
Bình Luận