Ông trùm sòng bạc Macau Hà Hồng Sân đã qua đời ngày 26/5 và để lại khối tài sản khổng lồ. Việc ai sẽ là người thừa kế gia sản của ông đang là vấn đề được cả châu Á quan tâm.
Macau sẽ trở thành “Las Vegas của vùng Viễn Đông”, Sheldon Adelson, một ông trùm sòng bạc người Mỹ, từng dự đoán. Năm 2019 đặc khu hành chính này thu được 30 tỷ USD doanh thu từ sòng bạc, gấp năm lần so với Las Vegas.
Mặc dù doanh thu của các sòng bạc đã sụt giảm trong năm nay do đại dịch Covid-19, Macau dường như vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng khi dịch được kiểm soát. Điều này là nhờ vào Hà Hồng Sân, vua cờ bạc Macau, người thừa kế của một gia đình quyền thế ở Hong Kong.
Nhờ lấy được giấy phép kinh doanh cờ bạc độc quyền từ nhà cầm quyền người Bồ Đào Nha vào năm 1961 và giữ tình trạng độc quyền đến tận năm 2001, Sociedade de Turismo e Diversoes de Macau (STDM), công ty chính của gia đình ông, đã phát triển thành đế chế cờ bạc lớn nhất châu Á.
Ông Hà Hồng Sân qua đời để lại khối tài sản 6 tỷ USD chưa rõ người thừa kế. Ảnh: Forbes.
Hà Hồng Sân qua đời vào ngày 26/5 ở tuổi 98. Ông để lại 3 bà vợ (bà vợ đầu đã qua đời), 14 đứa con và khối tài sản trị giá 6 tỷ USD.
Một thập kỷ trước, người vợ thứ tư của ông Hà Hồng Sân, Lương An Kỳ, đã vướng vào một tranh chấp công khai đầy cay đắng với người vợ thứ hai, Lam Quỳnh Anh, và người vợ thứ ba của ông trùm, Trần Uyển Trân, để giành quyền kiểm soát công ty SJM Holdings. Những người con lớn của ông trùm casino cũng tham gia vào cuộc cãi vã này. Vụ tranh chấp đã kết thúc bằng một thỏa thuận hòa hoãn giữa hai bên.
Economist nhận định nhiều công ty châu Á khác phải đối mặt với vấn đề thừa kế phức tạp không kém.
Hơn một nửa số doanh nghiệp lớn ở châu Á là các công ty gia tộc. Ngoài vua sòng bạc Hà Hồng Sân, ông Eka Tjipta Widjaja của tập đoàn Indonesia Sin Sin Mas, nhà đầu tư Henry Sy của tập đoàn SM tại Philippines và nhà sáng lập Shin Kyuk Ho của tập đoàn Lotte Hàn Quốc là những người đứng đầu các đế chế kinh doanh gia tộc qua đời gần đây, gây nên cảnh đấu đá, tranh giành quyền thừa kế giữa các thành viên gia đình.
Hai anh em con người sáng lập tập đoàn Lotte Shin Kyuk Ho đã "huynh đệ tương tàn" vì giành quyền thừa kế. Ảnh: Bloomberg.
Nhiều công ty gia đình khác cũng có người đứng đầu lớn tuổi. Điều này làm các chuyên gia dự đoán một làn sóng hỗn loạn trong các gia tộc này một khi họ qua đời.
Nhiều tộc trưởng sợ rằng việc chỉ định trước người thừa kế sẽ làm suy yếu quyền lực của họ hoặc mang lại điều không may mắn. Ngoài ra, các tập đoàn gia đình châu Á thường mới xuất hiện trong thế kỷ 20, nhiều tập đoàn thiếu cấu trúc chặt chẽ như tập đoàn gia đình của châu Âu hoặc châu Mỹ.
Một vấn đề sâu sắc hơn trong việc các tài phiệt châu Á thường không chỉ định người thừa kế là do mô hình quản lý dựa trên các mối quan hệ của họ. Các ông chủ doanh nghiệp thường xây dựng mối quan hệ cá nhân với các chính trị gia và chuyên gia tài chính. Những mối quan hệ này lại không dễ dàng chuyển từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo.
Ông Joseph Fan của Đại học Trung văn Hong Kong thấy rằng các công ty gia đình ở Hong Kong, Singapore và Đài Loan mất khoảng 60% giá trị của mình trong quá trình chuyển đổi thế hệ quản lý.
Một vài người đứng đầu tập đoàn gia đình của châu Á rất muốn tránh số phận này. Trước khi nghỉ hưu hai năm trước, tỷ phú 91 tuổi của Hong Kong Lý Gia Thành đã đơn giản hóa mạng lưới kinh doanh của mình. Ông đã trao cho một trong những người con trai của mình quyền kiểm soát CK Hutchinson Holdings và CK Asset Holdings, nơi nắm giữ hầu hết đế chế của tỷ phú này.
Để tránh việc tranh giành gia sản, tỷ phú Lý Gia Thành đã trao lại sản nghiệp của mình cho con trai cả vào tháng 5/2018. Ảnh: Wall Street Journal.
Ngược lại, một số tài phiệt không chọn người thừa kế hay thậm chí để lại di chúc trước khi qua đời khiến con cái của họ lao vào đấu đá giành quyền thừa kế, như trường hợp của ông chủ Lotte Shin Kyuk Ho.
Năm 1948, ông Shin Kyuk Ho thành lập tập đoàn Lotte, một công ty bán kẹo cao su, tại Nhật Bản. Đến năm 1967, ông Shin đưa hoạt động của công ty về lại Hàn Quốc với việc thành lập Lotte Confectionery. Sau hơn 6 thập kỷ, tập đoàn Lotte đã mở rộng và phát triển thành tập đoàn kinh doanh đa ngành lớn như hiện nay.
Ông Shin đã kết hôn với một phụ nữ Nhật Bản và có hai người con trai: con cả Shin Dong Joo và con thứ Shin Dong Bin. Shin Dong Joo điều hành hoạt động của Lotte Holdings, công ty con của tập đoàn Lotte tại Nhật Bản còn Shin Dong Bin quản lý hoạt động của Lotte tại Hàn Quốc và các quốc gia khác.
Từ năm 2015, tranh chấp gia sản giữa hai con trai của Shin Kyuk Ho đã nổ ra khi ông ngày một già yếu. Đầu năm 2015, ban giám đốc của Lotte Holdings bất ngờ cách chức con trai cả Shin Dong Joo khỏi vị trí phó chủ tịch sau khi Shin Dong Bin được bầu làm phó chủ tịch Lotte Holdings.
Ngày 27/7/2015, Shin Kyuk Ho và con trai cả Shin Dong Joo đã bay đến Tokyo để cách chức Shin Dong Bin. Quyết định này đã vấp phải sự phản đối của hội đồng quản trị. Với sự kêu gọi của Shin Dong Bin, bản thân ông Shin Kyuk Ho cũng bị hội đồng quản trị giáng chức từ CEO xuống chủ tịch danh dự.
Việc ông Shin Kyuk Ho qua đời vào ngày 19/1/2020 mà không chỉ định người thừa kế khiến cuộc chiến giữa hai anh em Shin Dong Joo và Shin Dong Bin chưa đi đến hồi kết. Vị trí chủ tịch tập đoàn Lotte vẫn còn bỏ ngỏ.
Tương tự, với sự ra đi của ông trùm sòng bài Hà Hồng Sân, công chúng đang rất chú ý vào việc phân chia gia sản cùng với việc ông Hà có để lại di chúc hay không. Đây có thể là gia tộc tiếp theo mà châu Á có thể chứng kiến các thành viên gia đình tranh đấu dữ dội để giành quyền thừa kế.
Theo Zing News
Bình Luận