Lối tuy duy cũ cùng chính sách thuế còn nhiều hạn chế được ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp cho là rào cản đối với doanh nghiệp công nghệ.
Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp chia các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên thế giới thành hai nhóm.
Nhóm thứ nhất là nhóm tạo ra những sản phẩm hoàn toàn mới, chưa từng tồn tại như Google hay Facebook và nhóm thứ hai là nhóm sử dụng mô hình kinh doanh mới, phương pháp mới, sử dụng công nghệ của mình để giải quyết bài toán cũ như Grab.
Dù thuộc nhóm nào, các doanh nghiệp này vẫn trở thành những doanh nghiệp hàng đầu và giàu có nhất.
Vị Tổng giám đốc VCCorp đã minh chứng khả năng tạo ra các sản phẩm như trên của các doanh nghiệp nội địa thông qua các ví dụ như Vingroup sản xuất tự động hóa 4.0, Viettel tự làm thiết bị mạng 5G.
Cùng với đó, thị trường gọi xe có Grab thì giờ cũng xuất hiện Be, Fastgo, mảng nội dung số có VNG, VCCorp.
Những doanh nghiệp như vậy “cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn ngay trên lãnh thổ Việt Nam, phục vụ người Việt Nam, cạnh tranh bình đẳng thậm chí là có một chút phần thắng lợi”.
Ông Tân nhấn mạnh: “Như vậy là chúng ta làm được, chúng ta có khả năng làm sản phẩm. Chúng ta có năng lực, chúng ta có tiền, chúng ta có con người công nghệ để làm được”.
Tuy nhiên, người đứng đầu VCCorp cho rằng, vấn đề tồn tại lớn nhất là lối tư duy cũ, ví như việc để xã hội khủng long làm quy định cho loài người.
"Một xã hội khủng long cấp giấy phép, làm quy định cho loài người thì chắc chắn không tồn tại loài người. Loài người sinh ra không nhờ giấy phép của khủng long mà nhờ khủng long chết đi".
"Chính sách của chúng ta là Grab cần gắn mào lên đầu, phá vỡ hoàn toàn mô hình kinh doanh xe gia đình. Nếu mạng xã hội Việt Nam thuê người sản xuất video đăng lên thì vi phạm quy định về quản lý báo chí còn Youtube, Facebook thuê hẳn công ty làm nội dung lại không bị kiểm soát”, ông Tân phân tích.
Bên cạnh đó, bức tranh tương phản về chính sách dành cho các công ty sáng tạo tại Việt Nam và nước ngoài cũng được chỉ rõ.
Trong khi Alibaba, Tencent, Baidu của Trung Quốc được ưu đãi, bảo hộ với mức thuế âm; Amazone đóng thuế 0 đồng dù lợi nhuận 11 tỷ USD, Apple, Microsoft hay Google đều ở các thiên đường thuế thì doanh nghiệp tại Việt Nam như VCCorp phải đóng tới 15-20% doanh thu, chưa kể thu nhập doanh nghiệp.
“Chính vì thế rất nhiều công ty muốn làm nhưng không dám làm”, ông Tân khẳng định.
Trước những tồn tại trên, Tổng giám đốc VCCorp đưa ra 3 cơ chế ứng xử.
Thứ nhất, với những loại hình kinh doanh đã rõ ràng như Grab, có thể tách ra thành một hạng mục riêng để quản lý.
Thứ hai, những thứ chưa rõ ràng thì sử dụng cách tiếp cận sandbox, tức là khoanh vùng phạm vi, thời gian cho thí điểm.
Thứ ba, với những hình thức đặc trưng, hóc búa như tiền ảo, cần có một đặc khu ảo để chọn lọc vấn đề, công ty chặt chẽ hơn.
Ông Tân cho rằng cần coi ngành nội dung số là một ngành kinh tế trọng điểm, coi thuế thu nhập là trọng tâm để thu hút nhân tài, giảm chi phí cho công ty.
“Chúng ta phát triển thị trường trong nước bằng cách coi trọng công ty Việt phục vụ thị trường Việt Nam, hoặc là các công ty có tiềm năng xuất khẩu dịch vụ ra bên ngoài. Và chúng ta nên xem lại tư tưởng đánh thuế là để thu thật nhiều hay để ngành phát triển rực rỡ”, ông kiến nghị.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch VinFast tại diễn đàn nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính sách Nhà nước trong việc giúp doanh nghiệp Việt có đủ tự tin và cả niềm tin để phát triển công nghệ.
Theo kinh nghiệm từ nhiều quốc gia, các ưu tiên về thuế, thủ tục cởi mở sẽ giúp nền kinh tế phát triển.
Đại diện Vingroup cũng khuyến nghị Chính phủ chủ trì đẩy mạnh hoạt đông nghiên cứu sáng tạo đổi mới công nghệ, chú trọng đào tạo các loại hình công nghệ mới trong đại học, đầu tư nghiên cứu các công nghệ lõi.
"Chính phủ nên tạo động lực, thậm chí tạo áp lực cho các doanh nghiệp phát triển", bà Thủy chỉ rõ.
Theo Theleader
Bình Luận