Là một tiến sĩ trẻ tuổi chọn trở về Việt Nam thay vì tiếp tục lập nghiệp tại Mỹ, Đỗ Hữu Nguyên Lộc hiện là Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF). Anh là một trong những phó hiệu trưởng trẻ tuổi nhất Việt Nam và là người mang đến làn gió mới trong hành trình quốc tế hóa giáo dục đại học ở Việt Nam. Men&life đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn về những khát khao của anh trong việc xây dựng một trường đại học xứng tầm quốc tế của Việt Nam.
ĐẾN VỚI “NGHIỆP DẠY” TỪ SỰ NGƯỠNG MỘ DÀNH CHO CÁC THẦY CÔ
Là một trong những phó hiệu trưởng đại học trẻ tuổi nhất và là một nhà lãnh đạo năng nổ trong các hoạt động hợp tác quốc tế, anh đã mang lại làn gió mới cho giáo dục đại học Việt Nam. Xin hỏi là cơ duyên nào đã dẫn anh đến với sự nghiệp giảng dạy?
Nghề giảng dạy của tôi bắt đầu từ sự ngưỡng mộ đặc biệt dành cho các nhà giáo. Khi còn là học sinh phổ thông, tôi không phải là một học sinh giỏi nên gia đình phải thuê gia sư để kèm thêm. Lúc đó, trong mắt tôi, gia sư là một hình ảnh rất đẹp và tôi muốn trở thành một người giống như vậy.
Đến năm 18 tuổi, sau khi trúng tuyển vào khoa tiếng Anh của trường Đại học Sư phạm TP.HCM, việc đầu tiên tôi làm không phải là báo tin cho gia đình biết, mà là chạy ngay đến một trung tâm luyện thi để đăng ký trở thành gia sư dạy kèm tại nhà.
Từ những giây phút đứng trên giảng đường đại học ở Việt Nam, rồi sau là ở Mỹ, tôi nhìn lên bục giảng và ngưỡng mộ nét đẹp đầy trí tuệ của các giáo sư đại học. Cứ thế, sự ngưỡng mộ và khát khao không ngừng lớn lên. Tôi lấy sự khát khao và ngưỡng mộ dành cho các thầy cô làm kim chỉ nam cho sự nghiệp đời mình.
Bén duyên với nghề giáo từ rất sớm, anh có thể mô tả con đường từ một gia sư trở thành một phó hiệu trưởng đại học ở tuổi 34 và được xem như một trong những lãnh đạo đại học trẻ nhất Việt Nam?
Tuy tôi mới 34 tuổi, nhưng đã có đến 16 năm kinh nghiệm giảng dạy. Thật tuyệt vời khi làm điều mình yêu thích mỗi ngày! Tuy nhiên, càng đi dạy tôi nhận ra rằng việc giảng dạy có thể tác động qua nhiều thế hệ, nhưng sức lan tỏa thì chỉ gói gọn trong phạm vi một lớp học. Tôi nghĩ sẽ ý nghĩa hơn nếu sự tác động này được nhân rộng hơn, xa hơn, mang tính dài hạn hơn.
Ví dụ, khi bạn đứng vai trò là một thầy chủ nhiệm, bạn chỉ có thể tác động đến một lớp với 30 sinh viên. Khi bạn là lãnh đạo của khoa, bạn có thể tác động đến hàng trăm sinh viên. Khi là một thành viên ban giám hiệu, mỗi chính sách hay quyết định của bạn sẽ ảnh hưởng đến hàng ngàn hay thậm chí hàng chục ngàn sinh viên. Như vậy, giá trị giáo dục sẽ có sức lan tỏa hơn, đóng góp cho xã hội nhiều hơn. Tôi quyết định sang Mỹ du học về Quản trị và đặt mục tiêu trở thành một nhà điều hành giáo dục chuyên nghiệp.
Vì sao anh không lựa chọn theo học về quản lý giáo dục mà học về quản trị kinh doanh?
Về bản chất, giáo dục cũng là một ngành kinh doanh, nhưng khác những ngành kinh doanh khác là ở tính “nhân văn”. Giáo dục cũng cần khách hàng, khách hàng của chúng tôi là học sinh, sinh viên, và cả phụ huynh. Giáo dục cũng cần bán hàng, trong giáo dục chúng tôi gọi nhẹ nhàng hơn là chiêu sinh, tuyển sinh. Giáo dục cũng cần quảng cáo, trong ngành chúng tôi gọi là truyền thông.
Giáo dục cũng cần liên tục cải tiến sản phẩm, mà trong giới sư phạm chúng tôi gọi là nâng cao chất lượng đào tạo. Để điều hành tốt giáo dục, ngoài kiến thức chuyên môn về sư phạm bạn cần nhiều đến kiến thức và kỹ năng về quản trị và kinh doanh. Do vậy, tôi chọn nước Mỹ làm nơi du học vì nơi đây là cái nôi ra đời của chương trình MBA. Và nơi đây sẽ cho tôi những kiến thức cần thiết.
Là người đạt được nhiều thành tựu khi quyết định trở về Việt Nam. Anh có lời khuyên gì cho các sinh viên của mình và cả những bạn trẻ đang học tập và làm việc ở nước ngoài? Nên bước đi hay nên quay về?
Cũng như bao du học sinh khác, tôi cũng từng loay hoay với câu hỏi “Du học - ở lại hay trở về? 95% các bạn bè của tôi chọn ở lại Mỹ sau khi nhận bằng. Tôi thuộc nhóm 5% ít ỏi còn lại, nhưng chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến tại phương Tây đã có một nền kinh tế phát triển và ổn định. Bạn có thể có một công việc thu nhập cao, môi trường làm việc ổn định, phúc lợi xã hội tốt... nhưng cơ hội để tạo sự đột phá trong xã hội ấy là rất khó.
Ngược lại, Việt Nam trong suốt thời gian dài nằm trong top 10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu, bạn sẽ có nhiều cơ hội “tăng tốc” bản thân cùng nền kinh tế ấy. Chúng ta ai cũng đang tìm kiếm những ưu tiên khác nhau và hạnh phúc khác nhau trong cuộc sống. Với mỗi lựa chọn của mình, bạn hãy luôn kiên trì đến phút cuối cùng.
QUỐC TẾ HÓA GIÁO DỤC ĐẠI HỌC LÀ CON ĐƯỜNG GIÚP NÂNG TẦM GIÁO DỤC VIỆT NAM
Là người am hiểu nhiều về giáo dục bậc đại học và đầy đam mê khi nói về nó, hành trình xây dựng một trường đại học quốc tế của anh có suôn sẻ không?
Áp lực là một phần công việc và luôn song hành với một nhà quản trị cấp cao. Nếu bạn là một lãnh đạo doanh nghiệp hay nhà điều hành một tổ chức thương mại, áp lực của bạn là tăng doanh thu, mở rộng thị trường và đảm bảo bộ máy nhân sự vận hành suôn sẻ. Nhưng là một nhà lãnh đạo giáo dục, và đặc biệt là giáo dục đại học, thì còn phải cộng thêm áp lực của một nhà giáo và một nhà khoa học. Thật không dễ dàng khi bạn phải chủ trì một cuộc họp với các thành viên là giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú, nhà khoa học hay đơn thuần chỉ là một giáo viên nhưng người ấy từng là thầy cô của bạn. Ứng xử trong điều hành trường đại học là một điều hết sức quan trọng và cần lưu ý.
“Đại học quốc tế” là một từ khóa hot của nền giáo dục Việt Nam trong suốt một thập kỷ nay. Ở vai trò phó hiệu trưởng và Viện trưởng Viện Quốc tế của một trường đại học song ngữ, anh có nhận xét gì về xu hướng này?
Ở những nước mà tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ như Mỹ, Anh, Úc, Canada... đại học quốc tế ít phổ biến hơn vì bản thân tiếng Anh đã là ngôn ngữ chính trong giảng dạy. Riêng tại những nước mà tiếng Anh là ngoại ngữ như tại Việt Nam, Trung Quốc hay Thái Lan... thì đại học quốc tế được quan tâm nhất vì sinh viên có cơ hội được học bằng tiếng Anh với các thầy cô quốc tế từ nhiều nước. Đây là xu hướng tất yếu.
Vậy làm sao giúp sinh viên, phụ huynh xác định được đâu là một đại học quốc tế đúng nghĩa? Và cơ hội nào để giáo dục quốc tế Việt Nam có thể phát triển và nâng tầm hơn nữa?
Nhiều người thường nhầm lẫn khái niệm “đại học quốc tế” là một trường với đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực chất lượng. Nhưng đó chỉ là một yếu tố bên ngoài, chứ chưa phải là trường đại học quốc tế đúng chuẩn. Bất kỳ nhà đầu tư nào có nguồn tài chính dồi dào đều có thể xây một trường “quốc tế”, nhưng để có thể dựng xây một trường đúng chuẩn quốc tế cần phải có sự đầu tư về chiều sâu học thuật và con người.
Việt Nam đang có cơ hội và tiềm năng lớn để đại học quốc tế được đẩy mạnh bởi hiện tại, nền giáo dục trên toàn Việt Nam có giá trị khoảng 1 tỷ đô la. Trong khi đó, các bậc phụ huynh đang chi đến 3 tỷ đô la hằng năm để con em có thể được du học. Các chính sách nhà nước cũng đang thúc đẩy giáo dục quốc tế tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp lớn đang đầu tư nghiêm túc vào chất lượng dạy và học. Điều này chứng tỏ câu chuyện quốc tế hóa giáo dục Việt Nam đang đi đúng hướng.
Được biết, ngoài vai trò là một nhà lãnh đạo đại học trẻ, anh còn là Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh TP.HCM, anh có thể chia sẻ đôi điều về công việc này?
Khi từ Mỹ trở về xây dựng sự nghiệp, tôi xác định ba điều ở sự nghiệp của mình: Điều cần làm, điều muốn làm, và điều nên làm. Điều “cần” làm là kiếm thu nhập để tồn tại, điều “muốn” làm là chọn nghề mình yêu thích, và điều “nên” làm là đóng góp trả lại cho xã hội bằng chuyên môn.
Hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh TP.HCM (Ho Chi Minh City TESOL Association) là tổ chức nghề nghiệp của giáo viên và các nhà nghiên cứu tiếng Anh được UBND TP.HCM thành lập từ năm 2006 nhằm tham mưu và góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh cho thành phố. Các thành viên đều là các thầy cô tâm huyết và phục vụ cộng đồng giảng dạy tiếng Anh tự nguyện, không nhận lương.
Phải đảm nhận nhiều vai trò điều hành như vậy, anh có dành ra khoảng thời gian nào cho bản thân mình không?
Tuy rất bận rộn nhưng tôi vẫn luôn cân đối dành thời gian luyện tập Fitness liên tục suốt 15 năm qua và từng có ý định theo chuyên nghiệp khi còn là sinh viên. Cường độ và thời gian dành cho tập luyện giảm nhiều so với thời đi học, nhưng tôi vẫn duy trì thói quen ít nhất 45 phút mỗi ngày. Tôi cũng có chứng chỉ Huấn luyện viên Fitness của Tổng cục Thể dục Thể Thao.
Vâng, có thể thấy thân hình anh rất đẹp và chuẩn. Vừa tài giỏi, lại có hình thể đẹp, anh có thể chia sẻ về hình mẫu một nửa lý tưởng của mình?
Tôi học tập ở Mỹ, xuyên suốt sự nghiệp làm việc với Anh, nhưng trong tình cảm lại rất Việt. Mẫu người yêu lý tưởng của tôi cũng rất truyền thống gói gọn trong ba tính từ: Nhẹ nhàng, kín đáo, và nữ tính.
Xin cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh. Men&life xin chúc anh luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết và đam mê với nghề, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở những vị trí công tác và tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Thực hiện: Triệu Quân - Anh Khôi
Nhiếp ảnh: Phan Thành Cân
Bình Luận