Gắn bó với Canon gần 35 năm nhưng ông Satoru Takeda - Tổng giám đốc thứ ba của Công ty Canon Marketing Việt Nam (CMV) vừa làm quen với cuộc sống tại đất nước hơn 96 triệu dân này vỏn vẹn được hai tháng. Tuy nhiên, ông rất tự tin và đầy hứng khởi với một sự khởi đầu mới tại đất nước này. Với vẻ ngoài “có vẻ” nghiêm nghị nhưng khi trò chuyện, vị lãnh đạo Canon lại rất gần gũi và ông hào hứng chia sẻ.
* Được biết, ông vừa nhận chức Tổng giám đốc Công ty Canon Marketing Việt Nam từ đầu tháng 7/2019, ông cảm thấy thế nào về sự khởi đầu mới này?
- Ban đầu đặt chân đến nơi đây, tôi cảm thấy chút lo lắng. Nhưng rồi nỗi lo ấy lại nhường chỗ cho sự háo hức. Tôi đã làm việc tại Canon gần 35 năm và cũng đã trải qua nhiều thị trường khác nhau từ châu Âu đến châu Á, nên phần nào cũng quen với sự thay đổi.
Thật sự thì đây là lần đầu tiên tôi làm việc tại Việt Nam, nhưng không phải là lần đầu tôi được biết về đất nước và con người Việt Nam. Đặc biệt, CMV cũng không hề xa lạ với tôi, bởi nơi đây có những đồng nghiệp tôi từng làm việc cách đây cả chục năm. Và lần này, được sống và làm việc tại đất nước xinh đẹp này với một cương vị mới, tiếp tục được đồng hành cùng các đồng nghiệp CMV - những con người thông minh, lạc quan và luôn nỗ lực trong công việc khiến tôi không khỏi háo hức và vui mừng.
Ông Satoru Takeda - Tổng giám đốc Canon Marketing Việt Nam
* Nói vậy, có nghĩa ông không có chút áp lực nào khi nhận vai trò dẫn dắt Canon Marketing Việt Nam?
- Áp lực là có, nhưng đó là điều đương nhiên đối với bất kỳ nhà lãnh đạo nào. Nhưng những gì tôi nhận được và trải qua sau hai tháng làm việc tại Việt Nam làm tôi cảm thấy lạc quan nhiều hơn là lo lắng vì CMV là một tập thể mạnh và hiểu nhau và có “guồng” làm việc mạch lạc và chuyên nghiệp. Ngoài ra, đồng hành cùng CMV còn có đội ngũ hơn 400 nhân viên dày dặn kinh nghiệm của nhà phân phối Lê Bảo Minh và mạng lưới hơn 300 đại lý được ủy quyền trên khắp Việt Nam.
Đó cũng là lý do tôi không ngạc nhiên khi nhiều năm qua kết quả kinh doanh của Canon luôn đạt hiệu quả cao tại thị trường Việt Nam. Canon đã luôn duy trì được vị trí đứng đầu trong thị trường in ấn tại đây với 68% thị phần máy in phun, 66% thị phần máy in laser. Tại châu Á, Việt Nam cũng đóng góp quan trọng trong vị trí dẫn đầu thị trường máy in laser đa năng. Về máy ảnh, trong hai quý đầu năm 2019, Canon tiếp tục là thương hiệu đứng đầu về dòng máy DSLR với 70% thị phần, tiếp đó là vị trí thứ hai cho dòng máy ảnh Mirrorless và Digital Compact. Và áp lực của tôi là làm sao cùng cả tập thể mang lại kết quả tốt hơn nữa [cười].
* Vậy liệu ông có kế hoạch gì để cùng đội ngũ CMV chinh phục những nấc thang cao hơn nữa trong nhiệm kỳ của mình tại đây?
- Chúng tôi sẽ chú trọng hơn nữa đến các khách hàng doanh nghiệp. Canon nổi tiếng trên toàn cầu và tại Việt Nam là một công ty sản xuất máy ảnh nhưng thật ra, chúng tôi cũng là một trong những nhà cung cấp hàng đầu các giải pháp dành cho doanh nghiệp, như giải pháp in ấn, giải pháp trình chiếu, giải pháp bảo mật... Tỷ trọng doanh thu của Canon với nhóm khách hàng doanh nghiệp khoảng 40% và mục tiêu là nâng cao con số này hơn nữa.
Đầu năm 2019, Canon tại Việt Nam đã khởi động chiến dịch truyền thông mang tên “Canon - Giải pháp nâng tầm doanh nghiệp” dành riêng cho đối tượng B2B (Business to Business) - khách hàng doanh nghiệp và nhận được nhiều sự quan tâm của giới kinh doanh.
Thực tế tại châu Á và Việt Nam, các giải pháp in ấn của chúng tôi đã được ghi nhận giúp tăng năng suất lao động của doanh nghiệp tối thiểu 30% và giảm chi phí in ấn tối thiểu 20% bởi các doanh nghiệp từ vừa đến lớn, như Air Asia Indonesia, Tập đoàn bất động sản Ấn Độ Prestige, công ty luật hàng đầu Philipines HHP, Trường Đại học Vongchavalitkul tại Thái Lan, The Grand Hồ Tràm Strip Việt Nam...
Để tăng thêm nhận thức và mở rộng tiếp cận của doanh nghiệp với các giải pháp của Canon, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp các gói trải nghiệm các giải pháp này đến các doanh nghiệp Việt và hỗ trợ các doanh nghiệp với những gói mua hàng và bảo hành hấp dẫn. Qua đó, chúng tôi mong muốn mang đến cho doanh nghiệp những giải pháp và sản phẩm tối ưu, phù hợp với từng nhu cầu kinh doanh cụ thể, giúp nâng doanh nghiệp Việt Nam lên một tầng cao mới.
* Đâu là kim chỉ nam của ông khi dẫn dắt CMV?
- Bạn có nghe về triết lý Kyosei chứ? Kyosei nghĩa là “Cùng sống và làm việc vì những điều tốt đẹp chung”. Đây là kim chỉ nam cho mọi hoạt động kinh doanh cũng như trong công tác xã hội của Canon từ những ngày đầu và đến tận bây giờ vẫn được vận dụng rất triệt để. Lấy đề tài môi trường làm ví dụ chẳng hạn. Chúng tôi chú trọng giảm thiểu tác động đến môi trường từ đầu vào của quy trình sản xuất khi sử dụng các nguyên liệu thân thiện môi trường đến đầu ra là những sản phẩm với những giải pháp, tính năng giúp người dùng giảm lãng phí trong in ấn, giảm lượng tiêu thụ giấy không cần thiết.
Hay ở khía cạnh phát triển xã hội bền vững (CSR) chúng tôi thường xuyên có những hoạt động thiện nguyện tại khắp các tỉnh thành của Việt Nam, xây dựng các lớp học mới cho trẻ em gặp nhiều khó khăn qua chiến dịch Help With Love (Canon - Vì thế hệ tương lai). Tính đến năm 2019, chúng tôi đã xây được hơn 70 lớp học, mang đến môi trường học tập an toàn hơn, chỉn chu hơn cho các em học sinh trên khắp Việt Nam.
Hơn thế nữa, tinh thần Kyosei đã và đang được toàn bộ nhân viên của tập đoàn trên khắp thế giới áp dụng vào phương châm sống của riêng mình và tôi không phải là ngoại lệ.
Cùng với phương châm đó, mục tiêu của tôi và cả những thành viên khác của Canon không bao giờ thay đổi, đó là luôn giới thiệu những sản phẩm và giải pháp doanh nghiệp trọn vẹn làm hài lòng khách hàng từ cá nhân cho đến doanh nghiệp.
* Ông đánh giá như thế nào hoạt động kinh doanh nói chung của các doanh nghiệp Nhật Bản tại thị trường Việt Nam?
- Tôi có thể nhận thấy sự tin tưởng của người tiêu dùng Việt dành cho các thương hiệu Nhật Bản. Và đó là yếu tố tiên quyết giúp các doanh nghiệp Nhật đứng vững tại thị trường này. Đây có thể nói là kết quả đáng vui mừng cho sự cam kết và nỗ lực mang đến thị trường Việt Nam những sản phẩm tốt nhất từ Canon cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản thuộc rất nhiều lĩnh vực đa dạng khác.
Không những thế, chúng tôi tin rằng, ngoài việc kinh doanh thì những hoạt động hướng đến cộng đồng của chúng tôi nhằm chung tay xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng vững mạnh cũng được người Việt đón nhận và đánh giá cao, góp phần củng cố hơn nữa uy tín thương hiệu Nhật trong lòng người tiêu dùng Việt.
* Quay lại một chút về cuộc sống của ông ở Việt Nam, ông đánh giá văn hóa và con người ở đây như thế nào? Ông có thể chia sẻ một chút về dự định cá nhân trong tương lai?
- Cảm nhận đầu tiên của tôi về người Việt Nam là các bạn rất thân thiện, gần gũi. Tôi có thể dễ dàng nhận được sự trợ giúp khi ở bất cứ đâu, dù là đang trên phố, ở quán ăn hay trong siêu thị. Văn hóa giữa Nhật Bản và Việt Nam cũng có nhiều nét tương đồng nên tôi không nghĩ mình sẽ mất nhiều thời gian để làm quen với nhịp sống ở đây. Ngoài ra tôi cũng rất thích ẩm thực Việt, phở là món tôi từng ăn ở Nhật nhưng tại Việt Nam thì món này ngon hơn rất nhiều. Việt Nam cũng có rất nhiều loại trái cây mà tôi yêu thích.
Còn về dự định? Tôi sẽ học tiếng Việt [cười] và sẽ dành thời gian đi thăm quan các danh lam thắng cảnh ở đất nước xinh đẹp của các bạn. Nghĩ thôi tôi đã thấy háo hức rồi! [cười].
* Xin cảm ơn ông về chia sẻ thân mật.
Theo Doanh nhân Sài Gòn
Bình Luận