Sở hữu 31,5 tỷ USD, tỷ phú bất động sản Lee Shau Kee của Hồng Kông từng nói rằng ông sẵn sàng đổi 99% tài sản lấy thêm 30 năm nữa của cuộc đời...
Là những người giàu bậc nhất tại Hồng Kông, Malaysia và Singapore, 3 tỷ phú dưới đây đã xây dựng đế chế kinh doanh khổng lồ qua nhiều thập kỷ và hiện vẫn tiếp tục làm việc dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm.
Lee Shau Kee, 90 tuổi
Ảnh: Reuters.
Theo Nikkei, ông trùm bất động sản Lee Shau Kee sinh ra tại Shunde, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc và chuyển tới Hồng Kông vào năm 1949. Hiện là người giàu thứ hai tại Hồng Kông, ông mừng sinh nhật thứ 90 vào đầu năm 2018 với 37 người từng nhận được học bổng của ông từ năm 1979 đến 2006 để theo học trường Wadham College thuộc Đại học Oxford (Anh).
Trong nhiều năm qua, ông Lee cũng đóng góp nhiều cho các hoạt động giáo dục, bao gồm 500 triệu Đôla Hồng Kông (khoảng 64 triệu USD) cho Đại học Hồng Kông và 400 triệu Đôla Hồng Kông cho Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông. Tháng 5/2018, ông quyên góp 100 triệu Đôla Hồng Kông cho trường Hang Seng Management College.
Là chủ của Henderson Land Development, đế chế bất động sản do ông thành lập vào năm 1976, Lee sở hữu tài sản 31,5 tỷ USD vào thời điểm đầu năm 2018, theo Bloomberg, là người giàu thứ 27 trên thế giới. Tính tới cuối năm, tài sản của ông giảm xuống còn 28 tỷ USD.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2014, Lee nói rằng ông đang từ từ nghỉ hưu. "Giờ tôi chỉ giải quyết những việc quan trọng nhất". Theo Bloomberg, ông từng nói rằng sẵn sàng đổi 99% tài sản lấy thêm 30 năm nữa của cuộc đời.
Robert Kuok, 95
Ảnh: Reuters
Robert Kuok, người giàu nhất Malaysia với tài sản trị giá gần 15 tỷ USD, là thế hệ đầu tiên của những người Malaysia gốc Phúc Kiến (Trung Quốc) sinh ra tại Johor Bahru, Johor. Ông tích luỹ kinh nghiệm nhờ làm công việc bán gạo cho Mitsubishi từ năm 1942 đến 1945 trong thời kỳ Nhật chiếm đóng Đông Nam Á và học nói ngôn ngữ của ông chủ của mình.
Sau chiến tranh, ông đồng sáng lập Kuok Brothers cùng với các anh trai và anh họ, buôn bán gạo, bột mỳ và đường. Tỷ phú này sau đó nằm quyền kiểm soát ngành công nghiệp đường của Malaysia.
Đế chế của Kuok mở rộng ra nhiều lĩnh vực như khách sạn (năm 1971, ông thành lập khách sạn mà sau này trở thành Shangri-La Hotels & Resorts, với hơn 100 chi nhánh), kinh doanh dầu cọ (ông là cổ đông chính của công ty Wilmar International có trụ sở ở Singapore), và báo chí (ông là cổ đông của tờ South China Morning Post và Bangkok Post).
Không hài lòng với chính sách dành cho người thiểu số tại Malaysia, năm 1979, Kuok chuyển tới sống tại Hồng Kông và trở thành hàng xóm của Li Ka-shing - người giàu nhất Hồng Kông cùng khoảng 20 tỷ phú khác ở khu vực Deep Water Bay.
Sau khi vượt qua Najib Razak trong cuộc bầu cử hồi tháng 5/2018, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã đưa Kuok vào Hội đồng Những nhân vật Xuất chúng (CEP) gồm 5 người - danh sách được công bố cùng tháng đó.
Chang Yun Chung, 100 tuổi
Chang Yun Chung (phải) và con trai Teo Siong Seng - Ảnh: Pacific International Lines.
Chang Yun Chung bắt đầu mọi thứ muộn, tận năm 97 tuổi, ông mới lọt vào bảng xếp hạng tỷ phú, và ông bắt đầu thành lập đế chế vận tải Pacific International Lines, đặt trụ sở tại Singapore vào năm 1967 khi đã 49 tuổi.
PIL hiện có hơn 170 tàu container phục vụ thị trường Trung Quốc cũng như phần còn lại của châu Á và châu Phi. Công ty cũng có một nhà máy container tại Thượng Hải, mở vào năm 1989 và sở hữu cổ phần lớn tại Mariana Express Lines sau thương vụ thâu tóm vào năm 2015.
Ông Chang, sinh ra tại Kinmen, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc vào cuối Thế chiến Thứ nhất. Năm 1949, ông chuyển tới Singapore và bắt đầu bước chân vào lĩnh vực vận tải. Theo Forbes, hiện ông sở hữu tài sản khoảng 1,9 tỷ USD, là người giàu thứ 15 tại Singapore và thứ 1.284 trên thế giới trong năm 2018.
Tháng 4/2018, Chang giao lại vị trí chủ tịch PIL cho con trai Teo Siong Seng, 64 tuổi. Dù vậy, ông vẫn tới văn phòng mỗi ngày và tiếp tục cố vấn công ty với vai trò chủ tịch danh dự. "Tôi không thể ở nhà", ông nói với CNBC và cho biết như vậy sẽ "rất chán".
PIL nhận 13 tàu mới trong năm 2018 và đang phát triển hệ thống blockchain cùng với DP World, Port of Singapore và IBM để xử lý quy trình vận tải một cách liền mạch. "Tôi rất thành thật. Dù là gì, một khi đã hứa, tôi sẽ luôn thực hiện", ông Chang từng chia sẻ khi suy ngẫm về những thành công của mình.
Theo VnEconomy
Bình Luận