Ngày đầu tiên của tháng 8, Apple chính thức giành lại vị trí đã để mất vào tay Saudi Aramco năm ngoái: công ty có trị giá vốn hóa số 1 thế giới. Ở mức 1,84 nghìn tỷ USD, Apple cũng là công ty công nghệ đầu tiên cán mốc 1,8 nghìn tỷ cũng gần như chắc chắn sẽ cán mốc 2 nghìn tỷ vào năm nay.
Cách đây chỉ vài tháng, vị thế của Apple tệ hơn rất nhiều. Công ty của Tim Cook vừa kịp bước qua Quý 1 mới những ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Bất chấp sự đón nhận ngoài mong đợi cho iPhone 11, doanh thu Apple trong quý 1 chỉ tăng vỏn vẹn 1%. Doanh thu iPhone, iPad và Mac đều cùng suy giảm. Ngay cả Apple Watch, sau nhiều quý tăng trưởng, cũng đã gặp khó khi các cửa hàng Apple Store bị buộc phải đóng cửa để phòng dịch.
Đáng lo ngại nhất, Tim Cook đã phải thực hiện một bước đi chưa từng có tiền lệ: không đưa ra dự đoán doanh thu cho quý 2. Tại thời điểm Apple công bố kết quả tài chính quý 1, Covid-19 vẫn đang hoành hành tại các thị trường chủ chốt của nhà Táo. Một tháng sau đó, bạo loạn sắc tộc bùng nổ tại khắp các thành phố lớn tại Mỹ, các cửa hàng Apple Store bị đập phá và cướp bóc.
Các nhà máy của Apple tại Trung Quốc phải đóng cửa từ quý 1, gây ảnh hưởng nặng nề tới nguồn cung cho quý 2. Trụ sở của Apple tại Mỹ bị đóng cửa cho đến tận tháng 5. Rõ ràng, vì Covid, vì bạo loạn, Apple có quyền được thất bại trong quý tài chính vừa qua. Sẽ chẳng có ai phàn nàn nếu iPhone, iPad và Mac tiếp tục lao dốc.
Nhưng mọi thứ đã diễn ra theo chiều hướng hoàn toàn trái ngược. Vượt qua mọi nghịch cảnh, Apple vừa kết thúc quý 2 với kết quả tốt kỷ lục: doanh thu tăng 11% và lợi nhuận tăng 12,5% so với cùng kỳ 2019. Tất cả các mảng sản phẩm của nhà Táo đều tăng trương. Đằng sau thành công của Apple không gì khác ngoài những bước đi đúng đắn của Tim Cook:
Sau khi Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề cho Apple vào cuối quý 1, iPhone SE được tức tốc ra mắt vào giữa tháng 4 và lên kệ vào cuối tháng. Tuy chỉ có vỏn vẹn 2 tháng để cải thiện tình hình kinh doanh của Apple, iPhone SE đã nhanh chóng trở thành mẫu iPhone "hot" thứ 2 của Apple: số liệu Canalys cho biết mẫu iPhone giá mềm này chiếm 28% tổng lượng iPhone bán ra.
Không mấy khó hiểu, một sản phẩm giá mềm như iPhone SE cũng trở thành lựa chọn tốt nhất của iFan trong lúc kinh tế thế giới khủng hoảng vì Covid. Bên cạnh iPhone SE, chiếc iPhone 11 vốn đã có giá khá mềm lại tiếp tục được giảm giá đáng kể, đặc biệt là tại Trung Quốc. Số liệu thống kê cho thấy doanh số iPhone tại thị trường trọng yếu này đã tăng tới 35%, cho phép Apple trở thành nhà sản xuất duy nhất không bị thiệt hại doanh số trong quý vừa qua.
Trong nhiều quý kinh doanh, Mac và iPad thường bị coi là "chuyện đã rồi" với doanh số nếu không giảm thì cũng chỉ tăng không đáng kể. Thực tế, đây cũng là tình trạng chung của thị trường PC toàn cầu.
Nhưng Covid-19 đã khiến cho nhu cầu làm việc tại nhà của người dùng gia tăng, và một kẻ khôn ngoan như Tim Cook hiển nhiên sẽ không bỏ lỡ cơ hội này. Trong tháng 3, Apple làm mới cả 2 dòng laptop chủ chốt của mình. MacBook Pro mới ra mắt, chính thức khép lại lịch sử đen tối của bàn phím "cánh bướm". Tương tự, MacBook Air cũng bắt đầu thời kỳ Retina sau hàng năm trời bị bỏ quên. Sự xuất hiện của 2 dòng sản phẩm mới rất được mong đợi đã giúp Mac tăng trưởng chóng mặt: 21% trong quý 2.
Không kém phần khôn ngoan là quyết định làm mới iPad Pro, dòng iPad cho người dùng làm việc. Sự xuất hiện của mẫu iPad này đã khiến cho nhiều người bất ngờ, bởi Apple hiện tại vẫn chưa kịp thiết kế thế hệ chip tiếp theo (A13X), thay vào đó chỉ cải thiện không đáng kể (A12Z). Để bù đắp cho thiếu hụt này, Apple vẫn biết thu hút sự chú ý bằng camera đôi, camera quét Lidar và bộ bàn phím Magic Keyboard cực kỳ đắt tiền. Các mẫu iPad cũ cũng liên tục được giảm giá. Kết quả là trong mùa dịch, iPad ghi nhận mức tăng 31%.
Thực tế, đây không phải là một bước đi mới mẻ: mảng dịch vụ (Apple TV+, Apple Music, Arcade, iCloud v…v…) vốn đã được Tim Cook đẩy mạnh suốt từ 2018 cho tới nay. Song, phải đến khi Covid-19 bùng nổ, lá bài này mới phát huy tác dụng ở mức tối đa: khi nhu cầu giải trí tại nhà gia tăng mạnh, Tim Cook cũng đã nhìn thấy cơ hội đẩy mạnh quảng bá cho các dịch vụ mác Táo. Rất nhiều các bước đi marketing khôn ngoan đã được thực hiện: tặng 50 USD trên Apple Card khi mua dịch vụ, cho xem miễn phí một số TV show hay mở chương trình dùng thử 4 tháng cho Apple Music.
Kết quả là hết quý 2, số lượt đăng ký các dịch vụ của Táo cũng đã lên đến con số 550 triệu. Kết thúc quý 2, mảng dịch vụ đem về cho Táo 13,1 tỷ USD, tiếp tục là nguồn thu quan trọng thứ hai chỉ sau iPhone.
Mọi năm, quý 2 thường là quý có kết quả kinh doanh kém cỏi nhất của Apple. Năm nay, công ty của Tim Cook còn phải chống chọi với vô vàn khó khăn của ngoại cảnh. Ấy thế mà Apple vẫn vượt lên tất cả, đem về khoản lợi nhuận cao hơn cả Samsung và Huawei… cộng lại.
Bởi thế, chẳng có gì khó hiểu khi Phố Wall "phát cuồng" vì Apple. Trong một quý có lẽ là khó khăn nhất lịch sử, những chiến lược thiên tài của Tim Cook đã biến nghịch cảnh thành kỷ lục doanh thu. Những khó khăn rồi cũng sẽ qua đi, iPhone 12 rồi sẽ ra mắt trong vài tháng nữa… Tương lai vô cùng tươi sáng vẫn đang ở phía trước Apple.
Theo Trí Thức Trẻ
Bình Luận