Theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), giấy phép lái xe hạng A1 được cấp cho người lái xe môtô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến 125 cm3, khác với hiện hành là đến 175 cm3.
Theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB; sửa đổi) đang được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lấy ý kiến, tại điều 97 về giấy phép lái xe (GPLX) quy định: Hạng A1 cấp cho người lái xe môtô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 4 - 11 KW; hạng A cấp cho người lái xe môtô hai bánh có dung tích xi-lanh trên 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 11 KW.
Không hồi tố
Quy định trên khiến nhiều người lo lắng bởi hiện có hàng triệu người đang sử dụng GPLX A1 và trong số này rất nhiều người đang sử dụng xe máy trên 125 cm3.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về những băn khoăn này, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ - Bộ GTVT), khẳng định pháp luật Việt Nam không có quy định hồi tố. "Vì vậy không có chuyện những người có GPLX hạng A1, B1 bây giờ nay mai không được lái xe môtô dưới 175 cm3 và lái ôtô số tự động, khi luật mới có hiệu lực" - ông Thống nói.
Theo ông Lương Duyên Thống, việc thay đổi các hạng GPLX để phù hợp chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng GPLX của Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo đảm thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam khi tham gia Công ước Vienna 1968 về GTĐB. Hạng GPLX theo Luật GTĐB năm 2008 được chuyển đổi sang giấy phép mới tương đương như việc chuyển đổi GPLX Việt Nam sang GPLX quốc tế đã được thực hiện từ năm 2015 theo quy định tại Thông tư số 29 năm 2015 của Bộ GTVT quy định về cấp và sử dụng GPLX quốc tế. Việc điều chỉnh phân hạng GPLX không ảnh hưởng và phát sinh thủ tục, chi phí cho người dân.
"Đối với người đã được cấp GPLX thì tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn (hạng A1 không có thời hạn). Trường hợp hết hạn thì đổi sang giấy phép theo hạng mới (GPLX hạng A3 được đổi sang hạng B1, hạng B1 số tự động được đổi sang hạng B2, hạng B1, B2 số sàn được đổi sang GPLX hạng B…); còn những ai thi GPLX theo Luật GTĐB (sửa đổi) thì phải chịu sự điều chỉnh quy định tại luật mới" - ông Thống phân tích.
Giấy phép lái xe hạng A1 được cấp theo quy định mới chỉ được sử dụng cho xe máy đến 125 cm3 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Người dùng sẽ không phải thi lại hay đổi GPLX hạng A1. Sau khi luật mới được thực hiện sẽ cấp giấy phép theo mẫu mới nếu người dân có nhu cầu. Hiện vẫn tồn tại giấy phép mà ngành công an cấp trước năm 1995; giấy phép bằng giấy bìa của ngành GTVT cấp từ năm 1995 đến 2012 vẫn tồn tại song song với giấy phép nhựa như hiện nay.
Tại dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi), GPLX có 17 hạng gồm: A0, A1, A, B1, B2, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE theo đúng với hệ thống GPLX của các nước tham gia Công ước Vienna. Điểm mới tại dự thảo là có thêm hạng A0 cấp cho người đi xe máy có dung tích động cơ dưới 50 cm3.
Phù hợp với quy định quốc tế
Theo báo cáo đánh giá tác động của ban soạn thảo, Luật GTĐB năm 2008 (điều 59) chia GPLX cơ giới đường bộ gồm GPLX không thời hạn và GPLX có thời hạn. Trong đó, GPLX không thời hạn được chia thành 3 hạng: A1, A2, A3; GPLX có thời hạn gồm các hạng: A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FE, FC và mỗi hạng đều có quy định cụ thể về đối tượng cấp.
Tuy nhiên, việc phân loại này còn một số điểm chưa phù hợp với Công ước Vienna 1968 về GTĐB như lái xe các hạng A1 và hạng D. Để phù hợp với Công ước Vienna, Luật GTĐB cần quy định thêm hạng A1.2 nằm trong hạng A1 và hạng D1, D2 nằm trong hạng D.
Theo ban soạn thảo, các quốc gia khác đều quy định về độ tuổi và điều kiện để được điều khiển phương tiện gắn máy dưới 50 cm3, xe máy điện. Cụ thể: hầu hết các bang ở Mỹ, Ireland, Vương quốc Anh quy định người điều khiển xe máy dưới 50 cm3 phải từ đủ 16 tuổi trở lên, có giấy phép lái xe; Vương quốc Anh, Canada, Ireland, Trung Quốc quy định người điều khiển xe máy điện có độ tuổi từ 16 tuổi trở lên và phải có GPLX... "Những vấn đề trên nếu không được giải quyết sẽ không bảo đảm sự thuận tiện cho người dân tham gia giao thông ở các quốc gia thành viên Công ước Vienna 1968 về GTĐB" - ban soạn thảo lý giải.
Dự kiến, Luật GTĐB (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2020) và thông qua tại kỳ họp thứ 11 (cuối tháng 3-2021).
Tỉ lệ tai nạn với học sinh rất cao
Theo nghiên cứu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tại Việt Nam đa số học sinh THPT lựa chọn xe đạp điện, xe máy điện là phương tiện đi lại hằng ngày. Tỉ lệ tai nạn giao thông với học sinh liên quan đến loại phương tiện này ở mức rất cao (học sinh THPT chiếm 90% các vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em trong 3 năm gần đây) mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu kiến thức, kỹ năng cơ bản khi điều khiển xe đạp điện, xe máy điện.
Theo Văn Duẩn/Người lao động
Bình Luận