Giám đốc sáng tạo Henri Hubert được công chúng biết đến với rất nhiều vai trò, ông từng là siêu mẫu tại kinh đô ánh sáng Paris những thập niên 80, giám đốc sáng tạo, đạo diễn thời trang, đạo diễn catwalk… và gần đây là Đại sứ Global Wellness Day tại Việt Nam.
Ông từng được mời làm giám khảo của các cuộc thi sắc đẹp lớn như Miss World Vietnam, The Face Vietnam, Vietnam’s Next Top Model,… và là một trong số những chuyên gia nước ngoài đầu tiên đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nhiếp ảnh và sân khấu. Ông còn là thầy và người có công góp phần đào tạo thế hệ người mẫu chuyên nghiệp của Việt Nam.
Giám đốc Sáng tạo Henri Hubert
Ông chính là nhà sáng lập và đồng sở hữu Le Nom, Visual Communication Agency, là người có kinh nghiệm hoạt động nhiều năm trong các lĩnh vực như thời trang, bất động sản, khách sạn đến tổ chức sự kiện...
Với hơn 20 năm gắn bó và làm việc tại Việt Nam, Henri Hubert thấu hiểu văn hóa con người và có tình cảm đặc biệt với mảnh đất này, và từ đó dự án CAFE DAA ra đời với những ý nghĩa và giá trị đặc biệt.
Hãy cùng Men&life trao đổi với Henri Hubert để hiểu thêm về dự án này.
Chào ông, ông có thể chia sẻ CAFE DAA có nghĩa là gì?
Cafe Daa là một web series độc đáo gồm 15 tập, mỗi tập 10 phút. Đây là nơi các khách mời từ nhiều lĩnh vực, độ tuổi và cá tính khác nhau cùng thảo luận, tạo nên những câu chuyện hấp dẫn. Cafe Daa mang đến một không gian trò chuyện thú vị, phản ánh tinh thần văn hóa và sự hiện đại của giới trẻ Việt Nam.
Chuỗi chương trình hứa hẹn sẽ tạo nên hiệu ứng truyền thông tốt, đồng thời mang đến làn gió mới cho giới trẻ Việt Nam với hình thức mới lạ và nội dung sáng tạo, chân thật và tự nhiên.
Sân chơi đầy màu sắc của CAFE DAA với nội dung thú vị và format sáng tạo
Cụ thể, nội dung khác biệt của CAFE DAA so với các chương trình khác là gì?
Chúng tôi tạo ra những cuộc trò chuyện sôi nổi, giúp khách mời bộc lộ quan điểm đa dạng, đôi khi đồng tình, đôi khi không, các khán giả có thể thấy mình trong đó. Series này phản ánh nhiều khía cạnh của cuộc sống từ văn hóa đến xã hội, mang lại những tiếng cười và góc nhìn mới, góp phần vào đời sống văn hóa tinh thần của giới trẻ.
Mặc dù không phải là tác phẩm văn hóa truyền thống, CAFE DAA muốn trở thành biểu tượng đặc trưng của cuộc sống hiện đại, giúp khán giả đặc biệt là giới trẻ hiểu hơn về bản thân và những vấn đề xung quanh mình.
Tại sao ông lại đặt tên dự án này là Cafe Daa?
Ở Việt Nam, chúng ta không chỉ nói mà chúng ta sống cùng cà phê đá. Cà phê đá là một phần của cuộc sống hàng ngày, nó thân thuộc và bình dị với mỗi người Việt. Chúng ta uống, thưởng thức, ngửi, chạm, nhìn, và thậm chí là lắng nghe cà phê đá tại quán cà phê, ở nhà, tại nơi làm việc, trên đường đi làm,… Cà phê đá đã trở thành một người bạn đồng hành thân thiết, một phần ký ức của chúng ta, gắn liền với những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc sống. CAFE DAA cũng mang tinh thần như vậy, và tên gọi CAFE DAA kết hợp giữa từ tiếng Anh thông dụng và một chút biến tấu từ tiếng Việt sẽ tạo nên sự gần gũi và gây được ấn tượng mạnh.
Các nhân vật xuất hiện tại CAFE DAA thuộc nhiều thế hệ khác nhau
Nếu vậy một người không biết uống cà phê đá thì có phù hợp để tham gia hay xem chương trình này không?
Web series này không chỉ là về cà phê, như bạn thấy đấy, tinh thần hay văn hóa của CAFE DAA chính là những cuộc khám phá, với những cuộc đối thoại đa chiều, đa góc nhìn trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt và hòa hợp. Không uống cà phê không có nghĩa là thông thể tận hưởng CAFE DAA.
Vậy bắt nguồn từ đâu mà ông có ý tưởng CAFE DAA?
Ý tưởng về Cafe Daa đến một cách rất tự nhiên! Một hôm, tôi ngồi trong quán cà phê có nhiều người trẻ đang nói chuyện. Tôi đã hỏi trợ lý về nội dung cuộc nói chuyện của họ và tôi nhận ra rằng những cuộc trò chuyện của giới trẻ ngày nay thật giống với những buổi chiều thứ Bảy đầy sôi động của chúng tôi cách đây 40 năm. Chúng tôi, một nhóm bạn trẻ ở Paris, cũng thường xuyên tụ tập tại quán cà phê để chia sẻ về cuộc sống, về những điều chúng tôi quan tâm. Điều thú vị là dù thời gian có trôi qua, những giá trị của những cuộc trò chuyện chân thành vẫn luôn được gìn giữ. Chúng tôi, những người trẻ tuổi năm đó, đã biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, dù có đôi khi không đồng tình. Và đó chính là điều mà tôi nhìn thấy ở những người trẻ hiện nay. Họ cũng đang tìm kiếm một không gian để được lắng nghe và chia sẻ, để cùng nhau học hỏi và trưởng thành. Và đó là CAFE DAA!
Chương trình được lấy cảm hứng xoay quanh văn hóa thưởng thức cà phê của người Việt
Henri, ông có thích uống CAFE DAA không? Và ông có thể chia sẻ một câu chuyện ấn tượng với ông về cà phê không?
Thật ra tôi không phải là người thích uống cà phê, tôi cũng không thích ngửi mùi cà phê. Tuy nhiên, tôi lại thích câu chuyện, tinh thần của cà phê, tôi thích sự kết nối giữa cà phê với con người. Và tôi thường tự nói với bản thân “Henri, bạn thật kì lạ khi không thích một sản phẩm tuyệt vời và phổ biến trong nhiều thế kỷ như vậy”
Nói về cà phê, có một câu chuyện mà một người bạn từ Scandinavia đã kể cho tôi, tôi rất thích nó.
Ở Thụy Điển, một vị vua trở nên lo ngại về hậu quả sức khỏe từ việc tiêu thụ cà phê. Vào năm 1746, ông ban hành một sắc lệnh cấm việc tiêu thụ quá mức cà phê và trà, bao gồm cả những vật dụng liên quan đến cà phê như cốc tách. Cuối cùng, cà phê đã bị cấm hoàn toàn. Để chứng minh lý thuyết của mình rằng cà phê có hại, nhà vua đã ra lệnh thực hiện một thí nghiệm.
Hai tử tù đã được chọn cho nghiên cứu lịch sử này. Thay vì nhận án tử hình, họ bị kết án tù chung thân với điều kiện một người sẽ phải uống cà phê suốt đời, và người kia sẽ uống cùng một lượng trà. Hai bác sĩ sẽ theo dõi tác động của cà phê và trà lên sức khỏe của các tù nhân.
Kết quả thì sao? Chính nhà vua cũng không sống đến lúc thấy kết quả của thí nghiệm, vì ông đã bị ám sát vào năm 1792. Các tù nhân cũng sống lâu hơn cả hai bác sĩ giám sát. Tù nhân uống trà đã sống đến hơn 80 tuổi. Thông tin chính xác về tù nhân uống cà phê thì không rõ, nhưng có tin đồn rằng anh ta có thể vẫn còn sống đến ngày nay. (Cười lớn)
Thật vậy sao?
Đúng vậy! Theo tin đồn là vậy. Tôi đoán rằng ngày nay anh ấy đã biến hóa thành CAFE DAA! (Cười lớn)
Chương trình tạo cơ hội cho các bạn trẻ có không gian đối thoại và thể hiện quan điểm riêng trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt
Điều ông kỳ vọng ở dự án CAFE DAA là gì?
Tôi hi vọng khi xem series này, khán giả sẽ cảm thấy rằng: Trời ơi, thật sự buồn cười, họ giống hệt chúng ta. Tôi nghĩ rằng, ai cũng có thể nhìn thấy mình trong series này, vì nó phản ánh cuộc sống của chúng ta một cách chân thật. Những mẩu chuyện hài hước về cuộc sống, những cuộc cãi vã nhỏ giữa bạn bè, được giải quyết bằng những câu chơi chữ, trong những tình huống thật hài hước.
Hậu trường cảnh quay CAFE DAA
CAFE DAA mang lại những lợi ích gì để nâng cao cuộc sống hàng ngày của giới trẻ?
Là một Đại sứ của Global Wellness Day, tôi đang tìm kiếm một đối tác có thể cùng chia sẻ các ý tưởng của tôi để kết nối giới trẻ trong cuộc sống hàng ngày của họ. Tôi muốn tìm một sản phẩm không quá dễ nhận biết trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhưng có thể giúp mọi người cảm thấy thoải mái ở bất kỳ đâu – tại nơi làm việc, ở nhà, tại quán cà phê, hoặc thậm chí ở phòng gym.
Sản phẩm này kích thích tất cả năm giác quan, hỗ trợ giao tiếp và kết nối với cuộc sống thực, con người, cả tâm trí và đam mê của chúng ta, ví dụ như công nghệ. Kết nối thực sự chính là sự thoải mái trong cuộc sống. Vì vậy, sự lành mạnh và hạnh phúc chính là trung tâm của trải nghiệm CAFE DAA, và nhờ vào sự hợp tác với Logitech, chúng tôi cũng có thể mở rộng ra các lĩnh vực khác.
Men&life
Bình Luận