Hạ cánh từ các dãy núi, đại dương hay trên đường băng chỉ khoảng nửa kilomet là thử thách các phi công phải đối mặt khi đáp xuống các sân bay nguy hiểm nhất thế giới.
Paro là sân bay quốc tế duy nhất của Bhutan, nép mình trong thung lũng sâu bao quanh bởi những đỉnh núi nhọn, cao tới 5.500 m. Một trong những sân bay nguy hiểm nhất thế giới này là nơi các chuyến bay chỉ được phép hoạt động vào ban ngày và trong điều kiện khí tượng thị giác (nghĩa là các phi công đưa ra phán đoán bằng mắt thay vì dựa vào dụng cụ máy bay). Theo thống kê cuối năm 2018, chỉ có 17 phi công được phép hạ cánh tại Paro. Ảnh: Pinterest.
Nằm trên đảo Saba thuộc vùng Caribbean của Hà Lan, sân bay Juancho E. Yrausquin được đặt trên một mỏm đá dưới chân núi. Đường băng chỉ dài 400 m tại đây là đường băng sân bay thương mại ngắn nhất thế giới. Vì vậy, bất kỳ lượt hạ cánh nào ở đây đều trở thành thử thách đầy căng thẳng. Ảnh: Lets Travel More.
Sân bay Courchevel thuộc khu nghỉ mát trượt tuyết độc quyền của Courchevel trên dãy núi Alps của Pháp. Máy bay hạ cánh trên đường bay dài 525 m. Đường băng cũng có độ dốc xuống 18,6% để hỗ trợ máy bay giảm tốc kịp thời, song khiến cho việc cất cánh trở nên khó khăn hơn. Ảnh: Shutterstock.
Sân bay Tenzing Hillary (tên gọi khác là Lukla) ở Nepal là nơi du khách đáp xuống, trước khi bắt đầu hành trình chinh phục Everest. Đường băng của Lukla được bao quanh bởi địa hình dốc của dãy núi Himalaya, một đầu tiếp giáp vực thẳng đứng, đầu còn lại là thềm núi đá. Đường băng sân bay chỉ dài 527 m, có độ dốc gần 12% giúp máy bay chậm lại theo thời gian. Chỉ cần một chút sơ sẩy, máy bay có thể lao xuống vực hoặc đâm vào vách đá. Từ năm 1973, một vài vụ tai nạn xảy ra ở Lukla, khiến nhiều người chết và bị thương. Ảnh: Getty Images.
Sân bay quốc tế Madeira Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha) nằm trên quần đảo Madeira ở Đại Tây Dương. Đường băng ban đầu chỉ dài 1.600 m, nhưng được mở rộng đến 2.781 m sau vụ tai nạn máy bay năm 1977 (164 người chết khi chiếc Boeing 727 rơi khỏi đường băng xuống bãi biển bên dưới). Sân bay cũng nguy hiểm do gió mạnh, một bên là núi cao và bên kia là đại dương. Phi công phải trải qua đào tạo bổ sung để hạ cánh tại Madeira. Ảnh: Moski.
Sân bay Narsarsuaq nằm ở Tunulliarfik Fjord là một trong hai sân bay ở Greenland có khả năng phục vụ các máy bay vận tải lớn. Hạ cánh ở sân bay này, các phi công phải đối phó với gió mạnh, nhiễu loạn nghiêm trọng trước khi nhìn thấy đường băng tương đối ngắn 1.823 m. Hơn nữa, một thách thức lớn đối với các phi công là ngọn núi lửa gần Narsarsuaq. Khi núi lửa phun trào, các đám mây tro chứa những hạt thủy tinh rất nhỏ (silica) có thể làm hỏng động cơ máy bay. Ảnh: RVCJ Media.
Sân bay Juliana Princess trên đảo Saint Martin thuộc vùng Caribbean nổi tiếng khắp thế giới với hình ảnh máy bay hạ cánh thấp ngay trên đầu mọi người ở bãi biển. Một đầu của đường băng dài 2.300 m nằm rất gần bãi biển Maho, nơi tập trung đông khách du lịch. Khi hạ cánh, động cơ phản lực của máy bay có thể tạo ra những cơn gió cát và thổi mọi người xuống nước. Thậm chí, lực gió có thể gây thương tích nghiêm trọng hoặc gây tử vong nếu người ta đứng quá gần. Ảnh: Buzzfeed.
Theo Zing News
Bình Luận