"Giữa hai học sinh cùng đến hỏi bài, thì giáo viên thường dành nhiều thời gian cho học sinh có ngoại hình thu hút hơn một cách vô thức. Và kết quả là học sinh đó học được nhiều hơn, tương tác với giáo viên nhiều hơn, chẳng có lẽ nào lại không được điểm cao."
Nhưng liệu chúng ta có thể lạc quan rằng điểm số chỉ phản ánh sự thể hiện tốt hay kém, hay hoặc dở của học sinh tại trường học, chứ chẳng "dính dáng" gì đến ngoại hình phải không?
Rất tiếc, câu trả lời là "Không", ít nhất là đối với sinh viên đại học, theo trên một nghiên cứu được thực hiện bởi hai nhà kinh tế tại ĐH Metropolitan, Denver (Hoa Kỳ).
Cụ thể, 2 chuyên gia Rey Hernández-Julián và Christina Peters đã nhận thấy giữa các học sinh có cùng trình độ và tài năng, thì những người có hình ngoại hấp dẫn sẽ có xu hứng nhận được điểm tốt, bất kể giáo viên là nam hay nữ.
Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở học sinh nữ hơn. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu không tìm thấy một mối liên hệ đáng kể nào giữa điểm và mức độ hấp dẫn ở sinh viên nam - trừ khi họ so sánh giữa sinh viên học trực tiếp tại trường với khóa học online.
Nghiên cứu được tiến hành như sau: 2 chuyên gia sử dụng dữ liệu bao gồm ảnh thẻ và tất cả các điểm kiểm tra của hơn 77.000 sinh viên từ năm 2006 đến 2011. Đồng thời, có 37 người tham gia (không phải là học sinh, cũng không là giáo viên) giúp các nhà nghiên cứu xếp hạng mức độ thu hút của các bức ảnh từ 1 đến 10.
Họ chia thành ảnh thành 3 nhóm: nhóm kém thu hút (1), nhóm trung bình (2), nhóm thu hút hơn nhất (3).
Kết quả: đối với nhóm (3), gần như là không có sự ảnh hưởng nào của ngoại hình đến điểm số. Nhưng nhóm (1) và (2) thì khác. Sự chênh lệch giữa điểm trung bình của nhóm một thấp hơn nhóm hai vào khoảng 0,067 điểm. Riêng với học sinh nữ, con số này còn lên đến 0,14.
*Lưu ý: Điểm ở đây là điểm trung bình, xếp theo thang cao nhất là 4.
Mặt khác, khi các nhà nghiên cứu khảo sát điểm trên các khóa học online thì không có hiện tượng này. Chứng tỏ sự hơn kém điểm giữa nhóm học ưa nhìn và kém ưa nhìn chỉ xảy ra khi có sự tương tác trực tiếp giữa học sinh và giáo viên.
Nhưng các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng kết quả trên không hẳn đã thể hiện rằng giáo viên thiên vị học sinh này hay học sinh kia chỉ vì ngoại hình. Và điểm cao không phản ánh một ngoại hình đẹp mà là một kết quả của sự học tập chủ động.
Nhà nghiên cứu Hernández-Julián đã đưa ra một lời giải thích sâu hơn như sau: "Giữa hai học sinh cùng đến hỏi bài, thì giáo viên thường dành nhiều thời gian cho học sinh có ngoại hình thu hút hơn một cách vô thức. Và kết quả là học sinh đó học được nhiều hơn, tương tác với giáo viên nhiều hơn, chẳng có lẽ nào lại không được điểm cao."
Như vậy, trong trường hợp này, ngoại hình là một yếu tố làm tăng năng suất cho học sinh đó. Ngoài ra, cũng có thể giải thích rằng, học sinh có ngoại hình ưa nhìn sẽ tự tin hơn khi thuyết trình, bàn luận, nêu ý kiến trong lớp học - những điểm quan trọng đối với môi trường đại học.
Hernández-Julián và Peters không phải là những người duy nhất từng đặt ra giả thiết về mối liên hệ này. Cuốn sách "Physical Attractiveness and the Accumulation of Social and Human Capital in Adolescence and Young Adulthood" của Wiley-Blackwell cũng đề cập đến nó, rằng những học sinh có ngoại hình thu hút thì dễ dàng tốt nghiệp đại học hơn những học sinh có ngoại hình trung bình hoặc kém thu hút.
Chúng ta không thể phủ nhận rằng có được điểm cao là nhờ vào quá trình học tập thực sự chăm chỉ và tâm huyết của các học sinh. Nhưng dù vậy, "yếu tố ngoại hình vẫn có ảnh hưởng" - trích lời Peters.
Theo Cafebiz
Bình Luận