Trong suốt chiều dài lịch sử, những nhà phát minh nữ giới đã đóng góp không ít những thành quả tiến bộ cho nhân loại, và họ ngày càng phát triển nhiều hơn trong lãnh vực này. Trong số đó có những phát minh quan trọng như máy rửa chén, camera giám sát hoặc thiết bị sưởi ấm bằng năng lượng mặt trời…
Nước Mỹ bắt đầu sử dụng túi giấy khi một nữ công nhân nhà máy bông gòn tên Margaret Knight chế tạo chiếc máy làm ra những túi giấy đáy vuông vào năm 1868. Knight nghĩ rằng sẽ dễ dàng hơn khi đóng gói đồ trong túi giấy nếu đáy phẳng. Máy của Knight tự động gấp lại và dán các đáy túi giấy. Một nhà phát minh khác tên Charles Annan thấy được kiểu thiết kế của Knight và mưu toan cướp bằng sáng chế. Bà kiện ông ta ra tòa và thắng kiện vào năm 1871.
Túi giấy
Chào đời ở Maine năm 1838 và được nuôi dưỡng bởi một người mẹ góa bụa, Margaret Knight đã công bố phát minh đầu tiên của mình từ khi còn rất trẻ, một đặc điểm chung của những nhà phát minh nổi tiếng thế giới. Sau khi quan sát tai nạn xảy ra tại một nhà máy dệt vào năm 12 tuổi, Margaret đã có phát minh đầu tiên của bà: một thiết bị tự động dừng máy nếu có thứ gì đó bị kẹt bên trong. Vào thời điểm đó, bà còn là một thiếu nữ và sáng chế này đã được sử dụng trong các nhà máy.
Được cấp bằng sáng chế vào năm 1969, hệ thống an ninh truyền hình mạch kín (closed-circuit television – CCTV) của Marie Van Brittan Brown được thiết kế để giúp mọi người có thể bảo đảm an ninh cho gia đình của họ vì cảnh sát đã không nhanh chóng đáp ứng những cuộc gọi để trợ giúp trong khu vực thành phố New York. Hệ thống an ninh mạch kín của Brown có thể theo dõi những người khách qua camera và và chiếu hình ảnh của họ lên màn hình tivi.
Camera giám sát
Không chỉ như vậy, một chiếc nút báo động sẽ liên lạc với cảnh sát ngay lập tức. Brown đã hình dung ra một loạt từ ba đến bốn lỗ quan sát ở các độ cao khác nhau. Một camera sẽ trượt qua những lỗ hổng này để đánh giá khu vực bên ngoài. Một hệ thống không dây được điều khiển bằng radio sẽ chuyển hình ảnh đến màn hình, hoặc một tập hợp các màn hình, được đặt ở bất cứ nơi đâu trong chỗ cư trú.
Trên màn hình, chủ nhân không chỉ có thể thấy ai đang ở cửa, mà có thể nói chuyện với người đó thông qua một bộ micro hai chiều. Một tùy chọn điều khiển từ xa cho phép chủ nhà có thể khóa hay mở cửa từ một khoảng cách an toàn, hoặc thuận tiện hơn. Phát minh của Brown đã trở thành cơ sở cho các hệ thống CCTV hiện đại được sử dụng cho công việc của cảnh sát và an ninh gia đình ngày nay.
Lillian Gilbreth, một kỹ sư công nghiệp, đã cải tiến những phát minh hiện tại bằng những điều chỉnh nho nhỏ. Vào những năm 1900, Gilbreth đã phát minh một thùng rác có bàn đạp, giúp cho người ta dễ dàng sử dụng thùng rác khi mở nó bằng chân, đồng thời bà cũng thiết kế các ngăn kệ bên trong cửa tủ lạnh.
Bàn đạp chân cho thùng rác
Bà là nhà phát minh, tác giả viết sách, kỹ sư công nghiệp, nhà tâm lý học công nghiệp và là mẹ của 12 đứa con. Là người tiên phong trong công thái học (môn học về khả năng và sự giới hạn của con người), Gilbreth đã được cấp bằng sáng chế nhiều thiết bị nhà bếp bao gồm máy trộn thức ăn bằng điện.
Máy rửa chén đầu tiên, được cấp bằng sáng chế vào năm 1886, gồm có một cái giá, nồi nước nóng, bánh xe và áp lực nước cao. Bản thân nhà phát minh Josephine Cochrane không bao giờ dùng máy rửa chén; tuy nhiên, máy đã làm cho cuộc sống dễ dàng hơn đối với những người giúp việc.
Máy rửa chén
Cochrane thiết kế mô hình máy rửa chén đầu tiên trong nhà kho phía sau nhà cô ở Shelbyville, Illinois để bảo vệ các chén đĩa bằng sứ trong lúc rửa chúng. Một người thợ máy tên George Butters đã hỗ trợ cô trong việc chế tạo chiếc máy rửa chén đầu tiên này. Ông cũng là một nhân viên tại nhà máy rửa chén ban đầu.
Để chế tạo máy, trước tiên cô đã đo lường các chiếc đĩa và xây dựng các khung kim loại, mỗi bộ phận được thiết kế đặc biệt để vừa vặn với các chén đĩa. Các ngăn được đặt bên trong một bánh xe nằm phẳng bên trong lò hơi bằng đồng. Một động cơ quay bánh xe đồng thời nước xà phòng nóng phun lên từ đáy nồi hơi và đổ xuống các chén đĩa.
Máy rửa chén của cô là máy đầu tiên sử dụng áp lực nước thay cho các bàn chải làm sạch những chén đĩa bên trong máy. Cô đã nhận được bằng sáng chế vào ngày 28.12.1886. Nhưng mãi đến những năm 1950, các máy rửa chén mới thông dụng vì vào thời điểm này những ngôi nhà ngoại ô mới được xây dựng với hệ thống ống nước bơm nước nóng.
Những thông tin liên lạc giữa các con tàu trên biển đã từng bị hạn chế đối với những chiếc đèn lồng và các lá cờ màu sắc. Martha Coston không tự mình đưa ra khái niệm về pháo sáng tín hiệu. Cô đã phát hiện ra nó trong sổ tay người chồng quá cố của cô.
Pháo sáng tín hiệu
Cô đã trải qua khoảng 10 năm làm việc với các chuyên gia và các nhà hóa học về pháo hoa để biến khái niệm thành hiện thực. Tuy nhiên Martha đã được cấp bằng bằng sáng chế năm 1971, còn người chồng quá cố của cô được ghi nhận là người sáng tạo.
Katharine Blodgett, nhà khoa học của công ty General Electric, đã tìm ra cách để chuyển đổi các lớp phủ đơn phân tử thành kim loại và thủy tinh vào năm 1935. Kết quả: thủy tinh loại bỏ được sự biến dạng và ánh sáng chói mắt. Điều này là cuộc cách mạng lớn về kính mắt, kính hiển vi, camera và hơn thế nữa…
Kính không phản chiếu
Katherine Burr Blodgett (1898-1979) được xem là người phụ nữ của nhiều sáng tạo đầu tiên. Bà là nhà khoa học nữ đầu tiên được tuyển dụng bởi Phòng thí nghiệm Nghiên cứu General Electric ở Schenectady, New York (1917) và là người phụ nữ đầu tiên có bằng tiến sĩ Vật lý của Đại học Cambridge (1926). Bà là người phụ nữ đầu tiên nhận Giải thưởng của Hội Nhiếp ảnh Mỹ và được Hiệp hội Hóa học Mỹ tôn vinh bà với huy chương Francis P.Garvin.
Năm 1950, Elizabeth Lee Hazen, một nhà khoa học người Mỹ, cùng với Rachel Brown, đã tìm thấy Nystatin, một loại thuốc kháng sinh không độc hại, có tác dụng chống nấm, cung cấp phương pháp điều trị bệnh an toàn và hiệu quả cho con người. Nystatin đã được chứng minh là tác nhân hiệu quả nhất chống lại các loại nấm Aspergillus và bệnh nhiễm nấm Candida trong miệng, da, các vùng âm đạo và đường ruột.
Bà Hazen (trái) và Rachel Fuller Brown
Sự nghiệp của bà Elizabeth Lee Hazen (24.8.1885 – 24.6.1975) tập trung vào khoa học và nghiên cứu. Công trình của bà đã có nhiều ứng dụng khác nhau, từ việc cứu vãn các loại cây bị nhiễm bệnh cho tới khôi phục lại các bức tranh và tác phẩm nghệ thuật bị hư hỏng do nấm mốc.
Ống tiêm y tế
Năm 1899, bà Letitia Geer ở New York đã chế tạo ra ống tiêm y tế điều khiển bằng tay và đã được cấp bằng sáng chế cho phát minh này. Kết cấu là một ống hình trụ, với một van đẩy và một thanh điều khiển được uốn cong để tạo thành một thanh đẩy êm và vững chắc khi bơm thuốc từ xy lanh.
Tiến sĩ Maria Telkes, người tiên phong và là nhà vật lý năng lượng mặt trời, đã hợp tác với kiến trúc sư Eleanor Raymond để xây dựng ngôi nhà đầu tiên hoàn toàn được làm nóng bằng năng lượng mặt trời vào năm 1947.
Sưởi ấm bằng năng lượng mặt trời
Bà là người phát minh nhiều các thiết bị nhiệt thực tế, bao gồm một thiết bị khử muối thu nhỏ để sử dụng trên các xuồng cứu sinh, dùng năng lượng mặt trời để ngưng tụ nước uống. Thiết bị chưng cất nước uống này đã cứu mạng cho các phi công và thủy thủ khi họ lênh đênh trên biển và không có nước uống. Từ đó, bà có biệt danh “Nữ hoàng mặt trời”.
Nancy Johnson, một bà nội trợ đến từ Anh, đã phát triển chiếc tủ đông kem làm bằng tay vào năm 1843, kiểu thiết kế được cấp bằng sáng chế của bà vẫn được sử dụng cho đến ngày nay, kể cả sau khi có sự xuất hiện của những máy làm kem vận hành bằng dòng điện.
Bà Nancy Johnson và thiết bị làm kem đầu tiên
Nancy Johnson nhận bằng sáng chế đầu tiên cho thiết bị này vào ngày 9.9.1843 tại Philadelphia. Tuy nhiên, bà không có đủ tài chính để sản xuất sáng chế của mình nên sau đó đã bán bằng sáng chế của mình cho William Young, một người buôn bán vật dụng nhà bếp, với giá 200 USD; sau đó, ông này đã bắt đầu sản xuất và bán rộng rãi các máy làm kem lạnh.
Máy làm kem ngày nay
Theo Doanh nhân +
Bình Luận