Nguồn cơn của cô đơn, trầm cảm là những kỷ niệm đẹp vụt tan, yêu thương bất thành... Nhưng đừng vì thế mà tự tay thắt chiếc thòng lọng cuộc đời mình.
Nguồn cơn của cô đơn, trầm cảm là những kỷ niệm đẹp vụt tan, yêu thương bất thành... Nhưng đừng vì thế mà tự tay thắt chiếc thòng lọng cuộc đời mình.
Mr. Cà Vạt là một câu chuyện không quá dài, không quá nặng nề về những nỗi cô đơn đã trở thành “thương hiệu” của nhiều thế hệ người Nhật Bản. Cuốn sách là tập hợp của những cuộc đối thoại và những hồi tưởng, qua lời kể của hai người đàn ông.
Sách Mr. Cà Vạt.
Hikikomori, thất nghiệp, nỗi buồn... đặt trong bối cảnh Nhật Bản hiện đại, dường như nội dung của Mr. Cà Vạt không có gì là mới mẻ nữa. Vậy điều gì khiến cuốn sách được bạn đọc khắp nơi yêu thích? Có lẽ, bởi sự khác biệt của câu chuyện này là nó chỉ xoay quanh những cuộc đối thoại của hai người đàn ông, hay chính xác hơn là giữa một người đàn ông và một chàng trai trẻ.
Trong đời thực, chúng ta có bao nhiêu cơ hội được thấy hai người nam giới mở lòng tâm sự với nhau, lại còn là tâm sự về nỗi buồn, lại còn không hề có sự mở đường của ly bia chén rượu? Khoa học vốn đã tổng kết rằng đàn ông có xu hướng không thích thể hiện nỗi buồn của mình, đôi khi thậm chí họ chuyển hóa cảm xúc ấy thành sự giận dữ.
Vậy thì, một người đàn ông trung niên thất nghiệp, với một chàng trai xa lánh xã hội, có gì để tâm sự với nhau?
“Dù không tự do, ta vẫn liên tục phải đưa ra quyết định và phải chịu trách nhiệm cho hệ quả của chúng. Và vì thế mà sau mỗi quyết định ta lại mất thêm tự do nữa". Câu nói của Mr. Cà Vạt đã tổng kết lại quy luật cho bi kịch kéo dài nhiều thế hệ, có lẽ không chỉ ở riêng Nhật Bản, mà còn có thể bắt gặp ở bất cứ quốc gia nào.
Nguồn cơn của trầm cảm, của nỗi sợ hãi loài người, của những lần khát khao được lao xuống đường ray tàu điện ngầm... đều bắt đầu từ những yêu thương vụt khỏi tầm tay, những kỷ niệm tươi vui mờ dần do dòng đời xô đẩy.
Câu chuyện trưởng thành của chàng trai trẻ và người đàn ông trung niên dường như có rất nhiều điểm tương đồng, khi họ cùng được dạy dỗ phải quy phục cuộc đời, không được phép phản kháng, không được phép đấu tranh để bảo vệ điều mình yêu quý.
Và cuối cùng, thứ duy nhất họ phải vật vã đấu tranh chính là nỗi đau khổ của mình, đấu tranh với chính giá trị của mình, để dần dần tin rằng mình không có giá trị.
Hikikomori là hiện tượng không quá hiếm gặp trong xã hội Nhật Bản. Ảnh: Maika Elan.
Trong suốt 140 trang sách, từ “cố thủ” được nhắc đến một lần duy nhất, nhưng lại xoáy sâu vào nỗi băn khoăn của người đọc. Khi không được phép phản kháng, có những người chỉ còn một phương án duy nhất là “cố thủ”.
Người đàn ông thất nghiệp “cố thủ” trong thói quen rời khỏi nhà mỗi ngày, để không phải đối mặt với nỗi thất vọng của người vợ, không phải đối mặt với một chương mới của cuộc đời khi không còn công việc hơn ba mươi năm gắn bó.
Chàng trai trẻ “cố thủ” trong căn phòng, trong im lặng, trong sự cô độc của chính mình, để không phải đối mặt với sự tàn nhẫn của bạn bè đồng trang lứa, không phải đối mặt với kỳ vọng khuôn mẫu của mẹ cha.
Khó có thể nói là họ hèn nhát, bởi qua những câu chuyện họ kể, ta nhận ra, họ không hề được dạy cách nuôi dưỡng lòng can đảm, hay thậm chí là ngược lại, họ bị ép buộc phải từ bỏ lòng can đảm của mình.
Đó chẳng phải là cách mà rất nhiều người trong số chúng ta từng được giáo dục đó sao, ngoảnh mặt đi trước nỗi đau, bịt tai lại trước tiếng cười của người khác?
Đọc Mr. Cà Vạt vào những ngày đầu hè, ta nhận ra cuộc sống còn nhiều ngày tươi đẹp phía trước.
Câu chuyện của Mr. Cà Vạt được kể lại qua lời ngôi thứ nhất của Taguchi Hiro - chàng thanh niên ẩn dật dành cả ngày để ngồi ở công viên. Đôi khi, ta cảm thấy như có đến hai Taguchi.
Một Taguchi cục cằn với cảm xúc đứt đoạn khi dẫn truyện, khi tác giả Milena Michiko Flasar sử dụng những câu ngắn liên tiếp, không chủ ngữ, không vị ngữ, đôi khi chỉ là một từ. Đó dường như là cách nói năng đặc trưng của những Hikikomori, những người muốn tối giản ngôn ngữ, tối giản giao tiếp và tối giản suy nghĩ đến mức như muốn co lại đến vô cực.
Nhưng còn một Taguchi khác, một khi đã thực sự cất lời trong đối thoại, thì như muốn tuôn trào đến vô cực của ngôn từ, với những câu rất dài, độc giả tưởng chừng như có thể tưởng tượng ra cậu nói xong là muốn đứt hơi và nức nở.
Taguchi tự nhận mình không phải là một Hikikomori điển hình, nhưng biết đâu, hóa ra mọi Hikikomori đều giống như cậu, không hề muốn cắt đứt mọi liên lạc với thế giới, mà thực ra xiết bao khao khát được kết nối với một tri kỷ hiểu thấu nỗi lòng mình.
Người đàn ông trung tuổi thất nghiệp có tên là Ohara Tetsu, nhưng cái tên ấy gần như tan đi ngay khỏi trang giấy và nhường chỗ cho cái tên Mr. Cà Vạt. Chiếc cà vạt được mô tả không khác gì một chiếc thòng lọng trói buộc định mệnh của người đàn ông này ngay từ những năm tháng trong sáng nhất của cuộc đời.
Nhưng rồi, khi Mr. Cà Vạt tháo bỏ chiếc cà vạt, tự giải phóng cho mình, thì sợi thòng lọng làm bằng lụa cao cấp ấy lại chuyển hóa thành biểu tượng của một niềm hy vọng.
Mr. Cà Vạt có lẽ là một cuốn sách rất phù hợp để đọc vào thời tiết đầu hè, đất trời chuyển mình và ai ai cũng dễ nhìn ra được trước mắt còn rất nhiều ngày tươi sáng. Và có thể, vào một ngày đẹp trời như thế, hãy thử tản bộ ở công viên để tìm xem liệu có hai người đàn ông nào đang ngồi tâm sự với nhau?
Cuộc đời thực có thể sẽ không lý tưởng như một cuốn tiểu thuyết best-seller, nhưng biết đâu, kết nối của ta đối với thế gian có thể hoàn toàn thay đổi chỉ bằng một cái gật đầu đáp lại nụ cười của một người xa lạ.
Theo Zing
Bình Luận