Hãy cùng điểm lại năm tựa phim điện ảnh xoay quanh người da màu đã gây ấn tượng với khán giả về cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ cho bình quyền trên thế giới trong chiều dài lịch sử loài người.
Dù cho có bao nhiêu mặt trái của vấn đề đi nữa, luôn có một sự thật ta phải thừa nhận: phân biệt chủng tộc là một vấn nạn hiện hữu và cực kỳ nghiêm trọng. Những năm gần đây, rất nhiều bộ phim điện ảnh xoay quanh người da màu được đánh giá cao bởi giới phê bình và ở các giải thưởng quan trọng như Oscar không chỉ bởi mang tới câu chuyện chân thực trong đời sống mà còn bởi ngôn ngữ điện ảnh đậm chất nghệ thuật, giàu tính biểu tượng và truyền tải cảm xúc mạnh mẽ.
Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Harper Lee, To Kill A Mockingbird không lấy câu chuyện chủng tộc làm trung tâm mà cho ta thấy bối cảnh toàn diện hơn về xã hội Mỹ lúc bấy giờ qua góc nhìn ngây thơ của cô bé Scout về sự nghèo đói, vấn đề súng đạn, những lời kì thị đồn thổi và trên tất cả là tình người.
Cha của Scout là một luật sư giỏi, ông đã đứng ra bào chữa cho Tony – một người da màu bị kết tội oan dù cho việc đó đẩy ông và gia đình vào nguy hiểm khi chịu đựng sự phản đối và kích động từ cộng đồng. Người đàn ông ấy vẫn bị kết tội, như một điều không thể hiển nhiên hơn khi là một người da màu đứng trước bồi thẩm đoàn da trắng. Những giọt nước mắt của Atticus khi nghe tin Tony bỏ trốn và “vô tình” bị bắn chết là giọt nước mắt bất lực của một tâm hồn thiện lương trong bối cảnh bất công xã hội đạt tới đỉnh điểm, xóa mờ mọi lý lẽ dẫn chứng và đạo đức con người.
Một trong chín tuyệt phẩm của vị đạo diễn quái kiệt Quentin Tarantino, Django Unchained là câu chuyện về gã nô lệ da đen Django đã may mắn được thả tự do và lên đường đi tìm người vợ đã bị bán làm nô lệ. Trong chuyến đi ấy Django đồng hành cùng một tay thợ săn chuyên lùng giết tội phạm truy nã đổi lấy tiền thưởng dưới lốt bác sĩ nha khoa. Bối cảnh của bộ phim điện ảnh này diễn ra ở miền nam nước Mỹ trước khi nội chiến nổ ra, người da đen vẫn bị coi là một lũ dơ bẩn, một món hàng để những ông chủ điền trang mua về làm người hầu hoặc đấu sĩ để thỏa mãn thú vui man rợ.
Vẫn là những phân cảnh bạo lực đầy máu quen thuộc, với sự góp mặt của dàn diễn viên tên tuổi Jamie Foxx, Christoph Waltz và Leonardo Dicaprio, bộ phim điện ảnh này đã xuất sắc đem về một tượng vàng Oscar cho hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc nhất và luôn lọt top những tác phẩm đáng xem về sự nổi dậy giành lấy tự do của người da màu dù ở bất kỳ thời đại nào chăng nữa.
Tái hiện lại một trong những sự kiện nổi tiếng nhất trong hành trình đấu tranh đòi bình quyền của người da màu tại Mỹ – cuộc diễu hành từ Selma tới Montgomery của 8000 người da đen khởi xướng bởi nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Martin Luther King.
Bộ phim điện ảnh trên đem đến một góc nhìn gần gũi hơn về ông với những phút yếu đuối như một người bình thường gánh trên vai trách nhiệm quá lớn, những mâu thuẫn giữa tư tưởng lớn lao và gia đình nhỏ bé và khó khăn khi là một trong những người đi đầu phong trào đấu tranh bất bạo động, làm sao để giữ chắc yếu tố “không bạo lực” khi người da màu tiếp tục bị chính quyền đàn áp không nương tay bằng roi, gậy và súng đạn, làm sao để máu của những người đã ngã xuống không trở thành vô ích. Đây cũng là vấn đề gây nhiều ý kiến trái chiều mà thậm chí những cuộc biểu tình ngày nay ở khắp nơi trên thế giới vẫn phải đối mặt.
Nhẹ nhàng và êm dịu như ánh trăng bên bờ biển, Moonlight là câu chuyện về cuộc đời buồn đau, nhiều ẩn ức của cậu bé Chiron.
Lớn lên trong một khu vực tập trung sinh sống của người da đen, dù ngay giữa những người cùng màu da với mình, Chiron vẫn bị cô lập, hàng ngày đối diện với người mẹ nghiện ma túy, với sự bắt nạt của bạn bè ở trường. Rồi như một lẽ hiển nhiên, Chiron cũng bị cuốn vào vòng xoáy tù tội. Bên cạnh những vấn đề nhức nhối khác như bạo lực, ma túy, trộm cắp, bất công,… đề tài đồng tính cũng được nhắc tới như một khoảng lặng trong bản nhạc buồn man mác về số phận bé nhỏ của Chiron.
Không có những cuộc biểu tình, không có sự đàn áp, thậm chí không có lấy một người da trắng xuất hiện trong bộ phim điện ảnh này, nhưng Moonlight vẫn truyền tải được tới khán giả một cách đầy đủ thông điệp không chỉ về bình đẳng sắc tộc mà còn về quyền con người, khát khao được hòa nhập, được cho đi và nhận lại yêu thương.
Dù gây rất nhiều tranh cãi khi đoạt Oscar ở hạng mục Phim xuất sắc nhất nhưng không thể không thừa nhận rằng Green Book đã mang đến một câu chuyện đẹp về mối quan hệ giữa người với người, giữa Don Shirley – một nghệ sĩ piano da màu nổi tiếng, học thức cao, giàu có và Tony Lip – vệ sĩ gốc Ý da trắng. Trong hành trình Tony đưa Don lưu diễn dọc miền nam nước Mỹ, hai người đàn ông đã trải qua nhiều chuyện, có cơ hội trải lòng, thấu hiểu và trở nên thân thiết.
Khán giả cũng được dịp nhìn thấy sự phân biệt chủng tộc diễn ra ở mọi thời đại dưới mọi hình thức khác nhau. Don Shirley dù là ông chủ, là một kẻ giàu có, nổi tiếng, sống trong một tòa lâu đài xa hoa nhưng rời sân khấu bước ra xã hội, gã vẫn chỉ là một người dan đen hèn kém, phải ở trọ trong một khu tồi tàn xập xệ, không được ăn cùng hay đến những nơi vui chơi giải trí của người da trắng. Thậm chí, chính vì sự xa hoa lộng lẫy mà Don bị cả những người cùng màu da với mình ghét bỏ. Không hòa nhập được với người da trắng, tự tách biệt bản thân khỏi người da màu, lại thêm việc là đồng tính, Don Shirley trở nên lạc lõng với thế giới xung quanh cho tới khi gặp Tony Lip, người duy nhất chấp nhận và đối xử với Don như bạn bè, một tình bạn hiếm thấy vượt ra khỏi những tư tưởng nặng nề của xã hội lúc bấy giờ.
Theo ELLE Man
Bình Luận